Đừng để trẻ em bị đánh cắp mất tuổi thơ!

07:00 | 09/04/2015

1,636 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày vừa qua, dư luận đang xôn xao và đặc biệt quan tâm tới sự việc nhiều câu chuyện cổ tích đã trở thành kinh điển nay bỗng xuất hiện thêm những dị bản kỳ lạ, gây choáng váng cho không ít phụ huynh học sinh. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện bàn tròn với TS ngôn ngữ học Hoàng Cao Cương, Nhà nghiên cứu văn hóa (Nhà NCVH) Nguyễn Hùng Vỹ, nhà văn Lê Tấn Hiển về vấn đề này.

Năng lượng Mới số 411

PV: Nhiều phụ huynh tỏ ra hết sức quan ngại khi sợ rằng những chi tiết ấy có thể tác động không tốt đến nhận thức cũng như tâm sinh lý lứa tuổi của con em họ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS Hoàng Cao Cương: Ở Việt Nam, sự phân biệt học thuật giữa văn học dân gian và văn học thành văn mới chỉ thực sự có từ đầu thế kỷ XX, có thể tạm lấy năm 1910 làm mốc, nghĩa là còn khá non trẻ nếu so với nhiều nước khác. Sự tồn tại nhiều dị bản xoay quanh một tác phẩm văn học dân gian vì thế càng có điều kiện để nảy nở. Đất nước mình trong cả một thế kỷ XX với đầy những biến động về xã hội và chính trị như thế, điều kiện dân trí cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung”, thế nên không khỏi có những biến tấu, thêm bớt tình tiết trong các câu truyện cổ theo nhiều hệ cảm quan hay thẩm mỹ có sự chênh lệch nhau đáng kể. Quan điểm của tôi là, đối với những câu chuyện cổ mà dị bản về nó đã từng được lựa chọn để coi là mẫu mực, chuẩn mực thì nên giữ nguyên như vậy, đừng cố tình chọn những dị bản có một vài tình tiết gây sốc nhằm tạo sự giật gân, kích thích. Như thế, ở một chừng mực nào đó có thể gọi là phá vỡ huyền thoại, những soạn giả truyện cổ khi ấy là những người không hiểu biết, kém trình độ hoặc cũng có thể bị coi là thiếu lương tâm.

TS Hoàng Cao Cương

Nhà NCVH Nguyễn Hùng Vỹ: Trong một số truyện cổ tích xuất bản gần đây có một số chi tiết được phản ánh gần đây qua các phương tiện truyền thông là phản cảm, gây sốc cho mọi người. Điều đó thật đáng tiếc. Nguyên nhân trước hết là do người phóng tác hoặc kể lại truyện thiếu năng lực văn chương, không hiểu nhiều phong cách và thi pháp truyện kể dân gian. Đồng thời, ở một số truyện, tác giả biên soạn rất cẩu thả, thiếu trách nhiệm xã hội nên lẫn vào rất nhiều “sạn”.

Những quan ngại của nhiều phụ huynh cũng như chúng ta là điều dễ hiểu vì đó là tâm lý và cũng là trách nhiệm của thế hệ cha anh với con em của mình.

Tôi cho rằng, văn chương, nghệ thuật là một sản phẩm đặc biệt, tính hoàn thiện, hoàn mỹ yêu cầu rất cao. Trách nhiệm của người cầm bút, của nhà xuất bản (Nxb) phải nâng cao hơn nữa để những sơ suất, sai sót như trên không được tái diễn.

Nhà văn Lê Tấn Hiển: Điều đáng tiếc nhất, trong những cuốn sách có quá nhiều “sạn” về nội dung không thể chấp nhận lại do một Nxb có uy tín ấn hành. Nxb này vốn trước nay được các bậc phụ huynh tin cậy mỗi khi lựa chọn mua sách, truyện cho con em mình. Điều đó chắc chắn suy giảm lòng tin, sự trông cậy của các bậc làm cha mẹ. Từ nay, liệu họ có còn tin tưởng mỗi khi tìm mua sách cho trẻ. Trong khi “văn hóa đọc” đang được hướng dẫn, tiến tới khôi phục và phổ biến tới đại đa số độc giả nói chung, bắt đầu từ thanh, thiếu niên nói riêng, sự kiện này đáng là một bài học sâu sắc, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc, chấn chỉnh kịp thời của cơ quan chủ quản chức năng. Đặc biệt về công tác quản lý và biên tập nội dung các ấn phẩm xuất bản.

Cuối cùng, hãy điểm qua về sự nguy hại trong các ấn phẩm gây “sốc” mà ta đang nói. Xin đơn cử cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” - tập 1- của Nxb Kim Đồng và cũng chỉ đơn cử một vài chi tiết trong truyện “Thạch Sanh”. Hình ảnh bà mẹ Thạch Sanh “cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con” (trang 40) không biết người biên soạn bịa ở đâu ra và muốn nêu ý nghĩa gì, nhưng rõ ràng quá thô và không thể chấp nhận được. Rồi miêu tả “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra ra chết tươi” thì hết chỗ nói. Thật quá phản cảm, sách viết cho thiếu nhi mà hung bạo, rùng rợn và mất tính giáo dục nhân văn đến thế! Tiếp đến cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của Nxb Hồng Đức (tác giả Vũ Chất) với những giải thích, cắt nghĩa hài hước đến ngu ngơ không giống ai, như “tù trưởng” là “người đứng đầu trong coi tội nhân”, “bồ bịch” là “bạn bè thân thích”, “tao đàn” là “chỗ nằm của tao nhân, thi sĩ” khiến người đọc cười ra nước mắt… Còn khá nhiều ví dụ khác, không thể dẫn trích hết trong một bài báo của vài cuốn truyện cho thiết nhi khác có những đoạn miêu tả gợi dục, bóp méo, thậm chí xuyên tạc lịch sử, truyền thuyết dân gian của dân tộc.

PV: Ông nghĩ thế nào trước hiện tượng trẻ em Việt Nam hiện nay thích đọc truyện tranh hơn truyện chữ, đặc biệt là các tác phẩm truyện tranh của nước ngoài. Dường như điều này làm các em thờ ơ hơn với bầu không khí văn học và văn hóa trong nước.

TS Hoàng Cao Cương: Trẻ em thích truyện tranh là điều tất yếu bởi các cuốn truyện tranh mang đến một cảm giác sống động, linh hoạt nhờ các phương tiện tranh vẽ, hình ảnh. Vấn đề là tại sao các em lại thờ ơ với truyện tranh trong nước? Theo tôi là vì truyện tranh trong nước chưa tạo ra được sức thu hút, tranh vẽ còn xấu, nội dung và ngôn ngữ cũng chưa thật hay. Việc các em say mê truyện tranh nước ngoài còn có thể dẫn tới những va chạm, xung đột về văn hóa mà các nhà chuyên môn thường gọi là “sốc văn hóa”. Sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc, có những điểm mãi mãi dân tộc này không thể dung hòa cùng dân tộc kia và ngược lại. Một vấn đề cũng rất liên quan nữa là chúng ta cho phép những tác phẩm truyện tranh nào của nước ngoài có thể vào thị trường Việt Nam, được xuất bản ở Việt Nam. Điều này liên quan đến trách nhiệm của các nhà quản lý, không thể ham rẻ mà chấp nhận bừa bãi không có chọn lọc. Để có một thị trường truyện tranh thiếu nhi trong nước phát triển tốt, tôi cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nxb Kim Đồng. Chúng ta cũng rất cần đào tạo một thế hệ họa sĩ chuyên nghiệp trong việc vẽ tranh truyện cho trẻ em - đây là điều mà từ trước đến nay ở nước mình vẫn thiếu.

Nhà NCVH Nguyễn Hùng Vỹ

Nhà NCVH Nguyễn Hùng Vỹ: Giữa truyện tranh và truyện chữ có những khác biệt căn bản. Truyện chữ khuyến khích các em tiếp cận thế giới nghệ thuật thông qua ngôn ngữ của văn bản. Nó rèn luyện tư duy tốt hơn.

Truyện tranh dùng hội họa xây dựng những hình ảnh trực quan, yếu tố xem được chú trọng. Tuy nhiên, nếu vẽ không thành công thì việc rèn luyện tư duy thẩm mỹ cho người xem sẽ bị hạn chế hoặc phản tác dụng.

Văn hóa nghe nhìn rất phong phú nhưng sự có ích cho tư duy nhiều khi có mặt hạn chế. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của truyền hình, văn hóa đó đang lấn át văn hóa đọc ở một bộ phận nhân dân, trong đó có trẻ em.

Việc thích đọc truyện tranh nước ngoài vì đơn giản là nó tốt hơn, hấp dẫn hơn truyện tranh quốc nội. Không chỉ truyện tranh mà hầu hết mọi mặt hàng, mọi tiện nghi cuộc sống ta đang có đều vậy cả. Đó là điều dễ hiểu. Ta đi máy bay ngoại, ôtô ngoại, xe máy ngoại, xem phim ngoại, theo dõi thường xuyên bóng đá ngoại, đọc văn học được giải Nobel ngoại... thì các cháu cũng vậy.

Nhà văn Lê Tấn Hiển: Việc ham, thích xem truyện tranh hơn truyện chữ ở trẻ nhỏ cũng là lẽ bình thường. Trẻ nước nào cũng vậy, ta phải chấp nhận sở thích tâm lý  này và không thể trách các cháu. Vấn đề là các Nxb không nên, hay chính xác hơn là không được lạm dụng tâm lý đó để chỉ in truyện tranh (với một sự chênh lệch quá lớn so với truyện chữ) nhằm chỉ lo phục vụ sự dễ kinh doanh thu hồi vốn và kiếm lãi. Việc này lại phụ thuộc vào quy định tỷ lệ các ấn phẩm sách của lãnh đạo Cục Xuất bản đối với các Nxb, nhất là Nxb chuyên phục vụ thiếu nhi. Nếu chỉ in và phát hành truyện tranh, đương nhiên các em chỉ xem truyện tranh và ngược lại cân bằng với số ấn phẩm truyện chữ (hạn chế truyện tranh), các em sẽ có cái để đọc. Làm sao để có nhiều nhà văn, tác giả trong nước sáng tác cho các em lại là một vấn đề khác, cần bàn riêng mà đã có lần cá nhân tôi từng đề cập.

PV: Theo ông có cần phân chia các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi theo những thời kỳ nhất định trong lứa tuổi của các em, chẳng hạn 6-8 tuổi nên đọc những cuốn này, 9-10 tuổi nên đọc những cuốn kia?

TS Hoàng Cao Cương: Nếu chúng ta làm được việc đó thì quá tốt. Thực ra không chỉ với văn học dành cho thiếu nhi mà ngay cả với sách giáo khoa hoặc các tác phẩm điện ảnh (phim hoạt hình), các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng, mỗi khung tuổi nhất định trong lứa tuổi thiếu nhi lại cần phải có những điều chỉnh sao cho phù hợp đối với các tác phẩm hoặc môn học dành cho các em. Chẳng hạn trẻ 6-8 tuổi mới chỉ có tư duy cụ thể, nhưng 9-10 tuổi thì trẻ đã có khả năng tư duy trừu tượng và khái quát. Việc sắp xếp và thiết kế các bài học trong SGK tiểu học mà chúng tôi đã làm từ nhiều năm qua cũng dựa trên tinh thần ấy. Nhưng theo tôi về việc các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi ở nước mình hiện nay, điều quan trọng là chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm thực sự. Khi trẻ con sáng tác thì lại tự đặt mình như người lớn, còn khi người lớn viết cho các em thì lại chưa bao giờ tự đặt mình vào vị trí trẻ con. Là một người soạn sách tiếng Việt tiểu học, nhiều khi tôi tìm mấy chục tuyển tập mà cũng thấy rất khó để chọn được tác phẩm (hoặc trích đoạn tác phẩm) nào thực sự ưng ý để sử dụng cho sách giáo khoa. Có thể nói, thiếu đi những tác phẩm văn học thiếu nhi quan trọng, trẻ con nước mình như bị đánh cắp mất tuổi thơ.

Nhà văn Lê Tấn Hiển

Nhà NCVH Nguyễn Hùng Vỹ: Việc này thì sự nghiên cứu tâm lý lứa tuổi phải đi trước một bước. Chúng ta chưa đạt được những thành tựu đáng tin cậy ở lĩnh vực này nên khó đề xuất rằng là nên như thế nào. 

Kinh nghiệm bản thân tôi là con người lứa tuổi nào cũng vậy, vốn rất khác biệt, có người khôn sớm, có người khôn muộn, người có năng lực này, người có thiên hướng khác. Những năm 60 của thế kỷ trước, chúng tôi 7-8 tuổi, ngốn tất cả những tiểu thuyết rơi vào tay mình. Những ai đọc nhiều tôi thấy họ trưởng thành sớm và có cuộc sống ổn định hơn.

Nhà văn Lê Tấn Hiển: Tác phẩm viết cho lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên, sắp trưởng thành, v.v… đòi hỏi các nhà văn, khi sáng tác phải có ý thức rất rõ ràng. Và đương nhiên các Nxb càng rành rẽ hơn trong phân chia các tác phẩm cho lứa tuổi nào. Việc này là chắc hắn phải xác định, phải ý thức được và thực hiện, chứ không phải chuyện có cần hay không.

PV: Có rất ít tác phẩm dành cho thiếu nhi được đánh giá hay trong 5 năm lại gần đây. Theo ông, nguyên nhân là vì sao?

TS Hoàng Cao Cương: Tác phẩm viết cho thiếu nhi ở nước ta, về đại thể có thể chia làm hai loại. Loại do chính những cây bút ở lứa tuổi thiếu nhi sáng tác, chẳng hạn từng có Trần Đăng Khoa, thời nay có Đỗ Nhật Nam. Loại thứ hai do những cây bút người lớn viết cho các em, chẳng hạn Tô Hoài, Phạm Hổ hay Võ Quảng, Nguyễn Nhật Ánh… Vấn đề ở chỗ khi những cây bút nhí viết thì lại tự đặt mình như người lớn, từ cách nghĩ cho tới hành động, ngôn ngữ, liên tưởng. Ngược lại, khi những cây bút người lớn sáng tác dành cho thiếu nhi, thì họ lại chưa thực sự đặt mình vào vị trí các em để có những suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ cho đến các biểu hiện tâm sinh lý thực sự là của trẻ con. Vì lẽ đó, tác phẩm dành cho thiếu nhi của chúng ta luôn luôn thiếu chất, thiếu đi nét trong sáng tự nhiên, nét hồn nhiên ngây thơ của các em nhỏ. Những cây bút viết cho thiếu nhi trong những năm gần đây, có thể kể tới một vài cái tên nổi bật nhất như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần... vẫn đều thiếu một cái gì đó. Tóm lại, chúng ta cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho mảng văn học thiếu nhi thì mới mong có thể gặt hái được những kết quả đáng kể. Chứ nếu nhìn tổng quát không chỉ 5 năm mà kể cả là 10 năm trở lại đây, văn học dành cho các em ở nước ta vẫn là một điều đáng thất vọng.

Một số dị bản “kinh dị” của truyện “Thạch Sanh”, “Sọ Dừa”… trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” (tập 1) của Nxb Kim Đồng

Nhà NCVH Nguyễn Hùng Vỹ: Đâu chỉ văn học dành cho thiếu nhi mà thành tựu nghệ thuật nói chung đều rất khiêm tốn so với một số nước khác. Hầu hết nhân dân thích xem phim Hàn Quốc. Nóng ruột lắm. Nền tảng của phim ảnh là tư duy ngôn ngữ và văn chương. 

Thị trường văn học dành cho lứa tuổi thiếu nhi rất có tương lai vì bố mẹ thương con bỏ tiền ra mua sách. Sinh viên, công nhân, nông dân thường nghèo nên rất so đo khi mua một cuốn cho mình. Họ tiếp nhận văn chương qua phim truyền hình. 

Với một thị trường giàu tiềm năng như văn học thiếu nhi, những ai có năng lực nên thử sức trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người hành nghề cầm bút để sống là rất hiếm. Làm cán bộ Nhà nước ổn định hơn nhiều.

Thành thử, một tư duy giàu tính sáng tạo để cạnh tranh chưa có. Nó ít thành công là vì vậy. Bao giờ học trường viết văn ra, học các khoa văn ra, sống tự do bằng ngòi bút được thì thành tựu sẽ đến thôi.

Nhà văn Lê Tấn Hiển: Các nhà văn trong nước ít viết cho thiếu nhi, không viết cho thiếu nhi thì Nxb lấy đâu ra tác phẩm để in? Quá ít, thậm chí không có tác phẩm mới thì cũng lấy đâu ra sách để đề cử, bình chọn hay hay không? Chuyện này không nói ai cũng hiểu. Còn nguyên nhân ư? Đã quá lâu không thấy Nxb hay tổ chức Hội Nhà văn nào mở cuộc vận động, cuộc thi (có giải thưởng) sáng tác văn học cho thiếu nhi. Tôi tin nếu có cuộc vận động lớn từ một vài tổ chức, Nxb hay Hội, chắc chắc sẽ được các nhà văn hưởng ứng. Và tác phẩm hay viết cho các em nhất định xuất hiện. Nhưng vì sao các Nxb, tổ chức không quan tâm, không làm việc này thì có nhiều nguyên nhân. Về phía Nxb chuyện dành cho thiếu nhi, cá nhân tôi cho rằng, họ đang có “món” bán chạy rồi (như truyện tranh nói ở trên chẳng hạn) nên không đầu óc đâu nghĩ việc này nữa.

Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa cho biết, vừa qua, trong Công văn 1430/CXBIPH-QLXB gửi đến tất cả các Nxb, Cục đưa ra ba yêu cầu. Một, các Nxb phải “chủ động kiểm tra lại toàn bộ xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi của Nxb đã xuất bản và phát hành; rà soát toàn bộ bản thảo đang trong quá trình xuất bản. Nếu có những vấn đề cần điều chỉnh, Nxb phải có biện pháp xử lý kịp thời”; Hai, phải “lựa chọn và biên tập kỹ nội dung từng xuất bản phẩm. Nội dung và hình thức trình bày, hình vẽ minh họa phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tâm sinh lý từng lứa tuổi. Ghi rõ đối tượng phục vụ, lứa tuổi bạn đọc ngoài bìa 1 của xuất bản phẩm”; Ba, “phổ biến yêu cầu trên cho toàn thể cán bộ, biên tập viên, cộng tác viên và đối tác liên kết của Nxb”. Tiếp đến, Cục sẽ mở lớp để đào tạo vào cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên. Bước đầu, lớp sẽ có khoảng 300 người  được đào tạo bài bản thi rồi cấp chứng chỉ. Và khi đã làm nghề biên tập viên thì phải chịu trách nhiệm với những sản phẩm mình làm ra, sai phạm sẽ bị thu hồi giấp phép, không làm công việc biên tập viên nữa.


Thanh Huyền - Vương Tâm (thực hiện)