Hoan hô chị Kim Tiến!

15:13 | 23/04/2015

11,987 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị trực tuyến được tổ chức ở hơn 700 điểm cầu trong cả nước với mục tiêu: “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, chị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế - đã phát biểu và đưa ra một khái niệm, với thế giới thì không mới, nhưng với Việt Nam thì rất mới.

Đó là, đã đến lúc các bệnh viện phải coi người bệnh như khách hàng, và nếu như không chăm sóc khách hàng tốt, thì không khéo bệnh viện sẽ “ngồi chơi xơi nước”. Đại khái là như vậy!

Vậy là lần đầu tiên, người đứng đầu Bộ Y tế đã đưa ra một khái niệm phục vụ rất mới. Khái niệm này đã đảo ngược lại tất cả các quan điểm, quan niệm của chúng ta về đối tượng phục vụ.

Hoan hô chị Kim Tiến!

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Không riêng gì ngành Y tế, mà rất nhiều các ngành nghề khác, bấy lâu nay chỉ coi những đối tượng được phục vụ là những người đến xin xỏ, nhờ vả. Và những nhân viên công quyền có quyền từ chối hoặc có những thái độ “như cha mẹ người ta”, hoặc nói nôm na, họ tự cho mình cái quyền “ban phát”. Với ngành Y tế, từ rất lâu đã nêu phương châm “lương y như từ mẫu”, nhưng thực sự mà nói, với quan điểm ban phát thuốc men, ban phát sự phục vụ cho người bệnh như bấy lâu nay, thì rõ ràng ở nhiều nơi “lương y” không như từ mẫu mà là “hổ báo”. Và cũng chính vì thế, mới nảy nòi ra những chuyện bệnh nhân hoặc gia đình người bệnh “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với thầy thuốc.

Hi vọng rằng với quan điểm mới của chị Tiến như thế này, người bệnh sẽ được tôn trọng, được phục vụ như một “Thượng đế”. Và đã đến lúc, những thầy thuốc phải làm thế nào để các Thượng đế được vui. Có một thực tế, nền y học của một số nước xung quanh ta trình độ không phải hơn gì nhiều so với Việt Nam, thậm chí có những lĩnh vực kém Việt Nam. Nhưng tại sao người Việt cứ ùn ùn đổ ra nước ngoài đi chữa bệnh, mỗi năm tốn hàng tỷ đôla. Và dĩ nhiên, nhiều người trong số này, mặc dù được đi chữa ở nước ngoài, tốn không biết bao nhiêu tiền, nhưng… chết vẫn hoàn chết. Điều quan trọng là, khi họ ra nước ngoài chữa bệnh, họ tốn tiền thì họ được phục vụ chu đáo và được đối xử như những Thượng đế thực sự.

Hơn một năm trước, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng đã có lần trao đổi với người viết bài này rằng: “Đã đến lúc những công việc như cấp chứng minh thư, hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện, làm hộ chiếu, xác minh thông tin… thì công an phải coi các đối tượng cần giải quyết là những đối tượng được phục vụ; chứ không phải công an có quyền phục vụ hay không phục vụ”. Và cũng chính từ quan điểm này, Công an Hà Nội đã có những thay đổi mạnh mẽ trong việc phục vụ người dân.

Ngành Y tế, mà đại diện là chị Bộ trưởng, đã đưa ra một khái niệm về người bệnh như vậy, thiết tưởng các lĩnh vực khác trong xã hội cũng nên xem lại quan điểm, tiêu chí phục vụ của mình.

Như Thổ (Năng lượng Mới)