Nghe trộm - Có gì mà ầm ĩ lên thế?

10:22 | 13/11/2013

2,894 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhiều quốc gia trên thế giới đang bày tỏ sự phẫn nộ về việc Mỹ nghe trộm, do thám khắp thế giới, trong đó, có cả những nước đồng minh thân cận, chiến hữu với Mỹ như Đức, Pháp… Nhiều nguyên thủ quốc gia nổi nóng và lên án Mỹ, rồi yêu cầu Washington phải chấm dứt hoạt động do thám, nghe trộm…

Biếm họa về chuyện Mỹ nghe trộm, do thám khắp thế giới

Đúng là chẳng có gì phải ầm ĩ lên thế! Bởi từ cổ chí kim, chuyện những nước có mưu đồ bành trướng, làm bá chủ thiên hạ tiến hành các hoạt động do thám đối với các quốc gia khác là chuyện đã có.

Sinh ra các cơ quan tình báo chỉ là để làm mỗi cái việc thế này mà thôi.

Dù là đồng minh, dù là bạn bè hữu hảo, dù là đối tác chiến lược, hay gì gì chăng nữa thì điều quan trọng là phải biết được “chiến hữu” đang suy nghĩ gì về mình, đang có kế hoạch gì và những xu thế có tính chiến lược.

Cũng chưa hẳn rằng các hoạt động tình báo là nhằm phá hoại, lật đổ. Bởi lẽ, muốn thay đổi thể chế chính trị hoặc thôn tính một quốc gia khác đâu phải chuyện đơn giản. Quan trọng nhất là phải nắm được thông tin để từ đó có những biện pháp ứng xử cho phù hợp. Nếu như ai đó nghĩ rằng khi đã coi nhau là “chiến hữu” mà lại không tiến hành do thám, nắm bắt thông tin thì đúng là người chẳng hiểu gì về tình báo.

Trong tình báo, không có khái niệm “đồng minh”. Cũng không có khái niệm “chiến hữu”. Mà nếu có, thì chỉ có khái niệm “hợp tác”, “chia sẻ thông tin”. Và bất cứ một quốc gia nào thì cũng đều cần phải có những biện pháp tự mình phòng chống hay nói cách khác là phải có các biện pháp phản gián, kể cả đối với con người hay khoa học kỹ thuật.

Mức độ do thám lẫn nhau tùy thuộc vào mưu đồ, thủ đoạn của các cơ quan tình báo và sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Chỉ có điều, là với một quốc gia như Mỹ, bấy lâu nay vẫn rêu rao về chuyện nhân quyền, nhân nghĩa; rồi cũng là người to mồm nhất khi lên án việc xâm phạm đời tư công dân thì nay đã lộ mặt chính là kẻ xâm phạm nhân quyền lớn nhất, mà điển hình là chuyện nghe trộm đến cả Thủ tướng Đức Angel Merkel.

Cho nên, lên án Mỹ, thậm chí kể cả Trung Quốc, là tiến hành hoạt động do thám, nghe trộm, tấn công tin tặc… thì cứ việc lên án cho vui, cho thể hiện là có chính kiến, còn quan trọng nhất là phải luôn luôn xác định được rằng, các quốc gia như Mỹ không bao giờ chịu từ bỏ ý định do thám các quốc gia khác, đặc biệt là với các quốc gia không nằm trong “quỹ đạo điều chỉnh” của Washington.

Tự mình phải bảo vệ mình, còn nếu như tin rằng, vì có cái gọi là “quan hệ đồng minh” mà không có hoạt động do thám, tình báo nhau thì đúng là nên mở toang cửa quốc gia ra, cho bạn và thù muốn làm gì thì làm!

Nhược Vũ

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc