Thi cử và vào đời

06:40 | 12/07/2014

791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai đợt thi đại học đã hoàn tất với gần 1,2 triệu thí sinh tham dự. Cả xã hội thở phào vì công việc lao tâm khổ tứ, tốn kém, nhọc nhằn đến hè lại tới đã khép lại.

Năng lượng Mới số 338

Năm nay dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh là 60 vạn. Như vậy, sẽ có trên nửa triệu cô tú, cậu tú rớt đại học, không biết sẽ phải làm gì cho tương lai gần và vào đời lập nghiệp trong tương lai xa.

Mỗi năm đến hè là mỗi mùa thi mà sự kỳ vọng của gia đình, sự căng thẳng do bài vở, việc học chính, học thêm có thể tạo ra những hệ quả tệ hại về tâm lý, thể chất cho các em. Sức ép học tập năm cuối cấp đã khiến bệnh đau nửa đầu trong giới trẻ có nguy cơ gia tăng. Ở trường nọ, một nữ sinh bị đau nửa đầu và trong đơn xin phép nghỉ học có kèm giấy ghi bệnh này. Chuyện là vậy mà cô giáo phê vào học bạ như sau: “Học được. Nghỉ học nhiều do đang điều trị bệnh thần kinh…” khiến em bị sốc, hoảng loạn, không còn tâm lý ôn thi đại học. Sức ép học hành thi cử với các em học sinh mới lớn thật nặng nề, xoay quanh giấc mơ duy nhất: đỗ đại học.

Ngày xả hơi sau thi ngắn chẳng tày gang, rồi khi công bố danh sách thí sinh trúng tuyển khiến ít nhất nửa triệu em vỡ mộng đầu đời.

Gia đình và xã hội chưa chuẩn bị gì cho các em cả. Đi làm ư, không được đâu. Cử nhân đi rửa bát, dọn quán, giao hàng khối ra đấy! Xin nhớ là trên thị trường lao động hiện nay, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Riêng số cử nhân, kỹ sư ra trường không có việc làm là 162.000 người, tính cả trình độ cao đẳng, cao cấp khác có tới 241.000 lao động không có việc làm. Vậy học hành, thi cử có phục vụ cho thị trường lao động không, có chuẩn bị tương lai cho các em không? Câu trả lời rằng chưa, hãy đợi đấy!

Dân ta rất hiếu học. Xưa các cụ học và đi thi để làm quan. Nay thì cũng rưa rứa. Nhà nào cũng coi trọng việc học hành của con cháu nhưng xem ra cũng là học để làm cán bộ, công chức, viên chức chứ rất ít nhà muốn con mình làm thợ, kể cả thợ bậc cao, thợ giỏi. Nền giáo dục vẫn coi thành tích lên lớp, thi cử lớn hơn học thức. Câu chuyện ông bố từ vùng sâu vùng xa mang theo lồng chim sáo xuống phố bán làm lộ phí cho con thi đại học là minh chứng cho lòng hiếu học của dân ta. Tuy nhiên, nói dại, nếu cộng cả điểm ưu tiên mà cậu học trò vùng cao này vẫn không hơn điểm các cậu học thêm như điên thì thật buồn lòng, sáo đã sổ lồng mà không biết bay.

Đã đến lúc phải rà soát lại việc thi cử sao cho thực chất. Có nên duy trì mãi kỳ thi tốt nghiệp THPT mà tỷ lệ đỗ là 99%. Còn thi tuyển sinh đại học, hãy mở rộng sàng lọc ban đầu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để có tỷ lệ 2 chọn 1 chứ không phải là 11-12 chọn 1. Và điều quan trọng hơn tất thảy là, hãy dạy cho các em biết đại học chỉ là một trong nhiều cửa vào tương lai.

Thọ Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc