Lao xao tiếng chợ

08:48 | 21/02/2015

786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Âm Hán - Việt, “thị” là “chợ”. Đó là nơi bán và mua mọi thứ trên đời. Vì thế, “thị trường”, dù đã thoát ra khỏi ý nghĩa của một cái chợ cụ thể vẫn để chỉ không gian buôn bán của một vùng, một quốc gia, thậm chí toàn cầu.

Năng lượng Mới số 398 + 399

Đô - thị - chợ

Âm Hán - Việt, “thị” là “chợ”. Đó là nơi bán và mua mọi thứ trên đời. Vì thế, “thị trường”, dù đã thoát ra khỏi ý nghĩa của một cái chợ cụ thể vẫn để chỉ không gian buôn bán của một vùng, một quốc gia, thậm chí toàn cầu.

“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” (Nhất gần chợ, nhì gần sông, ba gần đường) là tiêu chuẩn từ xa xưa của cư dân mọi nước, nhất là cư dân nông nghiệp. “Nông nghiệp”, chắc vì ngày xưa chưa có đường bộ, đường sắt, đường hàng không, thì đường sông là đường giao thông chính để chuyên chở hàng hóa với khối lượng lớn. Sông thì phải có “bến”, “bến” phát âm Hán - Việt đọc là “phố”. Có lẽ chữ “phố thị” đủ để cho ta thấy sự gắn bó giữa “giang” và “thị” vừa nói ở trên, mật thiết đến thế nào - có sông thì có bến, có bến thì có chợ. Nước ta ngày trước có nữ thi sĩ Tương Phố, tức Bến Sông Tương. Mộ của bà ở Đà Lạt, đang bị một công ty du lịch xâm hại!

Đông đúc vì người - hàng, “phố” không chỉ là bến nữa, “phố” biến thành “đô”. Đô thị, vẫn gắn bó với chợ bởi chữ thị, nhưng “đô thị - phố” lại mang nghĩa khác. Dù khác, thì thật khó hình dung, một đô thị lại vắng chợ. Sau này, nhưng cũng xa lắm rồi, những “thị tứ”, “thị trấn”, “thị xã”, chẳng nơi đô hội nào không gắn với chữ “thị”, tức là gắn với chợ. Bây giờ, thành phố đã có “siêu thị”, lại càng chợ! Mà ngay cả thành phố cũng là “thành thị” đấy thôi. Sau này, có các phương tiện giao thông hữu hiệu khác, “phố” không nhất thiết là “bến sông” nữa, nhưng cũng khó mà không có bến xe, bến tàu, cảng hàng không, cảng biển.

Nói xa xôi ra thế, để thấy cái chợ nó gắn bó với chúng ta như thế nào. Nhưng “chợ”, chả phải với ai cũng là “nhất”. Mẹ của Tăng Sâm, lúc con còn đi học, nhà ở gần chợ. Thấy con mình suốt ngày bắt chước người ở chợ bán - mua, cân - đong, than rằng: “Đây không phải chỗ tốt để dạy con ta!” và chuyển sang nơi khác. Sau này, Tăng Sâm chuyên chú học hành, thành ra học giả nổi tiếng. Nếu không có mẹ, có lẽ Tăng Sâm chỉ là “người kẻ chợ”. Ừ, mà ngày xưa, dân “nhà quê” gọi người thành thị là “kẻ chợ” thật! “Kẻ chợ” thì cũng chẳng sao, “phi thương bất phú” (không buôn không giàu), nhưng rõ ràng khó có thể coi đó là môi trường tốt nhất cho việc “dùi mài kinh sử”.

Thừa cái gì thì ra chợ bán, thiếu cái gì thì ra chợ mua, ban đầu là thế. Nhưng nó chỉ “là thế” với dân chúng đơn thuần. Người có khiếu kinh doanh thấy “mua rẻ - bán đắt” lại còn hơn là sản xuất rồi chỉ bán thứ thừa, mua thứ thiếu một cách “chân chỉ hạt bột”. Để có thể “mua rẻ - bán đắt” thì phải thăm dò thị trường, thị hiếu, phải quảng cáo, phải “buôn chỗ nọ, bán chỗ kia”.

Thế là “thương lái” ép giá nông dân để “mua rẻ” rồi “bán đắt”, ta hay đau lòng. Nhưng “kinh tế thị trường”, nhà nước “điều tiết” không tốt, thì “thương lái” mới “ép giá” người sản xuất được, trách gì họ. Đã bảo, “chợ”, “thị trường” khó là nơi giảng đạo, luyện đức mà lại. Nhưng nếu không có “thương lái”, nhiều khi rất gay go cho xã hội. Nhà nước mua không hết, chế biến - bảo quản không xuể, nông dân không bán được nông sản, thiếu - thừa cục bộ giả tạo; hàng tươi trở thành đồ phế phẩm, là chết cả! Tóm lại, không có chợ, có thị trường, là chết!

Các thể loại chợ

Mà không đâu như ở nước mình, các “thể loại” chợ lại nhiều đến thế: Siêu thị, chợ lớn, chợ vừa, chợ nhỏ, chợ đầu làng, chợ cuối làng, chợ đầu xóm, chợ cuối xóm, chợ bến, chợ ga, chợ đêm, chợ ngày, chợ cóc, chợ tình, chợ nổi, chợ tạm, chợ đuổi, chợ chiều, chợ sớm, chợ phiên, hội chợ, chợ đường cái... Lại có cả “chợ phao”,  “chợ luận văn” cho học sinh - sinh viên mùa thi cử, “chợ luận án” cho các ông không hoặc ít học, nhưng muốn thành “tiến sĩ”! Thời Pháp thuộc, làng tôi có ông “Hàn mua” - mua chức “Hàn lâm” -  để khỏi đi phu phen tạp dịch chứ không có tí quyền gì, thế cũng là “đi chợ” chứ còn gì. Nghe nói ở ta bây giờ, khối ông bà mua được cả chức vị?

Chả biết có nên tin không. Nhưng nếu có thế, thì cũng là “đi chợ”! Chợ ấy ghê thật, có mà như không, không mà như có. Thế thì ngang với “Chợ Âm phủ” rồi! Ấy thế mà nghe nói “hiệp hội” các tiến sĩ hiện đại đang (hay sắp) đề nghị mở rộng Văn Miếu để họ cũng được “cưỡi rùa” như ai. Họ quên rằng, Văn Miếu chưa bao giờ là cái chợ. Và, Văn Miếu đã trở thành một khái niệm văn hiến vĩnh cửu. Mà văn hiến, theo cụ Nguyễn Tuân là cái phải “đào đất lên mới thấy”, chứ không chỉ là văn hóa, cái mà người ta nhớ được; lại càng không phải là văn minh, cái mà người ta có thể nếm, nghe, sờ, ngửi, nhìn được.

Ấy là cứ nói phòng xa như vậy, chứ đã là tiến sĩ, chắc gì đã có ai cạn nghĩ như vậy. Vả lại, các tiến sĩ thật, đều biết tài năng và cống hiến của họ không bao giờ bị lãng quên, và dân tộc, không xây văn miếu, thì sẽ có những hình thức khác, tôn vinh họ.

Thế là lan man, từ “Hai người đàn bà với một con vịt” đến giờ, đã mất khối thì giờ của các bạn! Thôi, “nói đâu bỏ đó” thì mới ra tính cách nước mình. Giờ ta “bỏ đó” để đi uống rượu mừng xuân đã.

Đỗ Trung Lai