Khống chế "liên hoàn kế" của Trung Quốc

05:00 | 24/05/2014

2,181 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần một tháng qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã lộ rõ mục tiêu không phải là thăm dò dầu khí mà là cưỡng chiếm Biển Đông.

Tàu Hải cảnh phun vòi rồng tấn công tàu ta

Quan sát diễn biến xảy ra xung quanh những hành động của phía Trung Quốc gần đây, có thể liên tưởng đến việc họ vẫn vận dụng các chiến thuật, mưu lược rất cổ điển, đã tồn tại như một triết lý vĩnh cửu, đó là những kế sách trong Binh pháp Tôn Tử.

Nhằm đạt được mục đích, ít nhất, Trung Quốc đã sử dụng đồng thời 8 trong 36 kế sách - “Tam thập lục kế”.

Đầu tiên là “Viễn giao cận công” - xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực. Kế này từ thời Chiến quốc nước Tần đã sử dụng, các nước xa không đem quân đi được thì du thuyết, dụ dỗ làm đồng minh; đối với nước gần thì dùng vũ lực uy hiếp. Cứ như vậy Tần nhanh chóng chiếm thành chiếm đất, trở thành bá chủ của cả 6 nước chư hầu, tạo điều kiện cho Tần Doanh Chính thống nhất Trung Quốc sau đó.

Việt Nam nằm sát với Trung Quốc, nhiều đời nay kiên cường không khuất phục, không chấp nhận bị đô hộ nên luôn là đối tượng Trung Quốc muốn “cận công”.

Thứ đến là “Nhất tiễn hạ song điêu” - một mũi tên hạ hai con chim. “Mũi tên” Hải Dương 981 mang theo toan tính thâm sâu vừa là thử phản ứng của Việt Nam, khối ASEAN và Mỹ; vừa nhằm mục tiêu dần dần thâu tóm Biển Đông, coi như “sự đã rồi” để hiện thực hóa đường “lưỡi bò” phi pháp do Trung Quốc vạch ra.

Lợi dụng khi tình hình thế giới nhiều rối ren, phức tạp, dư luận đang quan tâm các vấn đề bất ổn ở Ucraina, Thái Lan, Syria, Lybia… Trung Quốc sử dụng chiêu “Sấn hỏa đả kiếp” - theo lửa mà hành động. Đó là lợi dụng lúc tao loạn để thao túng, lúc tình hình rối ren mà sắp xếp theo ý muốn. Kế này có 2 nghĩa, một là theo lửa để mà đánh cướp, hai là chính mình phóng hỏa, tự tạo ra sự hỗn loạn nhằm thực hiện ý đồ. Trong sử sách Trung Quốc, Trương Nghi đã phá tan thế hợp tung bằng cách dối Tề, lừa Triệu, dọa Ngụy, thuyết Yên, bịp Sở. Trương Nghi được coi là con người có cái lưỡi bằng lửa thiêu đốt cả 6  nước, dựng thành cơ nghiệp thống nhất cho nhà Tần.

Có thể nói, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Trung Quốc đã khiến người Việt Nam yêu chuộng và mong muốn hòa bình rất bất ngờ khi ra chiêu “Tiên phát chế nhân” - ra tay trước để chiếm ưu thế, để đoạt lợi - hay còn gọi là “Tiên hạ thủ vi cường” để uy hiếp và xâm phạm Việt Nam. Lịch sử Trung Quốc từng có nhiều người sử dụng kế sách này như: Lý Thế Dân tại Huyền Vũ Môn, Võ Tắc Thiên phế lập Lư Lăng Vương, Ung Chính cướp Bảo Tòa, Từ Hi độc sát Quang Tự, Gia Cát Lượng lấy đất Quan Trung…

Chúng ta từng nghe câu chuyện ngụ ngôn “Tăng Sâm giết người” của Trung Hoa nói về bản tính cả tin của con người. Nếu cứ nhồi nhét mãi một điều nói láo đến đâu vào đầu người ta, cũng làm cho ngay cả kẻ vững tin cũng bị ảnh hưởng. Trung Quốc đã quá sành sỏi trong việc sử dụng những chiêu này, đó cũng chính là kế sách “Vô trung sinh hữu” - không có mà làm thành có, kết hợp với những kế như “Dương đông kích tây”, kế “Hư trương thanh thế” - mục đích là đánh lạc hướng, làm rối beng sự việc lên, tung tiếng đồn, gây xáo trộn rồi dựa vào đó mà thủ lợi. Vừa ăn cướp, vừa la làng, phía Trung Quốc một mặt kéo giàn khoan và hàng trăm tàu hộ tống vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, mặt khác trên các diễn đàn lại bóp méo sự thật một cách trắng trợn, vu khống, xuyên tạc rằng Việt Nam đem một lượng lớn tàu ra “quấy nhiễu”; rằng Việt Nam muốn làm lớn chuyện, gây căng thẳng tại khu vực; rằng vùng biển hạ đặt giàn khoan không thuộc vùng biển tranh chấp với Việt Nam…

Hai kế này rất thâm hiểm, với bộ máy tuyên truyền khổng lồ và bày mưu bài bản, phía Trung Quốc đã lừa dối được một số người trên thế giới do thiếu thông tin. Tuy nhiên, chính Trung Quốc thừa biết sự đuối lý của mình nên họ luôn lẩn tránh việc đưa các vấn đề biển đảo tại Biển Đông ra trước dư luận và công pháp quốc tế. Vì vậy, đại bộ phận cộng đồng quốc tế có đủ tỉnh táo và sáng suốt để biết rõ chân lý, lẽ phải thuộc về Việt Nam.

Với hàng loạt kế sách như vậy, Trung Quốc thực sự đã tạo ra một “Liên hoàn kế” móc nối nhau. Và nếu Việt Nam kiên quyết chống lại, không chịu khuất phục, không ai dám chắc Trung Quốc sẽ có hay không sử dụng các kế sách trong thời gian tới như: “Sát kê hách hầu” - giết gà dọa khỉ; “Phản gián kế” - dùng gián điệp phá từ bên trong; “Di thể giá họa” - sử dụng vật gì đó nhằm vu khống, ăn vạ - để rồi “Ban chư ngật hổ” - giả làm con heo để ăn thịt con hổ; hay “Phản khách vi chủ” - đổi vị khách thành vị chủ.

Chúng ta đã biết, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc, với tư cách là một doanh nghiệp, đầu tiên đã định chống lại việc phải đưa giàn khoan khổng lồ này tới đây vì lý do quá rủi ro và tốn kém, nhưng cuối cùng vẫn phải cúi đầu nghe lệnh trên. Người ra lệnh hẳn là kẻ quá cương cường, hành động đã lộ hết cơ mưu. Chúng ta cũng biết, người Trung Quốc đã sáng tạo ra môn cờ tướng, một môn đỉnh cao trí tuệ về tính toán chiến lược và chiến thuật. Nhưng xem ra, khi vội vã đưa “con tốt 981” qua sông, phía Trung Quốc đã phạm yếu lĩnh cơ bản trong đánh cờ, đi sai một nước họ sẽ thua cả ván.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của Hãng AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh rằng: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế…

Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình đóng góp vào việc gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm này và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế".

Để có thể khống chế “Liên hoàn kế” của Trung Quốc, với thực lực hiện nay, như nhiều người đã bình luận, thượng sách là chúng ta phải sử dụng chiến thuật “Dĩ tĩnh chế động” - nghĩa là lấy cái tĩnh khống chế cái động, lấy nhu để chế cương. Bình tĩnh quan sát đợi cho đối phương hành động và lộ ra yếu điểm thì có thể chế ngự được. Tĩnh cũng có nghĩa là bình tĩnh thì mới tỉnh táo, không bị mê hoặc tâm trí bởi sự náo động, tranh chấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta cũng từng dạy, phải luôn "Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.  Mối quan hệ giữa bất biến và vạn biến, giữa cái không thay đổi và cái thay đổi, giữa bản thể và hiện tượng, giữa cái nhất (cái một) và cái đa (cái nhiều)... là vấn đề trung tâm của triết học xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.

Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể. Cái bất biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập, tự do, hạnh phúc và dân chủ. Bốn cái bất biến này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau.
 

Ngân Hà

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc