Đằng sau sự quan tâm

06:17 | 02/02/2013

846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khi bài đàm luận cuối cùng của năm con Rồng được lên khuôn, dư âm phấn chấn của một số ngành hàng, địa phương về thành tích năm 2012 đã suy giảm khá nhiều bởi những lo toan đầy trách nhiệm cho năm mới Quý Tỵ.

Đúng như các chuyên gia đã nhận xét, không thể phủ nhận xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2012 với kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 114,6 tỉ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Đặc biệt, cả nước đã xuất siêu trên 700 triệu USD, con số đầy ý nghĩa sau 20 năm nhập siêu.

Tuy nhiên, đằng sau tấm bảng báo công này cũng còn nhiều vấn đề rất đáng phải quan tâm. Tổng cục Thống kê đã không hề quanh co khi chỉ ra rằng, thành tích này có được chủ yếu nhờ vào khu vực FDI. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối này (bao gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỉ USD, tăng 31,2% so với năm 2011; đóng góp tới 17,7 điểm phần trăm trong tốc độ 18,3% tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Chưa hết, khu vực FDI đã xuất siêu tới gần 12 tỉ USD, có nghĩa khu vực trong nước nhập siêu trên 11,7 tỉ USD.

Điều đó cho thấy những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp trong nước; song cũng phản ánh những bất cập trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là khoáng sản nguyên liệu, nông sản và hàng hóa sơ chế nên giá trị gia tăng thấp và chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động giá trên thị trường thế giới. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu năm 2012 có thể đạt tới 8,1 triệu tấn, tăng 13,9% về lượng, song chỉ tăng 2,1% về giá trị kim ngạch và chỉ đạt 3,7 tỉ USD.

Kết quả xuất siêu khiến nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước lo ngại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong cuộc họp báo cuối năm đã không giấu nổi sự băn khoăn khi đánh giá, xuất siêu đáng quan ngại hơn là thành tích. Bởi, xuất siêu vừa qua là biểu hiện của sản xuất kém phát triển, dẫn đến nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm mạnh. Bộ trưởng cho rằng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 và các năm tiếp theo.

Nếu bóc tách cơ cấu xuất nhập khẩu, vấn đề còn đáng lo ngại hơn. Mặc dù kết quả chung cuộc là con số xuất siêu, song Việt Nam lại nhập siêu từ nước ngoài 16,7 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng mạnh trong năm qua. Từ năm 2008-2011, mỗi năm con số nhập siêu từ nước láng giềng này đều chỉ nhích thêm khoảng 1 tỉ USD và năm ngoái mới chạm mốc 13,5 tỉ USD.

Cụ thể hơn, nhóm hàng xuất khẩu này, “giá trị gia tăng thu được chỉ là 10% và nếu trừ chi phí vận tải… thì giá trị gia tăng thực sự ta thu về có hơn 2%”.

Các chuyên gia đánh giá, vấn đề không chỉ là nhập siêu quá lớn mà còn là nhập những công nghệ, thiết bị tồi, không giúp ích cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh. Những nhận định này cho thấy, nhập siêu không đáng lo ngại. Vấn đề là nhập siêu cái gì và từ đâu. Các doanh nghiệp xuất khẩu dường như đồng tình hơn cả với điều này. Các chuyên gia lưu ý, các thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên phụ liệu khiến giá trị gia tăng mà ngành này còn rất thấp, cần phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tháo gỡ nút thắt này.

Đấy là chuyện làm ăn kinh tế, được và chưa được đan xen và nếu nghiêm túc nhìn nhận thì phần chưa được vẫn là chủ đạo. Đó là doanh nghiệp phá sản, nợ lường, nạn buôn lậu hàng giả lộng hành. Đó là tình trạng bất an trong trật tự an toàn xã hội ở một số nơi. Và trong việc phòng chống tham nhũng thì kết quả không được như lòng dân ý Đảng? Điều này thể hiện trong các cuộc sinh hoạt đảng cũng như trong các hội thảo về phòng chống tham nhũng. Tại cuộc hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” do Tạp chí Cộng sản cùng Đại học  Quốc gia TP HCM tổ chức đã chỉ ra nhiều loại tham nhũng khác nhau trong các lĩnh vực kinh tế, hành chính… GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học đặc biệt lo ngại nạn tham nhũng quyền lực và chính trị, thể hiện rõ nhất trong khâu tuyển công chức các cấp, kể cả tuyển giáo viên...

GS Chuẩn lưu ý hậu quả của việc mua quan bán chức là việc tìm mọi cách xoay sở, kể cả những cách trắng trợn nhất, để thu lại số vốn đã bỏ ra và làm sao có lãi càng nhanh càng tốt.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, quyền đẻ ra tiền, nhiều người lợi dụng chức quyền, cơ hội, vị thế và hoàn cảnh để kiếm tiền. Tham nhũng trong kinh tế gắn với tham nhũng trong chính trị, còn gọi là tham nhũng chính sách, khi chức quyền được huy động vào việc trục lợi, tạo ra cái giá của chức quyền, địa vị. Chạy danh, chạy chức, chạy quyền đã và đang diễn ra bằng tiền và vì tiền. Một sự thật cần phải nhìn thẳng vào và nói ra - đó là tính nửa vời, không triệt để trong chống tham nhũng, đó là chống tham nhũng trên lời nói lại không đi liền với chống tham nhũng bằng việc làm, bằng hành động. Nó đem lại nỗi hoài nghi trong xã hội, không ít trường hợp tuyên bố chống tham nhũng chỉ như tấm bình phong che chắn tinh vi cho những hành vi tham nhũng trong bóng tối.

Theo đó, muốn chống tham nhũng cần phải nhận rõ ai tham nhũng, những lĩnh vực nào có khả năng xảy ra tham nhũng.

GS Trần Đình Bút, nguyên chuyên gia tư vấn Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, các vụ án tham nhũng được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới và chỉ mới bắt được con mèo con. Cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ khoảng 30%, Trung ương chỉ chiếm 0,3%, bằng 1/100 của cấp thấp nhất. Biết bao nhiêu vụ tham nhũng lớn bị ém nhẹm, bưng bít toàn bộ hoặc từng phần, xử lý kéo dài lê thê, để rơi vào quên lãng. Nhưng những vết nhơ đáng xấu hổ đó làm sao giấu nổi trước con mắt của người dân. Do vậy, người dân châm biếm “con mèo ăn vụng miếng mỡ cỏn con bị đập chết, con cọp cướp cả heo lại chẳng ai dám đuổi. Nhiều ý kiến đề xuất nhanh chóng bổ sung Luật Công vụ, vì theo ông, tham nhũng gắn với những người thực thi công vụ các cấp chứ không liên quan đến người dân thường.

Một giải pháp chống tham nhũng khác được nhiều nhà khoa học tại hội thảo nhấn mạnh là kiểm soát tài sản và thu nhập cá nhân. Tài sản kê khai của người có chức quyền phải được công khai như nghị quyết Trung ương 4 đã yêu cầu.

Trong bài trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận: Dư luận vẫn còn không ít băn khoăn cho rằng, bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua như “hòa cả làng”, chẳng biết bộ phận không nhỏ (tham nhũng, biến chất...) nằm ở đâu, thậm chí có tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng cho rằng, “không thành công”, vì không kỷ luật được ai. Đằng sau sự quan tâm và nỗi băn khoăn đó, có thể cảm nhận nhân dân trông đợi và kỳ vọng nhiều lắm, yêu cầu, đòi hỏi cao lắm và trách nhiệm chính trị của Đảng lớn lắm…

Thật vây, đằng sau sự quan tâm là sự trông đợi, niềm tin và hy vọng. Đừng để niềm tin tàn lụi!

 Thọ Vinh

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc