Cứ tịch thu, xung công là xong!

07:00 | 18/10/2014

2,501 lượt xem
|
Kê khai tài sản của cán bộ, công chức từng được kỳ vọng như một vũ khí hữu hiệu trên mặt trận phòng chống tham nhũng vốn rất cam go tại nước ta, song thực tế trong thời gian qua việc kê khai tài sản vẫn diễn ra như theo cách thức cũ không khỏi khiến dư luận phải băn khoăn.

Năng lượng Mới số 365

Chẳng thế mà đầu tháng 10 vừa qua, tại cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét rằng, việc kê khai tài sản có vẻ vẫn hình thức.

Thật vậy, người dân cũng nhận xét như vậy. Số liệu thống kê mà lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 càng làm dư luận thêm băn khoăn về việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Cứ tịch thu, xung công là xong!

Biệt thự được khai báo với giá rất rẻ

Năm 2013, cả nước đã có 944.425 trong số 952.178 người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đã thực hiện việc làm “minh bạch tài sản” của mình, đạt tỷ lệ tới 99,2%. Trong đó chỉ phát hiện 5 người kê khai tài sản, thu nhập “có vấn đề” phải tiến hành xác minh và chỉ có 1 người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực. Không có thông tin về việc xử lý trên 7.700 quan chức không chịu kê khai tài sản thu nhập. Họ là ai, ở đâu mà không thực hiện trách nhiệm kê khai theo quy định?

Không chỉ các chuyên gia pháp luật mà người dân đều nhận xét rằng, thật tuyệt vời nếu gần 1 triệu cán bộ, công chức đều kê khai trung thực và điều quan trọng đặc biệt là nguồn tài sản, thu nhập của họ đều minh bạch, hợp pháp. Đây là điều lúc sinh thời Bác Hồ luôn mong mỏi: Cán bộ ta trong sạch, chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, không tiêu cực, tham nhũng, không nhận hối lộ.

Thế nhưng, kết quả chỉ có 6 người trong số gần 1 triệu người “vướng” vì khai không đúng, khai gian là không thể chấp nhận được. Hàng loạt quan tham ra tòa lĩnh án, kể cả án tử hình vì có số tài sản không minh bạch từng được cho qua trước khi vướng vòng lao lý. Các cơ quan quản lý cán bộ có bao giờ xem lại bản kê khai tài sản đang được “bảo mật” có đúng với thực tế ôtô, nhà lầu, trang trại của những người này?

Ở cấp lãnh đạo cao nhất đều có nhận định là tham nhũng có nghiêm trọng, diễn biến phức tạp và đang gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Thế nhưng, báo cáo tổng hợp của cơ quan chức năng cho thấy kê khai tài sản, thu nhập đã không đạt yêu cầu, không phản ánh đúng thực chất thu nhập, tài sản của cán bộ công chức. Chắc chắn không thể chỉ có nhõn một người khai gian bị xử lý. Và cũng không thể chỉ có 5 người phải khai lại! Vậy còn cả “một bộ phận không nhỏ” người không trung thực, gian dối song không bị phát hiện và xử lý thì sao?

Nghe sao thì biết vậy chứ người dân rất quan tâm đến công tác kiểm tra đã thực hiện ra sao để xác nhận 944.419 cán bộ, công chức đã kê khai đầy đủ và trung thực tài sản thu nhập của mình. Người dân đặt câu hỏi, các vị dựa vào tiêu chí nào, quy định nào để đánh giá việc kê khai hay vẫn chỉ là cảm tính, thấy có nhà có xe là được. Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ năm 2007, hy vọng việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được coi là một biện pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, biện pháp này đến nay vẫn chưa hiệu quả trong việc ngăn ngừa, răn đe. Người ta vẫn tiếp tục bàn thảo,  phân tích, lý giải, nguyên nhân nhằm làm rõ vì sao kê khai tài sản, thu nhập cán bộ, công chức vẫn chưa trở thành một thứ vũ khí hữu hiệu trong phòng chống tham nhũng. Từ nguyên nhân khách quan bao trùm “nền kinh tế tiền mặt” cho tới nguyên nhân chủ quan trong công tác kiểm tra, giám sát... nhưng nếu cứ vin vào các lý do này thì chẳng biết đến bao giờ việc kê khai tài sản, thu nhập mới thực chất cũng như trở thành biện pháp hữu hiệu trong phòng chống tham nhũng.

Người dân bình thường ở làng xã, tổ dân phó đều đặt câu hỏi với khối tài sản lồ lộ trước mắt bàn dân thiên hạ  lớn hơn rất nhiều so với thu nhập của nhiều cán bộ, công chức. Đừng có “cô ty lưa" là tiền dành dụm. Một cựu thứ trưởng từng nói với báo chí rằng, lương của ông không thể mua nổi căn nhà. Sau các vụ quan chức mất trộm tiền tỷ, cả trăm lượng vàng thì người dân và nhân viên cơ quan suýt té ngửa vì cán bộ ta giầu thật! Té ra họ đã giấu nhẹm số tiền của mà họ đã có và kê khai không trung thực!

Người dân tỏ ra tâm đắc với “biện pháp mạnh” mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi Bộ Luật Hình sự để đưa thêm điều khoản “làm giàu bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị truy tố”. Còn người dân thì “chua” thêm: toàn bộ tài sản bất minh này phải được xung công!   

Minh Nghĩa

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc