Rau nội - giống ngoại

07:07 | 30/09/2014

1,407 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nước ta lẽ ra là vườn rau của thế giới, thế nhưng mỗi năm nước ta vẫn phải chi đến nửa tỉ USD để nhập khẩu hạt giống rau. Và có đến 90% số giống rau phải nhập ngoại, dù rất nhiều loại hạt giống rau củ có thể sản xuất trong nước như cà chua, dưa leo, đậu bắp, khổ qua... vẫn ồ ạt nhập khẩu!

Năng lượng Mới số 360

Lại nữa, giá các loại hạt rau nhập khẩu này không hề rẻ. Dưa leo khoảng 2,5 triệu đồng/kg, các loại khác thấp hơn chút ít, một “ký lô” cũng từ 1,8 đến 2 triệu đồng!

Khổ thân bà con nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chắt chiu từng đồng bạc thấm đẫm mồ hôi nước mắt mua hạt giống với giá trên giời để làm nên những “con số đẹp”, tạo ra “ấn tượng” cho ngành nông nghiệp.

Vô lý ầm ầm. Không biết những nhà khoa học khả kính của ngành nông nghiệp nghĩ gì trước thông tin này? Không chỉ riêng ai, mà tất cả con dân đất Việt có lòng tự trọng đều thấy xấu hổ về chuyện này.

Rau nội - giống ngoại

Thưa các nhà quản lý! Thưa các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… Lâu nay quý vị nghiên cứu những công trình to tát gì, mà “quên” mất cái nhỏ nhất là… hạt rau? Hay cái hạt rau “không là cái đinh” gì nên quý vị không thèm “để mắt” tới.

Lại xin thưa với bạn đọc và bà con nông dân, không phải Nhà nước ta không quan tâm, không đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mà có chủ trương và đã đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ lâu Chính phủ đã cho phép thực hiện hẳn một chương trình giống quốc gia thực hiện trong 20 năm với vốn rót cho chương trình này tính đến năm 2010 khoảng 20.000 tỉ đồng (gồm cả vốn Trung ương và địa phương). Vậy mà kết quả là vẫn phải đi… nhập khẩu!

Ngoài các vụ, viện, các trường đại học có chức năng nghiên cứu khoa học, cả nước có trên 400 doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hạt giống, nhưng họ chỉ nghiên cứu được một vài loại sản phẩm riêng lẻ để “che mắt thế gian”. Còn lại chủ yếu tập trung “đầu tư chất xám” cho việc chạy chọt nhập khẩu về bán để hưởng chênh lệch giá. Cái đuôi “lợi ích nhóm” thò ra chẳng giấu được ai.

Lại phải nói câu “lại nữa”, ngành sản xuất hạt giống đòi hỏi công nghệ cao, kinh phí đầu tư lớn. Không riêng gì các nước tiên tiến, gần sát với nước ta là nước láng giềng Thái Lan, các tập đoàn lớn chuyên sản xuất hạt giống hầu hết là tư nhân, ở đó họ có đội ngũ khoa học hùng hậu và tiềm lực kinh tế lớn. Nhưng ở ta quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, vừa manh mún, vừa quá nhỏ bé èo uột. Ngân sách của Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này hàng chục tỉ đồng cứ như “tấm bánh vẽ” xé lẻ chia nhau, thì lấy đâu ra sức mạnh đích thực để cho ra sản phẩm tốt, rẻ.

Hóa ra những mỹ từ gọi là “chiến lược”, gọi là “đầu tư chiều sâu”… cho ngành sản xuất hạt giống lâu nay chỉ là khẩu hiệu, là hình thức. Khi hô hào, lúc triển khai thì rõ to, rõ hoành tráng, cốt sao để có thành tích. Rồi sau đó kết quả ra sao, dự án có thành hiện thực, hay “đắp chiếu để đấy” cũng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm.

Ngành sản xuất rau phải phụ thuộc đến 90% số giống phải nhập ngoại. Và vẫn với tình trạng này thì vẫn còn phải nhập ngoại dài dài chưa biết đến bao giờ mới tự lực được. Đây không chỉ là điều bất hợp lý, mà còn là sự thách thức đối với công tác quản lý, điều hành, thách thức sự tự trọng của các nhà khoa học chân chính ngành nông nghiệp nước nhà.

Quyết liệt thay đổi để khẳng định hay tiếp tục “dậm chân tại chỗ”, xin để lương tâm những nhà quản lý và các nhà khoa học tự vấn.

Lâm Quý

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc