Lễ hội nhôm nhoam tốn kém

07:00 | 27/02/2015

1,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể nhận xét nhanh về lễ - hội hiện nay như vậy. Dư luận không ngớt phàn nàn rằng, việc tổ chức lễ hội trong thời gian qua là quá tràn lan, quá lãng phí tiền của, công sức, thời gian của Nhà nước và nhân dân. Không thể cho rằng, một khi “xã hội hóa” thì làm thế nào cũng được! Và không khó để quy trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương khi vừa buông lơi hướng dẫn vừa thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, xử lý.

>> Bao giờ lễ hội mới vui?

Năng lượng Mới số 400

Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có 7.966 lễ hội được tổ chức định kỳ. Nhưng ở góc nhìn từ cơ sở, tính ra một xã ở nước ta trong một năm chưa được một lần tổ chức lễ hội, như vậy, lễ hội đâu đến nỗi lạm phát? Rất nhiều làng quê chưa được phủ kín lễ hội. Nhìn rộng hơn, người ta thấy lễ lạt cấp tỉnh hóa ra ồn ào lãng phí hơn mới đáng bàn. Năm rồi, khá nhiều tỉnh đã phải xin Chính phủ cấp gạo cứu đói cho dân trong dịp tết Ất Mùi. Không biết các vị có trách nhiệm ở tỉnh này có thấy xấu hổ không khi mà thừa tiền cho lễ hội nhưng lại phải vác rá đi ăn xin?

Ngày khai hội, du khách nằm ngả ngớn tại chùa Thiên Trù

Lễ hội là nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nên sự gia tăng lễ hội trong những năm gần đây trong điều kiện kinh tế có khó khăn là dấu hiệu đáng quan tâm. Lễ hội tuy có góp phần tạo ra những sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhưng nếu cứ để bung ra theo hướng thị trường thương mại hóa và bị nhóm lợi ích chi phối sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận về mình, về cội nguồn tổ tiên, dân tộc, đất nước, tăng âu lo, bức xúc, không tạo động lực cho cuộc sống. Lễ hội đang được tổ chức tràn lan dù các văn bản quản lý Nhà nước về lễ hội đã phân định rõ lễ hội thành lễ hội dân gian; lễ hội lịch sử - truyền thống; lễ hội tôn giáo; lễ hội văn hóa - du lịch; lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Người ta đã thống kê cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có tới 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và số ít các lễ hội khác.

Đáng chú ý là lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài đều do người dân tự tổ chức theo quy mô làng, xã, do chính quyền sở tại quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội, đồng thời cũng là thành phần giám sát và tham gia trực tiếp vào tổ chức nhiều lễ hội. Còn lễ hội lịch sử - cách mạng, lễ hội văn hóa - du lịch đều do Nhà nước đứng ra tổ chức theo định kỳ năm tròn (5 năm/lần), năm chẵn (10 năm/lần), năm lẻ, nhằm mục đích ôn lại các sự kiện lịch sử, cách mạng vẻ vang, tôn vinh các nhân vật lịch sử, văn hóa lỗi lạc của dân tộc và các nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước. Thế nhưng, gần đây các lễ hội lịch sử - cách mạng tăng lên đột biến, tính ra mỗi ngày một lễ hội và ngày càng mở rộng quy mô, huy động nhiều lực lượng, mời mọc nhiều lãnh đạo Trung ương và tỉnh bạn, khá tốn kém.

Lễ hội văn hóa - du lịch mới xuất hiện vẫn được nâng tầm thành festival nhưng chưa quảng bá được tiềm năng phát triển, giá trị văn hóa để thu hút khách du lịch. Lối kinh doanh chụp giật, chặt chém đã làm hỏng nhiều festival.

Lại có tình trạng chính quyền bó tay để phó mặc cho dân làm lễ hội như làng Ném Thượng (TP Bắc Ninh) vẫn tiến hành chém lợn trong ngày hội làng vào sáng 24-2 (mồng 6 tết). Hàng ngàn người dân, du khách bốn phương đổ về chật kín sân đình chờ xem nghi thức khai đao chém hai cụ ỉn tế thánh. Không ít người dân đã cùng nhau nhúng tiền vào máu lợn cầu mong sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng tươi tốt. Người ta đã khôn vặt khi cấm tiệt cánh phóng viên vào trong khu vực chém lợn để làng này bảo tồn nghi thức chém lợn rợn người. Hội chém lợn ở Bắc Ninh càng khiến dư luận băn khoăn vì sao tục chém lợn dã man vẫn không thể “bẻ ghi” thành rước lợn được? Hoàn toàn có lý khi cho rằng, chém lợn không phải là bảo tồn và không nên duy trì khi dư luận đã lên tiếng. Vậy chính quyền đâu, văn hóa đâu mà không quản lý, uốn nắn hội chém lợn ghê gớm này! Hầu hết các lễ hội đều không thiếu nhiều cảnh nhôm nhoam do lỗi cả từ hai phía ban tổ chức và người trảy hội.

Đã đến lúc cần sửa đổi các quy định trước đây, xác định rõ tiêu chí đánh giá, phân loại, phân cấp, quy mô, hình thức, chu kỳ tổ chức hợp lý, hợp tình các sự kiện lịch sử - cách mạng cần được tổ chức trong năm. Nhà nước và chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ tổ chức lớn các sự kiện lịch sử - cách mạng có giá trị đại diện tiêu biểu cho quốc gia, cho địa phương và theo chu kỳ chẵn 10 năm.

Theo một báo cáo dư luận xã hội thì có 58,2% số người được hỏi trả lời đi lễ hội có cúng lễ; 33,6% có cầu tài, cầu lộc, cầu phúc và 21,6% đi lễ lấy may đầu năm. Các chuyên gia cho rằng, đây là biểu hiện bất thường, trong khi đó ở các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á đang có xu hướng hội lấn dần lễ. Cách nay trên 10 năm, cố Giáo sư Đinh Gia Khánh, chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian ở nước ta từng chủ trương gọi “hội lễ dân gian” thay cho “lễ hội dân gian” trong cái nhìn phát triển của lễ hội ở nước ta. Thế nhưng, tên gọi “hội lễ” chưa được chấp nhận. Việc xin ấn tín mong thăng quan tiến chức ở lễ hội đền Trần (Nam Định); xin túi lương lễ hội đền Trần Thương (Hà Nam); việc xin cây vàng, cây bạc ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); việc lên đồng gọi hồn ở lễ Phủ Giày (Nam Định)… vẫn diễn ra bình thường, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tình trạng lộn xộn trong hoạt động dịch vụ ở lễ hội là do chính quyền địa phương muốn tăng thu và chưa có việc xử lý người đứng đầu để lễ hội lệch hướng. Để lễ ra lễ, hội ra hội, các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa ở các cấp cần mổ xẻ kỹ về công tác quản lý và hoạt động lễ hội trên địa bàn, phát hiện vấn đề, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về lễ hội, làm cơ sở pháp lý để hướng dẫn và quản lý tốt hoạt động lễ hội. Sẽ là không thừa khi tăng cường vận động mọi người, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, các thành viên từng tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng nâng cao ý thức công dân; thực thi lối sống văn hóa khi tham dự các hội lễ. Mặt khác các quy định xung quanh lễ hội cần được thực hiện nghiêm túc. Cho đến nay, việc đổi tiền lẻ, đặt quá nhiều hòm công đức, việc rải tiền vung vãi trong chùa chiền, thậm chí cài tiền vào tay Phật vẫn không thể khắc phục. Tại sao không thu gom hết các hòm công đức tự phát ở các nơi tôn nghiêm này? Tại sao không cấm tiệt việc đổi tiền lẻ, việc đốt vàng mã và việc đặt đồ lễ quá tốn kém? Đây là những việc trong tầm tay của chính quyền địa phương. Xem ra hội lễ đàng hoàng, văn minh, tiết kiệm vẫn còn ở thì tương lai!

Bảo Dân

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc