Nâng cao chỉ số tiếp cận Điện:

Cần sự vào cuộc đồng bộ

07:54 | 26/10/2014

497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ số tiếp cận điện được xem là một trong những tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của một quốc gia. Chính vì vậy, nâng cao chỉ số tiếp cận điện được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện của ngành điện. Và theo ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ngành điện đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Năng lượng Mới số 368

Nhiều thách thức

Đối với ngành điện, chỉ số tiếp cận điện được hiểu là khoảng thời gian từ khi khách hàng làm thủ tục đăng ký sử dụng điện đến khi được sử dụng điện. Chỉ số tiếp cận điện vì thế được xem là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng phục vụ khách hàng… Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2013 đã tụt 21 bậc so với năm 2012, xếp thứ 156/189 khi một doanh nghiệp mất trung bình 115 ngày để tiếp cận điện năng. Và theo WB thì đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam tụt 1 bậc, xuống đứng thứ 99 trong 189 nền kinh tế được xếp hạng về môi trường kinh doanh.

Nói như vậy để thấy rằng, chỉ số tiếp cận điện năng không chỉ phản ánh chất lượng phục vụ của ngành điện mà còn gián tiếp tác động đến sức thu hút đầu tư, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì thế, tháng 3-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP yêu cầu ngành điện phải rút ngắn chỉ số tiếp cận điện từ 115 ngày xuống còn 70 ngày.

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành điện cấp bách là vậy nhưng theo nhận định chung, để thực hiện mục tiêu rút ngắn thời gian tiếp cận điện đối với ngành điện sẽ gặp không ít khó khăn. Đầu tiên phải kể đến không ít các trường hợp công trình điện đã hoàn thành mà không được nhà đầu tư sử dụng điện việc thu bảo lãnh hợp đồng mua bán điện rất khó thực hiện và không tương xứng với chi phí đã đầu tư công trình điện. Nhiều nhà đầu tư mới trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, tìm hiểu dự án cũng đã gửi văn bản đề nghị cấp điện, hoặc đã ký hợp đồng mua bán điện xong, nhưng chây ỳ không chịu nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng… những trường hợp này khó có thể thực hiện đạt chỉ số tiếp cận điện năng.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Thi công đường dây cấp điện ở Hà Nội

Đặc biệt, để giảm thời gian cấp điện thì một trong những yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với ngành điện là phải có dự phòng vật tư thiết bị và như thế sẽ bị áp lực đối với chỉ tiêu tồn kho, tồn đọng một lượng lớn vốn lưu động, dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả. Trong khi đó, vốn đầu tư của ngành lại nhiều khó khăn nên sẽ chỉ thực hiện được bằng cách huy động vốn vay thương mại trong nước, có lãi suất cao và thời gian vay ngắn…

Còn theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), hiện có 14 thủ tục liên quan đến tiếp cận điện năng, trong đó có 3 thủ tục do ngành điện thực hiện, còn lại do khách hàng và các đơn vị ngoài ngành điện thực hiện (ví dụ thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hướng tuyến; cấp phép đào đường vỉa hè, báo cáo đánh giá tác động môi trường...). Và một trong những trở ngại lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án cấp điện cho khách hàng là vấn đề đào đường, vỉa hè, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khi phải được sự đồng ý của nhiều sở, ngành.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Lộc còn cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân trên thì trong một số trường hợp, thời gian cấp điện cho khách hàng kéo dài còn do khách hàng thiếu vốn đầu tư, ngừng thi công hoặc vướng mặt bằng… Thêm vào đó, năng lực của một số chi nhánh điện lực chưa đáp ứng được yêu cầu, một số địa phương lưới điện quá tải do phụ tải phát triển nhanh không theo quy hoạch, đơn cử như khu vực nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nỗ lực của ngành điện

Như đã đề cập ở trên, giảm thời gian tiếp cận điện hiện đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành điện. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, ngành điện phải đối diện với không ít khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình sản xuất - kinh doanh của EVN 9 tháng năm 2014, qua rà soát quy trình, thủ tục, EVN xác định, đối với xây dựng công trình trung áp, thời gian hoàn thiện thủ tục do Tập đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước là 37 ngày. Và như vậy, nếu so với mục tiêu đề ra (tức 70 ngày), khách hàng sẽ có 33 ngày để hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Được biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngành điện đã rà soát lại toàn bộ phân cấp, điều chỉnh nội bộ trong các tổng công ty và công ty điện lực; thực hiện song song một số công việc thông qua thỏa thuận với cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện về thủ tục thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy và đánh giá tác động môi trường.

Đồng thời, EVN cũng chủ động thực hiện các biện pháp như bố trí giải quyết kịp thời vốn, vật tư thiết bị, rà soát lại phân cấp, cơ chế đầu tư, trình tự thủ tục thực hiện để rút ngắn thời gian khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án, để đảm bảo đầu tư công trình đường dây, trạm biến áp cấp điện cho khách hàng... Với những giải pháp như trên, trong 9 tháng năm 2014, 88% trường hợp cấp điện mới có đầu tư xây dựng đường dây trung áp và trạm biến áp có thời gian cấp điện mới tối đa 48 ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Nguyễn Tấn Lộc khẳng định, mục tiêu giảm chỉ số tiếp cận điện xuống 70 ngày là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để thực hiện tốt yêu cầu này, bên cạnh những nỗ lực của ngành điện thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ các bên. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan cần sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết. UBND các địa phương chỉ đạo các ban, ngành trực thuộc nghiêm túc và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp mua và bán điện phải tích cực thỏa thuận phương án triển khai sao cho hiệu quả nhất.

Thanh Ngọc


 

  • el-2024