Nhất thể hóa - việc nên làm!

07:03 | 23/04/2015

2,006 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những đề án thu hút sự chú ý của công luận thời gian qua là Quảng Ninh kiến nghị Bộ Chính trị cho hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tuyên giáo với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND-UBND.

Năng lượng Mới số 409

Một trong những đề án thu hút sự chú ý của công luận thời gian qua là Quảng Ninh kiến nghị Bộ Chính trị cho hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tuyên giáo với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND-UBND.

Vì sao tỉnh đề xuất một vấn đề tương đối mới và khá nhạy cảm như vậy?

Gần hai nhiệm kỳ qua, vấn đề tinh giản biên chế tuy được đặt ra rốt ráo nhưng thực hiện không tốt. Bộ máy vẫn phình ra vì có thêm hàng loạt cơ quan mới và quan trọng nhất là năng lực, trách nhiệm của công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận xét, có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”.

Nay có chuyện hợp nhất một số đầu mối cơ quan có nhiệm vụ chức năng tương tự sẽ dẫn đến tình trạng kiêm nhiệm hình thức.

Thực hiện một cửa một dấu qua các trung tâm hành chính công giảm phiền hà cho dân

Tôi nhớ xưa kia ở cơ quan tôi, một cơ quan trực thuộc Chính phủ có một ông phó kiêm nhiệm đến 10 chức trưởng một loạt ban và phụ trách rất nhiều công tác như xây dựng, đời sống, dân vận, dân số, dân quân tự vệ, bảo vệ, khen thưởng kỷ luật, vì sự tiến bộ phụ nữ, đề án phát triển, nội san, ban kỷ niệm năm chẵn… và nhiều việc khác. Có điều là dưới trướng ông vẫn là một hai cấp phó và cả chục cán bộ chuyên trách chuẩn bị sẵn, ông chỉ ký tên, đóng dấu và đọc trước các hội nghị.

Nay theo đề án này sẽ là việc kiêm nhiệm chức trong Đảng và chức chính quyền liệu có khác? Và số cán bộ dôi dư sẽ đi đâu, làm gì? Còn nhớ trong đề án tinh giản 100.000 cán bộ, công chức do Bộ Nội vụ đưa ra có chuyện xin mấy ngàn tỉ đồng giải quyết chế độ. Nay quỹ tăng lương chưa có lại thêm quỹ giảm người, liệu ngân sách chịu có thấu?

Trở lại chuyện Quảng Ninh, theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng, chủ trương này là của… Trung ương đã có từ năm 2009. Kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 - khóa X đã có chủ trương xây dựng đề án về nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo của một số cơ quan Đảng và chính quyền.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động từng bước cụ thể hóa một cách linh hoạt, sáng tạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chỉ đạo có liên quan đến nội dung này của Trung ương.

Trên thực tế, Quảng Ninh đã tiến hành nhất thể hóa một số chức danh tại huyện Cô Tô, như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra cấp huyện, Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ. Phó bí thư Đỗ Thị Hoàng khẳng định, việc nhất thể hóa chức danh ở Cô Tô đang được thực hiện tốt và có hiệu quả.

Để tiến hành một bước tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp phù hợp phục vụ cho giai đoạn phát triển mới trước xu thế phát triển thực tiễn của quốc gia và quốc tế, trong năm 2014, tỉnh đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” trong toàn hệ thống chính trị, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh.

Theo đó, phải rà soát lại tất cả tổ chức, bộ máy của cả cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp và cả các cấp cơ sở là chính quyền cấp xã, tổ chức tự quản ở cấp thôn, bản, khu phố.

Như vậy, Quảng Ninh không chỉ dừng ở việc tinh giản biên chế mà gắn kết cả 3 nhiệm vụ: Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng với đổi mới tổ chức bộ máy rồi mới đến tinh giản biên chế.

Trong quá trình rà soát dễ nhận thấy Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra về cơ cấu, tổ chức bên trong gần như trùng lặp và đều có chức năng thực hiện nhiệm vụ làm rõ các sai phạm nhằm xử lý, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị mà đội ngũ ấy có 76% là đảng viên.

Quảng Ninh sẽ không chỉ dừng lại ở một số cơ quan đảng, chính quyền mà nghĩ đến việc đổi mới của cả Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đề án của Quảng Ninh dự kiến đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu để thể chế hóa những nội dung về tổ chức bộ máy theo hướng như vậy.

Lãnh đạo Quảng Ninh khẳng định, đây không phải là phép cộng cơ học hai chức một ông hay một bà hai chức trong khi vẫn có băn khoăn việc nhất thể hóa có dẫn đến chuyên quyền độc đoán, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm mất đi vai trò lãnh đạo, kiểm tra của Đảng? Bà Hoàng cho biết, sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ như vậy. Ngay cả khi tỉnh xây dựng đề án cũng có suy nghĩ và tranh luận gay cấn xung quanh nội dung này. Nhất thể hóa cả về mặt tổ chức, nhất thể hóa cả người đứng đầu cho nên cần xử lý vấn đề này.

Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp quy định rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và “chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình”. Nhưng cho đến nay chưa có thể chế nào quy định rõ tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật là gì?

Hay là chỉ có tư cách cá nhân là công dân và tổ chức thì hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật thôi, còn với tư cách là đảng viên, thành viên trong tổ chức Đảng thì hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là gì thì chưa được thể chế hóa; cũng chưa thể chế hóa để cho người dân giám sát tổ chức Đảng và đảng viên. Vậy có lo ngại nhất thể hóa dẫn đến mất kiểm soát không?

Lãnh đạo Quảng Ninh cho rằng, vấn đề là phải có cơ chế, thể chế để kiểm soát. Phải cụ thể hóa trong cơ chế, thể chế những nguyên tắc khi thực hiện hợp nhất, nhất thể hóa hai cơ quan, phân công rõ đối tượng chứ không phải cộng cơ học hai chức danh này với nhau. Tất nhiên, để thực hiện một cách hiệu quả trong thực tiễn phải có sự nghiên cứu.

Có câu “làm gì có đường, người ta đi nhiều thì thành đường”. Thật vậy, nhất thể hóa mà dễ dàng thì đã được thực hiện đại trà rồi. Trung ương đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể rồi, không phải chờ tỉnh Quang Ninh và TP Đà Nẵng kiến nghị cho làm thử. Vì vậy, ở Quảng Ninh sẽ có những tiểu đề án cụ thể cho những bước đi tiếp theo của “nhất thể hóa”.

Theo bà Đỗ Thị Hoàng, tỉnh không đặt riêng vấn đề tinh giản biên chế, không đặt riêng một nhiệm vụ độc lập mà đặt trong một giải pháp tổng thể, thống nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng rồi mới thực hiện tinh giản bộ máy và biên chế.

Như vậy, Quảng Ninh sẽ tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý Nhà nước và đề xuất các cơ chế chính sách để làm sao tiến tới sự công bằng trong cung ứng dịch vụ công và dịch vụ ngoài công nhằm thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội, để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia cung ứng các dịch vụ công ấy, tạo việc làm cho xã hội.

Xin nhắc lại, năm 2014 Quảng Ninh đã giảm được 101 phòng, ban, đơn vị, tinh giản 1.164 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; không chi trả phụ cấp thường xuyên 17.697 người, giảm cho ngân sách cả trăm tỉ đồng. Hoan hô Quảng Ninh!

Bảo Dân