Petrovietnam đi tìm dầu ở nước ngoài

10:32 | 23/03/2015

|
(PetroTimes) - Năm 1998 cận kề với ngưỡng cửa thế kỉ XXI. Kết quả 20 năm tìm kiếm thăm dò (1978-1998) và 12 năm khai thác (1986-1998), Tổng Công ty Dầu khí, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) đã có ngân hàng dữ liệu để đánh giá tiềm năng dầu khí Việt Nam.

Lý do, các hình thức khởi đầu ra nước ngoài

Dựa vào các số liệu dự báo về nhu cầu năng lượng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế sau năm 2010, PVN thấy cần thiết phải đầu tư tìm kiếm thăm dò (TKTD), khai thác dầu thô ở nước ngoài để bảo đảm an ninh năng lượng. Tháng 12/1987, Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam), nhưng lại chưa có luật cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Để có cơ sở pháp lý, năm 1998 PVN đã dự thảo và trình Chính phủ một cơ chế xin được đầu tư ra nước ngoài. Sau 2 năm với nhiều cuộc hội thảo liên ngành, nhưng các chuyên gia vẫn chưa thống nhất được nội dung văn bản trình Chính phủ quyết định.

Trước thực trạng: chưa có khung pháp lý, chưa có cơ chế đầu tư, PVN cũng chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm điều hành hoạt động dầu khí quốc tế... PVN đã xin Chính phủ cho phép đầu tư tìm dầu ở nước ngoài bằng bước đi ban đầu là trao đổi một số phần trăm hợp đồng của các nhà thầu dầu khí đang hoạt động ở Việt Nam để đổi lại được quyền tham gia với họ ở nước ngoài. Bằng cách này PVN đã có cơ hội tham gia hợp đồng chia sản phẩm (PSC) lô 19, 21, 22 vùng Tamtsag, Mông Cổ; PSC lô PM-304 ở Malaysia.

Hợp đồng PSC lô 19,21,22 vùng Tamtsag, Mông Cổ.

Được Chính phủ cho phép sửa điều kiện hợp đồng lô 16-1, thềm lục địa phía Nam, với công ty Soco Vietnam đang điều hành, PVN đã nhận quyền tham gia 5% hợp đồng mà Soco đang hợp tác với Mông Cổ tại vùng Tamtsag. Ngày 15/11/1999, được Chính phủ Mông Cổ chấp thuận, Công ty Soco Tamtsag Mongolia Inc, đã kí thỏa thuận chuyển nhượng cho PVN quyền tham gia 5% hợp đồng PSC về TKTD và khai thác dầu khí tại các lô 19,21,22 vùng Tamtsag. PVN đã ủy quyền tham gia cho chi nhánh 100% của mình là Công ty Đầu tư Phát triển (PIDC), ngày 4/5/2007 sáp nhập trở thành Tổng Công ty Thăm dò Khai thác (PVEP).Đáng tiếc, sản lượng dầu khai thác thử quá ít (~300-400 thùng/ngày), nên PIDC đã dừng dự án năm 2006. Tuy nhiên PIDC chưa phải góp vốn vì Soco gánh chịu các chi phí cho đến khi tuyên bố thương mại.

Hợp đồng PSC lô PM-304 ở Malaysia.

Tương tự như dự án ở Mông Cổ, PVN đã chấp thuận cho công ty Amerada Hess tham gia vào PSC lô 16-1, thềm lục địa Việt Nam. Đổi lại, Amerada Hess chuyển nhượng cho PVN quyền tham gia 4,5%PSC lô PM-304 với diện tích 10.260 km2, thuộc thềm lục địa phía đông bán đảo Malaysia, đã kí ngày 23/2/1998. Các bên nhà thầu gồm Amerada Hess (45%), Kufpec (25%), Petronas Carigali - chi nhánh Petronas (30%). Ngày 15/11/1999, Amerada Hess (Malaysia PM-304)Ltd., đã kí thỏa thuận chuyển nhượng 4,5% PSC lô PM-304 cho PIDC. Như vậy, Amerada Hess còn lại 40,5% tham gia. Ngày 20/11/2002 Petronas phê duyệt tuyên bố phát hiện thương mại của nhà thầu cho cấu tạo Cendor và Desaru. Tuy nhiên, Cendor có trữ lượng cận biên về kinh tế nên tháng 6/2004,Amerada Hess (Malaysia PM-304) đã bán cho Petrofac Resources International Ltd., rất có kinh nghiệm phát triển mỏ nhỏ. Để thuận lợi cho việc học hỏi cách quản lý và điều hành hoạt động dầu khí, PIDC đã đàm phán mua thêm 10,5% cổ phần từ Petrofac nâng phần trăm tham gia lên 15%. Sau gần 2 năm phát triển mỏ, ngày 23/9/2006, PVN có dòng dầu đầu tiên ở nước ngoài, từ mỏ Cendor. Đến tháng 11/2006, sản lượng khai thác của mỏ đạt 12.000 thùng/ngày (tương đương 600.000 tấn/năm).

petrovietnam di tim dau o nuoc ngoai

Dòng dầu đầu tiên khai thác từ Mỏ Cendor lô PM-304 Malaysia năm 2006

Trên cơ sở kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài thu lượm được bước đầu, PVN đã tìm những hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn hợp tác để đầu tư. Ta có thể chia các dự án dầu tư thành nhóm như sau: (i) đầu tư ba bên trong những quốc gia khối ASEAN, (ii) đầu tư trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh quốc tế; (iii) đầu tư ở quốc gia có quan hệ đặc biệt.

Đầu tư ba bên trong những quốc gia khối ASEAN

Sáng kiến này của 3 công ty dầu khí quốc gia Petrovietnam, Petronas (Malaysia), và Pertamina (Indonesia). Theo đó, mỗi nước đưa ra một lô để kí hợp đồng về TKTD, khai thác dầu khí với “tổ hợp nhà thầu” gồm 3 công ty này. Công ty nước chủ nhà đầu tư 40% và giữ quyền điều hành, hai công ty kia, mỗi công ty tham gia 30%. Như vậy Petrovietnam có cơ hội đầu tư tìm dầu khí ở 2 địa bàn ngoài nước.

Hợp đồng PSC lô SK-305 ở Malaysia.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa 3 công ty dầu khí quốc gia trong ASEAN, ngày 16/6/2003, tại Kuala-Lumpur, PSC lô SK-305 đã được kí giữa các bên tham gia, với tỷ lệ: Petronas Carigali (chi nhánh 100% của Petronas) 40%, Pertamina Hulu Energy-PHE (chi nhánh 100% của Pertamina) 30% và PIDC 30%. Lô SK-305 nằm ở thềm lục địa Sarawak thuộc Malaysia, có diện tích khoảng 15.050 km2. Các bên tham gia hợp đồng thành lập công ty điều hành chung “PCPP” do Petronas Carigali cử tổng giám đốc. Ngày 9/10/2005, PCPP đã khoan giếng thăm dò đầu tiên SK-305-Dana-1X phát hiện dầu khí, thử vỉa cho lưu lượng dầu 3.100 thùng/ngày.

Hợp đồng PSC lô Randugunting ở Indonesia

Ngày 09/08/2007,PSC lô Randugunting thuộc thềm lục địa Indonesia đã được kí kết giữa các bên tham gia với tỷ lệ: Pertamina Hulu Energi PHE 40% (giữ quyền điều hành), Petronas Carigali 30% và PVEP 30%.Trước đây PIDC chi nhánh của Petrovietnam đi đầu tư ra nước ngoài. Ngày 4/5/2007, PIDC đã sáp nhập thành PVEP, chi nhánh 100% của Petrovietnam, thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở trong và ngoài nước.

Lô hợp đồng nằm ở vùng khó khăn, ít tài liệu nên phải mất nhiều thời gian nghiên cứu địa chất, thu nổ địa chấn thực địa và xử lý… Dự án vẫn trong giai đoạn TKTD.

Đầu tư qua đấu thầu cạnh tranh hoặc đàm phán

Hợp đồng PSC lô 433a, 416b tại Sahara, ở Algerie

Tham gia đấu thầu quốc tế và thắng thầu, ngày 10/7/2002 tại thủ đô Alger, PIDC đã kí hợp đồng với SONATRACH (công ty dầu khí quốc gia Algerie) về thăm dò, thẩm lượng (TDTL) và khai thác dầu khí tại các lô 433a và 416b thuộc vùng Tugur, sa mạc Sahara. Diện tích hợp đồng là 6.472 km2, trước đây đã có 2 phát hiện dầu khí.Thời hạn thỏa thuận là 30 năm đối với dầu và 35 năm đối với khí. PIDC tham gia 75% và Sonatrach tham gia 25%, tuy nhiên, theo quy định của hợp đồng, giai đoạn TDTL, PIDC phải ứng toàn bộ vốn và chịu rủi ro để “gánh hộ”cho Sonatrach. Giai đoạn thăm dò đầu tiên với cam kết tối thiểu 21 triệu USD, khoan 3 giếng, thu nổ địa chấn 300 Km tuyến 2D và 100 Km 3D. Đây là dự án đầu tiên PIDC điều hành ở nước ngoài.

PIDC đã thành lập văn phòng điều hành tại thủ đô Alger. Trong 3 năm đầu (30/6/2003 – 29/6/2006), PIDC đã thu nổ địa chấn vượt cam kết. Năm 2005 đã hoàn thành kế hoạch khoan 3 giếng, trong đó 2 giếng (BRS-6 và BRS-6 bis) trên cấu tạo Bir Seba, (lô 433a) có phát hiện dầu khí với lưu lượng 5.100 thùng/ngày (tương đương 690 tấn/ngày). Trên cấu tạo MOM, khoan giếng MOM-2/MOM-2bis có phát hiện dầu khí với lưu lượng 1.200 thùng/ngày. Từ tháng 6/2006, phía Algerie đã phê duyệt cho PSC bước vào giai đoạn 2 thời kì TKTD.

Nhằm chia sẻ rủi ro, PIDC đã đàm phán chuyển nhượng bớt một phần hợp đồng cho công ty dầu khí quốc gia Thái Lan (PTTEP). Được chính phủ Algerie phê duyệt, thỏa thuận chuyển nhượng đã được kí ngày 8/10/2003.Tỷ lệ tham gia còn lại của PIDC là 40%, giữ quyền điều hành, PTTEP 35%, Sonatrach 25%.

petrovietnam di tim dau o nuoc ngoai

Thử vỉa thành công tại giếng khoan BRS-6Bis, mỏ dầu Bir Seba, lô 433a, Sahara, Algerie

Lần đầu tiên PIDC điều hành hoạt động dầu khí trên sa mạc, khí hậu khắc nghiệt. Từ Alger bay 1.000 Km tới khu mỏ trung tâm Hassi Messout, sau đó chuyển tiếp máy bay cánh quạt bay hơn 100 Km nữa mới tới diện tích hợp đồng. Đi ô-tô cần có hộ tống mà vẫn không an toàn. Địa lý xa, chênh lệch 7 giờ so với Việt Nam, Algerie là nước Hồi giáo, lịch làm việc nghỉ ngày thứ 5 và 6. Tất cả những yếu tố đó hợp thành trở ngại lớn cho việc liên lạc điều hành giữa Hà Nội, Alger và hiện trường mỏ dầu. Với sự cố gắng của tập thể CBNV, PIDC nay là PVEP đang tích cực triển khai công tác phát triển mỏ để có dòng dầu khai thác đầu tiên vào cuối năm 2014.

Hợp đồng PSC lô 67 ở Peru

Với chiến lược mua tài sản dầu khí có sẵn để sớm đưa vào khai thác nhằm có thu nhập đầu tư cho các dự án TKTD, khai thác ở nước ngoài, PVEP đã đàm phán và ngày 21/9/2012 đã kí thỏa thuận với Công ty Perenco mua 52,6% cổ phần của Perenco Peru Limited để sở hữu 50% quyền lợi tham gia Hợp đồng PSC Lô 67 (bao gồm các mỏ Pirana và Dorado). Dự án này đã trở thành tài sản mua ở nước ngoài đầu tiên của PVEP. Ngày 19/4/2012 PVN đã kí PSC Lô 39 nằm ở khu vực lân cận.

Lô 67 có diện tích 1.019 km2 nằm ở phía tây-bắc Peru, thuộc bồn trũng Maranon. Dầu được phát hiện năm 1998 trong đá trầm tích, trữ lượng thu hồi dự kiến 210 triệu thùng dầu. Đây là dầu nặng, đòi hỏi công nghệ khai thác, xử lý, vận chuyển phức tạp, đặc biệt là nơi khai thác nằm trong rừng Amazon, xa căn cứ hậu cần và khu dân cư, hạ tầng cơ sở không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt. Dự án lô 67 là một trong những dự án thử thách nhất đối với liên doanh giữa PVEP và Perenco.

Dòng dầu đầu tiên được khai thác ngày 27/12/2013 với lưu lượng khoảng 6.000 thùng/ngày. Ngày 14/8/2014, sau gần 8 tháng đã khai thác đạt mốc 1 triệu thùng dầu. Dự kiến đến 2015 sản lượng đạt 12.000 thùng/ngày và tăng tốc phát triển đạt đỉnh 60.000 thùng/ngày (3 tr tấn/năm) vào 2018-02019.

petrovietnam di tim dau o nuoc ngoai

Toàn cảnh mỏ PIRANA

Chiều tối ngày 01/4/2014, giờ địa phương, tại thủ đô Lima, Cộng hòa Peru, PVN/PVEP cùng Công ty Perenco đã tổ chức lễ mừng khai thác dòng dầu đầu tiên tại lô 67 Peru. Đây là lần đầu tiên, sau hơn 40 năm, một liên doanh nước ngoài đã vượt qua các khó khăn về địa lý, địa chất, đưa các mỏ vào khai thác tại Peru.

Hiện nay, hàng ngày,20 chiếc xà lan (với tải trọng ~10.000 thùng/chiếc)vận chuyển dầu khai thác từ khu mỏ trong rừng sâu Amazon, vượt hơn 600 km ra đến trạm thu gom dầu quốc gia số 1 của Peru để xuất bán.

Trong tương lai, đường ống dẫn dầu dài khoảng 175km nối từ khu mỏ tới hệ thống đường ống dẫn dầu quốc gia của Peru sẽ được xây dựng để đảm bảo quá trình khai thác dầu ổn định và tiết kiệm chi phí.

Đầu tư ở quốc gia có quan hệ đặc biệt

Phát triển khai thác mỏ dầu Amara ở Iraq (trước 2003)

Trên tinh thần quan hệ hữu hảo giữa hai nhà nước, chính phủ Iraq trước đây đã giành cho Petrovietnam quyền được phát triển mỏ dầu Amara đã phát hiện. Ngày 15/3/2002 được hai chính phủ cho phép, PVN và INOC (Công ty Dầu khí Quốc gia Iraq) đã kí hợp đồng phát triển mỏ Amara. Tuy nhiên, sau chiến tranh, hợp đồng đã không được tiếp tục thực hiện, do chính quyền mới của Iraq không thừa nhận các hợp đồng dầu khí đã kí thời tổng thống Saddam Hussein.

Liên doanh khai thác mỏ dầu nặng Junin-2 ở Venezuela

Venezuela là nước sản xuất dầu lớn ở Châu Mỹ La tinh, có quan hệ tốt với ta từ nửa thế kỉ nay. Đương thời, tổng thống Hugo Chavez muốn ngành dầu khí 2 nước hợp tác thông qua Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Petróleos de Venezuela (PdVSA) và Petrovietnam. Hiện thực hóa Hiệp định hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam và Venezuela đã ký nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hugo Chavez năm 2006, ngày 29/6/2010, hợp đồng thành lập Liên doanh PetroMacareo, Lô Junin-2 thuộc vùng mỏ dầu Orinoco (Venezuela) đã được kí kết tại thủ đô Caracas. Các phía tham gia gồm PVEP 40% và CVP 60% (Tổng Công ty Dầu mỏ Venezuela, chi nhánh của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Petroleos de Venezuela (PdVSA). Đây là một trong 6 liên doanh của PdVSA với đối tác nước ngoài.

Hợp đồng có thời hạn 25 năm, gia hạn tối đa 15 năm, nhằm mục đích khai thác dầu nặng, sơ chế nâng cấp dầu thô và bán sản phẩm. Lô Junin-2, thuộc bang Monagas, cách thủ đô Caracas 450 km. Khu vực phát triển có diện tích 247,8 km², trữ lượng dầu thô tại chỗ là 36,6 tỷ thùng (~5,2 tỷ tấn). Trữ lượng thu hồi trong 25 năm khai thác là 14,7 tỷ thùng dầu, trường hợp gia hạn thêm 15 năm, tổng số dầu khai thác có thể lên tới 25 tỷ thùng (~3,6 tỷ tấn). Tổng mức đầu tư của Dự án giai đoạn 2009-2014 dự tính ~1,8 tỷ USD.

petrovietnam di tim dau o nuoc ngoai

Ngày 27/9/2012, Liên doanh dầu khí PetroMacareo bắt đầu khai thác thùng dầu đầu tiên, sản lượng 800 thùng/ngày. Sau đó sẽ tăng dần và đạt mức 40.000 thùng/ngày sau một năm. Dự kiến sẽ đạt sản lượng đỉnh 200.000 thùng/ngày (10 triệu tấn/năm) vào năm 2016.

Dự án Junin-2 là một trong số dự án lớn của PVN đầu tư ra nước ngoài. Nếu phát triển thuận lợi, phía Việt Nam có thể thu được hiệu quả kinh tế tốt. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013, PVN tạm dừng việc khai thác thử, do bất ổn tại Venezuela: lạm phát tăng cao từ 30%-60%/năm. Chênh lệch tỉ giá trong ngân hàng với ngoài thị trường, giữa đồng nội tệ/USD là10 lần, khiến chi phí tăng cao, trong khi buộc phải sử dụng các dịch vụ của Venezuela tới 50% toàn bộ chi phí.

Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá lại toàn bộ dự án, đàm phán với nước chủ nhà về các điều khoản của hợp đồng, PVEP sẽ tiếp tục dự án khi có các giải pháp rõ ràng, đảm bảo tránh được các rủi ro về tỉ giá, lạm phát của nước sở tại.

Đầu tư ở CHLB NGA

LB Nga hiện nay có trữ lượng xác minh hơn 79 tỷ thùng dầu (thứ tám thế giới), 47,57 nghìn tỷ m3 khí (thứ nhất thế giới). Hàng năm, khai thác khoảng 500 triệu tấn dầu và 547 tỷ m3 khí, là nước có sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu khí lớn bậc nhất thế giới.

Quan hệ truyền thống đặc biệt giữa nhân dân hai nước và hai chính phủ Việt Nam-LB Nga được xây dựng, phát triển và thử thách qua thời gian. Từ 1981, công ty Zarubezhneft đang là đối tác của PVN trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ, Việt Nam, rất có hiệu qủa. Tương tự, công ty điều hành chung “Vietgazprom” giữa PVN và Gazprom (Tập đoàn Công nghiệp Khí đốt lớn nhất của Nga) đã tìm thấy khí và đang tiến hành phát triển mỏ để sớm có khai thác tại lô 113-115 thềm lục địa miền Trung Việt Nam.

Những yếu tố trên đây, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác dầu khí hai nước. Vì vậy LB Nga được coi là địa bàn trọng điểm của PVN, trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Điểm lại các dự án lớn ở LB Nga như sau:

Hợp tác giữa Petrovietnam và Zarubezhneft

Tháng 9-2007, PVN và Zarubezhneft đã ký Thỏa thuận Thành lập Công ty Liên doanh Rusvietpetro (51% Zarubezhneft và 49% PVN)tại Nga để đầu tư vào các dự án dầu khí tại LB Nga và các nước thứ ba. Vì vậy, tháng 12/2008, Rusvietpetro chính thức hoạt động, triển khai việc khai thác dầu khí tại bốn lô, với diện tích khoảng 807 km2, thuộc khu tự trị Nhenhetxky bên bờ Bắc Băng Dương, LB Nga.

Sau hơn một năm tích cực triển khai công tác thực địa, Rusvietpetro đã phát hiện 13 mỏ dầu khí với trữ lượng thu hồi 95,6 triệu tấn dầu. Ngày 30-9-2010, tại Na-ry-an-Mar, thủ phủ Khu tự trị Nhe-nhet-xky, PVN và Zarubezhneft đã tổ chức lễ đón nhận dòng dầu đầu tiên của mỏ Bắc Khôseđai thuộc lô số 1, với sản lượng 3.000 tấn dầu/ngày. Đây có thể được coi là kỳ tích về phát triển mỏ, đưa vào khai thác trong khoảng thời gian ngắn, ở điều kiện thời tiết của miền bắc nước Nga, hết sức khắc nghiệt, nhiệt độ mùa đông thường xuyên xuống dưới mức âm 400C.

Ngày 29/7/2011, đưa mỏ Visovoi thuộc lô số 2 vào khai thác, nâng sản lượng lên 44.000 thùng/ ngày.Năm 2012 đã đưa vào khai thác 3 trong số 13 mỏ có trữ lượng lớn nhất là Bắc Khosedaiu, Visovoi và Tây Khosedaiu.

Năm 2013, Rusvietpetro đã đưa thêm 48 giếng vào hoạt động, nâng quỹ giếng khai thác lên 142 giếng, sản lượng đạt 60.000 thùng/ngày. Đến hết năm 2013, tổng lượng dầu khai thác lũy kế dạt 6,63 triệu tấn, doanh thu ước đạt 3,4 tỷ USD cho mỗi bên tham gia. Giai đoạn 2014-2015, dự kiến đạt sản lượng khai thác đỉnh là 5 triệu tấn và sẽ kéo dài trong 7 năm sau đó.

Hợp tác giữa Petrovietnam và Gazprom

Tháng 12/2009, tại Mát-xcơ-va, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng LB Nga V.Pu-tin, đã chứng kiến PVN và Gazprom ký hợp đồng thành lập Công ty Liên doanh “Gazpromviet” để triển khai dự án Lô “Nogurmanov”, các dự án tại Nga và các nước thứ ba.

Hợp tác giữa Petrovietnam và ROSNEFT

Trong các ngày 2-3/9/2014, nhân dịp đoàn cán bộ cao cấp của PVN làm việc với lãnh đạo Bộ Năng lượng Nga, với chủ tịch các tập đoàn dầu khí lớn, hai bên tìm hiểu việc thành lập liên doanh giữa PVN và Rosneft để thăm dò, khai thác hai mỏ dầu đã được phát hiện, với trữ lượng địa chất khoảng 1 tỷ tấn (trữ lượng thu hồi ~ 200 triệu tấn), ở biển Pechora, nằm ở phía Bắc LB Nga, thuộc Bắc Băng Dương (Bắc Cực).

petrovietnam di tim dau o nuoc ngoai

Vị trí biển Pechora gần Bắc Cực, khu vực Rosneft và Petrovietnam sẽ hợp tác khai thác

Thay lời kết

TKTD, khai thác dầu khí là hoạt động rủi ro cao, xác suất thành công trung bình 1/10. Sau 15 năm đi tìm dầu ở nước ngoài, có thất bại, có thành công, PVN đã thu được kết quả bước đầu có dầu thô khai thác. Là tập đoàn chủ lực của quốc gia, PVN có nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng dầu khí. Vì vậy vẫn phải thực hiện chiến lược đầu tư tìm dầu ở nước ngoài.

Cho đến nay, PVN có quyền lợi tham gia của gần 20 hợp đồng dầu khí ở 16 nước tại châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Ðông, LB Nga và các quốc gia độc lập (SNG) như Uzbekistan, Azecbaizan.

Để chia sẻ rủi ro, PVN chú ý đa dạng hóa địa bàn đầu tư và đối tác hợp tác. Chú ý đến các dự án xa xôi ở Cu Ba, Peru (châu Mỹ), không quên những nước lân cận gần gũi láng giềng Cambodia, Lào, Myanmar...

Ths. Kinh tế dầu khí - KS Đỗ Văn Hà