Sau vụ lật cầu treo

07:00 | 04/03/2014

1,138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Điểm qua thực trạng cầu treo, cầu tạm ở một số địa phương thì thấy rằng, tính mạng của hàng vạn người dân miền núi đang treo lơ lửng...

Năng lượng Mới số 301

Sau vụ lật cầu treo ở Tam Đường, Lai Châu, ngày 27/2, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các địa phương tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình cầu treo giao thông nông thôn trên địa bàn. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng trong các khâu khảo sát, thiết kế và thi công; công tác quản lý, bảo trì… còn bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp thực hiện tổng kiểm tra các công trình cầu treo giao thông nông thôn trên địa bàn.

Riêng đối với ngành GTVT đề nghị cần rà soát các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình cầu treo giao thông nông thôn, nghiên cứu tăng cường sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ thi công phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực, vùng miền nhằm nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình.

Cầu treo quá nguy hiểm ở Đắk Lắk

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sau khi trực tiếp lên Lai Châu đã có công điện yêu cầu các địa phương trên cả nước rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn, tổ chức kiểm định chất lượng các cầu để có phương án khai thác phù hợp, đồng thời lắp đặt ngay biển báo quy định tải trọng và hướng dẫn chi tiết thật dễ hiểu để đáp ứng việc đi lại của người dân và phương tiện. Đặc biệt, tại những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, phải có hướng dẫn bằng tiếng dân tộc. Vị trí đặt biển phải đảm bảo tầm nhìn phù hợp để người dân dễ nhận biết. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Có đến những tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Tây Bắc mới thấy các địa bàn này nhiều cầu treo như thế nào và càng thấy sự nguy hiểm rình rập đe dọa tính mạng người dân ra sao. Có những chiếc cầu treo chênh vênh nối hai ngọn núi cao hàng chục mét qua dòng suối chảy siết mà nó cũ nát, rệu rã đến nỗi không thể gọi là cầu. Tỉnh Đắk Nông hiện có 164 công trình cầu tạm, cầu treo. Các công trình trên chủ yếu được làm bằng gỗ, không có lan can bảo vệ và được xây dựng trên các khe suối nhỏ. Nhiều công trình hiện xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi có người đi qua là cây cầu lại rung lên, chòng chành gây cảm giác như sắp sập. Tỉnh Đắk Lắk cũng có hàng chục cây cầu treo được xây dựng qua các con suối ở các huyện Krông Bông, Lak, Buôn Đôn, Ea Kar, Ea Sup...

Ở xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, nhiều năm qua người dân hai thôn Cà Thêu và Hòn Lay phải đi lại qua cây cầu treo Cà Thêu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn ván gỗ trên mặt cầu bị mục nát, tạo nên một khoảng trống có độ hở 0,5-1m.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 9 cây cầu treo (8 chiếc ở Tuyên Hóa và Minh Hóa, 1 chiếc ở Bố Trạch) đang trong tình trạng nguy hiểm, hết hạn sử dụng từ lâu. 9 cầy cầu này đều hư hỏng phần mặt đến 70%, trụ cầu bị sụt trượt xâm thực, cáp bị rỉ sét, dầm dọc ngang, giằng chéo bị rỉ hết. Nhưng hằng ngày nó vẫn cõng hàng trăm lượt người dân đi qua.

Cây cầu treo Đò Rô bắc qua sông Con, nối 2 xã Nghĩa Bình và Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cũng trong tình trạng nguy hiểm tương tự. Hàng trăm đinh ốc, vít sắt dưới mặt cầu đã bị mất chỉ còn trơ lại cái khuy, nhiều nẹp sắt cũng bị mất đinh ốc nên bật cong lên phía trên như một lưỡi dao nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Gỗ lát mặt cầu đã bị mục nát nên người dân phải cài tạm bằng một khúc gỗ khác. Nhiều học sinh đã bị mắc kẹt bánh xe đạp và tụt chân vào những hốc gỗ hư hỏng trên mặt cầu…

Điểm qua thực trạng cầu treo, cầu tạm như vậy ở một số địa phương thì thấy rằng, tính mạng của hàng vạn người dân miền núi đang treo lơ lửng mỗi khi qua lại trên những cây cầu đó. Nói là quan tâm đến việc xây dựng công trình giao thông nông thôn nhưng kinh phí rất hạn hẹp. Những tỉnh có cầu treo như thế đều thuộc địa bàn dân tộc, miền núi còn rất nghèo, phải trông chờ sự hỗ trợ của Trung ương. Xin được khoản kinh phí nào thì chủ yếu đầu tư mở mang và nâng cấp đường chứ chưa đủ kinh phí làm cầu. Biết là cầu đã hư hỏng mà lực bất tòng tâm nên đành bỏ quên.

Đồng bào dân tộc thiểu số dân trí thấp nhưng ở hầu hết các cây cầu đều không có biển báo hướng dẫn cho bà con về tải trọng của cầu, cách sử dụng vào giờ cao điểm ra sao. Vì thế, khi quá tải thì cầu có làm đúng quy chuẩn kỹ thuật cũng dễ đứt dây, gãy ván.

Mong rằng, sắp tới đây, với sự vào cuộc của Chính phủ và hai bộ chủ quản, hệ thống cầu treo, cầu tạm cả nước sẽ được cải tạo nâng cấp để bảo đảm tính mạng cho bà con.

Bùi Đức