Luận bàn về pháp lý và đạo lý 6

07:00 | 12/04/2013

2,195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làm người chỉ huy thì phải biết lãnh đạo bằng năng lực chứ không phải bằng quyền lực; phải bằng uy tín chứ không phải bằng uy lực và phải biết làm theo pháp lý nhưng không được quên đạo lý.

Đàm luận của Như Thổ (NLM số 212)

Những ngày này, dư luận rất quan tâm về vụ xét xử ông Đoàn Văn Vươn với tội danh Giết người, Chống người thi hành công vụ và một số quan chức của xã, huyện Tiên Lãng về việc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng…

Chưa bàn đến chuyện đúng, sai, phải, trái về hành vi của các bị cáo, mà ở đây chỉ bàn đến một việc: ấy là đạo lý. Nhưng trước khi nói về đạo lý trong vụ án này, tôi xin kể hầu bạn đọc nghe một câu chuyện cách đây đã… 24 năm.

Số là vào năm 1989, lực lượng công an cả nước đồng loạt ra quân mở chiến dịch 135 tấn công trấn áp tội phạm hình sự. Trong không khí “sôi sục”, “hừng hực” khí thế ấy, Công an TP Hà Nội đến quây bắt đối tượng Đặng Văn Giáp, đang trốn ở một căn nhà ngoài cánh đồng tại một xã ở huyện Sóc Sơn. Vợ Giáp thì đang bụng mang dạ chửa, còn anh ta quấn khăn đỏ lên đầu, tay cầm con dao bầu ướm vào cổ vợ, luôn mồm gào thét: “Thằng nào vào đây, tao giết tất”.

Cảnh sát đặc nhiệm với áo giáp và súng bắn tỉa được điều đến nhưng cũng chưa tấn công mà chỉ đứng ngoài gọi loa thuyết phục. Thế nhưng anh ta cứ trơ như đá, dứt khoát không nghe. Việc ấy được báo lên ông Phạm Chuyên, khi ấy ông là Phó chỉ huy cảnh sát của Công an TP Hà Nội (sau này ông Phạm Chuyên là Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu).

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị xử phạt án treo vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ cưỡng chế ở xã Vinh Quang

Ông Chuyên đến và nghe các chỉ huy báo cáo về tình hình, đồng thời đề xuất phương án “nhử Giáp ra khỏi nhà rồi dùng súng bắn tỉa tiêu diệt ngay”. Ông Chuyên nghe xong rồi hỏi về tội trạng của Đặng Văn Giáp. Hóa ra, anh chàng này đang bị truy bắt về tội đánh chết kẻ trộm.

Ở vùng Sóc Sơn ngày ấy, do bị trộm đạo hoành hành, người dân nảy ra “phong trào” đánh chết trộm. Hầu hết những tên trộm cắp bị người dân bắt được thì đều bị đánh chí chết, kẻ nào may mắn lắm thì bị gãy chân, què tay hoặc gãy dăm ba cái xương sườn. Nhưng thủ phạm thì không bao giờ bắt được bởi lẽ người dân bảo vệ nhau và không tố giác những người đã tham gia đánh trộm. Nhưng Đặng Văn Giáp thì lại “hiên ngang” nhận tội là đã “tham gia đánh chết một tên trộm chó”. Thế là lực lượng công an quây bắt và anh ta rút ra căn lều giữa cánh đồng cố thủ… Rồi một cán bộ xã lại kể thêm với ông Chuyên rằng, anh ta có ông bố từng là người bắt sống phi công B-52 vào tháng 12/1972.

Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, ông Phạm Chuyên bất ngờ ra lệnh rút quân. Hai tay đút tút quần, ông Chuyên lững thững đến trước căn lều mà Giáp đang cố thủ. Ông nói to: “Này thằng cháu, chú không bắt mày đâu. Cứ lo cho vợ đẻ đi. Khi nào mẹ tròn con vuông thì mày lên công an thành phố gặp chú. Cứ nói là gặp chú Phạm Chuyên, người ta sẽ cho vào”. Nói xong, ông về luôn. Chiều hôm đó, ông Phạm Chuyên khốn khổ vì bị ông cấp trên chất vấn và cho rằng đó là tư tưởng hữu khuynh, né tránh, thậm chí “dung túng” cho tội phạm.

Nhưng 2 ngày sau thì Đặng Văn Giáp lên công an thành phố xin gặp ông Phạm Chuyên và hớn hở khoe vợ anh ta đã đẻ con trai ngay đêm hôm đó. Ông Chuyên chúc mừng anh ta và gọi văn phòng mua cho anh ta cân đường cùng hai hộp sữa, rồi cho lập biên bản về việc anh ta lên công an thành phố tự thú. Tiếp đó là... cho anh ta về nhà chăm sóc vợ con. Giáp cuối cùng cũng bị đưa ra tòa xét xử và bị kết án 3 năm tù. Thế nhưng, anh ta chỉ ở tù hơn 1 năm rồi được tha về và trở thành ông chủ lò gạch làm ăn lương thiện, con cái khỏe, ngoan. Thỉnh thoảng ông Phạm Chuyên đi công tác ở Sóc Sơn cũng hay tạt qua xem anh ta sống thế nào.

Dịp tết năm 2006, tôi đi cùng ông Phạm Chuyên đến thăm gia đình Đặng Văn Giáp. Anh ta cứ quỳ thụp xuống vái ông Chuyên và bảo rằng đời anh ta có được như ngày hôm nay là nhờ ông Chuyên.

Chuyện thứ 2, ấy là trong vụ hai tên tử tù trốn trại. Công an TP Hà Nội đã phải huy động có lúc lên tới gần 500 quân đi lùng bắt chúng. Sau gần 1 tuần săn lùng thì mới “vồ” được một tên đang trốn ở trong đống cây dâu và hắn bị dẫn giải về Phòng Cảnh sát hình sự.

Nghe tin báo đã bắt được tội phạm, ông Chuyên mừng lắm và đến ngay Phòng Cảnh sát hình sự. Lúc này, trong căn phòng đông nghẹt người mà chủ yếu là cảnh sát hình sự, anh em đang muốn xem mặt gã đã dùng bánh răng bật lửa mài vẹt khóa chân để rút chân ra khỏi cùm, rồi dùng lưỡi dao lam cưa chấn song trốn thoát. Nhìn ánh mắt nảy lửa của anh em, ông Chuyên rất thông cảm bởi trong số họ có những người mặt còn sưng vù vì bị dị ứng khi đi truy lùng chúng ở ngoài bãi ngô ven sông Hồng.

Nhưng thật bất ngờ, ông Chuyên lệnh cho mọi người ra khỏi phòng rồi nói một nhân viên mang chai nước La Vie cho gã uống, rồi lại đi mua một bát phở đầy tú hụ mang về cho gã. Gã uống một hơi hết chai nước rồi cắm đầu cắm cổ ăn hết bát phở…

Trong lúc gã ăn, có mấy phóng viên định xông vào chụp ảnh, ông Chuyên nổi nóng quát: “Trời đánh tránh miếng ăn, ra hết ngoài kia để nó ăn xong đã!”. Gã tử tù trốn trại tên là Thân ăn hết bát phở rồi thở hắt ra, gã nói: “Bây giờ thì cháu chết được rồi. Cháu cám ơn ông. Cháu biết tội rồi. Ông bắn cháu sớm ngày nào hay ngày đấy. Nhưng nếu còn giam cháu thì cháu còn nghĩ cách trốn”. Ông Chuyên thở dài và bảo: “Chú biết, nằm trong trại giam thì có mấy kẻ không nghĩ đến chuyện trốn trại đâu”.

Tôi kể lại những câu chuyện trên về ông Phạm Chuyên để muốn nói với bạn đọc rằng: không phải lúc nào cũng cứ tuân theo các qui định pháp lý mà quên đi đạo lý. Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hà Nội sau mấy chục năm làm công an, ông đã đúc kết ra một câu rất hay: Làm người chỉ huy thì phải biết lãnh đạo bằng năng lực chứ không phải bằng quyền lực; phải bằng uy tín chứ không phải bằng uy lực và phải biết làm theo pháp lý nhưng không được quên đạo lý.

Càng ngẫm càng thấy ông nói đúng và càng thấy rằng, trong bất cứ vụ việc nào nếu như người có trách nhiệm biết tôn trọng đạo lý hay nói một cách xa hơn là có chất nhân văn trong suy nghĩ và hành xử của mình thì kết quả bao giờ cũng trọn vẹn.

Trong vụ Đoàn Văn Vươn, có thể nói rằng, cách hành xử của chính quyền xã, huyện là kiểu: “Quan bức dân phản”.

Ừ thì cứ cho rằng ông Vươn sai đi. Nhưng chả lẽ những người có trách nhiệm trong vụ này lại không nghĩ rằng, thời điểm ấy còn vài ngày nữa là tết, vậy mà đã vội vàng đưa lực lượng xuống cưỡng chế phá nhà người ta. Đến nước đấy thì ai mà chịu nổi. Thử hỏi, nếu như nhà ông Vươn hôm ấy bị phá sạch sẽ và không xảy ra chuyện ông Vươn chống đối thì tết năm ấy gia đình nhà ông Vươn sẽ đón tết ra sao? Rõ ràng, trong vụ này cách hành xử của những người có trách nhiệm là không có đạo lý, hay nói một cách huỵch toẹt ra là rất vô nhân đạo.

Gần đây, hầu như địa phương nào cũng nảy nòi ra đám quan xã, huyện mà hành xử với dân rất vô cảm. Họ chỉ biết lợi ích của họ mà không cần nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao khi người dân phải chấp hành cách quyết định của chính quyền, đặc biệt là trong việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Người dân bao giờ cũng phải nghĩ đến cái lợi của mình (mà đó cũng là điều đương nhiên) bởi không dễ gì mà họ phải từ bỏ mảnh ruộng, mảnh vườn mà họ đã gắn bó đời đời, kiếp kiếp để cho những chung cư, những khu kinh tế mọc lên mà không biết tương lai của mình đi về đâu. Chính vì vậy mà việc đền bù giải tỏa đất đai ngày càng nóng và ngày càng phức tạp.

Vụ Đoàn Văn Vươn là hồi còi báo động cho cách hành xử nhiều khi bất chấp đạo lý của những vị mà người dân đang gọi là “đám cường hào kiểu mới”.

N.T