Tội của “thằng xe… máy”!

07:00 | 14/10/2014

5,978 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình như cho đến bây giờ chưa có một cơ quan, đơn vị khoa học nào nghiên cứu về cái gọi là “tác động của nền văn minh xe máy đối với xã hội và con người Việt Nam”.

Năng lượng Mới số 365

Người ta cũng hay đưa ra những thông tin rất chung chung như:

Xe máy là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường.

Xe máy là thủ phạm lớn nhất gây ra tai nạn giao thông - có đến hơn 2/3 tai nạn giao thông là liên quan đến xe máy.

Rồi xe máy cũng là thủ phạm gây ách tắc giao thông?

Nói thật, nếu chỉ đưa ra những thông tin như vậy thì chẳng cần phải cơ quan khoa học nào nghiên cứu và chi phí tốn kém.

Và hình như cũng chẳng ai nghiên cứu, để rồi đưa ra dự báo “xe máy sẽ đưa con người Việt Nam đi tới đâu”?

Tất nhiên, nói là “tội của thằng… xe máy” thì cũng không hẳn đúng trong mọi trường hợp. Mà thủ phạm chính là… “thằng… người”, còn “thằng xe máy” là… đồng phạm!

Vừa rồi, tôi có dịp tới Myanmar và tại cố đô Rangun, hầu như không thấy có xe máy. Và điều dễ dàng nhận thấy là đường phố của họ ngăn nắp, trật tự giao thông nề nếp hơn ta… tỉ lần!

Hóa ra là chính quyền Myanmar từ hàng chục năm trước đã nhìn thấy “sự phá hoại của xe máy” về lâu dài. Cho nên họ ra lệnh cấm tiệt xe máy ở thủ đô. Ngày ấy, cũng có không ít người phản đối.

Còn không ít người Việt Nam (đặc biệt là đám quan chức) khi sang công cán bên đó thì hay dè bỉu rằng, đất nước họ thế nọ, thế kia, là lạc hậu, là nghèo, là cứng nhắc… Bây giờ thì mới thấy hóa ra họ có tầm nhìn xa hơn ta rất nhiều… cây số. Chỉ riêng chuyện hầu hết quan chức chính quyền từ cấp… xã trở lên đều thông thạo tiếng Anh thì cũng rất đáng kính nể rồi (người ta đang dự báo, Myanmar sẽ vượt Việt Nam về mọi mặt trong thời gian rất ngắn).

Rồi ai sang Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc, thấy toàn là người đi xe đạp, không có người đi xe máy… cũng là do chính quyền cấm đi xe máy trong thành phố. Nhưng ai dám nói Bắc Kinh kém phát triển vì “không có xe máy”?

Tội của “thằng xe…  máy”!

Cảnh tắc đường do xe máy tại Hà Nội

Trở lại chuyện xe máy, vậy ta thử xem “thằng xe máy” đang làm “tha hóa” người Việt ở chỗ nào?

Trước hết, phải khẳng định rằng, chính “thằng xe máy” là “kẻ tiếp tay” đắc lực nhất cho cái lối sinh hoạt tùy tiện, thiếu văn hóa giao thông của người Việt ta.

Người Việt Nam ta vốn mắc bệnh sĩ diện hão và có ý thức chấp hành luật pháp, trong đó có Luật Giao thông rất kém - nếu như không muốn nói là rất thiếu văn hóa trong chấp hành luật pháp. Và thế là, có chiếc xe máy, họ thích đi thế nào thì đi.

 Đèn đỏ ư? Có vấn đề gì đâu? Phóng vèo qua, cảnh sát giao thông không dám đuổi bắt đâu mà sợ? Vì nếu đuổi, không khéo chính cảnh sát sẽ bị “ăn đòn” dư luận, vì “cần gì phải đuổi”. Còn nếu không thấy bóng cảnh sát thì sẵn sàng leo lên vỉa hè, sẵn sàng đi ngược chiều.

Rồi vì có cái xe máy, nên chỗ nào cũng có thể dừng, hoặc sẵn sàng vứt xe dưới lòng lề đường để mua mớ rau, con cá ở chợ cóc… Thế là nảy sinh ra chợ cóc ở khắp nơi, khắp chốn. Và chính chợ cóc này lại gây ra ách tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường vì người bán vứt rác ra đường; rồi phá hỏng cảnh quan đô thị, phá vỡ quy hoạch phố phường, vì xây chợ cho to, cho đẹp, nhưng có mấy người vào đâu?  - Thủ phạm chính là từ “thằng xe máy”.

Rồi nữa, chính “thằng xe máy” là kẻ tiếp tay cho sự hỗn láo, bất chấp luật pháp của đám học sinh tuổi “ô mai”. Bởi vì cái đám học sinh chưa đủ tuổi đi xe nhưng vẫn nghênh ngang tới trường bằng xe máy, thì có coi luật pháp ra gì đâu? Nứt mắt mà đã không có ý thức chấp hành luật pháp, vậy thử hỏi lớn lên sẽ ra sao? Đành rằng, cái tội này, chính các ông bố, bà mẹ chiều con một cách vô lối đã trở thành đồng phạm với “thằng xe máy”, khiến nhiều con trẻ hư hỏng.

Rồi lại cũng chính cái “thằng xe máy” đã làm cho người Việt, mà nhất là thanh niên, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người khác, nếu như xảy ra va chạm hoặc chèn ép xe nhau… Cái cách cư xử “một điều nhịn, chính điều lành” hoặc “thương người như thể thương thân” không còn chỗ đứng trong cái thời “văn minh xe máy” này nữa. Vì tắc đường nên nảy nòi ra cái sự tùy tiện và gây ra ức chế, bực bội, thế là người đi xe sẵn sàng nổi khùng.

Rồi cũng lại “thằng xe máy” là thủ phạm tiếp tay cho đám thanh niên thích ngông nghênh, tỏ vẻ ta đây, khoái cảm giác mạnh… Phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đua xe, gây mất trật tự đô thị và gây mất an toàn cho người khác. Với đám “yêng hùng xa lộ” này, khi chưa có xe máy chúng chỉ “mất dạy” một, nhưng khi có xe, chúng “mất dạy” gấp cả trăm lần. Chúng sẵn sàng chống trả cảnh sát, sẵn sàng chửi bới và hành hung người khác…

Rồi lại chính “thằng xe máy” là thủ phạm, là tác nhân quan trọng bóp méo luật pháp và làm hư hỏng người thi hành công vụ… Người đi xe, mỗi khi vi phạm, thì việc làm đầu tiên là năn nỉ, xin xỏ… Khi không được thì gọi điện thoại nhờ người xin hộ. Và vẫn không xong thì đi bài “hối lộ”. Nghĩ cũng thấy khổ cho cảnh sát giao thông. Nếu chấp hành nghiêm, làm đúng chức trách thì sẽ bị chửi là “bọn mặt sắt đen sì”, là “không biết thương dân”. Còn nếu vì nhận tiền mà cho đi thì lại bị chửi “bọn ăn bẩn”; là “ăn xương máu”… Nghĩa là, làm tốt cũng bị chửi, mà làm sai thì lại càng bị chửi.

Tội của “thằng xe… máy”!

Những hình ảnh gai mắt ở Hà Nội

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta đã buông lỏng quản lý trật tự đô thị, trật tự giao thông trong thời gian quá dài… Chí ít là từ năm 1975 trở lại đây. Cho nên bây giờ “gò” mọi người vào khuôn khổ, thì khó quá mất rồi.

Nếu liệt kê tội trạng của “thằng xe máy” thì còn nhiều nữa. Nhưng hoàn toàn có thể thấy rõ một điều là “nền văn minh xe máy đã góp phần làm hư hỏng con người Việt Nam”, hay nói chính xác là “đang phá hoại những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam”.

“Thằng xe máy” đang gây ra nhiều thảm họa về xã hội, về văn hóa cho Việt Nam. Ấy vậy mà mỗi khi đưa ra chủ trương, biện pháp gì nhằm giảm bớt xe máy thì lập tức bị phản đối rầm rầm. Và người ta đưa ra vô vàn lý do để bào chữa cho “thằng xe máy”. Và chính quyền của ta thì vốn hay “thương dân”, thế là lại buông xuôi để làm vừa lòng người dân. Vì vậy không dám “ra tay” làm cái gì quyết liệt cả. Cũng có khi vì quá bức xúc, chịu không nổi, nên chính quyền lại mở chiến dịch này, kế hoạch kia nhằm lập lại trật tự trong các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có biện pháp “trị thằng xe máy”. Nhưng phàm là “chiến dịch” thì bao giờ cũng là có ngày kết thúc… Vậy là chỉ tử tế được mấy ngày chiến dịch. Còn sau đó, lại “nguyễn y vân” - vẫn y nguyên.

Nhiều người Việt bây giờ (nhất là những người có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng luật), rất hay so sánh “tây” với “ta” và cho rằng, cái gì của “tây” cũng là văn minh, là tiến bộ, là khoa học… Đúng là có phần thế thật. Nhưng lại không mấy ai chịu hiểu rằng, “tây” họ làm được như vậy là vì họ đã có thời kỳ dùng những biện pháp cứng rắn, để buộc mọi người phải chấp hành luật pháp. Nhưng ai am hiểu lịch sử, hẳn phải biết rõ nước Nga thời phong kiến là thế nào. Và người đưa nước Nga thoát khỏi phong kiến, đi lên tư bản chủ nghĩa là vua Pie Đại đế. Để đưa nước Nga tiến ngang với Pháp, Phổ, Anh… Pie Đại đế đã phải dùng những “biện pháp dã man” nhất để đưa nước Nga trở nên văn minh.

Ngoảnh sang các nước gần ta, thì quốc gia nào cũng có những nhà lãnh đạo “bàn tay sắt”. Và chính những nhà lãnh đạo này đã làm thay đổi cả dân tộc, quốc gia đó.

Đúng vậy, nếu không có những biện pháp mạnh, không lãnh đạo, cai trị  bằng “bàn tay sắt”, thì đừng bao giờ hy vọng xây dựng được ý thức văn minh chấp hành luật pháp. Quốc gia nào cũng thế thôi và với người Việt, thì càng phải “sắt thép” hơn nữa. Nếu chính quyền chỉ lo “chiều” theo ý muốn, ý thích tự do, tùy tiện… của từng người thì đừng bao giờ nghĩ đến xây dựng một xã hội văn minh.

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc