Đề xuất phạt tiền thay ở tù: Ưu ái người giàu?

07:00 | 08/04/2015

1,980 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề xuất tăng phạt tiền, giảm phạt tù khi sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) được đánh giá là một giải pháp giảm áp lực cho hệ thống trại giam. Nhiều đại biểu đánh giá dự thảo được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng nhân văn song vẫn tiềm ẩn sự bất công giữa người giàu và người nghèo, người yếu thế…

Năng lượng Mới số 411

Hạn chế hình phạt tù

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập Dự thảo BLHS sửa đổi cho biết, trong lần sửa đổi này sẽ tập trung xem xét sửa đổi các điều luật về phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ. Quan điểm của dự thảo hướng tới là hạn chế hình phạt tù, tăng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ.

Riêng đối với hình phạt tiền, ông Tỵ cho rằng, đây là hình phạt được quan tâm nhiều nhất trong lần sửa đổi này. “Về đề xuất tăng hình phạt tiền, lần này có một vài quy định mới so với luật hiện hành. Cụ thể, hình phạt này sẽ được mở rộng với loại tội phạm “nghiêm trọng” (cao nhất 7 năm tù) thay vì chỉ áp dụng với loại tội phạm “ít nghiêm trọng” (cao nhất 3 năm tù) như luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương

Cụ thể, BLHS sửa đổi cho phép người phạm tội buôn lậu trong khung hình phạt tù 3-7 năm thì có thể nộp tiền phạt từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng để thay thế; bị phạt tù từ 7-15 năm thì số tiền này phải từ trên 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng... Trường hợp pháp nhân phạm tội này thì mức tiền phạt cao gấp 3 lần cá nhân.

Đối với tội trốn thuế cũng vậy. Hiện nay, nếu phạm tội trốn thuế với số tiền từ 600 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù 2-7 năm. Nhưng theo dự luật, người phạm tội mức này có thể nộp phạt với số tiền 3-5 lần số tiền trốn thuế thì sẽ thoát án tù...

Không chỉ với tội buôn lậu, trốn thuế mà hầu hết các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động kinh tế (chẳng hạn như tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội sản xuất buôn bán hàng cấm, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội kinh doanh trái phép, tội đầu cơ, lừa dối khách hàng, cho vay nặng lãi...) người phạm tội đều có thể nộp tiền phạt thay cho án tù.

Người nghèo thua thiệt?

Giảng viên Lê Trung Kiên (Khoa Luật, Học viện Cảnh sát Nhân dân) ủng hộ chủ trương mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng hình phạt tiền vì theo thống kê của ông Kiên, BLHS của Việt Nam hiện chỉ có trên 47% điều luật quy định về hình phạt tiền trong khi ở các nước tỷ lệ này rất cao.

Ông Kiên nói: “Đành rằng không phải cao là tốt vì nó còn liên quan đến quan niệm thế nào là tội phạm, song cũng cần nghiên cứu” và ông cũng cho rằng, nên quy định điều kiện để áp dụng phạt tiền theo hướng nghiêm khắc hơn, ví dụ chỉ được nộp một lần với tội ít nghiêm trọng.

Nhiều ý kiến đề xuất, nên phạt tiền thật nặng thay vì phạt tù đối với trường hợp gây TNGT chết người nhưng không cố ý.

 

Còn Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) thì cho rằng: Hiểu ở một góc độ hẹp thì thay phạt tiền bằng phạt tù, sẽ gây ra tình trạng bất công giàu nghèo nhưng xét về phương diện lập pháp, khoa học pháp lý, sự bình đẳng trước pháp luật thì đề xuất này không bất công, vì chúng ta đều biết mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

“Chẳng hạn như các tội về tội phạm kinh tế, cố tình xâm phạm tài sản… thì áp dụng hình phạt tiền, theo tôi là tiến bộ, đúng với tinh thần và tính răn đe của pháp luật đối với từng loại tội phạm. Tuy nhiên, phải kết hợp giữa phạt tiền với phạt tù tùy loại tội phạm và tính chất của hành vi. Và hình phạt tù vẫn là hình phạt chính và phạt tiền chỉ là biện pháp thay thế nhất định”, LS Hùng nói.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vấn đề không phải tiền hay tù, mà nếu nói áp dụng việc tăng phạt tiền, giảm phạt tù sẽ khiến nguy cơ tội phạm có khả năng gia tăng vì người ta nghĩ chỉ cần có tiền là chạy được tội thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Bởi cũng có không ít người nghĩ rằng, mình phạm tội rồi, chỉ cần “đi tù là xong”.

“Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cần phải có sự cân nhắc đối với việc áp dụng đề xuất này vào từng loại tội danh và mức độ phạm tội. Đối với các tội như tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ… thì điều quan trọng nhất là phải thu hồi được tiền họ đã chiếm đoạt. Tỷ lệ thu hồi được hiện vẫn rất thấp, chỉ khoảng 10%. Hay như tội vô ý gây tai nạn chết người, đối với nạn nhân, điều quan trọng là phải có tiền cấp dưỡng cho những người còn sống trong trường hợp họ còn con thơ, vợ dại, nên trường hợp này thích hợp để áp dụng hình phạt tiền. Đưa vào tù trong những trường hợp này chỉ khiến họ mất tự do, còn hậu quả họ gây ra lại không được khắc phục”, ông Đương phân tích.

Thừa nhận “phạt tiền rất tốt”, tuy nhiên, TS Trịnh Tiến Việt, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị cần phải trù liệu đến những trường hợp bị cáo bị tạm giữ, tạm giam, sau đó bị áp dụng hình phạt tiền thì khấu trừ ra sao? Mặt khác, tòa án khi áp dụng hình phạt tiền cũng phải xem xét đến khả năng tài chính của bị cáo đó, chẳng hạn có khoản dư nợ nào không, có đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho ai không… để đảm bảo tính khả thi và tính nhân văn của hình phạt.

“Nếu không thi hành nộp tiền thì cũng không nên chuyển đổi sang hình phạt tù mà chuyển sang biện pháp bắt buộc lao động công ích thay thế thì mang tính nhân đạo, nhân văn hơn”, thạc sĩ Nguyễn Minh Khuê (Trưởng ban Tư pháp hình sự Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) góp ý thêm.

Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều người trước khi phạm tội ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức hạn chế, không có công ăn việc làm ổn định, điều kiện kinh tế của gia đình hết sức khó khăn. Cùng một hành vi, nguyên nhân phạm tội cũng phải được phân định rạch ròi để có cách giải quyết vừa hợp lý vừa hợp tình.

Ví dụ, với tội vô ý gây tai nạn giao thông làm chết người thì điều quan trọng là làm sao khắc phục được hậu quả, giúp đỡ gia đình nạn nhân, chứ không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tù. Nhưng riêng với những trường hợp sau khi lỡ đâm vào người khác lại cố tình lùi xe để làm nạn nhân chết hẳn, xóa bỏ dấu vết thì nhất thiết phải phạt tù…

Với chừng ấy lý do, việc sửa đổi luật cần có tầm nhìn dài hạn, nêu rõ tiêu chí từng loại tội danh, mức độ phạm tội với tinh thần chỉ với nhóm để ngoài xã hội mà không có nguy cơ phạm tội nữa thì có thể phạt tiền, còn không thì nhất định phải phạt tù. Càng không thể khuyến khích phạt tiền như một chế tài được lựa chọn: Hoặc phạt tiền hoặc phạt tù vì dễ dẫn đến nhận thức sai lệch là có tiền thì “thoát” tội. Đây là những vấn đề cần được làm rõ trong dự thảo sửa đổi BLHS lần này.

Không áp dụng đối với tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, xâm hại con người

Cùng trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên Chuyên viên Cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng đây là một đề xuất có tính khả thi.

“Có điều, không thể nói “thay thế hình phạt tù bằng phạt tiền”. Mà cần hiểu rằng, đã phạm tội thì phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật. Còn chịu hình phạt tù có thể nộp bằng tiền thuộc một số tội không gây nguy hại cho xã hội liên quan đến dân sự, kinh tế, hôn nhân, gia đình. Còn phạm những tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội cướp của, giết người thì dứt khoát phải cách ly xã hội để cải huấn.

Thứ hai, khi đã có kết luận của Hội đồng Xét xử và quyết định của thẩm phán về một người nào đó phạm tội và chịu hình phạt tù, thì người đó đã mất quyền tự do đương nhiên phải ngồi tù hoặc nộp tiền thay tù. Thứ ba, tuy đã nộp tiền thay ngồi tù, nhưng vẫn là tù nhân và bị giám sát tương đương với số năm tù, chứ không phải là đã được xóa án tích”, LS Hoàng Nguyên Hồng nhấn mạnh…


Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc