Nỗi niềm của giám đốc

07:05 | 09/07/2014

1,489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Anh là Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, doanh nghiệp của anh giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và đảm bảo an ninh năng lượng. Doanh nghiệp này đang ở giai đoạn “ăn nên làm ra”, giá cổ phiếu luôn đứng ở tốp “đỉnh”.

Năng lượng Mới số 337

Cả hơn chục năm nay, lợi nhuận năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, có khi tới 30%... Doanh nghiệp cũng được đánh giá là có cách quản lý tốt, bộ máy gọn nhẹ… Bản thân anh thì cũng đã được vinh danh với không ít giải thưởng cấp quốc gia.

Và rất nhiều người cứ gọi anh là “đại gia”, nhưng mỗi khi ai gọi anh như vậy, anh rất không thích, thậm chí còn khó chịu.

Một lần anh bảo với tôi rằng: “Tôi không phải là doanh nhân và càng không phải là đại gia, bởi vì tôi chỉ là người làm thuê cho Nhà nước. Tiền là của Nhà nước, cơ sở vật chất là của Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công nhân viên cũng do Nhà nước quản lý, bổ nhiệm… Việc của tôi chỉ là làm thế nào phát huy tối đa tiềm lực vật chất đã có, xây dựng đơn vị làm ăn có hiệu quả”.

Những năm qua, anh và tập thể lãnh đạo cứ “nghiến răng” lại mà vượt hết khó khăn nọ đến khó khăn kia và đặc biệt là anh không nhờ cậy báo chí, truyền thông làm PR cho đơn vị, cho bản thân. Anh cứ lặng lẽ bươn chải, lặng lẽ chịu đựng… Kể ra, đây cũng là một giám đốc có tính cách rất lạ.

Làm tổng giám đốc doanh nghiệp của Nhà nước được như anh, thiết nghĩ cũng không có nhiều người.

Ấy vậy mà gần đây, trên gương mặt vốn hơi già trước tuổi của anh lại luôn hiện lên những nét suy tư.

Hỏi lý do, anh chỉ cười trừ, không nói. Mãi sau, qua một số cán bộ giúp việc của anh, tôi mới biết rằng anh đang đau đáu về việc cổ phần hóa doanh nghiệp này.

Hóa ra là vì tiến độ cổ phần hóa không đạt được như kế hoạch. Trong khi mọi điều kiện “cần” và “đủ” cho việc cổ phần hóa đã có hết. Lãnh đạo cấp trên cũng quyết tâm, lãnh đạo tổng công ty cũng rất quyết tâm, bởi ai cũng thấy rằng, chỉ có cổ phần hóa mới giúp cho doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, đồng thời đáp ứng được sự phát triển về lâu dài… Mọi việc đã chuẩn bị xong về cơ bản. Chỉ cần bộ nọ, ngành kia “OK” là xong ngay tắp tự. Nhưng đã mấy tháng rồi mọi việc cứ ì ạch, khẩu lệnh “dậm chân tại chỗ” vẫn chưa được chuyển sang “đi đều… bước!”.

Tại sao lại có chuyện lạ thế? Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải nhanh chóng cổ phần hóa một số doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí ai không thực hiện đúng kế hoạch sẽ bị kỷ luật?

Dò hỏi ra mới hay, vì tổng công ty này doanh thu hằng năm và nộp lãi cực kỳ lớn, cho nên đã được một số cơ quan quản lý coi như “công cụ điều tiết” và thế là họ có quyền duyệt giá sản phẩm, duyệt vốn đầu tư và có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện những biện pháp này, biện khác, với lý do “bình ổn giá cả; thực hiện chủ trương của Chính phủ”.

Những yêu cầu này hoàn toàn không sai và cũng xuất phát từ yêu cầu của nền kinh tế vĩ mô. Và khi có những “mệnh lệnh” này, doanh nghiệp cứ việc chấp hành, không cần biết biện pháp đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới kết quả sản xuất kinh doanh. Còn doanh nghiệp muốn sửa đổi, muốn bổ sung, muốn làm gì khác để có lợi thì lại còng lưng đi giải trình, đi năn nỉ hết phòng nọ, ban kia… Và lúc ấy, một tay chuyên viên hạng bét của một cơ quan bộ cũng có quyền yêu cầu, bắt bẻ.

Người có “chức” thì sẽ có “quyền”. Người có “quyền” thì cũng sẽ biết cách… “hành” người khác. Chúng ta cũng chẳng lạ gì cách làm việc của không ít quan chức hiện nay và sẽ là vô cùng khổ cho doanh nghiệp nếu như đó không phải anh cán bộ công tâm, làm việc có trách nhiệm.

Hiểu được nỗi niềm của anh, trong một lần gặp nhau, tôi bảo anh” “Nếu họ không thực lòng muốn đơn vị anh cổ phần hóa, thì việc gì anh phải buồn phiền, lo lắng. Có phải lỗi tại anh đâu?”.

Anh cười như… mếu: “Nói thế, nghĩ thế thì dễ quá. Nếu  làm giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thì rất nhàn, nhẹ gánh… Vì có lãi thì tốt, được giấy khen, bằng khen. Còn nếu lỗ, thì… Nhà nước chịu. Tôi chẳng mất gì. Giấy khen, bằng khen là cái danh ảo, còn tiền bị mất, mới là “thật”. Nếu làm giám đốc doanh nghiệp cổ phần, nhất cử nhất động, chi tiêu từng đồng cũng có cổ đông giám sát và buộc phải làm thế nào để cho doanh nghiệp phát triển. Nếu doanh nghiệp làm ăn không tốt, giám đốc “biến” ngay. Cổ phần hóa chính là một động lực quan trọng để doanh nghiệp phát triển. Nếu doanh nghiệp chúng tôi được cổ phần hóa, chúng tôi sẽ có đủ tiền để đầu tư mở rộng sản xuất và dĩ nhiên, Nhà nước chẳng phải bỏ đồng xu nào. Khi đó, quy mô doanh nghiệp sẽ phát triển hơn thế này”.

2- Anh là Giám đốc Công an của một thành phố lớn. Vừa rồi gặp nhau, anh kể cho tôi nghe về việc xây dựng mới một khu nhà làm việc cho đơn vị. Đó là một tòa nhà 8 tầng, có 2 tầng hầm chứa xe và xây chỉ có chưa đầy… 8 tháng là xong - một kỷ  lục về xây dựng. Nhà xây hiện đại, trang thiết bị nội thất sang trọng, thậm chí các cánh cửa là gỗ sồi nhập từ Nga… Vậy mà giá thành xây dựng chỉ có khoảng… 7 triệu cho một mét vuông. Tôi nghe mà thấy không thể tin nổi.

 Kết thúc câu chuyện, anh thốt lên rằng: “Thế mới biết sự tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng bất động sản là khủng khiếp đến như thế nào? Và bây giờ mới hiểu tại sao giá nhà chung cư ở Việt Nam đắt khủng khiếp?”.

Vậy tại sao lại có khu nhà xây dựng với giá “mềm” bất ngờ như vậy? Tại sao lại có tiến độ thì công thần tốc như vậy?

Bí quyết thật chẳng có gì ghê gớm? - Đó là anh và tập thể lãnh đạo coi việc xây nhà cho đơn vị như… xây nhà cho mình!  

Thứ nhất, khi đàm phán mua vật liệu trang thiết bị, các anh kiên quyết yêu cầu nhà cung cấp trừ ngay cái gọi “phần trăm hoa hồng” cho người mua. Đồng thời, không mua qua trung gian. Việc đấu thầu được tiến hành công khai, minh bạch và anh tuyên bố với mọi người là sẽ kỷ luật ngay, nếu phát hiện ai nhận tiền “bo”. Doanh nghiệp nào “dúi tiền” cho cán bộ mà bị phát hiện, thì hủy hợp đồng.

Chỉ có biện pháp xem ra rất “đơn giản”  như vậy, mà tất cả vật liệu, trang thiết bị trong tòa nhà đều giảm 20-30%, thậm chí có loại lên 40%. Thậm chí, có chiếc thang máy, nếu “bán theo cách cũ” thì giá 2,4 tỉ, còn “bán theo cách mới” thì chỉ có… 1,6 tỉ.

Thứ hai là, với nhà thầu xây dựng, các anh yêu cầu nộp tiền đặt cọc! Nếu thi công chậm ngày nào, thì cứ theo hợp đồng mà phạt. Mà tiền thì đã có sẵn trong tài khoản, muốn phạt cũng rất đơn giản, chẳng phải kiện cáo, chẳng phải lý giải lằng nhằng… Vậy là do sợ bị phạt, thế là chỉ huy của các nhà thầu cũng ngày đêm bám sát công trường, tìm mọi cách thực hiện cho đúng tiến độ. Từ trước tới nay, có không ít nhà thầu tìm cách kéo dài thời gian thi công, rồi sau đó lại nằn nèo xin… điều chỉnh giá. Các công trình xây dựng thường bị đội giá lên chính là từ cái chuyện nhà thầu cố tình dây dưa như vậy…

Như Thổ
 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc