Luật pháp và quyền công dân

07:00 | 02/06/2015

1,009 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các đại biểu Quốc hội trong các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, việc đề xuất quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được.

Năng lượng Mới số 427

Xem phim hình sự nước ngoài thấy nghi can bị bắt có quyền im lặng cho đến khi luật sư đến. Và việc điều tra của cảnh sát cũng nhanh lắm. Nghi can ra tòa để tòa quyết định tội danh được thành lập hay không được thành lập. Dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) mới có thêm quy định về “quyền im lặng”. Theo đó nghi can có quyền im lặng trước cán bộ điều tra. Chuyện vô lý!

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đề nghị, luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc. Nếu không sẽ làm khó cơ quan điều tra trong cuộc đấu tranh chống tội phạm hiện nay. Thượng tướng Hiếu đồng tình quy định cho phép bị can, bị cáo, người bị bắt có quyền tự do trình bày, từ đó cán bộ điều tra mới khai thác những mâu thuẫn trong lời khai để đấu tranh buộc tội. Nhưng nếu quy định không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, làm khó khăn cho công tác điều tra. Ông Hiếu đề nghị quy định lại là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội.

Luật pháp và quyền công dân

Đại biểu Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 27/5

Đồng tình với quan điểm trên, Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa phân tích thêm rằng, người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có nghĩa vụ trình bày diễn biến, hành vi của mình và có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng có trách nhiệm phải nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật.

Hãy hình dung trong một vụ giết người, đánh người gây thương tích có một nghi can bị bắt trong khi đồng bọn chạy thoát mà chỉ tên này được quyền im lặng, không phải trình bày gì cả thì làm sao truy bắt hết bọn đồng phạm? Trong trường hợp này, chỉ các nghi can ở tuổi vị thành niên mới có quyền im lặng để chờ luật sư hoặc người giám hộ.

Các đại biểu Quốc hội trong các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, việc đề xuất quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được.

Trong bối cảnh trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta hiện nay, đặt ra quyền im lặng là không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật, ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TP HCM nhận xét, bị can, bị cáo không thể bị ép nhận tội nhưng đừng quy định một cách bắt chước nước ngoài là không cần phải khai báo. Lời khai vẫn là một chứng cứ. Quy định bị can, bị cáo được im lặng là máy móc. Theo Thiếu tướng Phong, nên quy định bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, không bị ép buộc. Đừng vì một số vụ oan sai do ép cung mà đảo lộn tất cả khi vẽ đường cho hươu chạy.

Các ý kiến trên của các đại biểu Quốc hội là cán bộ công an cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội. Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nói: “Chúng ta quy định quyền im lặng của người phạm tội là không đúng. Khi im lặng là lúc chưa có luật sư. Còn im lặng, không chịu khai là bất lợi. Không buộc phải khai, phải nhận tội ngầm hiểu là im lặng, không khai báo gì cả. Giết người cướp của mà cũng không khai báo là không đúng”.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng, quyền không khai báo nhiều nước đều thực hiện và luôn được đề cao, còn mình lại hạ thấp, như thế là coi nhẹ quyền con người. Khi áp dụng cái mới, tất nhiên là khó nhưng khó thì phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM bày tỏ: “Đừng nghĩ rằng, vì trình độ thế này chúng ta không nên cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không”.

Quyền im lặng chỉ là một quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), không quyết định nội dung và chất lượng dự án luật này. Việc bàn thảo, tranh luận là cần thiết. Tuy nhiên, trong khi làm luật, Quốc hội cũng nên cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định. Trong tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, nếu cứng nhắc, máy móc rập khuôn theo nước ngoài sẽ làm khó cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trở lại câu chuyện luật quy định và ý nguyện của người dân, trong Điều 60 của Luật Bảo hiểm Xã hội cho thấy, tính nhân văn của quy định này là khỏi cần bàn cãi vì Điều 60 bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngườì lao động. Tuy nhiên, khi nhiều người lao động không muốn, không thể chờ đến khi hết tuổi lao động để nhận bảo hiểm đã đóng sau 15-20 năm nữa. Chính những người bấm nút biểu quyết cho điều này cũng thấy nên sửa đổi để người lao động có thực quyền khi lựa chọn cách nhận lại tiền một lần hay từng tháng.

Luật là vì con người nhưng không nên chỉ vì số ít nghi can, nghi phạm mà làm khó cho cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thọ Vinh