Y đức lại tụt dốc

14:00 | 27/10/2014

717 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới được mấy tháng nay, những chuyện lùm xùm của ngành y tạm lắng xuống, đang lấy lại niềm tin của dân thì đùng một cái lại xảy ra những vụ việc bất thường, gây xôn xao dư luận. Thật quá thất vọng với sự tụt dốc thảm hại của ngành y!

Ngày 15/10, Công ty may DHA ở tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh) xảy ra vụ ngộ độc thức ăn khiến 300 công nhân phải nhập viện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài cùng xử lý.

Ngộ độc là chuyện thường xảy ra ở một số nhà ăn tập thể lâu nay. Và chuyện cứu chữa bệnh nhân ngộ độc cũng là chuyện tất yếu. Cái đáng bàn ở đây là thái độ ứng xử của ông Phạm Văn Phan, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài. Khi phóng viên của các cơ quan báo chí đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài để đưa tin thì ông Phạm Văn Phan đã có hành vi đe dọa, cản trở phóng viên. Hành động của ông Phan diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; đồng thời còn có mặt của một vị Phó chủ tịch huyện Lương Tài. Đáng chú ý, hành vi của ông Phan có biểu hiện của người say rượu. Chính ông Phan đã thừa nhận rằng, lúc đó ông vừa đi ăn trưa về và có uống rượu.

Hành động hung hăng, lời nói khiếm nhã của ông Phạm Văn Phan trước ống kính phóng viên, được khán giả truyền hình cả nước nhìn thấy, nghe thấy; ai cũng bất bình. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài, người có kinh nghiệm hàng chục năm hành nghề y rồi mà lại có hành động bất nhã như vậy?

Đức Khổng Tử từng nói: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nghĩa là người đã ở tuổi 50 thì biết được cả mệnh trời. Ông Phan đã gần ở tuổi 60, những chuyện đời thường ông phải hiểu rất rõ, pháp luật ông cũng không thể là người còn ngu ngơ. Vậy mà ông lại vi phạm. Báo chí có quyền tác nghiệp, đưa thông tin về vụ ngộ độc và động viên tinh thần cứu chữa bệnh nhân của 2 bệnh viện địa phương. Có điều gì bí mật phải che giấu mà ông lại ngăn cản phóng viên? Mà nếu không gian chật hẹp, có nhiều phóng viên quá thì ông phải có lời lẽ mềm mỏng, thuyết phục đề nghị từng tốp nhà báo thay nhau vào tác nghiệp chứ sao lại xua đuổi, giơ tay che ống kính, chửi bới như hàng tôm, hàng cá như thế. Ông còn lớn tiếng quát nạt: “Tao sắp về hưu rồi. Tao không sợ thằng nào, cút ra khỏi nhà tao!”. Bệnh viện của Nhà nước, của tập thể, của toàn dân tại sao ông lại nói là “nhà tao”.

Là bác sĩ, lại là cán bộ chủ trì, người đứng đầu một cơ quan Nhà nước, ông còn là một đảng viên mà trước bàn dân thiên hạ, trước các nhà báo, ông gầm gào, khua chân múa tay như người mất hết lý chí. Hành động và lời nói ấy rõ ràng ông không còn làm chủ được bản thân. Nó tự phơi bày sự thật là đang lúc nước sôi lửa bỏng cứu chữa hàng trăm tính mạng con người, ông vẫn đi uống rượu.

Chính vì thế, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Bắc Ninh kiểm điểm ông Phan. Và trong văn bản của cuộc kiểm điểm ông Phan, Sở Y tế Bắc Ninh đã phải khẳng định: “Hành vi của ông Phạm Văn Phan vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, tác phong của người cán bộ, đảng viên, nhất là với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, trong hoàn cảnh phải tập trung tổ chức triển khai điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín người thầy thuốc nên cần phải xử lý nghiêm minh”.

 Bước đầu, hình thức xử lý với ông Phan là tạm đình chỉ công tác, thôi giữ chức vụ giám đốc bệnh viện 15 ngày. Sau đó ông Phan sẽ bị “xử lý nghiêm minh” như thế nào nữa thì chưa biết nhưng ông đã bôi thêm một vết nhơ cho ngành y vốn đang mang nhiều tai tiếng.

“Lương y như từ mẫu”, thầy thuốc như mẹ hiền nhưng hành động như ông Phan thì dữ dằn quá, còn đâu bóng dáng mẹ hiền!

Y đức lại tụt dốc

Các công nhân của công ty may DHA bị ngộ độc nằm điều trị tại bệnh viện.

Cũng mấy ngày nay dư luận lại rộ lên vụ bán giấy khám sức khỏe với giá 175 nghìn đồng. Theo phản ánh của nhiều người dân thì các y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã nhiều lần “bán” giấy khám sức khỏe như thế. Thậm chí, theo tố giác của bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Mai Quý Khiêm (SN 1949), nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch thì trung tâm y tế này còn cấp giấy khám sức khỏe cho cả người chết trước đó 8 năm! Đúng là chuyện lạ lùng và hiếm có ở nước ta. Tiếc rằng nó lại có thật.

Chứng cứ: Ngày 28-3-2014, ông Khiêm đã nhờ người đến làm một bộ hồ sơ khám chứng nhận sức khỏe cho anh Nguyễn Đức Dương (SN 1972) trú quán xã Quảng Thọ, Quảng Trạch, người đã… chết trước đó 8 năm.

Trớ trêu thay, trường hợp của anh Dương lại không phải là duy nhất mà còn nhiều trường hợp tương tự khác cũng diễn ra tại trung tâm y tế này khi mọi người không trực tiếp đến khám mà chỉ việc mua hồ sơ tại quầy và nộp 175 nghìn đồng là có ngay giấy khám sức khỏe.

 Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế Quảng Bình làm rõ vụ việc này.

Mới năm ngoái, cả nước bất bình về vụ án động trời “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thế mà Trung tâm Y tế Dự phòng ở Quảng Trạch có đui mù, câm điếc gì đâu lại không cảnh tỉnh, vẫn nhắm mắt làm ngơ để kiếm tiền bất chính như vậy?

Với cách làm tùy tiện như Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Trạch, sẽ có những người mắc bệnh, không đủ sức khỏe được tuyển dụng vào làm việc ở nhiều cơ quan, công sở và doanh nghiệp hoặc đi học ở các nhà trường chuyên nghiệp, đi lái xe, lái tàu. Và ai dám chắc trong số những người mua giấy khám sức khỏe ấy lại không có người mắc bệnh xã hội nguy hiểm.

Lại một vụ khác: Y sĩ Nguyễn Xuân Đô (SN 1984) nhân viên của Phòng Giám định Y khoa tỉnh Bình Phước đã bị bắt quả tang về hành vi sử dụng ma túy vào ngày 11-10, tại ấp 4, xã Tiến Hưng (thị xã Đồng Xoài).

Nếu chỉ riêng chuyện thầy thuốc sử dụng ma túy đã là điều đáng lên án nhưng lật lại vụ việc khá ồn ào liên quan cách đây 2 năm mới càng bộc lộ bộ mặt thật của vị y sĩ giám định này. Y sĩ Đô chính là kẻ đã dùng ghế đánh dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh trong Phòng Giám định Y khoa tỉnh Bình Phước vào ngày 26-12-2012. Dược sĩ Oanh chỉ vì chống tiêu cực, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước nên đã bị Đô đánh để “lấy điểm” với “sếp”. Tháng 9 vừa qua, y sĩ Đô lại được Giám đốc Sở Y tế ký quyết định cho đi học chuyên tu bác sĩ tại Đại học Tây Nguyên. Y sĩ Đô đang chuẩn bị lên đường nhập học thì xảy ra vụ dùng ma túy và bị bắt.

Một thầy thuốc bỉ ổi, làm những điều bậy bạ, vô lương tâm như vậy nhưng được cấp trên bao che, dung túng, vẫn được cất nhắc, vẫn được đi học để trở thành bác sĩ.

Rồi mấy ngày nay, vụ cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung 11 tuổi ở Quốc Oai (Hà Nội) bị tử vong do thái độ tắc trách, vô cảm của các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai. Chẩn đoán sai bệnh lý trong khi tình trạng bệnh nhân ngày càng nguy kịch, gia đình khẩn thiết 5 lần đề nghị được chuyển cháu Nhung lên bệnh viện tuyến trên nhưng điều dưỡng viên không báo cáo và suốt đêm cũng không cử người theo dõi. Thế là dẫn đến cái chết oan khiên của cháu, khiến hàng trăm người dân địa phương phẫn nộ kéo đến bao vây bệnh viện.

Ôi thôi, ngành y còn biết nói gì khi y đức vẫn cứ tụt dốc không phanh?

Đức Toàn

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc