Thưa “thượng đế”!

06:40 | 22/07/2014

1,901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày này, dư luận có vẻ “sôi sục” vì tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam. Người ta đưa ra rất nhiều hình ảnh về các “thượng đế” nằm chờ vạ vật ở sân bay, phải xơi những bát mì tôm giá chát, rồi “thượng đế” bị bỏ rơi.

Năng lượng Mới số 341

Đúng là có tình trạng như thế và các hãng hàng không, cùng với các cơ quan chức năng đang có nhiều biện pháp quyết liệt để giảm đến mức thấp nhất có thể tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến.

Người ta tập trung phê phán các hãng hàng không với đủ thứ “tội trạng”, nhưng hình như lại quên mất rằng, trong số các vụ bị chậm chuyến, hủy chuyến thì có không ít vụ do chính các ông, các bà “thượng đế” gây ra.

Ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, hầu như không có lúc nào được yên tĩnh bởi tiếng loa cứ nheo nhéo gọi tên “thượng đế” ra cửa để lên máy bay? Có lẽ, hiếm sân bay nào trên thế giới mà lại có hệ thống loa hoạt động suốt ngày như “đấm vào tai” hành khách giống ở Việt Nam. Mà người ta phải thông báo đủ thứ: Từ giờ lên máy bay, đến chậm chuyến,  thông báo kiểm tra an ninh, thông báo tìm “thượng đế” để nhanh chóng ra máy bay…

Người viết bài này từng chứng kiến có những “thượng đế” điềm nhiên ngồi uống bia ngay trong nhà hàng tại phòng chờ, mặc cho tiếng loa gọi “khản cổ”. Rồi một “thượng đế” còn tỏ ra khoái chí: “Kệ chúng nó! Tao đố dám bay đấy. Tao mà bỏ chuyến, chúng nó phải lùa hành khách xuống hết, rồi lại mang hết hành lý gửi ra kiểm tra… Có mà còn chết!”.

Phải đến khi nhân viên hàng không đi hỏi: “Ở đây có ai tên là…” thì mấy “thượng đế” kia mới khệnh khạng rời bàn nhậu…

Gần đây nhất, có hành khách khi đã lên máy bay rồi, nhưng lại nằng nặc đòi xuống vì “gia đình có việc gấp”. Quá chiều khách, hãng này phải cho “thượng đế” xuống. Nhưng việc đâu có đơn giản như xe buýt, dừng giữa đường, mở cửa cho khách xuống là xong? Đằng này phải dỡ hết cả chục tấn hành lý hàng hóa ra, tìm cho ra túi hàng của “thượng đế”… Mất đứt 70 phút, máy bay mới lại khởi hành được. Và hậu quả thì khó có thể tính hết được bằng tiền? Hàng trăm người bị muộn giờ, bị dang dở công việc; rồi ở sân bay nơi đến lại bị chậm chuyến và biết bao “thượng đế’ khác đang phải mệt mỏi vì chờ đợi…

Rồi nữa, không hiếm vụ “thượng đế” ngứa tay, mở cửa thoát hiểm ra “xem bên ngoài có gì?”, mặc dù các quy định được in bằng tiếng Việt, chữ đỏ chóe, dán ngay ở cửa.

Rồi cũng không hiếm vụ, “thượng đế” ngứa mồm dọa mang bom, hoặc say rượu, bia mà có những hành động gây mất an toàn cho chuyến bay, buộc tổ bay phải dừng cất cánh để xử lý cho xong.

Rất tiếc là các hãng hành không chưa thống kê ra và công bố cho thiên hạ biết các tội lỗi của “thượng đế” khi đi máy bay.

Cách đây ít hôm, tôi bay trực thăng từ Vũng Tàu ra mỏ Sông Đốc.

Vừa xếp hàng vào làm thủ tục thì bị một nhân viên an ninh mời ra và đề nghị thử… nồng độ cồn.

Tôi chấp hành ngay, vì mình có uống đâu mà ngại. Thử xong, ký vào giấy tờ cẩn thận, tôi mới hỏi: “Sao bây giờ lại có chuyện thử hơi rượu? Trước đây có thấy đâu”.

Anh em vui vẻ giải thích rằng, vì thấy tôi đi một mình, lại ngơ ngáo nên các nhân viên an ninh nghi ngờ… Chứ anh em dầu khí đi ra giàn khoan thì họ quá quen với những quy định an toàn bay, nên không thể có chuyện vi phạm. Chỉ sợ người mới, chưa am tường quy định bay trực thăng cho nên nhân viên an ninh phải kiểm tra rất cẩn thận.

Rõ ràng, ý thức của rất nhiều “thượng đế’ khi đi máy bay rất kém, nếu như không nói là “thượng đế mất dạy”, chính vì vậy, bên cạnh việc chấn chỉnh lề lối phục vụ, làm thế nào giảm chuyện chậm, hủy chuyến… thì ngành hàng không cũng phải có những quy định nghiêm khắc hơn nữa, có chế tài xử phạt nặng hơn nữa, để buộc các “thượng đế” phải biết, chớ có dại mà đùa với… hàng không! Và có một việc nên làm ngay đó là cấm bán bia ở các nhà hàng trong khu chờ.

***

Hình ảnh những công tơ điện treo từng hộp, từng hòm ngoài cột điện đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội. Và những ngày này, người ta bức xúc về chuyện hóa đơn ghi tiền điện có vẻ lắm sự nhầm lẫn, rồi người ta vạch ra biết bao nhiêu vấn đề cần phải giải quyết, nhằm phục vụ “thượng đế” tốt hơn.

Thưa “thượng đế”!

Đúng là không thể chấp nhận được một thủ đô đang cố gắng phấn đấu văn minh mà có những chùm công tơ điện treo bó chặt cột điện như những tổ ong khổng lồ, cùng với hệ thống đường dây điện, dây thông tin rối hơn mạng nhện.

Nhớ xưa, hồi bao cấp.

Nhà nào có công tơ điện đặt ngay trong nhà của nhà ấy. Một thú vui của bọn trẻ chúng tôi là đứng nhìn cái đĩa đo điện chạy lừ lừ… Và thử bật thêm cái quạt, tắt bớt một bóng điện, thậm chí “liều mạng” cắm thử cái bàn là… để xem cái đĩa chạy nhanh, chậm ra sao?

Nhưng rồi khi xã hội càng tiến lên no đủ, điện bây giờ dùng… vô tư; các thiết bị điện đủ loại phục vụ cho nhu cầu cuộc sống đang rất sẵn và rất rẻ. Nếu lấy giá vàng làm thước đo thì giá đồ điện bây giờ rẻ hơn cách đây 15 năm phải dăm, bảy lần.

Nhưng tại sao lại có chuyện “lôi” công tơ điện trong nhà ra ngoài đường?

“Sáng kiến vĩ đại” này nảy sinh chính là từ các “thượng đế”!

Hóa ra là từ sau thập niên 90 của thế kỷ trước, rất, rất nhiều “thượng đế” đã nghĩ ra đủ trò để ăn cắp điện. Nào là dùng nam châm để làm giảm tốc độ quay của đĩa đếm số điện đã dùng; nào là đấu “thiết bị lạ” cho đồng hồ chạy ngược; rồi tháo kẹp chì, đấu tắt ra ngoài… đến trước ngày nhân viên đi ghi số điện mới đấu vào, chạy vài ngày, cho gọi là có? “Thượng đế” chủ động ăn cắp điện đã đành.

Nhưng không ít trường hợp, chính nhân viên ngành điện đã thông đồng, giúp sức “thượng đế”. Có nơi, “thượng đế” còn dùng bếp điện để… nấu cám lợn, hoặc dùng “tàu ngầm” đun nước tắm… “Thượng đế” dám dùng điện kiểu này là vì ăn cắp được điện.

Chịu không nổi với tình trạng các “thượng đế” ăn cắp điện sau công tơ nên ngành điện buộc phải đưa công tơ ra ngoài cột điện. Và bây giờ thì các “thượng đế” lại lên án ngành điện rằng, “các ông ấy ghi bao nhiêu, tôi biết bấy nhiêu, ai trèo lên cột mà chứng kiến”. Rồi ngành điện (Hà Nội) lại nảy thêm sáng kiến là khi đi ghi số điện, mời thêm cán bộ tổ dân phố đến… chứng kiến.

Giời ạ, nếu thực hiện “sáng kiến” này, không khéo nhân viên ghi số điện phải đền oan, vì hầu hết cán bộ tổ dân phố đều đã lên ông, lên cụ cả rồi. Mắt mờ, chân chậm, đi không còn run lẩy bẩy… Nay phải trèo lên thang, dòm dòm, ngó ngó… Không khéo trượt chân, lộn cổ xuống thì gây họa cho bao người…

Cho nên, ngành điện giải bài toán “ghi số điện” này xem ra cũng khó, chứ không phải đơn giản.

Người xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, cho nên trước khi cao giọng trách cứ, xin các “thượng đế” hãy xem lại mình đã tử tế chưa?

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc