Lạm bàn về tính duy tình của người Việt:

Thư tay và điện thoại

06:50 | 05/08/2012

1,568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thư tay giờ đây đã lùi vào dĩ vãng bởi thời buổi nở rộ các công nghệ thông tin, người ta chỉ cần bấm điện thoại hoặc nhấp chuột là có thể liên hệ với nhau rất nhanh chóng, dễ dàng.

>> Lạm bàn về tính duy tình của người Việt: Tội phạm ảo, tội phạm “bóng”

>> Lạm bàn về tính duy tình của người Việt: 'Rằng hay thì thật là hay…'

Có một thời, khá phổ biến một loại giấy tờ gọi là “thư tay”. Đây là loại thư rất ngắn gọn, nhiều khi chỉ vài chữ, không dán tem để bỏ vào thùng thư của bưu điện mà chuyển đến người nhận qua trao tay. Thường phải là những mối quan hệ thân thiện hoặc người gửi là kẻ bề trên của người nhận. Nhưng không hẳn sẽ rơi vào hai trường hợp trên, nhưng người gửi biết là người nhận ít nhiều nể mình mà thực hiện những đề đạt, yêu cầu nêu trong thư. Không là văn bản chính thức có triện đỏ, có khi chỉ là mẩu giấy bé xíu với đôi lời được viết trong lúc vội vàng, vậy mà loại thư tay này tỏ ra vô cùng hiệu nghiệm và uy lực của nó lắm khi vượt qua mọi thủ tục hành chính nhiêu khê, đặc biệt là người viết có uy quyền, địa vị xã hội. Một tập đơn của hàng trăm người ở đúng diện được xem xét giải quyết một việc gì đó, đương nhiên là phải xếp hàng lần lượt theo thứ tự trước sau. Như vậy là hợp lý, chẳng ai có thể thắc mắc nếu mình có bị lỡ việc do chậm chân, đến sau.

Nhưng chỉ cần “thư tay” của một vị VIP có uy lực nào đó được chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết thì kẻ đến sau có thể được giải quyết trước, người không đúng đối tượng cũng được linh động xem xét và cuối cùng được việc. Người gửi thư có vị thế càng lớn, kết quả đạt được của người được giải quyết càng nhanh, càng như ý. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người có trách nhiệm giải quyết không hẳn cần “nịnh”, nhờ cậy gì người gửi thư tay mà chỉ là sự nể nang, nghĩ đến chút tình xưa, nghĩa cũ. Đây là những trường hợp mà tác giả của nó là người đã về hưu hoặc chuyển công tác khác, không còn vai trò gì có thể khống chế người nhận thư.

Cũng lắm khi thư tay phải đi vòng vèo, qua mấy nấc trung gian vì người nhờ vả phải bắc cầu qua nhiều “nhịp” mới tiếp cận được với đối tượng. Ở trường hợp này, người ta nhắm mắt gật đầu để giải quyết một việc gì đó, biết rằng đã vượt qua những quy định, nguyên tắc, cũng biết rằng người gửi thư tay cho mình đã hết vai trò, chẳng còn trông cậy được gì. Nhưng còn cái tình, sự nể nang. Thế là mọi rào cản của nguyên tắc, luật này, lệ khác đều được vượt qua. Về mặt con người nhân bản, kẻ giải quyết đã tỏ ra có tình. Nhưng con người của chức phận thì vô lối, vô trách nhiệm, bất chấp luật, lý.

Người Việt Nam là thế, thường coi nhẹ lý mà nặng về tình. Câu châm ngôn “chín bỏ làm mười” nói rõ điều này. Theo lý, theo luật, chín phải là chín và mười là mười. Hai con số này khác nhau, không thể nhầm lẫn. Hai ứng viên vào một vị trí nào đó, người ta chỉ tuyển dụng 1. Vậy người đạt điểm 10 ắt phải hơn người chỉ đạt 9 và đương nhiên được chọn. “Chín bỏ làm mười” là sự cảm thông, nương nhẹ, không rạch ròi, cố chấp trong các mối quan hệ giữa người và người. Đó là một ứng xử đẹp của ông cha ta. Nhưng mặt khác lại có điểm dở như đã nói: tùy tiện, chỉ nặng về tình mà vượt qua lý, dẫn đến những xử lý cảm tính, nhiều khi là sự thiếu công bằng.

Thư tay giờ đây đã lùi vào dĩ vãng bởi thời buổi nở rộ các công nghệ thông tin, người ta chỉ cần bấm điện thoại hoặc nhấp chuột là có thể liên hệ với nhau rất nhanh chóng, dễ dàng. Và thế là thư tay trước đây đã được thay thế bằng điện thoại vô cùng thuận tiện.

Tôi thường xuyên chứng kiến cảnh đại loại như sau: Một lần đang ngồi chuyện phiếm với giám đốc một sở nọ. Đang vui chuyện, bỗng vị này sực nhớ ra một việc, bèn xin lỗi tôi để thực hiện một cú điện thoại. Chắc việc cũng chẳng có gì cần phải bí mật nên ông cứ ngồi ngay bên cạnh tôi, đàm thoại thoải mái. Bởi vậy mà tôi nghe được rõ cả những lời của người ở đầu dây bên kia vọng ra:

- Cậu giải quyết xong việc tôi nhờ tuần trước chưa? - Giọng vị giám đốc kẻ cả, rất quan cách.

- Báo cáo anh, ý của sếp em là muốn báo cáo lại với anh trường hợp này vì còn thiếu quá nhiều giấy tờ, chưa hợp lệ.

- Cậu buồn cười nhỉ. Tôi đã nói với cậu thế nào? Cứ giải quyết đi. Nói với cậu ấy là tôi yêu cầu giải quyết, vướng mắc gì thì báo cáo lên tôi. Việc nhỏ như con thỏ mà các cậu không biết cách vượt qua.

- Dạ, em rõ rồi ạ.

- Rõ thế nào? Bao giờ xong việc này, cậu nói đi?

- Dạ, dạ, em sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất ạ.

- Nhớ đấy.

Xong, vị cúp máy rồi nói với tôi:

- Làm quản lý khổ thế đấy. Nhiều lúc rất khó xử. Ai có việc gì cũng nhờ đến mình. Chả là vợ mình bị đau khớp cả chục năm nay, chữa đâu cũng không khỏi. Vừa rồi may gặp được một tay nó chữa kiểu gì rất hiệu quả. Mười phần đã khỏi được quá nửa, phấn khởi lắm, mà mới chỉ theo đuổi hắn chưa được 1 tháng. Hắn lại lấy tiền công rất rẻ, như giúp không. Vợ mình biết ơn hắn lắm. Nay hắn có đứa con đầu lòng, vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc ở đâu, muốn vào chỗ thằng cu này làm trưởng phòng. Nhưng lại trái nghề, không đúng văn bằng tốt nghiệp. Hắn nói với vợ mình việc này. Thế là bà ấy liền về “chỉ thị” cho mình. Thằng cha giám đốc công ty còn lừng khừng không muốn nhận, chắc còn chờ mình phải có lời với nó đây. Thằng này vào loại tinh tướng, có “ô” trên ủy ban.

Tôi chỉ nghe mà chẳng biết nói gì, nhưng cuối cùng cũng góp được một câu:

- Thì cũng là cái tình cả thôi. Người ta chữa bệnh cho bà xã ông tiến triển tốt. Không lẽ ông phớt lờ sự nhờ vả của họ? Có đi có lại mà.

Tôi cũng từng có vài lần chứng kiến các chiến sĩ cảnh sát giao thông tuýt còi, bắt những người vi phạm luật. Lúc đầu, anh em tỏ ra rất nghiêm, kiên quyết xử lý không khoan nhượng. Nhưng liền sau đó, kẻ vi phạm đã alô điện thoại gọi cho ai đó, rồi trao máy cho người cảnh sát. Thế là sau đó, họ được “tha”. Trong trường hợp này, kẻ vi phạm đã cầu cứu một “thế lực” nào đó, có thể là cấp trên của người cảnh sát kia, có thể là một người bạn rất thân thiết của anh ta. Quả là rất khó xử. Một bên là trách nhiệm nghề nghiệp, một bên là tình cảm, quan hệ riêng. Kiên quyết thì như là cạn tình, có khi mất bạn (hoặc mất lòng cấp trên) mà “tha” thì chính mình phạm luật. Ở đây, người ta ít trách viên cảnh sát, mà trách những người dễ dàng gọi điện thoại can thiệp, làm khó cho người đang thi hành công vụ. Người nhà, bạn bè mình sai trái, tốt nhất hãy khuyên họ chấp nhận mọi hình phạt để “nhớ đời”. Cứu họ được một lần, họ sinh nhờn, ỷ thế quen biết, liệu có tiếp tục mắc thêm? Vậy nên rất cần thiết khi vị Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu không ai được can thiệp khi cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Từ xa xưa, khi con người có thể chế xã hội đã ra đời luật pháp. Một trong những nguyên tắc mà bất cứ xứ sở nào cũng tuân thủ là tinh thần “thượng tôn pháp luật” và “luật pháp bất vị thân”. Người Việt Nam mình nặng tình, sâu nghĩa, luôn trọng tình cảm, ân nghĩa. Đó đương nhiên là phẩm chất tốt đẹp cần trân trọng, phát huy. Nhưng nặng tình khác với duy tình. Không thể xem xét, giải quyết mọi việc chỉ vì tình cảm mà bất chấp lý trí, coi thường pháp luật. Nếu như vậy, xã hội sẽ không còn kỷ cương, trật tự sẽ đảo lộn. Một nền pháp lý ưu việt với những điều luật chặt chẽ thì bản thân nó đã chứa đựng yếu tố nhân văn, đã có tình. Thấy rõ điều này thì mọi cơ quan chức năng hãy cứ yên tâm để thực hiện “việc công ta cứ phép công ta làm”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Hưng

(Năng lượng Mới số 143, ra thứ Sáu ngày 3/8/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc