Sửa luật ra đầu ra đũa

07:00 | 27/04/2015

822 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi) đã được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo. Tuy nhiên nhiều đại biểu nhận xét dự thảo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Năng lượng Mới số 415

Trong tổng số 441 điều dự thảo đã tăng thêm 87 điều, giữ nguyên 8 điều, bổ sung 63 điều, nhưng sửa đổi lên tới 370 điều. Chỉ có 8 điều bị bãi bỏ cho thấy phạm vi sửa đổi rất lớn.

Theo Ủy ban Tư pháp (UBTP), yêu cầu của việc sửa đổi phải giải quyết được những vấn đề thật sự bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và bổ sung những nội dung còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều quy định trong dự thảo chưa bảo đảm sự thống nhất giữa mục tiêu, quan điểm, yêu cầu đặt ra cũng như thiếu sự đồng bộ giữa phần quy định chung và các tội phạm cụ thể; một số quy định của BLHS hiện hành qua thực tiễn áp dụng gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra một số điều, khoản luật hiện hành đang phát huy tác dụng tốt thì lại sửa đổi.

Có đại biểu Quốc hội băn khoăn, sửa đổi lớn như vậy nhưng báo cáo đánh giá tác động chỉ có 7 lĩnh vực, như vậy có đảm bảo được hay không?

Những sửa đổi này phải đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp mới, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Quan điểm là sửa nhiều hay ít không quan trọng mà phải đảm bảo sửa những gì đang bất cập; tổng kết những vướng mắc gì mà chúng ta chưa giải quyết được thì phải tập trung sửa đổi.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, để phục vụ cho việc sửa đổi này có 21 báo cáo chuyên sâu, trên cơ sở đó đoàn kiểm tra liên ngành đã đi khảo sát thực tế và dự thảo BLHS này được xây dựng trên cơ sở tổng kết của các cơ quan tố tụng.

Về chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù, đa số các ý kiến không tán thành và cho rằng, quy định chuyển đổi hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù vừa không phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp, vừa khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, việc chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù là chuyển loại hình phạt khác nặng hơn, nhưng chưa dự kiến được tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu tiền bằng một ngày tù? Mối quan hệ giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự khi chuyển đổi tiền thành tù thì cơ quan nào có thẩm quyền, thủ tục ra sao?

Sửa luật ra đầu ra đũa

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) tại phiên họp

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung các tội danh mới nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm là cần thiết. Tuy nhiên, tội danh và cấu thành cụ thể cần phải dựa trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành BLHS hiện hành. Tránh tình trạng “chạy theo tình hình” vừa không bao quát, đầy đủ, vừa không đảm bảo sự thống nhất của chính sách hình sự. Do vậy, số tội danh mới bổ sung cần có sự rà soát kỹ, tránh sự chồng chéo.

Về khắc phục bỏ lọt tội phạm, UBTP cho rằng, một trong những yêu cầu của lần sửa đổi này là bên cạnh quy định tội phạm mới phát sinh thì phải giải quyết vướng mắc trong các quy định hiện hành, tránh bỏ lọt tội phạm và hình sự hóa các quan hệ dân sự (hoặc ngược lại). Tuy nhiên, nhiều quy định của dự thảo bộ luật chưa bảo đảm yêu cầu này.

Chẳng hạn, với “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” dự thảo đã bỏ qua yếu tố “chiếm đoạt” dễ dẫn tới hậu quả là hình sự hóa quan hệ dân sự, hạn chế sự năng động trong sản xuất, kinh doanh. Một số ý kiến đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trao đổi về dự thảo, giới luật gia cho rằng, các điều khoản  trong BLHS đòi hỏi sự khái quát, cụ thể ở mức độ cao. Không nên tồn tại những điều luật mà ngay cả tên gọi cũng đã cho thấy sự mơ hồ trong các tội danh đề xuất như: Tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức, lối sống…

Theo khoa học luật hình sự, các tội danh “tự chuyển hóa”, “lợi ích nhóm” và “suy thoái đạo đức, lối sống” ngay cái tên gọi cũng đã rất trừu tượng nên rất khó để xác định được khách thể mà luật hình sự bảo vệ trong các tội danh này.

Mặt khác, trong phần các tội phạm của BLHS, các quan hệ xã hội liên quan đến các tội phạm mới này cũng đã có quy định như: hành vi liên quan đến “tự chuyển hóa” được quy định trong phần các tội phạm an ninh quốc gia; “lợi ích nhóm” quy định trong phần các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; “suy thoái đạo đức, lối sống” quy định trong tất cả các điều luật của BLHS (vì cán bộ, công chức đã vi phạm pháp luật là “suy thoái”). Chưa nói đến, cán bộ, công chức còn bị điều chỉnh hành vi, lối sống, tác phong, đạo đức qua một loạt quy định khác như Luật Cán bộ, công chức; Điều lệ Đảng và quy chế của cơ quan, tổ chức nơi công tác... Những hành vi liên quan đến các tội danh nêu trên không phải là mới nên không cần thiết đẻ thêm điều luật lạ hoắc.

Điều cần hơn cả là tính nghiêm minh chứ không phải thêm nhiều luật và điều luật!

Bảo Dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc