Đừng biến họp thành "nghề"!

06:45 | 16/07/2014

1,156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà có nhiều cuộc họp, hội nghị như ở Việt Nam, từ cấp Trung ương cho tới địa phương, hầu như ngày nào cũng diễn ra vô vàn những cuộc họp.

Năng lượng Mới sô 339

Đương nhiên họp là cần thiết và tối quan trọng, ví dụ như các cuộc họp ở tầm vĩ mô của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ để vạch ra chủ trương đường lối cũng như những vấn đề cần giải quyết liên quan đến quốc kế dân sinh trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Song ở cấp dưới thì tình trạng họp hành liên miên đã trở thành căn bệnh trầm kha mà từ trước tới nay báo chí đã nhiều lần đề cập.

Chỉ tính từ cấp tổng cục, vụ, cục, sở, ngành trở xuống tính trung bình ở mỗi đơn vị hằng năm có tới hàng chục cuộc họp, nào là triển khai công tác năm, sơ kết quý, sơ kết 6 tháng đầu năm, rồi tổng kết, rồi quán triệt nghị quyết, chỉ thị, rồi phát động thi đua, rồi kiểm điểm việc thực hiện các cuộc vận động, rồi các cuộc họp về công tác chuyên môn, rồi họp đột xuất, rồi phát động cao điểm, rồi nghiệm thu đề tài, rồi hội nghị liên tịch, liên ngành vân vân và vân vân không thể kể hết được và vô vàn những cuộc mít tinh kỷ niệm sẽ đề cập đến ở một bài khác. Đó là chưa kể những cuộc họp diễn ra hằng ngày, hằng tuần của nội bộ đơn vị giải quyết về quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, thuyên chuyển cán bộ, nâng lương, khen thưởng, khiếu kiện, kỷ luật, chi tiêu mua sắm v.v...

Đừng biến họp thành

Cái thấy trước mắt là lãng phí về thời gian, tiền bạc, có những cuộc họp triệu tập hàng chục, hàng trăm người từ Nam chí Bắc về họp 1-2 ngày, chỉ tính riêng tiền vé máy bay, tiền xăng xe ôtô đi lại của các đại biểu, rồi tiền khách sạn, ăn uống, rồi phong bao, phong bì rất tốn kém và đều xài vào kinh phí của Nhà nước.

Rất nhiều cuộc họp về hình thức, quy mô rất hoành tráng nhưng nội dung nghèo nàn, sơ sài. Điều mà đơn vị tổ chức các cuộc họp quan tâm là mời bằng được lãnh đạo cấp trên về dự chỉ đạo cuộc họp, càng lãnh đạo to càng tốt, để khẳng định cuộc họp là quan trọng, được sự quan tâm của lãnh đạo. Mô típ của một cuộc họp là giới thiệu đại biểu, rồi người chủ trì cuộc họp đọc một báo cáo đã phát sẵn cho các đại biểu, rồi tiếp theo là một vài ý kiến phát biểu tham luận, thông thường là đã được chỉ định trước và chủ yếu là minh họa, làm “sáng thêm” những nhận định đánh giá của báo cáo, tổng kết, chứ không có tính phản biện, trao đi đổi lại. Sau đó mời lãnh đạo cấp trên phát biểu chỉ đạo, tổng kết hội nghị do chính nơi tổ chức cuộc họp ấy viết sẵn cho lãnh đạo đọc.

Nội dung cũng không có gì mới, biểu dương mấy câu chung chung, chê mấy câu lấy lệ chứ cũng chẳng có cao kiến gì giúp địa phương hoặc đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành. Sau đó ban tổ chức đáp từ cảm ơn thủ trưởng dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn bớt chút thời gian dự họp và cho những ý kiến chỉ đạo quý giá. Thế là hội nghị thành công tốt đẹp và đã trở thành câu cửa miệng là bất kỳ một cuộc họp, hội nghị nào chưa khai mạc đã biết chắc là thành công tốt đẹp rồi.

Chính vì nội dung nhàm chán mà các đại biểu dự họp không mấy để ý, theo dõi, có vị thì đọc sách, đọc báo, lướt web, nhắn tin, nếu như hội trường ấy không khóa sóng điện thoại, hoặc có vị thì ngủ gật, ngáy như sấm mà không ai dám nhắc vì vị ấy to nhất nhì trong hội nghị. Kết thúc cuộc họp ai về đơn vị nấy, không biết vị đại biểu đi họp có lĩnh hội được điều gì để truyền đạt cho cấp dưới hay cũng chỉ mình mình biết vậy thôi.

Có những hội nghị cấp quận, huyện trong báo cáo tổng kết cũng rập khuôn y chang của cấp tỉnh, cấp bộ, phần đầu cũng có nhận định đánh giá tình hình thế giới, khu vực, rồi tình hình trong nước, rồi âm mưu của các thế lực thù địch, rồi diễn biến hòa bình v.v... trong khi tình hình kinh tế xã hội của quận, huyện mình thì đánh giá chung chung hời hợt, không chỉ ra được đâu là thế mạnh, đâu là điểm yếu, đâu là những việc cần phải làm ngay và biện pháp khắc phục là gì, thời gian nào giải quyết xong, trách nhiệm thuộc về ai?

Một lãnh đạo cấp vụ cục, hoặc sở, ngành thì lịch làm việc trong tuần hầu như ngày nào cũng có cuộc họp, thậm chí có hôm 2-3 cuộc, phải dự hoặc ủy quyền cho cấp dưới đi thay, chỉ dự những cuộc cho là quan trọng, cho nên nhiều cuộc họp, chỉ để giải quyết vấn đề họp, chứ không giải quyết được vấn đề cụ thể nào vì đại biểu đi không đúng thành phần, không đủ thẩm quyền quyết định lại phải về xin ý kiến cấp trưởng.

Những năm gần đây Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã đi đầu trong việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến, nhưng cấp dưới nhiều nơi vẫn chưa mặn mà với hình thức này và vẫn cảm thấy rằng, họp trực tuyến, nhìn chủ tọa qua màn hình nó vẫn thấy thế nào, không thấy hết tầm quan trọng của cuộc họp, chưa kể rất nhiều đơn vị kết hợp hai trong một vừa hội họp vừa kết hợp tham quan du lịch, nhất là mùa hè thì đi Đồ Sơn, Hạ Long, đi Nha Trang, Vũng Tàu, đi Tam Đảo, Sa Pa họp cho nó... mát.

Tôi có quen một vài cán bộ cấp sở ở phía nam mỗi lần được triệu tập ra Hà Nội họp là các vị ấy lại than rằng, họp gì mà họp lắm thế, triệu tập bay từ TP Hồ Chí Minh ra họp chỉ có 2-3 tiếng đồng hồ, lãnh đạo phát biểu còn mình thì ngồi nghe, có cuộc thỉnh thoảng mới được mời phát biểu, buổi chiều lại tất tả ra sân bay về lại TP Hồ Chí Minh, trong khi công việc ở cơ quan thì ngập đầu. Lẽ ra cấp trên chỉ cần gửi một thông báo bằng đường công văn, hoặc nếu có yếu tố cần bảo mật thì gửi qua đường cơ yếu là được chứ không nhất thiết phải bay hàng nghìn cây số vừa tốn kém, vừa mệt mỏi và vị ấy nói vui rằng, trước kia nói là nghề tay trái là đi họp thì bây giờ phải đổi lại nghề nghiệp chính là đi họp.

Không ít lần bốc máy gọi điện hỏi thăm bạn bè cấp vụ ở Hà Nội thì được nghe một giọng rất nhỏ và bí hiểm là đang họp... đang họp. Một hai lần như vậy chán chả muốn gọi điện nữa, thế là bạn bè cứ xa dần xa dần.

Mặc dù cái sự họp ở Việt Nam rất hình thức, tốn kém và hiệu quả rất thấp, nhưng rất nhiều lãnh đạo hình như vẫn khoái đi họp, vì cứ mỗi khi quần áo chỉnh tề, đầu bóng mượt, cắp cặp ngồi lên xe biển xanh đi họp thì cảm giác lúc ấy mình mới đích thực là lãnh đạo quan trọng vì luôn được mời đi họp.

Chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, thiết nghĩ các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương hãy bắt đầu từ những cuộc họp làm sao cho hiệu quả thiết thực và hãy nói không với những cuộc họp, hội nghị mang tính hình thức vô bổ. Nếu trước một vấn đề nào đó cần giải quyết mà người lãnh đạo đứng đầu đơn vị, địa phương cảm thấy họp cũng được, không họp cũng được thì kiên quyết không họp. Nếu làm được như vậy thì chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian, rất nhiều tiền bạc trong khi đất nước còn nghèo và cán bộ lãnh đạo mới có điều kiện suy nghĩ tìm tòi để làm tốt công tác lãnh đạo quản lý đơn vị, địa phương mình.

Một biện pháp giảm họp hiệu quả nhất là ngành tài chính từ Trung ương tới địa phương hãy kiên quyết cắt bỏ kinh phí đối với những cuộc họp, hội nghị, hội thảo vô bổ, còn nơi nào thích họp xin mời bỏ tiền túi ra thì sẽ giải quyết được nạn họp nhiều như hiện nay.

Đoàn Xuân Tuyến

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc