Thế thì kiểm nghiệm làm gì?

16:12 | 20/07/2014

1,686 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng hóa nông sản khi qua cửa khẩu về Việt Nam phải qua kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng thực tế việc kiểm nghiệm hàng hóa chỉ là hình thức chứ hoa quả có an toàn hay không thì không thể biết được.

Năng lượng Mới số 339

Đây cũng là một lỗ hổng trong công tác quản lý vệ sinh an toàn và sự phiền hà trong quy trình kiểm nghiệm.

Những ngày cao điểm, ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có hàng trăm tấn hoa quả nhập từ Trung Quốc về Việt Nam. Những chiếc xe tải chở cả chục tấn táo nhưng cán bộ chức năng chỉ lấy khoảng chục quả để kiểm tra. Mà việc kiểm tra ngay tại cửa khẩu chỉ dừng ở mức xem táo có bị thối, sâu hay không. Xe ôtô thì được nhân viên phòng dịch phun thuốc tẩy độc, phòng trừ dịch bệnh vào gầm xe, bánh xe rồi được phép tiếp tục hành trình về xuôi.

Theo đúng quy trình hiện nay thì những quả táo được chọn từ những chuyến xe thông quan từ Tân Thanh như thế sẽ được gửi về Hà Nội mới có đủ điều kiện kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng. Thời gian để có được kết quả phải mất 10 ngày. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra?

Kiểm nghiệm hoa quả

Số hoa quả nhập khẩu ấy chiều tối đã về tới các chợ đầu mối ở Hà Nội. Chủ hàng nhanh chóng giao cho các khách hàng quen biết đã hợp đồng từ trước. Và sáng hôm sau thì số hoa quả này đã được bày bán trên hàng trăm cửa hàng của thành phố Hà Nội và những tỉnh lân cận. Người tiêu dùng mua số hoa quả này về ăn vài ngày đã hết, trong khi phải mất một tuần sau mới có kết quả kiểm nghiệm là hoa quả ấy có an toàn hay không!

Nghĩa là người tiêu dùng đã ăn xong hoa quả thì cơ quan kiểm định mới nhận được mẫu kiểm định. Quả là phiền phức và vô lý! Giả sử lô hàng chất lượng kém, nhiễm chất độc hại, người tiêu dùng bị ngộ độc, thậm chí nguy hại đến tính mạng thì sự kiểm nghiệm chậm trễ kia còn tác dụng gì và cán bộ kiểm nghiệm có phần trách nhiệm nào không?

Vấn đề đặt ra là có cần phải lấy mẫu kiểm tra hàng hóa như vậy không? Và cái quy trình kiểm tra chất lượng như thế có phù hợp không? Nếu theo đúng nguyên tắc thì những chuyến hàng nhập hoa quả về tới cửa khẩu phải chờ kết luận chất lượng rồi mới được lưu thông tiếp. Nhưng hàng hoa quả mà chờ đến 10 ngày thì sẽ hư hỏng hết, chỉ còn nước đổ đi. Và các chủ xe làm sao chấp nhận để xe nằm chết một chỗ với số ngày dài như vậy. Rồi chủ hàng cũng không thể yên tâm ngồi trông coi lô hàng của mình đang hàng ngày bị hư hỏng dần được. Thế nên cơ quan chức năng ở cửa khẩu cứ cho phép họ lưu thông, chuyển hàng về xuôi ngay trong ngày.

Sự thật này vẫn đang tồn tại một cách vô lý và nực cười. Vậy có nên duy trì hay bỏ? Cơ quan chức năng đặt ra điều kiện kiểm định chất lượng nhưng không cải tiến quy trình, cách thức kiểm định thì việc kiểm định có cũng như không.

Để khắc phục sự vô lý gây phiền hà, lãng phí ấy, nên chăng công tác kiểm nghiệm phải được đặt ngay tại cửa khẩu, không thể nằm ở mãi Hà Nội. Và thời gian kiểm nghiệm phải hoàn tất ngay trong ngày để giải phóng hàng hóa bởi hàng tươi sống thì không thể để lâu, sẽ bị hư hỏng.

Thủ tục hành chính gây phiền hà và có cũng như không ấy cần phải xem lại. Nếu không cải tiến được cung cách và quy trình làm việc thì nên bãi bỏ chứ để làm gì cho lãng phí ngân sách Nhà nước nuôi một bộ máy công chức như vậy!

Dương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc