Hãy túm thằng có tóc!

07:02 | 11/12/2014

4,458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày xưa, chuyện ông Trạng Quỳnh có lần nói với nhà Chúa rằng, Chúa bị mắc “tứ chứng nan y”, ấy là què, mù, câm, điếc thì xem ra bây giờ rất nhiều cán bộ của chúng ta cũng đang mắc chứng này.

>> Hãy đổ chất thải vào nhà chúng!

Năng lượng Mới số 381

Sáng ngày 5/12, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã bắt quả tang Trung tâm Xử lý nước thải Khu Công nghiệp Dệt may Phố Nối (Hưng Yên) đang xả nước thải ra môi trường.

Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hưng Yên) đã phục kích bắt quả tang trung tâm trên đang xả nước thải không qua xử lý ra môi trường qua đường ống 300mm.

Rồi cũng mới đây, Tổng cục Môi trường phối hợp cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình bắt quả tang Công ty CP Bitexco Nam Long (Khu Công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh) xả nước thải ra môi trường. Đây là nước thải công nghiệp dệt nhuộm chưa qua xử lý vào hệ thống xử lý nước mưa của Khu Công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh qua 2 cửa xả trái phép với khối lượng lớn. Hiện tại, công ty sử dụng khoảng 4.400m3 nước/tháng.

Cơ quan chức năng phát hiện Công ty Hào Dương (TP HCM) đang xả thải ra môi trường

Trên đây chỉ là hai vụ bắt quả tang tình trạng đổ nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Điều đáng nói là chủ các doanh nghiệp này đã sử dụng nhiều mưu mô thủ đoạn để che giấu.

Đấy là dưới nước, còn trên trời thì không biết bao nhiêu vụ xả khói độc, khí độc gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ở Nam Định có vụ Công ty Chế biến dầu thải Tùng Dương đã bị người dân đẩy khỏi địa bàn vì gây ô nhiễm môi trường. Sang chỗ mới công ty này lại tiếp tục gây ô nhiễm và bây giờ người dân lại đang có ý định đuổi công ty này đi đâu đó cho khuất mắt.

Người ta có thể đặt nhiều dấu hỏi rằng, tại sao các vụ gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài lại nhiều như thế?

Xin thưa, tình trạng này diễn ra rất lâu rồi nhưng công tác điều tra, xử lý của chúng ta rất kém nếu như không nói rằng đã nhiều năm chúng ta bỏ mặc không quan tâm, không quản lý.

Còn lý giải cho những vi phạm của các doanh nghiệp cố tình xả chất thải hoặc gây ô nhiễm cho môi trường thì chỉ có mỗi một cách thôi. Đó là: Họ đã quá tham lam muốn vơ vét cho đầy túi, vì thế họ đã nghĩ mưu nghĩ kế để cắt xén công đoạn xử lý chất thải; không thực hiện những cam kết về bảo vệ môi trường. Với những kẻ chỉ vì đồng tiền và thực sự mà nói đây có thể gọi là những kẻ vô lương tâm bậc nhất, bởi chúng đầu độc cả cộng đồng và gây di hại cho nhiều thế hệ về sau.

Ấy vậy mà pháp luật chúng ta lại rất nương nhẹ với loại tội này, hình như chưa có kẻ nào đổ chất thải ra môi trường bị xử lý hình sự; chưa có nhà máy, xí nghiệp nào bị đóng cửa vĩnh viễn vì tội xả chất thải ra môi trường.

Chúng ta cứ nói học kinh nghiệm các nước, nhưng có lẽ hầu hết chỉ học cái dở như du nhập văn hóa ngoại lai, du nhập những cách làm “bá đạo” của nước ngoài mà không học những cái tốt của họ.

Trong việc bảo vệ môi trường, hãy lấy Peru bảo vệ rừng Amazon làm gương, một doanh nghiệp khai thác ở trong rừng chỉ cần đổ một lít chất thải ra thì sẽ bị đóng cửa ngay tức khắc và bị phạt cực kỳ nặng. Chả thế mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng với Perenco Peru khai thác dầu ở Lô 67 đã phải khoan sâu xuống lòng đất hơn 2.000m để chôn lấp những chất thải tự nhiên của con người sau khi đã được xử lý. Còn các chất thải rắn khác thì phải thuê tàu chở đến nơi xử lý cách đó hàng trăm kilômét.

Nạn ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng cũng bởi vì những người có trách nhiệm ở các địa phương, đặc biệt là đám quan chức đã tiếp tay, bảo kê cho những chủ doanh nghiệp. Họ luôn tự bào chữa rằng: Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn thì mới giải quyết được nạn thất nghiệp, mới có nguồn thu cho ngân sách địa phương. Nhưng thử hỏi số tiền thu được ấy liệu có đủ chi phí cho việc xử lý môi trường về sau hay không?

Không còn nghi ngờ gì nữa, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, các doanh nghiệp thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu các địa phương.

Một nhà máy suốt ngày xả khói, bụi bẩn lên trên trời chẳng lẽ mắt họ không nhìn thấy hay sao? Chẳng lẽ những vụ việc người dân gửi đơn đi hết cấp này cấp khác họ cũng không biết hay sao?

Ngày xưa, chuyện ông Trạng Quỳnh có lần nói với nhà Chúa rằng, Chúa bị mắc “tứ chứng nan y”, ấy là què, mù, câm, điếc thì xem ra bây giờ rất nhiều cán bộ của chúng ta cũng đang mắc chứng này.

Bởi họ “què” nên họ không xuống được cơ sở, xuống được gần dân.

Bởi họ “mù” nên họ không nhìn thấy những nhà máy, xí nghiệp đang làm ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí.

Bởi họ “câm” nên họ không dám mở miệng ra nói. Thực ra thì có lẽ họ bị đám doanh nghiệp này “nhét” tiền vào miệng rồi nên họ mới “câm”.

Bởi họ “điếc” nên họ không nghe thấy người dân ta thán những nỗi khổ mà người dân phải chịu đựng vì ô nhiễm môi trường.

Từ xưa đến nay, cổ nhân đã có câu, làm việc gì cũng phải “túm thằng có tóc chứ đừng túm thằng trọc đầu”. Hiểu nôm na ra thì phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu về quản lý lĩnh vực này.

Những vụ việc xảy ra ở Hưng Yên, Thái Bình và nhiều tỉnh khác đang gây bức xúc trong nhân dân. Muốn xử lý việc này quá đơn giản.

Cho tạm giam, khởi tố hình sự đối với những gã chủ thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Coi như đây là trường hợp bắt quả tang thằng ăn cắp. Thật là vô lý, một đứa trẻ ăn cắp, móc túi ở ngoài đường có khi chỉ vài chục ngàn bạc mà bị xử lý. Trong khi đó một kẻ ngang nhiên móc túi của rất nhiều người và làm ô nhiễm môi trường sống của cả một vùng dân cư thì chỉ bị phạt tượng trưng nghĩa là sao?

Rồi nữa, với những giám đốc tài nguyên môi trường, để nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn mình gây ô nhiễm thì cách chức ngay hoặc đuổi làm việc khác, thế là xong. Có cái gì mà phải giáo dục, phải nói lắm lời mà thực chất cũng chỉ như nước đổ đầu vịt mà thôi.

Nạn ô nhiễm môi trường ở nước ta đã quá trầm trọng và diễn ra mọi chỗ, mọi nơi, từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa.

Sự tắc trách, đồng lõa, bao che của các cấp chính quyền, cộng thêm đó là sự vô cảm của các cơ quan chức năng đã khiến cho tình trạng này ngày một thêm trầm trọng. Chúng ta đang phải trả giá đắt cho việc bảo vệ sức khỏe của người dân và bảo vệ môi trường sống.

Thử nhìn xem quanh chúng ta bây giờ có cái gì không bị nhiễm độc.

Chúng ta bị nhiễm độc từ không khí; nhiễm độc từ nguồn nước; nhiễm độc từ các nguồn thực phẩm, nhiễm độc từ lá rau, con cá; thậm chí tới cả chai nước đóng hộp, đóng lon…

Ấy vậy mà, những kẻ làm ô nhiễm môi trường vẫn cứ nhởn nhơ bên ngoài và thu tiền, làm giàu trên nỗi khổ của người khác.

Sẽ có các nhà làm luật bảo rằng, luật pháp của chúng ta nó như thế… Vâng, đúng luật pháp của chúng ta như thế nhưng nếu như điều luật ấy đã lạc hậu, không đủ sức răn đe với loại tội phạm gây ô nhiễm môi trường, thì sửa, thì thêm. Có làm sao đâu.

Để tuyên chiến với nạn gây ô nhiễm môi trường, rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải túm thằng có tóc?!

Kim Triêu

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc