Thay ai - Ai thay?

07:00 | 30/09/2014

4,693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Năng lượng Mới số 361

Tuy là phát biểu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng thực ra đây cũng là vấn đề đặt ra với tất cả bộ, ngành, địa phương, đoàn thể cả nước không trừ một lĩnh vực nào. Đây cũng chính là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với bộ máy công quyền hiện nay.

Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là thay ai và ai thay không dễ có câu trả lời. Lý do là chúng ta chưa có bộ tiêu chuẩn để xếp loại “những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc”. Cơ quan Nhà nước thì nói không có và nếu người bị thay đâm đơn ra tòa hành chính kiện thủ trưởng cơ quan, không chừng quyết định “thay thế cán bộ” sẽ phải hủy. Câu chuyện về “cán bộ cắp ô” chắc chắn chính là cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc từng gây tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra con số 30% được dư luận rộng rãi đồng tình là kết luận thỏa đáng. Thế nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, chỉ có 1% khiến người dân nghi ngờ, con số đẹp được chế ra từ các bộ, ngành và địa phương y chang tình trạng 100% học sinh trong lớp, 99% trong trường đều là học sinh tiên tiến. 

Thay ai - Ai thay?

Có tin ở một vài phường, quận, sở, ở nơi này nơi kia thực hiện để người dân chấm điểm công chức bằng công nghệ thông tin cho kết quả khả quan. Công chức đã biết “sợ” dân hơn và công việc dịch vụ công có trôi chảy hơn, dân đỡ kêu hơn. Tuy nhiên, cách thức này không nhân ra đại trà nên rốt cuộc dân vẫn khổ vì cán bộ quan liêu, lười nhác và “không đáp ứng yêu cầu”. Nay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trụ sở dịch vụ công nên mở rộng thực hiện để dân chấm điểm cán bộ.

Vậy đã có tiêu chuẩn đánh giá cán bộ chưa? Người dân có thể trả lời ngay là có tiêu chuẩn đánh giá cán bộ rồi đấy, dù cơ quan quản lý là Bộ Nội vụ thì đang xây dựng. Người dân lại bảo xây dựng làm gì khi 99% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu công việc? Xin nhắc lại câu trả lời từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình rằng: “Sơ bộ, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm khoảng 1%. Bộ Nội vụ cam kết cuối tháng 9-2013 sẽ họp báo công bố kết quả tổng hợp chính xác cuối cùng về đánh giá công chức cả nước”.

Theo tài liệu đã công bố, đến năm 2013, tổng số công chức, viên chức Nhà nước là 2.224.769 người (công chức 525.481 người, viên chức 1.699.288 người). Cứ như Bộ Nội vụ,  số cán bộ “cắp ô” 1% ấy là công chức, nghĩa là chỉ có khoảng hơn 5.200 người, trong khi chính Bộ này lại trình Chính phủ dự thảo kế hoạch tinh giản biên chế 100.000 cán bộ trong 6 năm tới, bao gồm cả công chức lẫn viên chức?

Người dân chất vấn rằng, cứ cho là Bộ Nội vụ thống kê chỉ có 1% là cán bộ “cắp ô” thì cũng có  22.247 người, bằng hơn 3 sư đoàn đang ngồi chơi xơi nước. Miệng ăn núi lở, sơ sơ tính ra ngân sách phải gánh nuôi báo cô số cán bộ này cũng đã tốn trên 2.000 tỉ mỗi năm. Nếu quy ra thóc, thiệt hại do 30% cán bộ cắp ô sẽ là 60.000 tỉ, nghĩa là mất đứt 3 tỉ USD. Có người đặt câu hỏi, phải chăng vì thế mà nhiều nhà báo đang vận động để trẻ em miền núi hằng tuần sẽ được ăn cơm có thịt do các nhà hảo tâm hiến tặng.

Truy tìm số cán bộ không được việc đâu có khó. Hãy tìm trong công bố chỉ số cải cách hành chính (Par Index) những bộ, ngành, địa phương ở Top dưới để lập danh sách ít nhất 1% cán bộ, nhân viên làm hỏng Par Index, vì họ mà cơ quan, bộ, địa phương qua 2 năm vẫn nằm ở thang bậc cuối cùng. Vậy thì hãy thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc” mà không cần chờ trên cho ý kiến.

Vào năm học mới, các bậc phụ huynh học sinh kêu trời vì các khoản đóng góp quá sức chịu đựng của phí, quỹ tiền triệu. Dân kêu, các ông bà đốc học mới vào cuộc, mới thấy quả là học trò phải thực hiện quá nhiều quy định bằng tiền và đã có khá nhiều trường phải trả lại tiền cho các em. Và nếu các vị đốc học “đáp ứng yêu cầu” thì đâu đến nỗi dân kêu hà rầm vì đóng góp!

Trên các nẻo đường, người dân dễ dàng thấy xe “hổ vồ”, “xe vua”, xe siêu trường, siêu trọng phá hỏng cầu đường và đồng tình với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khi quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông. Họ đã không “đáp ứng được yêu cầu công việc”.

Đi chợ, ra phố dễ thấy tràn ngập hàng nhái, hàng giả, hàng độc hại, hàng nhập lậu… Thế nhưng, không có ai trong cơ quan quản lý thị trường bị thăm hỏi cả. Hèn nào cuộc thi tuyển công chức cho lực lượng quản lý thị trường tiêu cực đến nỗi phải hủy kết quả để thi lại.

Đáng quan ngại nhất là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Qua mấy phiên tiếp dân của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng thanh tra Chính phủ mới thấy nhiều vụ việc do địa phương không thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Có vụ khiếu kiện 30 năm, 15 năm tưởng đã vô vọng, nhưng dân vẫn theo. Ngay ở huyện Đan Phượng, có vụ xảy ra từ thời tỉnh Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội. Sau khi ông Nguyễn Văn Nên và Huỳnh Phong Tranh lắng nghe, cho kiểm tra, chỉ đạo mới xử ổn thỏa.

Vậy thì làm thế nào để có người đứng đầu dám “thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc” theo yêu cầu của Thủ tướng? Dân gian nhắc nhở rằng, coi chừng “ông chưa thay được ai thì ông đã bị thay rồi”. Điều này đòi hỏi việc lựa chọn, cất nhắc, bổ nhiệm người đứng đầu trước hết phải là người đáp ứng được công việc và dám thực hiện đầy đủ chức trách của mình.

Báo chí đăng tải thông tin về phó giám đốc sở bị đuổi việc, chánh án tòa án huyện ăn tiền chạy án bị khởi tố, cán bộ xã bị truy cứu vì tham nhũng. Đây cũng là sự thay thế cán bộ không chỉ không đáp ứng yêu cầu công việc mà còn mắc nhiều sai phạm. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây vẫn là xử lý hậu sai phạm. Rất ít vụ việc được phát giác ngăn chặn kịp thời khi chưa quá muộn.

Ngày 18/9, Tòa án TP HCM xét xử một vụ đại án tham nhũng tại Công ty ALC II. Sai phạm của bộ sậu lãnh đạo công ty do Vũ Quốc Hảo là giám đốc bị phát hiện đã diễn ra có hệ thống từ năm 2009. Vậy nhưng Hảo không hề bị thay thế nên tiếp tục lấn sâu vào tội lỗi mà nghiêm trọng nhất là thổi giá một thiết bị giá 100 triệu lên 130 tỉ để chiếm dụng. Y đã bỏ túi hàng chục tỉ đồng và gây thiệt hại cho công quỹ 633 tỉ đồng. Vũ Quốc Hảo trở thành quan chức đầu tiên bị đề nghị 2 án tử hình. Xem ra công tác quản lý cán bộ quá lỏng léo, kiểm tra tài chính quá sơ sài mới nên nỗi.

Hãy làm như Thủ tướng yêu cầu: Thay thế ngay cán bộ không được việc, cán bộ thiếu trách nhiệm, cán bộ có dấu hiệu tham nhũng trước khi xảy ra sai phạm đến mức ra tòa.

Bảo Dân

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc