Mất lòng quan - được lòng dân

09:32 | 24/07/2012

1,793 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Tiếp xúc với cử tri quận 1, TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng: “Trước đây, chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết” cái đất nước này”.

Câu nói của người đứng đầu Nhà nước thực sự được lòng dân nhưng cũng làm mất lòng quan. Lý do rất đơn giản, các con sâu ở đây là quan chức! Không có người dân nào có “vinh dự” là sâu tham nhũng, sâu cố ý làm trái, sâu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... Bình luận câu nói này, không ít ý kiến nhấn mạnh tấm lòng và trách nhiệm của người lãnh đạo Nhà nước đối với dân. Thực ra, tình trạng sâu bọ phát triển như hiện nay thì người dân đã biết, thậm chí biết rất rõ vì người dân là nạn nhân của vấn nạn sâu bọ này. Nhân dân phát ngôn thì rất có thể là trung ngôn đấy, nhưng sẽ bị coi là “nghịch nhĩ”… Các quan chức trung gian không mấy ai dám nói vì nếu chỉ được lòng dân mà mất lòng quan thì không xong. Còn ông Trương Tấn Sang, một nhà lãnh đạo cao cấp, một người trong cuộc đứng trên quan điểm vì dân, vì nước, đâu có sợ mất lòng quan.

Và mới đây, câu chuyện phát ngôn, chất vấn của ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng làm cho các giám đốc sở “đổ mồ hôi hột” trong các phiên chất vấn là đề tài được bàn tán sôi nổi. Cung cách truy nguyên tận gốc rễ vấn đề một cách không trung dung, khoan nhượng chiều lòng quan chức như: “Tôi hỏi bao giờ có điện thì trả lời, thế thôi. Trả lời nổi không?”, hay: “Ông lo giải quyết trước mùa mưa, không có nói ú ớ gì hết”, hoặc: “Giám đốc sở phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ dự án chứ không phải nói lơ mơ, đổ cho chỗ này chỗ kia!”… cử tri thành phố tấm tắc khen ngợi.

Nói về thời kỳ còn công tác tại Quốc hội, ông Vũ Mão kể: “Khi còn công tác ở Quốc hội, với trách nhiệm của mình là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký giúp cho Quốc hội, giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhiều vấn đề, trong đó có việc chất vấn và trả lời chất vấn, tôi hiểu tường tận các vấn đề về chất vấn ở Quốc hội như thế nào.

Vì vậy, về việc chất vấn ở HĐND TP Đà Nẵng, ông Vũ Mão lại rất đồng tình và hoan nghênh cách làm của HĐND TP Đà Nẵng, trực tiếp là sự điều hành phiên họp và đi đến cùng vấn đề trong việc chất vấn và trả lời chất vấn của đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Theo ông Vũ Mão, những hoạt động của ông Nguyễn Bá Thanh là quá bình thường nhưng cách làm của ông Thanh lại trở thành một hiện tượng và rất được nhân dân ủng hộ thì đó là điều đáng suy nghĩ, đáng phân tích và đáng thảo luận. Tính cách của ông Nguyễn Bá Thanh thì ai cũng biết, ông là người quyết liệt trong công việc. Đó là điều rất đáng hoan nghênh và biểu dương. Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy. Trước ý kiến cho rằng, với sự quyết liệt trong vấn đề mà nhân dân có ý kiến và thực hiện đúng chủ trương chung, Bí thư Nguyễn Bá Thanh mới thực sự là “công bộc” của nhân dân; còn những cán bộ lãnh đạo chưa đạt đến tầm để có thể thực hiện được sự quyết liệt ấy thì chưa xứng đáng là công bộc của nhân dân.

Những nội dung chất vấn không có gì mới, đó là những vấn đề được đề cập nhiều rồi, nhưng buổi chất vấn vừa qua tại Đà Nẵng và Chủ tịch HĐND Nguyễn Bá Thanh đã được coi là một hiện tượng vì phương thức truy đến tận cùng vấn đề. Nói mức độ đi “đến cùng vấn đề” ở Đà Nẵng thì khoảng 70%, còn ở Quốc hội chỉ khoảng 50%. Vì sao ở Đà Nẵng mới được có 70% mà đã được hoan nghênh (đến mức 90% là sau này thực hiện, triển khai tiếp thu chất vấn nữa)? Vì việc triển khai, tiếp thu chất vấn không hề đơn giản mà cần có thời gian, thậm chí đến vài năm để mà xem xét đòi hỏi đi đến cùng vấn đề. Những vấn đề như môi trường, chính sách đất đai đâu có phải ngày một ngày hai mà có thể xử lý triệt để được. Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng nổi lên với tư cách của một người điều hành. Ông Vũ Mão cho rằng, sự điều khiển đó ở Đà Nẵng vẫn còn một khoảng cách, một cự ly nhất định, vì thực sự chúng ta nói với nhau là đi đến cùng vấn đề nên ông rất ủng hộ tinh thần quyết liệt và truy đến cùng vấn đề của Chủ tịch HĐND Nguyễn Bá Thanh.

Nói về việc “truyền lửa” quyết liệt vào các phiên họp của Quốc hội, ông Mão cho rằng, không phải chỉ có cấp dưới học tập cấp trên mà cấp trên cũng phải học tập cấp dưới. Các HĐND học Quốc hội nhưng ở những địa phương có sáng kiến hay để triển khai công tác thì Quốc hội cũng phải học các HĐND cấp dưới. Hiện tượng như ở Đà Nẵng bây giờ và ở Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh trước đây, sự quyết liệt trong chất vấn ở cuộc họp như vậy thì còn hơn Quốc hội…

Cách điều hành dù là công việc hay hội nghị của người đứng đầu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng rất đáng được quan tâm. Không duy lý và cũng không duy tình, ông Nguyễn Bá Thanh đã đòi hỏi các giám đốc sở phải chịu trách nhiệm trước dân về nhưng vấn đề mà mình phụ trách và cũng không cả nể để bỏ qua các thiếu sót trong điều hành của người đứng đầu sở, ban, ngành ở địa phương. Chính vì vậy mà dư luận hoan nghênh “hiện tượng Nguyễn Bá Thanh” khi nâng cấp cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ngay ở Đà Nẵng cũng có người chỉ trích rằng, ông Thanh gia trưởng, bất lịch sự… Rằng ông Thanh đã lẫn lộn cuộc họp cơ quan, nơi ông là thủ trưởng với kỳ họp HĐND, nơi ông cũng là một đại biểu và ông cũng lẫn lộn ngôn ngữ và ứng xử chốn nghị trường và ở ngoài đời…

Hiện nay có “một bộ phận không nhỏ” quan chức thừa quan liêu, thiếu liêm chính, thừa tư lợi, thiếu chí công nên khi hữu sự họ thường quanh co, né tránh trách nhiệm, nếu không đổ lỗi cho khách quan cũng vin vào “chủ trương nghị quyết”. Số quan chức này sẽ thoát được sự truy vấn của dân, của đại biểu Hội đồng mà thực chất là trốn tránh được trách nhiệm. Thái độ duy tình, bệnh dĩ hòa vi quý và thói ngậm miệng ăn tiền của đồng nghiệp, đồng sự và vô số quan chức trở thành chốn nương thân cho họ.

Trong hai câu chuyên kể trên, cách ứng xử của người lãnh đạo đất nước và người lãnh đạo địa phương cùng sẵn sàng chấp nhận mất lòng quan để dược lòng dân là chí lý. Hẳn hai vị đều nằm lòng lời dạy của cổ nhân “chở thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân”. Trong sự lựa chọn giữa quan và dân, hai vị cùng chọn dân và cùng dân đi đến tận cùng sự thật, bỏ qua những cắc cớ nghị trường. Chợt nhớ Bác Hồ có một câu rất đơn giản là, cái gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, cái gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh. Các vị đã được lòng dân khi làm theo lời Bác.

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 140, ra thứ Sáu ngày 24/7/2012)