Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

07:36 | 07/10/2012

2,470 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dư luận xã hội lâu nay vẫn nhắc tới những tiêu cực trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện như là một vấn nạn của xã hội, người ta cứ mải miết chỉ trích đội ngũ y, bác sỹ thế này, thế kia nhưng lại không một lần chịu nhìn nhận trách nhiệm của mình.

Ngành y không thiếu những bác sỹ tận tâm, tận tình, hết lòng với bệnh nhân.

Tiêu cực trong công tác khám, chữa bệnh dường như là căn bệnh trầm kha khó chữa của ngành y từ nhiều năm nay, dư luận xã hội đã lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Các loại “cò” bệnh viện vẫn tồn tại với đủ thứ "ngón" nghề, nếu đã đến cửa viện mà không quen biết gì thì cứ gặp các “cò” này mọi việc sẽ được giải quyết xong xuôi, trót lọt hết.

Bệnh nặng, bệnh nhẹ, từ việc thay cái băng, tiêm mũi thuốc,… đều phải mất tiền “phụ phí”, đó là một hiện thực nhức nhối. Dân ta còn nghèo nhưng vẫn phải sống chung, phải chấp nhận với các hiện thực đầy vô lý đó. Ngẫm cũng thật lạ, lãnh đạo ngành y thì cứ hết lần này đến lần khác tuyên bố là sẽ xử lý nghiêm những trường hợp hạch sách người bệnh, rằng tăng viện phí để đẩy lùi tiêu cực,… Nhưng thực tế thì sao? Những vụ việc tiêu cực bị phát hiện chưa được giải quyết triệt để, cũng chẳng có trường hợp y bác sỹ nào bị kỷ luật vì nhận phong bì, phong bao cả. Mà ngay cả các “cò” cũng vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, luồn lách vào mọi ngõ ngách, công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh ở các bệnh viện.

Trách ai bây giờ, xử lý ai bây giờ khi mà người dân - những người đang phải chịu cái sự vô lý đó lại chấp nhận, lại cam chịu như một điều hiển nhiên. Không ít lần tôi đã được chứng kiến cái cảnh có phần ngược đời như thế. Một gia đình nghèo ở quê muốn có tiền đưa con đi chữa bệnh đã phải bán cả đàn gà, đàn vịt để có được vài ba triệu đồng - là cả gia tài của họ nhưng khi đến viện thì “tiền thuốc không nặng bằng tiền thang”. Chi phí khám chữa bệnh thực tế hết một thì có khi những chi phí để mua sự ân cần, chu đáo của y bác sỹ lên tới 2 thậm chí là 3 lần.

Nhìn cái gia cảnh của họ mà thấy xót, thấy thương nhưng tôi cũng thấy giận. Giận vì tại sao họ không dám ý kiến, giận tại sao họ không thẳng thắn tố cáo cái hành vi tiêu cực của những y bác sỹ đó. Gia cảnh của họ thì có khá giả gì vậy mà họ phải nhịn ăn, nhịn uống chỉ đơn giản là tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy và cũng là để có đồng tiền "cảm ơn" bác sỹ. Đó là cái tâm lý chung, cái tâm lý đã làm hại chính họ.

Xã hội trách ngành y vì sao cứ mãi để tiêu cực diễn ra nhưng xã hội lại chưa bao giờ lên tiếng tại sao người bệnh đi khám chữa bệnh lại không lên tiếng tố cáo những tiêu cực đó. Chuyện nghe thật mâu thuẫn nhưng lại là sự thật, ai đã vào bệnh viện thì cũng đều kêu ca là mất tiền này, tiền kia, rằng đó là sự vô lý nhưng rồi lần sau vào viện, họ vẫn thế. Ngành y sẽ không bao giờ phải lo đến lạm phát, cũng chẳng sợ kinh tế đình trệ, khó khăn – câu nói mà nhiều y bác sỹ nói ra có lẽ cũng xuất phát từ cái sự hiển nhiên, từ cái tâm lý e dè của chính những người bệnh đó.

Tiêu cực trong công tác khám chữa bệnh không phải tự nhiên mà sinh ra, nó có phần nguyên nhân rất lớn từ chính người nhà bệnh nhân

Một vị lãnh đạo cấp Cục của Bộ Y tế, người từng có nhiều năm làm lãnh đạo tại một bệnh viện chuyên ngành thuộc diện lớn đã lý giải về nguồn gốc hiện tượng tiêu cực trong công tác khám chữa bệnh như thế này: Ngày xưa làm gì có chuyện biếu xén, quà cáp, phong bì, phong bao đâu, bác sỹ chữa khỏi bệnh cho con cái, anh em, họ hàng của họ, họ biết ơn nên mới mang con gà, mấy quả trái cây trong nhà làm ra gọi là cho bác sỹ bồi bổ. Dần dần, họ thấy rằng, mỗi lần mình cảm ơn, bác sỹ rất vui vì công sức của mình bỏ ra được ghi nhận nên nghĩ, chi bằng "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".

“Ngày trước, bác sỹ như chúng tôi nghèo lắm, làm gì có nhà lầu, xe hơi, lương thì vẫn thế, cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày thôi. Mỗi lúc được người nhà bệnh nhân mang cho con gà hay vài quả táo, quả cam là cảm động lắm rồi”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường phát triển, họ thấy con gà, cân hoa quả nó nhìn cồng kềnh quá nên mới nghĩ ra là quy về cái phong bì cho nó gọn hơn, nên kể từ đó, đồng tiền bắt đầu được dùng để thay những món quà nhà quê, rất đơn giản như thế. Ban đầu thì y bác sỹ cũng có ai nhận đâu nhưng người ta cứ nhét, cứ tìm mọi cách để gửi “bác sỹ chút quà” nên mới sinh chuyện. Ngành Y là thế, chẳng khác gì một đứa trẻ được chiều chuộng đủ thứ nên sinh hư mà thôi.

“Tiêu cực trong công tác khám chữa bệnh không phải tự nhiên mà sinh ra, nó có phần nguyên nhân rất lớn từ chính người nhà bệnh nhân. Thử hỏi, kinh tế gia đình đang khó khăn, tự nhiên có đồng ra, đồng vào để lo cho gia đình, con cái thì có ai lại từ chối không?! Người ta có thể từ chối 1 lần, 2 lần nhưng đến lần thứ 3 thì chắc là không. Tặc lưỡi cho qua, nhận cho xong... Cái tai hại ở chỗ là lần 1, rồi lần 2, lần 3 và sau đó bỗng nhiên nó trở thành thói quen, thành mặc nhiên..., thành sự đòi hỏi. Càng về sau thì nó càng nghiêm trọng do xuất phát từ tâm lý đòi hỏi và cầu thị của bác sỹ cùng người nhà bệnh nhân”, vị lãnh đạo nói thêm.

Nói như vậy để thấy rằng, tiêu cực trong công tác khám chữa bệnh hiện nay được cấu thành từ 2 phía: mưu cầu của y bác sỹ và tâm lý "qua sông phải lụy đò" của bệnh nhân chứ không phải chỉ riêng ngành Y. Vậy nên để đẩy lùi tiêu cực trong công tác khám chữa bệnh đâu phải chỉ ngành Y làm là được, nó cần phải có nỗ lực từ phía người bệnh!

Thanh Ngọc