Xin đừng để “hữu sinh vô dưỡng”!

07:08 | 06/05/2015

2,891 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sinh ra một đứa trẻ đã là rất khó và người mẹ phải chịu đau đớn, thậm chí hy sinh cả tính mạng mình để cho con được sống. Nhưng để nuôi dưỡng, dạy dỗ cho đứa trẻ nên người thì còn là cả một quá trình lâu dài và rất không đơn giản.

Năng lượng Mới số 419

Điều ấy thiết tưởng không ai là không hiểu.

Đối với con người đã là vậy, suy rộng ra đối với các ngành nghề kinh tế cũng thế mà thôi.

Trong những năm gần đây, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích cho các ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta phát triển. Nhiều tập đoàn kinh tế chủ lực Nhà nước đã lao vào lĩnh vực này và đầu tư không ít tiền bạc, trí tuệ, công sức.

Xin đừng để  “hữu sinh vô dưỡng”!

Toàn cảnh Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Khi khởi công xây dựng một xí nghiệp phụ trợ thì bao giờ cũng nhận được những lời có cánh của các doanh nghiệp, rằng “chúng tôi sẽ ủng hộ, sẽ tiêu thụ hàng cho các bạn…”; rằng “chúng tôi bên cạnh các bạn…”.

Nhưng than ôi! Đến khi nhà máy cho ra sản phẩm và mặc dù những sản phẩm đó đã được các cơ quan kiểm nghiệm trong nước và quốc tế đánh giá cao, cấp giấy chứng nhận, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lúc này mới thấy sao mà khó vậy. Những đơn vị trước đây đã từng hứa những lời có cánh thì bây giờ giở mặt, với đủ mọi lý do để không mua hàng của doanh nghiệp ấy.

Những lý do họ đưa ra có rất nhiều kiểu, rất nhiều cách. Tuy nhiên, có một điều không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu rằng các doanh nghiệp này bấy lâu nay chỉ quen sống bằng hàng nhập khẩu. Mà khi đã nhập khẩu thì dĩ nhiên họ có “màu”. Họ sẽ được doanh nghiệp nước ngoài mời đi thăm thú du lịch nơi này nơi khác, họ có tiền “bo” đút túi, thậm chí, con họ được tài trợ để đi học nước ngoài… Nói “túm” lại là càng nhập khẩu nhiều thì lãnh đạo của các doanh nghiệp càng dễ kiếm ăn. Mà kiếm ăn kiểu này lại kín đáo, khó bị lộ. Còn nếu như mua sản phẩm của doanh nghiệp trong nước thì sẽ được tiếng là “dùng hàng nội là yêu nước”, rồi thực hiện tốt chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng “màu” bên trong thì chắc chắn không thể nào bằng được nhập hàng từ nước ngoài. Mà một số lãnh đạo các doanh nghiệp bây giờ cũng “thực tế” lắm, không mấy người dám “hy sinh cái thực” -  nghĩa là cần tiền riêng đút túi hơn là để lấy cái danh “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Một trong những điển hình về các doanh nghiệp Nhà nước quay lưng lại chính với các sản phẩm Nhà nước đó là trường hợp Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).

 Khi xây dựng nhà máy này thì ai cũng mừng tưởng rằng, chúng ta sẽ bớt được sự phụ thuộc vào nguyên liệu xơ sợi nước ngoài, sẽ tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến của ngành Dầu khí phát triển… Nhưng hóa ra đến lúc có sản phẩm rồi thì chính các doanh nghiệp Nhà nước lại quay lưng với sản phẩm của Xơ sợi Đình Vũ. Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp nhưng cứ như “nước đổ đầu vịt”. Họ vẫn cứ hăng hái nhập khẩu, họ vẫn tìm cách lần lữa, nại ra đủ mọi lý do để không mua của Xơ sợi Đình Vũ. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu xơ sợi nước ngoài như Thái Lan hoặc một số nước khác thì dường như bắt được thóp của các ông doanh nghiệp này là thích nhập khẩu để ăn hoa hồng, cho nên họ đã nghĩ ra đủ mọi kế, mọi cách để mua chuộc, khống chế và chèo kéo các doanh nghiệp Nhà nước nhập hàng của họ.

Cho tới nay, mới chỉ có 4 doanh nghiệp Nhà nước trong ngành dệt may mua sản phẩm của PVTEX và dĩ nhiên là với số lượng cực kỳ khiêm tốn, chỉ có khoảng 14% tổng sản lượng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân lại mua tới hơn 50%. Về lý thuyết, chỉ cần các doanh nghiệp Nhà nước này giảm đi 40% lượng hàng nhập khẩu của họ mà thay vào đó là mua của PVTEX Đình Vũ thì nhà máy này hoàn toàn có thể chạy hết công suất và làm ăn có lãi.

Ai cũng biết, để một nhà máy non trẻ như Xơ sợi Đình Vũ hoặc các nhà máy khác “đấu” nhau với doanh nghiệp nước ngoài thì phần thua cầm chắc về phía ta.

Nhà máy mới có chi phí khấu hao lớn, khi xây dựng nhà máy không được ưu tiên về vốn liếng, cho nên trả lãi ngân hàng đã ốm rồi. Hơn nữa chúng ta lại thiếu những chính sách bảo hộ một cách thiết thực để cho doanh nghiệp trong nước có thể đứng vững được. Trong khi đó, phía nước ngoài, nhiều nhà máy của họ đã hết khấu hao, họ được ưu đãi tài chính và họ được thoáng đạt hơn trong chi “màu”. Cho nên họ sẵn sàng giảm giá để “đánh chết” doanh nghiệp Việt, họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp “bá đạo” để biến Việt Nam thành sân sau của họ…

Thực tế này ai cũng nhìn thấy và các cấp lãnh đạo còn nhìn rõ hơn ai hết. “Biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng nói cứ nói, kêu thì cứ kêu, miệng liền tai, mình nói mình nghe, có ai nghe cho đâu. Mà có nghe thì cũng chẳng có biện pháp thiết thực để giải quyết. Đồng ý là khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận luật chơi của kinh tế thị trường. Nhưng luật gì thì luật cũng phải có những luật riêng để bảo vệ đứa con của mình mới sinh ra, chứ không để một đứa trẻ sơ sinh lên võ đài đấm nhau với gã thanh niên.

Gần đây có thể thấy rằng, rất nhiều chính sách về đấu thầu, đầu tư, cơ chế tài chính, thuế má của chúng ta đã như sợi dây “trói” doanh nghiệp trong nước và mở rộng cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tung hoành. Bài học từ các khu công nghiệp, từ các dự án kinh tế lớn mà người nước ngoài ùn ùn đổ vào, dựng lên làng nọ làng kia, chẳng lẽ không ai thấy hay sao. Làm gì có quốc gia nào mà khi xây dựng, khi nước ngoài trúng thầu dự án thì lại đưa tất các lao động sang, trong đó kể cả lao động phổ thông.

Đây rõ ràng là điều không thể chấp nhận được.

Còn các doanh nghiệp trong nước, “mới nghe thì tưởng là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” - thay vì học câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, thì không ít doanh nghiệp, mà có cả doanh nghiệp Nhà nước - lại chỉ biết bo bo cho thân mình mà không dám nhìn xa hơn, rộng hơn để bảo vệ nhau cùng phát triển.

 Có lẽ không doanh nghiệp Nhà nước nào mà không có tổ chức Đảng lãnh đạo. Và chắc chắn trong các báo cáo chính trị, nghị quyết của cấp ủy Đảng doanh nghiệp đó đều có những lời có cánh về “phát huy nội lực”; rằng “chúng ta phải tìm mọi cách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ”… Dĩ nhiên không thể nào không thề thốt phải thực hiện chủ trương “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhưng hầu hết cũng đều là: Nói một đằng làm một nẻo. Chưa kể các doanh nghiệp Nhà nước cũng lại còn tìm cách triệt hạ lẫn nhau mà cách nhẹ nhàng nhất, kín đáo nhất, đó là “anh không mua hàng của chú”.

Cũng phải nói thêm, mấy năm nay, Chính phủ và các bộ, ngành có rất nhiều biện pháp để đưa chủ trương “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đi vào cuộc sống. Và thực sự ở một số lĩnh vực, hàng Việt chiếm ưu thế bởi chất lượng ngày một nâng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, có nhiều chính sách khuyến mãi, bảo hành… Nhưng cũng lại có một vấn đề rằng, hình như việc thực hiện chủ trương này chỉ tới “cấp thấp”, còn với những doanh nghiệp lớn, những cơ quan chính quyền thì có vẻ chưa ra đâu vào đâu.

Bây giờ chúng ta thử kiểm đếm lại xem những công trình xây dựng trọng điểm quốc gia thì bao nhiêu phần trăm trong đó là hàng nội địa. Có những công trình mà hàng nội chỉ có xi măng, gạch, cát… còn người ta đi nhập hết, hoặc nhập nguyên liệu về gia công.

Như vậy có thể nói rằng, chính các cấp lãnh đạo cũng đã không tin vào hàng Việt. Vì thế, họ mang tâm lý: “Thôi thì đây là công trình “trọng điểm”, tiền lại là tiền… Nhà nước. Cho nên cứ “dùng hàng ngoại nhập… cho chắc ăn”.

Chúng ta đã có nhiều bài học về một số ngành công nghiệp chết non chết yểu, nào là công nghiệp ôtô, tàu thủy, rồi kể cả những ngành đang có thế mạnh như công nghiệp dệt may, thì cũng là lấy công làm lãi chứ chẳng tự làm ra được vật tư, nguyên liệu, phụ liệu.

 Đã đến lúc phải có chính sách cụ thể hơn nữa nhằm bảo vệ doanh nghiệp. Thật chẳng hay ho gì một ngành công nghiệp dệt may mỗi năm xuất khẩu 24 tỉ USD nhưng hầu như chúng ta chẳng sản xuất được nguyên liệu là bao nhiêu, thậm chí cái kim, sợi chỉ cũng phải đi nhập.

Và cứ như thế này thì Việt Nam chỉ là sân sau của các nước khác và trở thành một công xưởng gia công vĩ đại.

Như Thổ (theo Năng lượng Mới)