Thế là đã rõ

07:05 | 16/05/2015

5,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 38 vừa qua, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, mới đây, khi đi chấm thi chuyên viên cao cấp, ông thấy trình độ của rất nhiều lãnh đạo cấp vụ trưởng, giám đốc sở yếu kém, không được nâng lên mà đang đi xuống.

Năng lượng Mới số 422

 Ông nói: “Tôi chấm lại một số bài thi phúc tra, lẽ ra không nên cho đi thi vì nhiều bài viết nguệch ngoạc, tự trọng rất kém. Đó toàn là cấp vụ trưởng, giám đốc sở, thực sự rất đáng báo động về năng lực. Ở phần thi vấn đáp cũng rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không hiểu rõ về nội dung quản lý Nhà nước, còn lơ mơ làng màng”.

Nhận xét này của ông Nguyễn Đình Quyền rất thẳng thắn và rất đúng với thực tế về chất lượng đội ngũ cán bộ.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, theo ông Quyền, năng lực của cán bộ mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, trong khi lâu nay, báo cáo của các ngành về công tác cán bộ còn quá sơ sài, chưa phản ánh đúng thực trạng.

Thế là đã rõ

Năng lực cán bộ yếu kém thì dẫn đến quản lý Nhà nước yếu kém. Ông Quyền kết luận: “Đã đến lúc chúng phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề này, đánh giá nghiêm túc năng lực đội ngũ cán bộ trong công tác điều hành, quản lý. Khi bắt được bệnh của bộ máy rồi mới có cách giải quyết, nâng cao năng lực được”.

Như thông tin mà ông Quyền đưa ra trước phiên họp Thường vụ Quốc hội thì nhiều người sẽ băn khoăn lật lại vấn đề: Những vị cán bộ cấp cao như thế là phải có quá trình công tác lâu năm ở một lĩnh vực, một chuyên ngành mà mình đảm trách. Các vị đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cả trong chuyên môn nghiệp vụ lẫn việc quản lý ngành, cơ quan, đơn vị. Nghĩa là năng lực trình độ phải có bề dày và rất vững vàng, am hiểu sâu rộng. Vậy mà khi thi chuyên viên cao cấp lại bộc lộ sự yếu kém. Thế nghĩa là mấy chục năm nay, các vị điều hành công việc với năng lực trình độ không tương xứng với vị trí, chức danh của mình?

Từ lâu, dư luận đã phàn nàn về ông nọ, bà kia quyền cao chức trọng, lại còn gắn mác tiến sĩ, thạc sĩ nhưng chỉ thấy nói giỏi hơn làm. Được cấp dưới và người dân trọng vọng nhưng các vị chỉ giỏi chém gió, “đánh trống bỏ dùi”. Và tất yếu là sự chỉ đạo, điều hành của các vị đạt hiệu quả rất thấp.

Năng lực trình độ đã yếu kém nhưng tác phong, lề lối làm việc và sinh hoạt cũng cẩu thả, thiếu khoa học. Tình trạng đi muộn, về sớm diễn ra hằng ngày ở nhiều cơ quan công quyền. Nạn ăn cắp thời giờ vàng ngọc không phải là chuyện hiếm. Mới 3 tháng đầu năm đã có 2 dịp nghỉ tết, lễ dài ngày như vậy mà hết hạn nghỉ rồi, có những cán bộ vẫn còn vắng mặt nơi công sở vì còn đang cùng gia đình đi tham quan, du lịch, cầu cúng…

Không ít cán bộ thường nói rất bận với trăm công nghìn việc, bê trễ trong việc tiếp dân và giải quyết những việc dân cần. Nhưng đáng trách thay, các vị dành quá nhiều thời gian vào việc tiếp khách nơi nhà hàng, quán nhậu. Một số địa phương, lãnh đạo tỉnh và huyện đã mở cuộc điều tra đột xuất và phát hiện ra thói quen xấu của những cán bộ này.

Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận tổ chức kiểm tra đột xuất tại 15 công sở Nhà nước từ cấp tỉnh đến xã phường thì phát hiện có 224 cán bộ, công chức của hầu hết các đơn vị bị kiểm tra đến cơ quan chậm so với giờ quy định; trong đó có hơn 100 người đi làm trễ 30-105 phút. Trước đó, qua các cuộc tiếp xúc và tổng hợp, phân tích ý kiến của các chuyên gia và người dân cho thấy, nguyên nhân của tình trạng rắc rối trong thủ tục hành chính khiến người dân đi khiếu kiện phần lớn do một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn yếu, chưa nắm rõ luật cán bộ, công chức và luật đất đai. Từ đó, dẫn đến sai sót khi giải quyết hay thẩm định cho người dân. Còn ở tỉnh Quảng Bình, đã có lần đích thân Chủ tịch tỉnh đi kiểm tra các hàng quán vào buổi sáng và phát hiện ra khá nhiều cán bộ đang la cà ở đó. Chính từ cuộc thị sát ấy của Chủ tịch tỉnh mà tác phong công tác của đội ngũ cán bộ tỉnh chuyển biến khác hẳn.

Theo kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2014 của nước ta đã công bố, Quảng Bình nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất qua 4 năm liên tục; có những năm Quảng Bình dẫn đầu. Đây là kết quả ghi nhận sự cố gắng trong chỉ đạo điều hành và thực hiện của các cấp chính quyền ở Quảng Bình.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thỉnh thoảng, tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại di động hay ý kiến của bà con trong khu dân cư; đặc biệt là mỗi dịp tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh rất thiết thực.

Trở lại vấn đề năng lực trình độ yếu kém của những cán bộ cấp vụ và giám đốc sở thể hiện qua cuộc sát hạch mà ông Nguyễn Đình Quyền nêu trên, chúng ta đã nhìn thấy rõ những nguyên nhân. Nhưng để chữa được căn bệnh về yếu kém năng lực này, liệu các quan chức yếu kém ấy có dũng cảm tự giác rời bỏ vị trí của mình hay không. Còn về phía cơ quan chức năng quản lý cán bộ có thẩm quyền đề bạt, bổ nhiệm và cách chức có dám mạnh tay loại bỏ những cán bộ thuộc quyền yếu kém ấy không. Chính họ cũng nằm trong số 30% “công chức cắp ô” đấy! Nếu cả hai phía đều không làm được thì thực trạng cán bộ yếu kém vẫn tồn tại mãi. Và những cán bộ “chém gió” vẫn thoải mái lộng quyền.

Đức Toàn