Hoan hô Quảng Ninh!

07:03 | 12/01/2015

3,112 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được biết, năm 2015, Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục thực hiện thi tuyển và sau năm 2015 sẽ thực hiện bắt buộc đối với các chức danh lãnh đạo cấp huyện, sở, ngành. Hoan hô Quảng Ninh!

Năng lượng Mới số 389

Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đang tiến hành tại Hà Nội có bàn một nội dung tinh giản biên chế. Hy vọng Trung ương sẽ quyết định những định hướng quan trọng về một trong những công tác khó khăn bậc nhất của các cơ quan và các cán bộ tổ chức là tinh giản biên chế, dù là ở một cơ quan nhỏ xíu đến cả một… tỉnh lớn. Xin nói về công tác cán bộ ở tỉnh vùng than đã và đang làm tốt cả hai việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo và tinh giản biên chế. Từ thành công của Quảng Ninh có thể rút ra bài học rằng, nếu lãnh đạo quyết tâm và nhân dân ủng hộ thì không có việc gì khó.

Cách đây vài năm, Quảng Ninh bỗng dưng nổi tiếng là tỉnh “đông quan”. Báo chí đã “tố” rằng, cấp phường như phường Hồng Hải thuộc TP Hạ Long, có tới 475 cán bộ hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách. Lại có thị trấn như Mạo Khê phải nuôi tới 663 cán bộ và một xã của huyện Ba Chẽ chỉ có 120 hộ và 521 nhân khẩu nhưng cũng có tới 110 cán bộ được hưởng lương ngân sách. Và trong ngành giáo dục có một trường tiểu học - trung học cơ sở chỉ có 98 học sinh mà bộ máy lên đến con số 27 thầy cô giáo và 2 bảo vệ.

Quảng Ninh, địa phương đi đầu trong đổi mới công tác cán bộ và tinh giảm biên chế

Ngay sau khi báo chí lên tiếng về thị trấn Mạo Khê có quá đông cán bộ - quan chức hưởng lương và phụ cấp như lương từ ngân sách lên đến trên 5,1 tỉ đồng/năm, UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận thực trạng này. Bình quân 1 năm phải chi trả lương cho đội ngũ cán bộ là 4.120 tỉ đồng, trong khi đó, tỉnh lân cận là Hải Dương chi tất cả chỉ có 4.000 tỉ đồng. UBND tỉnh cho biết, bình quân 1 đơn vị xã, phường ở Quảng Ninh hiện nay có khoảng 200 cán bộ hưởng lương và điều đó chứng tỏ bộ máy hành chính của tỉnh này thực sự quá cồng kềnh, nhưng không mạnh. Chính vì vậy, Quảng Ninh xác định, phải tiến hành rà soát lại biên chế của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc khẳng định dứt khoát sẽ tinh giản biên chế ngay trong năm 2014 và không tăng biên chế cho tới năm 2016.

Năm mới nói chuyện về Quảng Ninh với những bứt phá nêu gương. Đó là đi đầu trong việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở thành công, có thể nói là tốt đẹp.

Ngay năm đầu thực hiện đề án tinh giản biên chế, Quảng Ninh đã giảm được 1.097 biên chế trong ngành giáo dục - đào tạo do sắp xếp tại tổ chức bộ máy, bố trí kiêm nhiệm các chức danh, các nhiệm vụ. Quảng Ninh còn giảm được 1.380 biên chế sự nghiệp không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước do tăng cường tự chủ kinh phí, do chuyển đổi mô hình từ hoạt động đơn vị sự nghiệp sang hình thức hợp tác công - tư; 372 biên chế cán bộ, công chức cấp xã; 1.164 những người thực hiện không chuyên trách. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết cắt chi trả phụ cấp cho số lượng người hoạt động không chuyên trách theo chính sách riêng của tỉnh này là 17.433 người, trong đó có hàng nghìn tổ trưởng dân phố, xóm trưởng…

Đây là kết quả của việc giảm 67 đơn vị thuộc cấp ủy, UBND cấp huyện; 7 đơn vị thuộc phòng và 96 điểm trường trên toàn tỉnh; giảm 9 phòng, ban chuyên môn thuộc các ban của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; giảm 46 phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở, ban, ngành; giảm 28 đầu mối trực thuộc cấp sở; chuyển đổi mô hình hoạt động của 39 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện và 15 trường học mầm non, tiểu học sang doanh nghiệp hoặc hợp tác công - tư…

Nhờ vậy, năm 2014, Quảng Ninh đã tiết kiệm được khoảng 300 tỉ đồng, trong khi công việc vẫn “chạy” tốt. Số tiền trên - bằng 11,5% tổng quỹ lương của toàn tỉnh và bằng số thu ngân sách nội địa của 6 huyện - được dành cho việc sắp xếp, tinh giản bộ máy và chi cho các công trình phúc lợi, cho đào tạo hoặc đào tạo lại đội ngũ công chức.

Theo lãnh đạo tỉnh, hai lĩnh vực được tinh giản biên chế mạnh nhất trong năm 2014 của Quảng Ninh là y tế và giáo dục. Với giáo dục, hiện Quảng Ninh có 1.489 điểm trường, gấp 3,34 số trường, dẫn đến chất lượng hạn chế, hiệu quả sử dụng kinh phí kém.

“Hệ thống y tế từ tỉnh xuống cơ sở cũng hết sức cồng kềnh. Chỉ riêng cấp huyện có 5 đầu mối chồng chéo chức năng nhiệm vụ: phòng y tế, bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình” - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng lý giải về việc tinh giản biên chế mạnh ở lĩnh vực này. Chẳng hạn, việc mỗi phường ở các thành phố lớn đều có trung tâm y tế là không cần thiết, bởi ngoài các bệnh viện công lớn, các thành phố như Hạ Long còn có hàng trăm bệnh viện và phòng khám tư nhân đạt chất lượng, trong khi thực tế cũng ít người đến trung tâm y tế phường.

Thừa thắng xông lên, năm 2015, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu nâng tổng số các đơn vị sự nghiệp tự chủ 20-100% kinh phí lên 66/153 đơn vị, tăng gấp đôi so với năm 2014. Năm 2016, 153 đơn vị sự nghiệp sẽ phải tự chủ 100% kinh phí.

Mạnh mẽ hơn, tỉnh Quảng Ninh đặt vấn đề nghiên cứu “nhất thể hóa” một số cơ quan tham mưu giúp việc của khối Đảng với khối chính quyền có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp.

Tuy nhiên, bất cập là rất rõ, nhưng giải pháp khắc phục không đơn giản, bởi cho đến nay, có rất ít văn bản đề cập đến việc nghiên cứu, có hình thức tổ chức lại các cơ quan của Đảng với cơ quan của chính quyền để khắc phục sự chồng chéo. Vì vậy, việc Quảng Ninh mạnh dạn đặt vấn đề, làm rõ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý, thực tiễn cho vấn đề này.

Trong công tác tổ chức cán bộ, Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trương tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở. Đích thân Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, PGS.TS Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chức danh Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long và Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. 

Để thực hiện thí điểm chủ trương này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các ban, ngành liên quan xây dựng các quy chế, kế hoạch và nội dung thi tuyển một cách cẩn trọng, từng bước, có sự tham gia của từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và có sự hướng dẫn, góp ý của Ban Tổ chức Trung ương, với phương châm khách quan, minh bạch, công tâm, chính xác. Đối tượng dự thi được mở rộng. Ngoài nguồn cán bộ được quy hoạch tại chỗ, tỉnh khuyến khích đăng ký dự tuyển từ nhiều nguồn khác, đáp ứng các tiêu chí của vị trí chức danh (như về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, ngoại ngữ... và kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hai năm gần đây nhất). Ban Tổ chức kỳ thi thực hiện nguyên tắc mở đối với các thí sinh trong lựa chọn, chuẩn bị và bảo vệ đề tài nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí cần tuyển.

Với tinh thần nghiêm túc, khách quan, công tâm, hội đồng thi tuyển đã lựa chọn hai thí sinh có kết quả thi tuyển cao nhất là đồng chí Phạm Thùy Dương trúng tuyển chức danh Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long và đồng chí Phạm Hồng Lan trúng tuyển chức danh Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. Kết quả của cuộc thi tuyển này là được cán bộ, được niềm tin.

Rõ ràng đây là bước đột phá trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh mà Quảng Ninh mạnh dạn thực hiện, nhằm khắc phục tình trạng già hóa, sống lâu lên lão làng, mạnh dạn giao việc tạo niềm tin cho cán bộ trẻ.

Sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm chức vụ mới, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Thùy Dương và Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phạm Hồng Lan đều rất tự tin trong điều hành, thực hiện công việc quản lý.

Được biết, năm 2015, Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục thực hiện thi tuyển và sau năm 2015 sẽ thực hiện bắt buộc đối với các chức danh lãnh đạo cấp huyện, sở, ngành.

Hoan hô Quảng Ninh!

Bảo Dân