Giáo sư Phạm Minh Hạc: Nhân tài chưa được trọng đãi

07:00 | 26/12/2012

1,298 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ thời xa xưa ông cha ta đã nhận biết vai trò của người tài đối với cộng đồng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, tại Việt Nam, việc đào tạo, nuôi dưỡng và sử dụng nhân tài vẫn và không có giải pháp cụ thể. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

PV: Ông cha ta vẫn thường nói, nhân tài là nguyên khí của quốc gia, rồi căn cứ vào đó mà nói đến sự thịnh suy của một đất nước. Việc trọng đãi nhân tài ở nước ta hiện nay ra sao, thưa ông?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Trước hết, theo tôi có thể phân định ở các mức: Cao nhất là thiên tài rồi đến nhân tài, người tài, có bằng cấp rồi đến những người học giỏi, người làm giỏi. Có tài là phải có đức, có tài là có trình độ hiểu biết, có tầm suy nghĩ chiến lược và biết đem cái tài của mình làm lợi cho cộng đồng, cho đất nước và cho nhân loại. Đem cái tài vận dụng cho cuộc sống, có ích cho cộng đồng và đất nước. Các cụ xưa có ví nhân tài như hiền tài, là người biết đối nhân xử thế, được xã hội chấp nhận, tài và đức phải luôn gắn liền với nhau. Cái đức, cái tài phải trở thành triết lý sống được truyền bá và lấy tiêu chí đó để công nhận người tài.

Chính vì thế tôi nghĩ rằng, sự thịnh suy của một đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh lực lượng đại trà là nhân dân thì chủ yếu lực lượng dẫn đường, vạch ra đường lối, chiến lược, phát minh, sáng kiến, đổi mới tư duy, cải thiện đời sống đều phải là những người tài, những nhân tài.

Giáo sư Phạm Minh Hạc

Lịch sử minh chứng suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước ông cha ta đã biết trọng dụng những nhân tài. Từ những vị minh quân đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đều biết trọng dụng nhân tài. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” câu nói này luôn đúng ở mọi thời đại. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực cho việc trọng dụng nhân tài, đưa Cách mạng Tháng Tám thành công và giành lại hòa bình cho đất nước. Những thành công của đất nước gắn liền với chiến lược biết sử dụng nhân tài. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng nhân tài đang mắc phải sai lầm chủ quan duy ý chí, có nhiều vấn đề. Nhân tài chưa được trọng dụng, chưa được tin tưởng, thiếu điều kiện nghiên cứu. Thu nhập trên đầu người ở nước ta vẫn rất thấp, giáo dục còn nhiều yếu kém, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

Ở trong nước, việc sử dụng nhân tài ngay ở chính các viện nghiên cứu cũng không sát thực, thậm chí nhiều người tài bị bỏ phí, không được sử dụng. Ví dụ làm thủy điện ở Tây nguyên và miền Trung rất nhiều vấn đề do không sử dụng đúng nhân tài, không tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học... Nhưng việc đào tạo đội ngũ nhân tài, các nhà khoa học cũng có vấn đề, sự phấn đấu của các nhà khoa học cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước. Trong đó việc đào tạo giảm chất lượng, một số chưa thực sự dấn thân vì khoa học.

PV: Có một thực tế là, các nhà khoa học ở Việt Nam không thể sống bằng đồng lương của mình, thế nên, họ không thể chuyên tâm làm nghiên cứu khoa học mà vẫn phải lo mưu sinh. Nhiều người ở nước ngoài về không có việc làm phù hợp. Theo ông, vì sao có những bất cập đó?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Đúng là còn nhiều bất cập. Xét theo trật tự, không có hệ số lương của các giáo sư, phó giáo sư hoặc các nhà khoa học mà ăn lương theo hành chính Nhà nước. Việc hành chính hóa khoa học vô hình trung sẽ không tránh khỏi những bất cập. Tôi nghĩ rằng, không nên xếp lương các nhà khoa học cũng theo hệ số lương hành chính. Chúng ta nên có chính sách hỗ trợ cho các nhà khoa học, bởi với một số lương ít ỏi như vậy các nhà khoa học không thể đủ điều kiện để làm khoa học.

Việc chưa đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày bắt buộc họ phải tìm kiếm cơ hội làm thêm. Thực tế, các nhà khoa học khi có trình độ nhất định, họ đều tự thân tìm kiếm các cơ hội, tự kiếm sống và các giáo sư ở Hà Nội có thể sống đàng hoàng vì chế độ đãi ngộ và thù lao giảng dạy tương xứng.

PV: Chúng ta vẫn đang phải đối diện với vấn đề “chảy máu chất xám”. Hiện nay, những người giỏi ra nước ngoài học và không trở về làm việc. Người về thì không được trọng dụng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Tôi vẫn mong muốn nhiều người học ở nước ngoài trở về nước làm việc phục vụ phát triển, đổi mới đất nước. Tuy nhiên, nước ta cũng cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ hơn cho các nhà khoa học. Nhiều người đi học ở nước ngoài về vẫn phải tự thân vận động, tự bỏ tiền túi để nghiên cứu khoa học, một phần do thủ tục hành chính, chế độ, chính sách chưa thỏa đáng. Họ không về do hệ thống nghiên cứu khoa học trong nước chưa đủ hấp dẫn cho người có tài làm việc trong nước, chưa đủ mức tin cậy cho những nhà khoa học trẻ thấy rằng, mình làm trong nước có thể tiến bộ và cống hiến được như nước ngoài. Nhưng người giỏi ra nước ngoài thì họ vẫn là người Việt Nam. Khoa học là không biên giới nên họ đóng góp cho khoa học thế giới bao nhiêu cũng là niềm vinh hạnh của chúng ta.

Chiến lược phát triển nhân tài chưa rõ ràng

Điều đáng buồn nhất là kết quả nghiên cứu khoa học ở nước ta không có tiếng vang nào đáng kể. Khoa học tự nhiên có điều kiện giao lưu mà cũng đứng thấp nhất ở châu Á. Các nhà khoa học chưa góp nhiều được cho đất nước. Theo thiển ý của cá nhân tôi thì sắp tới các cơ quan khoa học cũng nên làm theo quy luật của thị trường trao đổi hàng hóa, tức là giao các đơn đặt hàng và yêu cầu tạo ra những sản phẩm khoa học có thể vận dụng được cho đời sống xã hội và có lợi nhuận. Các cơ quan Nhà nước cần quan tâm về chế độ, điều kiện nghiên cứu. Ví dụ trong đội ngũ khoa học, cao nhất là danh hiệu giáo sư, phải có sự phấn đấu từ 30 đến 40 năm mới đạt được chức giáo sư nhưng xin chế độ, tăng lương rất khó. Trong khi đó ở các nước khác, giáo sư đều có phòng làm việc, phòng nghiên cứu riêng và rất được coi trọng. Hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách gì để khuyến khích các nhà khoa học, gần như các giáo sư phải tự bươn chải, tự kiếm sống…

PV: Nhiều trí thức cho rằng, được phát huy tính tự chủ thì đất nước mới có những trí thức lớn. Hiện nay, vấn đề đó đã được phát huy tối đa chưa, thưa ông?

Đề xuất xây dựng Luật Về nhân tài đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận. Đó là thông tin vừa được ban chủ nhiệm Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận, thực tiễn của Chiến lược Quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho biết. Đề tài khoa học độc lập này được Bộ Chính trị phân công Ban Tổ chức Trung ương chủ trì nghiên cứu xây dựng.

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Khoa học đồng nghĩa với dân chủ. Có nghĩa là có suy nghĩ gì thì làm theo suy nghĩ đó, được phát biểu, được trao đổi. Ở châu Âu từ lâu đã có nguyên tắc tự chủ, đúng nghĩa là tự trị đại học. Ở nước ta có phân biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đối với các ngành khoa học tự nhiên không ai hạn chế tư duy độc lập, tư duy sáng tạo mà chỉ có cơ chế dân chủ tự chủ chưa đủ mạnh hoàn hảo để có thể phát huy tối đa. Nhưng nói chung đối với khoa học tự nhiên như toán, lý hay nhất là những ngành khoa học cơ bản không có gì cản trở. Còn đối với ngành xã hội nhân văn ở thể chế nào cũng có những ràng buộc vì nó liên quan trực tiếp đến đường lối chính sách phát triển. Trong khoa học xã hội trực tiếp, nói đến vấn đề con người và xã hội, từ năm 1991 đã đề ra được những quy chế tự do cho khoa học xã hội. Nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Văn bản đã đề ra 20 năm nay nhưng hiện chưa có nên vẫn làm cho mọi người e ngại, sợ mất chức, sợ vi phạm… Đối với sự phát triển kinh tế xã hội thì không chỉ phát triển khoa học tự nhiên mà cần phát triển cả khoa học xã hội, phát triển về yếu tố con người. Cần công khai minh bạch, khoa học cần số liệu thật, tính toán thật.

PV: Một giáo sư toán người Việt ở nước ngoài có nói, sự kiện Ngô Bảo Châu và dự án nâng cao chất lượng toán học chỉ là một cánh én nhỏ, không thể làm nên mùa xuân. Những việc làm của chúng ta trong vấn đề sử dụng nhân tài đều mang tính chất thời vụ, manh mún, mà chưa nâng lên tầm chiến lược của một quốc gia? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Chiến lược phát triển khoa học của chúng ta chưa rõ ràng. Có chương trình phát triển khoa học nhưng nhiều chỗ chưa thích hợp, không động viên được đông đảo các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành phục vụ vào sự nghiệp khoa học của đất nước. Ngân sách cho các chương trình và các đề tài ít gắn bó với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Ngân sách cho khoa học không tương ứng, phần lớn không đủ để mua các thiết bị, lương cho cán bộ khoa học theo bậc hành chính quá ít ỏi, thậm chí không đủ sống cho bản thân và gia đình... Nếu người làm khoa học mà đồng lương của họ ít nhất là đủ sống một cách đàng hoàng, đủ điều kiện nghiên cứu, ngoài ra có thể đủ để nuôi 1-2 đứa con, lúc đó họ mới yên tâm làm khoa học. Năng suất lao động của các nhà khoa học Việt Nam hiện nay không cao, bởi môi trường sáng tạo chưa đủ đảm bảo, mà trước hết là lương Nhà nước trả không đủ sống. Đó là hạn chế rất lớn cho sức sáng tạo của những nhà làm khoa học.

Ngoài ra, việc phân bổ ngân sách cho các cơ quan khoa học rất nhiều bất cập, có cơ quan quản lý Nhà nước nhận ngân sách cho khoa học lại không biết sử dụng và có khi phải trả lại Nhà nước. Nhiều khi Nhà nước chỉ chú ý đến một vài trường hợp đặc biệt mà chưa chú ý đến cả đội ngũ các nhà khoa học.

PV: Người Việt chúng ta vẫn thành danh trên khắp thế giới, nhiều người cho rằng, do họ được hưởng thụ nền giáo dục ở nước ngoài. Vậy ở nước ta đã có chiến lược đào tạo nhân tài chưa, thưa ông?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Đã có những chương trình đào tạo từ cấp THPT tìm ra mầm mống của nhân tài, những năm gần đây một số trường đại học đã có chương trình đào tạo cử nhân tài năng như các trường ĐHQG, ĐHSP Hà Nội… Có lễ tuyên dương các thủ khoa đại học, nhưng rồi chỉ vài phần trăm thủ khoa đó được trọng dụng, sử dụng, số còn lại phải tự thân, tự tìm cơ hội việc làm mà chưa có việc sử dụng tiếp nối. Trong chiến lược phát triển nhân lực và khoa học của chúng ta vẫn còn mờ nhạt, không có những kế hoạch triển khai phù hợp với những điều kiện tương ứng và chưa làm đến nơi đến chốn.

Chỉ vài phần trăm thủ khoa được trọng dụng

Tiêu chuẩn để đánh giá một nền khoa học phát triển thì tiêu chí cao nhất là phát triển kinh tế, đất nước có phát triển hay không, có cường thịnh hay không. Tiêu chí hẹp hơn là những phát minh sáng kiến, các quy luật, định luật, định lý như người nông dân sáng tạo ra máy gặt, máy bóc lạc... những phát minh đó đều có ý nghĩa cho xã hội. Tiêu chí thứ ba là các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Thứ tư là, các công trình trong nước như các loại sách, báo mang được tri thức đến cho mọi người và quảng bá rộng rãi...

PV: Còn nhớ năm 1946-1954, đã có hơn 30 trí thức từ bỏ cuộc sống giàu sang và môi trường làm việc lý tưởng ở các nước tiên tiến theo Bác Hồ về nước xây dựng đất nước như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh và Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Trần Đức Thảo… Ông có thể nói thêm về bài học lịch sử của sự kiện trên?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ trở thành biểu tượng tri thức yêu nước với tư tưởng tôn trọng con người, trọng dụng nhân tài. Vì những điều đó nên những nhà khoa học yêu nước đã theo Bác về phục vụ đất nước, phục vụ kháng chiến. Họ thấy hoạt động thực tiễn và lời kêu gọi của Bác đã tác động mạnh mẽ đến tâm trí của các nhà trí thức, đáng phục vụ nên mới theo, lớp người đó để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong nền giáo dục và khoa học Việt Nam. Lớp ấy như nhiều người nói cũng được gọi là một “thế hệ vàng”. Tôi nói như vậy không có nghĩa thế hệ sau này kém cỏi, nhưng đó cũng là thế hệ vẫn còn để lại được những tấm gương sáng ngời cho tầng lớp trí thức, nhân sĩ sau này.

Vì thế, muốn thu hút được người tài, Nhà nước cần có thái độ chân thành, trọng dụng và tin dùng nhân tài, không nên vắt chanh bỏ vỏ. Phải có những đường lối, chiến lược và chính sách cụ thể để họ phát huy tài năng phát triển đất nước.

PV: Theo ông, Nhà nước cần có những chính sách nào để thu hút trí thức trong nước cũng như trí thức Việt kiều tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Cần chú trọng đội ngũ trí thức trong nước ở các viện khoa học, các trường đại học, các tổ chức... Có một điểm không thể thiếu được là chú trọng kêu gọi những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về nước hợp tác, cộng tác thường xuyên để có sự gắn bó, hợp tác. Nhà nước không cần có một chính sách gì quá đặc biệt với trí thức Việt kiều mà hãy tập trung vào những chính sách tốt cho trí thức trong nước. Rồi từ đó anh em Việt kiều thấy trí thức trong nước được sống tốt và đối xử tốt thì họ khắc theo về và hết lòng phục vụ.

PV: Vậy ông có kiến nghị gì về việc đối xử với tri thức trong nước?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Để khoa học trở thành hàng hóa và được thụ hưởng những phần làm ra của khoa học, để đi đến những cơ chế đó cần có thời gian, Đảng và Nhà nước cần có những chế độ chính sách để đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học có thể làm khoa học được. Ở các nước giàu có và hùng mạnh, họ luôn luôn có tư tưởng coi trọng con người, nhất là những người tài. Đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay là các Đảng và Nhà nước cần thực sự lắng nghe, chứ không phải nghe một cách hình thức những ý kiến tâm huyết của nhân sĩ và những tập thể tiêu biểu.

Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, công tác cán bộ nói chung và vấn đề nhân tài nói riêng đã được nói đến nhiều lần. Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, ngày 18/6/1997 đã nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp”.

Tiếp tục định hướng này, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. Tăng nguồn đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội vào phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài”. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) cũng xác định rõ, một trong những nhiệm vụ rất cần thiết là “Triển khai xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài”.


Linh Anh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc