6 năm giữ vững dòng điện

07:00 | 10/09/2014

527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong ngành điện, hệ thống đường dây truyền tải được xem là “huyết mạch” đưa dòng điện đi khắp mọi miền đất nước, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ điều này, trong 6 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giá truyền tải điện còn thấp, tình trạng quá tải xảy ra trên nhiều đường dây, trạm biến áp… nhưng với tinh thần và ý trí quyết tâm cao nhất, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”.

Năng lượng Mới số 354

Khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực là nền tảng

Chính thức được thành lập ngày 1/7/2008 trên cơ sở tổ chức lại 4 công ty truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam, với vốn điều lệ là 7.200 tỉ đồng, EVNNPT chính là đơn đơn vị duy nhất thực hiện chức năng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành lưới điện truyền tải Quốc gia trong phạm vi cả nước. Và theo ông Đặng Phan Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT, từ khi thành lập đến nay, EVNNPT đã đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng; góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp đủ điện cho đất nước.

Dòng điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định và thông suốt chính là khẳng định cho sự lớn mạnh, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ các đơn vị truyền tải điện. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, lại chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 nhưng tổng công ty vẫn hoàn thành một loạt công trình lưới điện trọng điểm, cấp bách như mạch vòng 500kV Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình; đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông…

6 năm giữ vững dòng điện

Sửa chữa đường dây 500kV

Thành tích đáng ghi nhận đó bắt nguồn từ việc các công ty truyền tải chú trọng nắm bắt công nghệ mới áp dụng vào quản lý như: Trang bị corocam để ghi hình vầng quang điện trên các chuỗi sứ nhằm kịp thời xử lý  ngăn chặn sự cố do phóng điện; Sử dụng sứ composit lắp cho các đoạn đường dây ở khu vực dễ bị nhiễm bẩn; lắp đặt hệ thống trụ dự phòng khẩn cấp (trụ kema) ở đoạn đường dây để thay thế vận hành trong một thời gian ngắn khi bị sự cố; Công nghệ giám sát dầu online và phóng điện cục bộ máy biến áp nhằm sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố; Thực hiện sửa chữa cáp quang bằng máy bay trực thăng; Ứng dụng thành công công nghệ sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện… Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn và ổn định lưới điện 500kV, ngoài các giải pháp kỹ thuật, còn cần phải làm tốt công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Vì vậy, cùng với việc tăng cường kiểm tra hành lang đường dây, các công ty Truyền tải đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ hành lang lưới điện.

Ngoài ra, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng đạt được nhiều kết quả. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được đẩy mạnh. Từ năm 2008 đến nay, toàn EVNNPT đã có hơn 1.000 sáng kiến và đề tài nghiên cứu khoa học được nghiên cứu, áp dụng, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao như đề tài Lập Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500kV đã đạt giải Nhất; Đề tài: Vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao đạt giải Nhì tại Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2011 (VIFOTEC)…

Sẵn sàng đương đầu với thử thách

6 năm là một quãng thời gian không dài nhưng vượt lên mọi khó khăn về cơ sở hạ tầng, thiếu thốn về vốn, khối lượng công việc EVNNPT đã làm được lại hết sức ấn tượng. Và đây chính là nền tảng để EVNNPT tự tin đương đầu với những thử thách, khó khăn trong thời gian tới.

“Những thành tích mà các thế hệ cán bộ, công nhân viên EVNNPT đạt được trong thời gian qua là rất lớn nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ là rất nặng nề. Lưới điện truyền tải vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải còn xảy ra ở nhiều khu vực, nguy cơ sự cố gây mất điện trên diện rộng cao; khối lượng đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải các năm tới rất lớn, bình quân giai đoạn 2014-2020, EVNNPT sẽ phải đầu tư trên 17.000 tỉ đồng/năm; Tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đã trải qua trong thời gian qua...” - ông Tường đề cập.

Và để hoàn thành sứ mệnh “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”, trong thời gian tới, EVNNPT sẽ tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để vận hành an toàn các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam; tìm mọi giải pháp để giảm chỉ tiêu sự cố và tỷ lệ tổn thất điện năng... đầu tư mở rộng kết hợp với cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu để đến năm 2020 Việt Nam có một hệ thống lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh; Tập trung, tìm mọi giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách.

Ngoài ra, giá truyền tải điện cần đạt tới mức hợp lý để có thể bảo toàn và phát triển được phần vốn nhà nước đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính theo quy định, có đủ vốn phục vụ cho công tác đầu tư xây dựng và có lợi nhuận. Đảm bảo thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng, đặc biệt quan tâm và ưu tiên thu xếp nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài khác có thời hạn vay dài, lãi suất vay thấp. Xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch; Tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu EVNNPT và đề án đổi mới tổ chức và quản lý của các đơn vị giai đoạn 2012-2015; thực hiện tin học hóa các lĩnh vực quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý và tăng năng suất lao động; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trong quá trình đầu tư xây dựng các đường dây và trạm biến áp nhằm đáp ứng yêu cầu của các cấp độ thị trường hóa ngành điện; đầu tư, nâng cao năng lực thí nghiệm, sửa chữa và xử lý sự cố; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung phục vụ công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; bồi thường giải phóng mặt bằng; Giá truyền tải điện; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện Quốc gia; các sự kiện quan trọng của tổng công ty và ngành điện…

Với những kết quả đã đạt được và các mục tiêu, giải pháp cụ thể trên, ông Tường tin tưởng EVNNPT sẽ phát triển ổn định, bền vững!

Từ khi thành lập đến nay, EVNNPT đã đầu tư trên 61.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư thuần đạt gần 44.000 tỉ đồng; đóng điện đưa vào vận hành an toàn tổng cộng 244 công trình, trong đó có 3.332km đường dây 500kV, đưa khối lượng quản lý vận hành tăng gần gấp đôi so với thời điểm thành lập, 4.249km đường dây 220kV, đưa khối lượng quản lý vận hành tăng 1,56 lần so với thời điểm thành lập, 11 trạm biến áp 500kV, 24 trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng máy biến áp tăng thêm là 25.600MVA, đưa khối lượng quản lý vận hành tăng hơn hai lần so với thời điểm thành lập.

Thanh Ngọc