Tết nhà báo thời bao cấp

06:55 | 21/02/2015

1,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một thời gian khó là vậy nhưng cánh phóng viên chúng tôi có thể nói là rất sướng. Nay qua thời bao cấp nhớ lại vẫn vui vì được sống trong sự thương yêu chăm sóc của cơ sở mà cũng là của bạn đọc của báo chí.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

Gần 20 năm tôi làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội. Đó là “một thời đạn bom, một thời hòa bình” trong bao cấp và nhà báo cần được tin yêu, quý trọng.

Tôi chợt nhớ đến cánh phóng viên trẻ hiện nay hay ta thán về khó khăn khi tiếp cận doanh nghiệp. Nào là bị nghi là đến xin quảng cáo, bị hẹn năm lần bảy lượt, thậm chí còn bị từ chối thẳng thừng. Thì ra không hẳn như vậy, “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”. Trước hết là do cung cách tác nghiệp “chuồn chuồn đạp nước” của các cô cậu này đúng như câu ví “láo nháo như nhà báo đi hội nghị”. Có cô đến cơ sở như đi công viên, không sổ sách, máy ảnh, máy ghi âm mà chỉ toòng teng cái túi xách bằng bàn tay, ăn mặc trang điểm thì như lên sân khấu.

Không như vậy, thời chúng tôi gắn bó với cơ sở lắm. Với các bác lãnh đạo cao tuổi, chúng tôi đứng hàng con cháu để ứng xử, giao tiếp. Còn với các anh chị cứng tuổi hơn, chúng tôi nhận phận làm em. Khoái nhất là các giám đốc trẻ cùng trang lứa có lỡ quá mồm vui miệng cũng chẳng sao. Cứ… vô tư đi. Tin, bài về cơ sở đều tăm tắp. Nào là sản phẩm mới, công trình chào mừng, nào là chăm lo đời sống công nhân, mở mang nhà trẻ… rồi phong trào cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng… Nhiều thông tin lắm. Có đơn vị coi tôi như cán bộ thi đua vậy. Vì thế, có cái báo cáo, bài diễn văn chào mừng cấp trên và cả bài phát biểu của Bí thư Thành ủy nhân ngày truyền thống… tôi đều được mời góp ý, chuẩn bị giúp… Lại có khi được “gọi” khẩn cấp, đón bằng xe ôtô hẳn hoi để góp ý cách tiếp đón, báo cáo và đề đạt gì với lãnh đạo cấp cao đến thăm nhà máy. Đôi khi tôi còn được tham gia xây dựng thực đơn bữa cơm thân mật đón khách cấp trên.

Tôi được coi như một phái viên của trên về đơn vị và tất nhiên tôi cũng được tặng một xuất quà tết. Theo thông báo phải có mặt đúng giờ G ngày N để nhận. Đây là việc gay cấn nhất. Ngày cận tết bao nhiêu công việc, đâu rảnh rỗi mà đi nhận quà đúng giờ. Thương cánh báo chí, các vị giám đốc, chủ nhiệm gọi điện báo tin rồi bảo bận không đến được thì cho người nhà ghé đến xưng danh là được nhận.

Thời đó có nhiều loại tem phiếu lắm. Chẳng hạn  tem phiếu thực phẩm chia ra nhiều loại: A, B, C, D, E, N, T và của công nhân thì chia ra là I, II, III. Chẳng biết anh em cơ quan “chạy” thế nào mà phóng viên Thông tấn xã được hưởng 16,5kg đến 21kg gạo/tháng và tem phiếu loại II dành cho công nhân có mang vác nặng, nghĩa là 1,2kg thịt/tháng. Ở Hà Nội có các cửa hàng riêng, chỉ có phiếu A và phiếu B của thứ trưởng và tương đương trở lên. Phiếu A chỉ có ở cửa hàng Tôn Đản, Hà Nội. Những người hưởng phiếu loại B là thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh. Nghe nói ở  Huế có một người dẫu không phải cán bộ mà được hưởng phiếu thực phẩm loại B, đó là bà Từ Cung, thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại. Tháng Chạp là tháng nhà tôi dành toàn bộ phiếu thịt để mua mỡ, đem rán ăn dần vì thế nào cũng có thịt tết dư sức gói bánh chưng, nấu thịt đông, gói giò thủ.

Lại nói chuyện đi bắt lợn ở hợp tác xã nông nghiệp ngoại thành mới rách việc. Cậy cục mượn được chiếc xe ôtô U-oát, tôi đi Thạch Thất vào buổi chiều, ngủ lại để mai bắt lợn sớm. Chiều muộn mới đến trụ sở xã thì được chủ nhiệm lôi tuột về nhà dự liên hoan với ban quản trị, ban kiểm soát. Câu chuyện thời sự, nhân sự đại hội không sao dứt được để nói chuyện bắt lợn. Đến khi đài đã tút tút 9 giờ đêm, tôi mới nói chuyện cho bắt con lợn khoảng 70 ký. Thế rồi vẫn đâu ra đấy. Tờ mờ sáng hôm sau, lợn đói đã cân, đã trói chân nằm gọn trong cốp xe và tiền nong thanh toán đầy đủ kèm giấy tờ phòng bị dọc đường. Còn chúng tôi đã có bữa “lo lo ti ca” ấm chân răng rồi chào tạm biệt để lên đường. Ở Hà Nội, anh em đã tay dao thay thớt chờ sẵn.

Nhiều người dân Hà Nội gốc còn nhớ thời đó, đi mua hàng tết là cực hình với đủ kiểu xếp hàng, chen lấn, xô đẩy cả ngày mới mua được suất hàng. Ai cũng phải đi từ sáng sớm. Bực nhất là đến lượt thì hết hàng, không phải là hết sạch mà hết gói hạt tiêu, gói chè chẳng hạn. Lúc đó là lúc quyết định khó khăn dễ mất vui cả cái tết: Chấp nhận bỏ mấy thứ lặt vặt để được mua những thứ cơ bản. Nói vậy chứ chúng tôi coi như không lo xếp hàng vì đã có đồng nghiệp nhà đài thân thiết với thương nghiệp lo mua giúp từ nơi đóng gói rồi.

Vì vậy, công bằng mà nói, thời kỳ gian nan ấy, chúng tôi có cái tết đầy đủ. Sơ sơ tôi có không dưới 30 suất quà. Bên cạnh những thứ thông thường như hộp mứt, gói kẹo, gói mì chính, chai rượu, bao thuốc, cân gạo… có thể để dành hoặc luân chuyển tiếp đến ông bà nhạc, các anh em thì gian nan nhất là khoản thực phẩm tươi sống. Nhà không có tủ lạnh nên cả tối 30, hai vợ chồng tôi xoay trần làm lạp xường bằng phụ liệu mua ở Hàng Buồm. Không cân nhưng tôi đo được trên 20 mét. Ăn đến ra Giêng không hết.

Duyên nghiệp khiến chúng tôi rất ung dung trong… dịp tết. Còn ngày thường ư, không đến nỗi. Bởi tôi có trong tay cả chục đầu mối “căn bản” trong danh sách “Người tốt việc tốt” ở thành phố từ lương thực, thực phẩm, chất đốt, bách hóa để có thể gửi mua thịt, đong gạo, mua dầu, mua đường… khỏi xếp hàng. Gần 30 năm đổi mới, hết bao cấp, vật đổi sao dời không gặp được những người thân quen cũ. Tôi nhớ đến chị Phú, Cửa hàng trưởng lương thực 195 Đội Cấn vốn là lao động xuất sắc của ngành lương thực. Rất thân tình, chị bảo tôi đưa sổ gạo cho chị để khi nào có gạo tốt, mì ngon chị mua cho rồi điện cho tôi đến lấy. Chuyện mua thịt cũng vậy. Tôi nhờ được chị Hoạt, lao động xuất sắc ở Cửa hàng thực phẩm chợ Ngọc Hà nhận mua giúp.

Một thời gian khó là vậy nhưng cánh phóng viên chúng tôi có thể nói là rất sướng. Nay qua thời bao cấp nhớ lại vẫn vui vì được sống trong sự thương yêu chăm sóc của cơ sở mà cũng là của bạn đọc của báo chí.

Trần Đình Thảo