Đối thoại với Thứ trưởng Bộ GTVT về phí bảo trì đường bộ

10:00 | 30/12/2012

1,510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 1/1/2013 Nghị định 18/2012/NĐ-CP về việc quy định thu phí bảo trì đường bộ sẽ chính thức được thực hiện. Thời gian để nghị định đi vào thực tiễn không còn nhiều, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Để rộng đường dư luận, Petrotimes đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường xung quanh vấn đề này.

Thu qua đầu phương tiện là ưu việt

PV: Thưa ông, chỉ còn chưa đầy một tuần nữa việc thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ sẽ chính thức đi vào thực hiện, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Những năm qua nguồn vốn dành cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ quốc gia rất hạn hẹp. Năm 2012, nguồn vốn dành cho công tác bảo trì hệ thống quốc lộ chỉ đạt gần 2.770 tỉ đồng. Nguồn kinh phí trên chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu duy tu, sửa chữa hệ thống đường bộ. Đối với hệ thống đường bộ do địa phương quản lý, kinh phí cấp cho công tác bảo trì lại càng thấp hơn, mới chỉ đạt khoảng 20-30% nhu cầu.

Việc thu phí bảo trì đường bộ được thực hiện tới đây sẽ là nguồn ngân sách rất quan trọng bổ sung cho quỹ bảo trì đường bộ, bởi thời gian qua ngân sách Nhà nước dành cho công tác bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng rất ít nhu cầu thực tiễn.

PV: Có ý kiến cho rằng, thu phí qua xăng dầu là ưu việt hơn vì nó đảm bảo sự công bằng, xe hoạt động bao nhiêu thì được thu phí bấy nhiêu, xe trưng bày, ngưng hoạt động thì không bị thu phí, ông đánh giá thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Việc thu phí qua xăng dầu đã được thực hiện từ năm 1994, tuy nhiên hiện nay ngoài các phương tiện sử dụng xăng dầu thì còn khoảng 10% không sử dụng nhiên liệu này. Riêng đối với dầu chỉ khoảng 60% phương tiện sử dụng còn 40% là các phương tiện vận tải trên biển sử dụng. Vì vậy khi thu phí qua xăng, dầu sẽ phải hoàn trả lại tiền cho các phương tiện không sử dụng. Như vậy sẽ rất phức tạp, hiện nay chúng ta đang chuyển thu qua các trạm thu phí, tuy nhiên trạm thu phí thì không thể bố trí dày đặc trên các tuyến quốc lộ được.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Tính đến tháng 2/2012 cả nước có 56 trạm thu phí hoạt động trên quốc lộ. Như vậy trung bình cứ 70km có một trạm thì hiện nay mới chỉ có 3.920km/16.780km quốc lộ có trạm thu phí, chiếm 23,4%. Nếu lập hết trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ thì cần 240 trạm. Còn nếu so với toàn bộ hệ thống đường bộ quốc gia thì chỉ mới 3.930km/2.79.290km đường mới được thu phí, chỉ mới 1,4% tổng chiều dài đường bộ. Và phải cần 4.000 trạm thu phí mới có thể thu phí hết các tuyến đường bộ trên cả nước.

Như vậy không chỉ gây tốn kém cho Nhà nước trong việc xây dựng các trạm mà cũng không loại trừ xảy ra hiện tượng phương tiện bị thu hai lần. Vì vậy, sau nhiều năm triển khai, thì phương án thu phí qua đầu phương tiện là công bằng và phản ánh đúng bản chất hơn cả. Đây cũng là phương thức được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, được xem là tiên tiến và công bằng hơn hết.

PV: Nhưng thu phí qua đầu phương tiện sẽ không tránh khỏi việc một số phương tiện không thường xuyên sử dụng nhưng doanh nghiệp cũng buộc phải đóng phí?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Về vấn đề này thì các doanh nghiệp phải lập danh sách về các phương tiện không sử dụng kèm theo việc giao nộp lại giấy đăng kiểm cho cơ quan chức năng. Như vậy chúng tôi có cơ sở để không thu phí với những phương tiện này. Vì vậy tôi cho rằng, đây là phương án hợp lý nhất trong việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp vận tải một cách có hiệu quả nhất và tạo được sự công bằng trong hoạt động kinh doanh của các công ty trong lĩnh vực này.

Địa phương chủ động nguồn quỹ

PV: Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho rằng, việc thu phí đối với phương tiện sơmi-rơmoóc và rơmoóc là không hợp lý?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Đúng là thời gian qua nhiều doanh nghiệp vận tải đã có ý kiến không đồng tình với một số quy định về viêc thu phí đối với sơmi-rơmoóc và rơmoóc. Về phía Bộ GTVT chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp vận tải có nhiều rơmoóc hơn số xe ôtô đầu kéo có thể lập danh sách số rơmoóc không hoạt động hết và báo cho công an xác nhận thì đăng kiểm không thu phí (như cách thực hiện của những phương tiện không sử dụng).

Với những phương tiện bị hư hỏng, phải sữa chữa hoặc không đưa ra sử dụng được thì cách tính sẽ dựa vào khoảng thời gian, nếu dưới 15 ngày thì sẽ tính thu 15 ngày  và trên 15 ngày thì sẽ tính thu phí của 30 ngày. Cũng cần nói thêm là trong quy định thu phí lần này sẽ không áp dụng cho xe chuyên dùng, xe máy kéo nông nghiệp, xe an ninh.

PV: Thưa ông, theo kế hoạch khi việc thu phí được thực hiện, ngoài 14 trạm thu phí của Nhà nước ngừng hoạt động thì hiện nay chúng ta còn 30 trạm thu phí theo hình thức BOT (đầu tư - thu phí - chuyển giao), như vậy liệu có hiện tượng trùng phí không?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Hiện nay trên địa bàn cả nước có 56 trạm thu phí, trong đó có 14 trạm thu phí thu nộp ngân sách Nhà nước và một số trạm bán tiền thu phí, hiện nay chúng tôi đang trình Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ ban hành các danh mục các trạm dừng thu từ ngày 1/1/2013. Dự kiến sẽ có 14 trạm sẽ dừng thu, còn lại các trạm BOT thì vẫn hoạt động. Nếu trong trường hợp đến ngày thu phí (1/1/2013) mà Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn thì các  phương tiện vẫn cứ đóng phí bình thường, đợi đến khi có văn bản thì sẽ hoàn lại phí sau.

Các chủ phương tiện không có gì phải lo mình bị thu oan, thu sai. Có nhiều ý kiến đề nghị cho thêm thời gian, theo đó hoãn việc thu phí thêm vài tháng nữa nhưng chúng tôi nghĩ, trước đây Nghị định này đã hoãn thực hiện 7 tháng trước vì vậy giờ không cần phải hoãn thêm mà nên đi vào thực hiện rồi sửa đổi dần cho phù hợp với thực tế. Nếu chỉ vì vướng mắc để lấn cấn thực hiện thì sẽ không có hiệu quả.

PV: Theo quy định thì sau ngày 1/1/2013 mức thu phí môtô tùy thuộc vào quy  định của từng tỉnh, thành phố, như vậy liệu có xảy ra hiện tượng nơi phí cao nơi phí  thấp?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Việc từng địa phương trong đó trực tiếp là HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quy định mức thu phí đối với xe môtô là hợp lý nhất. Như vậy, các địa phương tự chủ động với nguồn quỹ của mình để tiến hành thực hiện việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý của mình. Vì vậy nếu có việc thu nơi cao nơi thấp cũng là điều đương nhiên, không có gì bất hợp lý cả.

Với những địa phương khi việc thực hiện thu phí đi vào thực tiễn mà chưa quy định mức phí thì sẽ áp dụng thu theo trần quy định trong nghị định. Tương ứng là xe dưới 100 phân khối sẽ thu 50.000 đồng (dù thông tư nêu loại xe dưới 100 phân khối sẽ có mức thu 50-100.000 đồng), xe trên 100 phân khối sẽ thu 100.000 đồng (loại xe này trong thông tư quy định từ 100-150.000đồng. Đây là mức thu thấp nhất nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân khi thu mà chưa có quyết định của HĐND.

Dựa vào mức thu này, HĐND các tỉnh thành sẽ phải sớm xem xét tùy tình hình kinh tế, xã hội từng địa phương mà đưa ra mức thu cho phù hợp. Nếu mức thu cao hơn mức trần thì sẽ tiến hành truy thu phí tính từ ngày 1-1-2013. Khi đã có mức thu do HĐND quy định thì 6 tháng cuối năm, việc thu phí môtô, xe máy sẽ vào trật tự.

Nguồn thu cho ngân sách

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc thu phí mỗi năm không được bao nhiêu nhưng lại phải dành một phần để chi trả cho đội ngũ nhân viên, vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Hiện nay chúng tôi dự kiến tiền để lại cho cơ quan đăng kiểm khoảng 30%, cho hội đồng quỹ khoảng 1% trên tổng số quỹ bảo trì đường bộ thu được để trả cho lực lượng trực tiếp thu. Để khuyến khích các địa phương thực hiện việc thu tốt, chúng tôi khuyến khích đối với phường để lại 10%, đối với xã để lại 20%. Số chi phí này chúng tôi đã tính toán một cách hợp lý và không ảnh hưởng nhiều đến tổng số quỹ có được. Đặc biệt, chúng tôi sẽ quy định đội ngũ nhân lực phù hợp và có hiệu quả  nhất trong việc quản lý quỹ.

PV: Nếu khi đã có quỹ bảo trì đường bộ rồi thì liệu việc chất lượng các công trình giao thông đường bộ có được nâng cao hơn không thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Mức thu phí bảo trì đường bộ chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với chi phí đầu tư xây dựng đường. Do vậy, thu phí bảo trì đường bộ không thể làm cho đường đảm bảo tốt hơn ngay, mà cần phải có thời gian qua vài năm mới có thể tốt hơn được. Hiện nay, cả nước có khoảng 35 triệu xe máy và khoảng 1,5 triệu xe ôtô, dự kiến mỗi năm, ngân sách cho bảo trì đường bộ sẽ được bổ sung từ 4.500 đến 6.000 tỉ đồng.

Con số này là quá nhỏ để thực hiện nâng cấp các công trình giao thông ngay trong thời gian ngắn, nhưng chúng ta hy vọng với nguồn quỹ tích lại trong tương lai sẽ góp phần nâng cao chất lượng đường giao thông ở Việt Nam. Nguồn quỹ này cũng thể hiện trách nhiệm của người dân Việt Nam trong việc tham gia xây dựng đất nước.

PV: Một quy định mới khi đi vào thực tiễn chắc chắn sẽ có nhiều vướng mắc, vậy trong tương lai  Bộ GTVT sẽ có điều chỉnh gì không?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Dĩ nhiên là từ Nghị định và thực tiễn là cả một khoảng cách dài, không tránh khỏi những vướng mắc có thể xảy ra. Vì vậy trong quá trình Nghị định đi vào thực tiễn Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Công an trong năm 2013 chưa tiến hành xử phạt đối với các phương tiện chưa nộp phí bảo trì đường bộ. Với những vấn đề chưa phù hợp, còn bất cập khi đưa vào thực tiễn, trong thời gian triển khai thu 3-6 tháng đầu tiên Bộ sẽ tiếp tục xem xét sửa đổi sau.

PV: Xin cảm ơn ông !

Từ ngày 1/1/2013 thu phí bảo trì đường bộ sẽ chính thức được thực hiện
 

Theo quy định thu phí đối với môtô, xe có dung tích xilanh dưới 100cc phải nộp từ 50.000-100.000đồng/năm; xe trên 100cc nộp từ 100.000 - 150.000 đồng/năm.

Với ôtô, mức phí thấp nhất là 130.000 đồng/tháng (tương đương 1,56 triệu đồng/năm) áp dụng cho xe từ 10 chỗ ngồi trở xuống đăng ký cá nhân. Mức phí cao nhất là 1,04 triệu đồng/tháng (12,48 triệu/năm) dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn.


Thùy Trang

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc