Quyết định cho một cuộc đời

11:59 | 17/09/2014

4,880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng ta hãy thử hình dung, nếu không có quyết định đầy bản lĩnh của tướng Nguyễn Đức Chung, chắc chắn tình hình sẽ hết sức căng thẳng. Trần Thanh Bình có thể manh động, làm hại con tin, rồi những cuộc vây bắt, giằng co, thậm chí sử dụng vũ lực, nổ súng. Vô hình trung, Trần Thanh Bình đang từ một con người lương thiện, chỉ vì phút sai lầm mà sự việc bị đẩy đi quá xa, cuộc đời xem như rơi vào vực thẳm.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội một mình vào gặp, trò chuyện, thuyết phục, đưa đối tượng bắt cóc con tin ở Thanh Xuân Bắc ra hàng, yêu cầu không còng tay và cho đối tượng ngồi chung xe đã gây ngạc nhiên  cho những người chứng kiến.

Trong nghề công an, bắt một đối tượng tội phạm đã khó nhưng quyết định không bắt để đối tượng phải tự ra đầu thú và chịu xử phạt của pháp luật lại còn khó hơn gấp bội, đặc biệt là những đối tượng gây trọng án. Nếu không may mà gặp phải trường hợp đối tượng lợi dụng sự độ lượng của người công an để trốn thoát và tiếp tục gây án thì hậu quả đối với người quyết định thật khôn lường.

Vì vậy, quyết định "bắt hay không bắt", "còng tay hay không còng tay", "dùng vũ lực hay dùng nhân tâm" thường thể hiện bản lĩnh của người chỉ huy và trên hết là lòng tin của người làm nghề công an đối với một Con Người.

Những quyết định "cân não" đó đôi khi đầy rủi ro, nhưng đôi khi lại "cứu vớt" cho chính những con người lầm lỡ, khiến cho họ tin rằng cuộc đời còn có niềm tin, có nhân tâm và trên hết là họ có một cơ hội làm lại.

Chúng ta hãy thử hình dung, nếu không có quyết định đầy bản lĩnh của tướng Nguyễn Đức Chung, chắc chắn tình hình sẽ hết sức căng thẳng. Trần Thanh Bình có thể manh động, làm hại con tin, rồi những cuộc vây bắt, giằng co, thậm chí sử dụng vũ lực, nổ súng. Vô hình trung, Trần Thanh Bình đang từ một con người lương thiện, chỉ vì phút sai lầm mà sự việc bị đẩy đi quá xa, cuộc đời xem như rơi vào vực thẳm.

Vậy nên, cũng sẽ không quá khi nói rằng: Quyết định của tướng Chung là "QUYẾT ĐỊNH CHO MỘT CUỘC ĐỜI".

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (ngoài cùng bên trái, áo trắng) đưa đối tượng ra ngoài.

 

Quyết định này khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện cách đây mấy năm, khi tướng Phạm Chuyên còn làm Giám đốc Công an Hà Nội. Câu chuyện được kể lại trong phóng sự: "Quyết định cho một cuộc đời" của nhà báo Nguyễn Như Phong. PetroTimes xin được đăng lại phục vụ bạn đọc:

QUYẾT ĐỊNH CHO MỘT CUỘC ĐỜI

Bây giờ thì Bùi Văn Giáp đã trở thành một ông chủ lò gạch có tiếng ở huyện Sóc Sơn. Với gần bốn chục công nhân đang làm thuê, với cơ ngơi là những lò gạch ngày đêm nhả khói, với những hồ cá, với người vợ đảm đang luôn sát cánh bên chồng trong những lúc khó khăn nhất, với hai đứa con có nếp có tẻ và là trò giỏi, con ngoan - Giáp không còn mong gì hơn thế nữa.

Khi trông thấy Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cùng chúng tôi đến thăm Giáp ngay tại khu sản xuất gạch, Giáp sững người nhìn rồi gần như quỳ thụp xuống, anh gọi:

- Các con ơi, ông... ông Chuyên đến. Mình ơi, bác Chuyên đến đây này!

- Thằng này nhớ giỏi nhỉ - Thiếu tướng Phạm Chuyên ôm lấy Giáp, kéo anh ngồi xuống ghế.-  Lâu lắm rồi không gặp anh, thế mà anh vẫn nhớ ta.

- Cháu quên thế nào được bác. Nhiều lần, cháu nhớ bác, nhớ công ơn của bác, cứ định đến thăm bác. Nhưng nghĩ phận mình thế này, chắc gì bảo vệ đã cho gặp, hơn nữa bác lại bận công việc...

Thiếu tướng Phạm Chuyên cười:

- Thế dạo này làm ăn ra sao?

- Chuyện làm ăn, cũng thưa thật để ông mừng - Chị Lan, vợ Giáp đỡ lời - Nhà cháu thuê 11 mẫu đất của xã để làm gạch, phải thuê thêm 36 công nhân và trả lương cho họ trung bình 800.000đ một tháng. Năm ngoái, trừ ăn tiêu chi phí đi, còn để ra vài chục triệu, chúng cháu cũng mới xây dựng được nhà to trong thị trấn.

Thiếu tướng Phạm Chuyên cười đôn hậu:

- Thế thì tốt rồi. Cũng mong chúng mày làm thế nào thì làm đừng phụ lòng bác.  Nào, hai đứa ra đây ông mừng tuổi.

Thiếu tướng Phạm Chuyên lấy tiền ra mừng tuổi hai đứa con anh Giáp rồi hỏi chuyện học hành của chúng. Cháu gái lớn tên là Bùi Thị Anh, học lớp 9 chọn của Trường THPT thị trấn Sóc Sơn. Còn cháu trai là Bùi Đình Phú đang học lớp 7. ông Chuyên nhìn chúng với  vẻ mãn nguyện rồi bảo Giáp:

- Thấm thoắt thế mà 15 năm rồi. Ngày ấy... cái hôm ở khu lò gạch bên Đông Anh, con bé này đang nằm trong bụng mẹ. Anh thấy chưa, bây giờ chúng nó lớn khôn thế này, nếu hôm đó cứ quyết xông vào bắt anh thì nay thế nào nhỉ?

Ông nói xong rồi hơi rùng mình như quá sợ cái phút hãi hùng ấy khi mà Bùi Đình Giáp tóc xõa ngang lưng, trên trán quấn một dây vải đỏ, mắt đỏ ngầu, quai hàm bạnh ra, cầm dao bầu chọc tiết lợn dí vào cổ vợ, gầm rít điên dại: “Tôi không làm gì mà phải bắt! Ai vào đây... tôi giết tất! Trước hết tôi sẽ giết vợ con tôi...”.

Đó là vào buổi sáng ngày 8-9-1989, ngày mở màn chiến dịch 135 tấn công trấn áp tội phạm hình sự.

Chiến dịch 135, Công an TP. Hà Nội cũng như các tỉnh thành phố khác đồng loạt ra quân. Để chuẩn bị cho chiến dịch, trước đó, công an từng đơn vị nghiệp vụ, các phường, xã, quận, huyện phải làm danh sách các đối tượng hình sự, đối tượng có lệnh truy nã, trốn thi hành án, và dĩ nhiên là cả những đối tượng bất hảo ở địa phương.

Bùi Văn Giáp là một trong những đối tượng mà Công an huyện Đông Anh đưa vào danh sách phải bắt, bởi lẽ anh ta phạm tội giết người. Lúc đó Giáp đang ở một khu lò gạch. Khi Công an huyện cùng Cảnh sát Hình sự của thành phố ập đến thì Giáp chạy vào một căn nhà, đóng cửa lại rồi đem vợ ra làm... con tin, mà Lan, vợ anh ta đang có chửa đến tháng thứ 8.

Một bầu không khí căng thẳng đến nghẹt thở bao trùm tất cả. Sau hàng giờ thuyết phục, thấy anh ta vẫn trơ như đá và không hề có dấu hiệu mệt mỏi, chỉ huy các đơn vị họp lại và sau nửa giờ bàn bạc, mọi người thống nhất là... phải tấn công, tiêu diệt Bùi Văn Giáp. Cũng có ý kiến lo ngại là Giáp sẽ hành động liều lĩnh là giết vợ - dĩ nhiên là giết cả đứa con trong bụng vợ, rồi tự sát, vì vậy cần chọn biện pháp khác. Tuy nhiên, ý kiến này nhanh chóng bị chìm ngay trong thế tấn công tội phạm của chiến dịch 135 đang nóng hừng hực. Một số chiến sĩ đặc nhiệm được điều đến với đầy đủ các loại vũ khí "mới" cần thiết.

Đúng lúc đó, đồng chí Phạm Chuyên đến. (Khi ấy, ông là Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát). Cùng đi với ông có một số nhà văn, nhà báo theo ông đi thực tế...135.

Chỉ huy các đơn vị báo cáo lại cho ông tình hình vây bắt Bùi Văn Giáp và biểu lộ quyết tâm “phải diệt thằng này”. Nghe báo cáo xong, ông hỏi mọi người:

- Các đồng chí có đảm bảo an toàn cho vợ anh ta không?

Mọi người ngẩn ra trước câu hỏi của ông và im lặng.

- Bắt, trừng trị một người nhưng lại để hai người bị hại thì không thể chọn phương pháp đó được.

Nghe ông nói vậy, những gương mặt đang bừng bừng khí thế... 135 nguội hẳn đi nhưng có vẻ không đồng tình và cho đó là tư tưởng hữu khuynh, là “nhân văn không đúng lúc, đúng chỗ, không đúng đối tượng”. ông không tranh luận với những ý kiến đó mà yêu cầu báo cáo cho ông nghe về hành động phạm tội của Bùi Văn Giáp. Hóa ra là anh ta phạm tội đánh chết trộm ở huyện Sóc Sơn. “à ra thế!” ông thốt lên và tươi tỉnh ngay rồi buông một câu chắc nịch:

- Vậy thì đơn giản thôi. Có lối thoát rồi.

Mọi người rất ngạc nhiên nhìn nhau không hiểu lối thoát của ông là đường nào? Vốn làm Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát nên đồng chí Phạm Chuyên rất am hiểu tình hình trật tự trị an ở huyện Sóc Sơn. Dân ở đây hiền lành, lao động cần cù, nhưng mắc một “căn bệnh” rất xấu đó là... đánh chết kẻ trộm (!). Kẻ nào đi ăn trộm từ con gà, con lợn ở khu vực Sóc Sơn nếu dân tóm được mà cho ăn đòn, bị tàn tật thì coi như là... còn phúc! Nhưng số “còn phúc” này không nhiều,  hầu hết là “vô phúc” mà “đi” luôn! Hình như không tháng nào là không xảy ra vụ dân đánh chết kẻ trộm, vứt xác ra đồng hoặc đánh cho tàn tật. Công an huyện Sóc Sơn đã tổ chức giáo dục vận động nhân dân không hành xử theo kiểu luật rừng ấy, nhưng hiệu quả xem ra chả có là bao.

Trong vụ Bùi Văn Giáp tham gia đánh hội đồng chết một tên trộm, thì cũng chỉ có anh ta là khảng khái nhận tội, còn những người khác đều “ngơ ngác”: Tôi biết đâu đấy, các ông đi mà hỏi nó? (tên trộm đã chết).

Với một kẻ giết người, cũng có thể tha thứ được; với một kẻ trộm, có thể tha thứ; với một gã lưu manh, cướp giật cũng có thể tha thứ được; nhưng với kẻ không có nhân cách thì không thể tha thứ và đó là quan niệm hành xử của ông Phạm Chuyên đối với tội phạm. Mà với trường hợp Bùi Văn Giáp này, anh ta phạm tội thì đã rõ, nhưng nguyên nhân phạm tội thì có thể xem xét. Nghĩ vậy, ông quyết định cho đội đặc nhiệm lùi ra ngoài xa, còn ông, tay đút túi quần, lững thững đến căn nhà Bùi Văn Giáp đang ẩn náu. ông nhìn Giáp hồi lâu rồi khẽ khàng hỏi:

- Cháu bị truy bắt vì tội gì?

- Tôi... cháu đánh chết kẻ trộm.

- Và cháu đã nhận tội!

- Vâng, cháu làm cháu chịu! Nhưng... nhưng vợ cháu nó sắp đẻ rồi? Nếu các ông cứ bắt, cháu sẽ giết vợ rồi tự sát.

Hỏi chuyện anh ta thêm một lúc và thấy Giáp là một người thật thà, động cơ anh ta chống lại cuộc vây bắt của công an chỉ là vì vợ sắp đẻ. Hơn nữa, từ cách nói năng đến ý nghĩ của anh cũng bộc lộ đó là người có nhân cách. Nghĩ vậy, ông nói thong thả:

- Chú tin cháu là người có suy nghĩ. Bây giờ chú không bắt cháu nữa và chú chờ cháu đến gặp chú ở Công an Hà Nội. Cứ bảo là gặp chú Phạm Chuyên. Nhớ tên chú chưa? Tội của cháu không nặng lắm đâu. Nhưng nếu trốn thì càng thêm nặng đấy.

Giáp trố mắt nhìn ông, lắp bắp:

- Ông nói thật đấy chứ?

- Sao lại không thật. Chú lấy danh dự ra để đảm bảo với cháu là không bắt cháu. Nhưng chú muốn được gặp cháu tại Công an Hà Nội.

Nói xong, Phạm Chuyên đi luôn và ra lệnh rút quân.

Trước thái độ “hữu khuynh” của Phó giám đốc, nhiều cán bộ chỉ huy không bằng lòng ra mặt. Có anh không thèm chào ông mà lên xe đi thẳng.

Chiều hôm đó, tin đồn Phó giám đốc Phạm Chuyên thả tội phạm để nó trốn đi lan khắp các cơ quan chính quyền. Bí thư Thành ủy rồi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu báo cáo... rồi liên tiếp những tin đồn đến tai ông. Nào là Giáp bỏ trốn; nào là hắn lại đi gây án tiếp... Trong khi đó, Công an Sóc Sơn báo cáo là Giáp đã về nhà, rồi đóng cửa lại.

Những người không ưa ông Phạm Chuyên thì hồi hộp đợi chờ một kết cục không có hậu.

Những người quý ông thì cũng chỉ biết chép miệng, ái ngại cho con đường quan lộ của ông sẽ bị... cụt, nếu tên Giáp kia bỏ trốn và gây án tiếp.

Thời gian tưởng như ngừng trôi. Chưa khi nào ông thấy thời gian có sức nặng ghê gớm đến thế. Nhưng ông vẫn tin... vẫn tin là Giáp sẽ đến.

Đầu giờ chiều ngày hôm sau, Bùi Văn Giáp đến Công an Hà Nội và xin gặp Phó giám đốc Phạm Chuyên.

Vẫn với vẻ bình thản, ông ra gặp Giáp và tưởng như không tin vào mắt mình. Giáp mặc áo sơmi trắng, mái tóc dài đến ngang lưng hôm trước đã được cắt gọn ghẽ, nom anh ta rất đàn ông và đầy vẻ tự tin. Đi cùng Giáp, ngoài bà mẹ ra còn có một người đàn ông đã đứng tuổi là cậu ruột của Giáp. Phó giám đốc Phạm Chuyên nhận ra ngay đó là ông Ngô Văn Bính, người đã bắt được giặc lái B52 đầu tiên ở huyện Đông Anh vào đêm 19-12-1972.

Cuộc gặp gỡ diễn ra cảm động và đầy sự tin tưởng lẫn nhau. Sau đó Phó giám đốc Phạm Chuyên cho mời Viện Kiểm sát tới và mọi người nhanh chóng đồng ý với cách của ông: Cho Giáp trở về nhà, chăm lo cho vợ đẻ xong, khi nào con đầy tháng thì... khăn gói đến Phòng Cảnh sát điều tra.

Với Giáp, thật không còn mong gì hơn thế. Khi chị Lan sinh cháu gái và chờ con được đúng một tháng, anh từ biệt gia đình, lên đường vào trại giam. Cũng không ít bạn bè khuyên anh nên “bùng” đi đâu xa mà sinh sống, nhưng Giáp dứt khoát không nghe với lý do giản dị: “Không thể phụ lòng tốt của bác Chuyên được”. Giáp ra tòa và bị xử 4 năm tù. Nhưng chỉ sau hơn 2 năm cải tạo tốt, Giáp được trở về trước thời hạn và lại lao vào làm gạch.

* * *

Tôi hỏi đồng chí Phạm Chuyên:

- Nếu lần đó Giáp không ra tự thú thì kết quả ra sao?

Ông cười mà rằng:

- Anh ta không thể không ra. Nhìn vào mắt anh ta lúc ấy, tôi tin đó là người tử tế!

          N.N.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc