Con số tăng trưởng buồn!

07:06 | 07/10/2012

1,244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhiều phương tiện thông tin đại chúng vừa đưa tin rằng, theo thống kê của Euromonitor International thì Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á về… nhậu. Cụ thể là mỗi năm người Việt Nam uống hết 2,6 tỉ lít bia, nhiều hơn Thái Lan và Philippines 1 tỉ lít.

2,6 tỉ lít bia này nếu chia cho đầu người từ cụ già sắp về với tổ tiên cho tới cháu bé sơ sinh thì trung bình mỗi người hơn 30 lít bia một năm. Mặc dù nói rằng, kinh tế đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cứ nhìn vào những hàng bia mọc lên như nấm ở các thành phố và không khí nhậu nhẹt nhộn nhịp, tấp nập khoảng thời gian từ “vươn thở” tới “tiếng thơ” rồi. Ai dám nói rằng, Việt Nam đang khó khăn về kinh tế. Và có cảm giác rằng, kinh tế càng khó thì người dân lại càng lao đi nhậu để giải buồn, để được thoải mái “chém gió” và để quên đi nỗi sầu kinh tế.

Và cũng khó ai có thể thống kê được rằng, hằng năm có bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông do “nốc” bia, rượu, bao nhiêu vụ án đau lòng xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ bia.

Các nhà sản xuất bia có thể vỗ ngực tự hào về con số tăng trưởng của mình. Nhưng quả thật, đây là một con số tăng trưởng đáng buồn.

Dzô! Dzô! Trăm phần trăm phổ biến mọi lúc, mọi nơi (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Kỷ lục nhậu này nói lên điều gì? Nó nói lên một điều rằng, người Việt Nam ta nghèo nhưng không biết tiết kiệm. Và người ta đang dành quá nhiều thời gian cho việc nhậu. Giới đàn ông Việt rất nhiều người mắc tính xấu là phớt lờ trách nhiệm với gia đình, phớt lờ việc chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái. Ở một số tỉnh phía Nam, cứ chưa hết giờ làm việc là không ít người bắt đầu tìm cách “gầy” cuộc nhậu. Họ chỉ trở về nhà khi đã say mềm. Ở phía Bắc, các tỉnh miền núi lại có chương trình “chào buổi sáng”. Ấy là uống rượu vào lúc ăn sáng, bất kể là bún, bánh, xôi, phở. Với người ở nơi khác đến không mấy ai đã chịu nổi cái chương trình “chào buổi sáng” này. Thậm chí, người ta còn dè bỉu, chê bai người không biết nhậu là “đàn ông không biết uống bia thì về mặc váy”(!)

Chuyện nhậu ở Việt Nam bây giờ đã trở thành một thứ “văn hóa” - văn hóa nhậu. Rồi người ta đặt cho chuyện nhậu này bao nhiêu thứ thơ phú, vè, nhại thơ... Nào là “Bầm ra ruộng cấy bầm run - Con vào mâm rượu còn run hơn bầm”. Nào là “Thà đui mà uống thiệt tình - Còn hơn có mắt rình rình uống gian”…

Ngày trước, những người nào “sáng say, chiều xỉn” thì thường bị người thân trong nhà hoặc bạn bè đồng nghiệp xa lánh, tẩy chay và coi đó là người xấu. Thế nhưng bây giờ thời thế đã thay đổi. Những người nào có tửu lượng cao thì có khi lại được tôn vinh, vị nể. Trường hợp này lại giống như giới showbiz Việt hiện nay, kẻ nào càng lắm scandal, càng có những phát ngôn ngang ngược, thiếu văn hóa thì lại có cơ hội để kiếm quảng cáo… Đúng là bi kịch cho văn hóa nước nhà.

Người Việt ta từ xưa đến nay có câu “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” rồi là phải biết “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Người Việt ngày xưa vốn nổi tiếng là cần kiệm, chắt bóp. Nhưng bây giờ nhìn vào kỷ lục uống bia này thì xem ra cái khái niệm “cần kiệm” đã không còn nữa ở rất nhiều người. Đúng là không có bia, có rượu thì của đáng tội cuộc sống cũng đôi lúc kém “thăng hoa”. “Nam vô tửu như kỳ vô phong” mà. Nhưng mà cứ sa đà thế này, cứ “thăng hoa” mãi thế này thì không hiểu rằng lúc nào mới chạm chân xuống đất.

Rất nhiều quốc gia có xuất phát điểm như nước ta, thậm chí còn thấp hơn nhiều, nay họ giàu “nứt đố đổ vách”. Một nguyên nhân làm nên sự giàu có đó chính là họ biết tiết kiệm, biết dùng đồng tiền vào việc đầu tư, sản xuất một cách có ích, hơn là lo cho việc ăn nhậu. Năm 2004, tôi sang Hàn Quốc và được chứng kiến tại một nhà hàng vẫn còn câu khẩu hiệu được treo từ những năm đầu thập niên 70. Câu khẩu hiệu rất giản dị: “Hãy uống bớt đi một ly rượu, một cốc bia để xây dựng đất nước”. Hỏi kỹ mới biết, người ta còn mở một phong trào tẩy chay những người uống bia rượu say khướt và thậm chí có những nhà hàng đã “đẻ” ra những quy định như bán không quá 3 ly bia cho một thực khách.

Thái Lan là nước cũng có phong trào đấu tranh với nạn nghiện rượu, bia rất tốt. Ở Thái, việc này cũng dễ, bởi lẽ dân Thái sùng đạo Phật. Cho nên việc tuân theo giáo lý nhà Phật đã ngấm vào máu của họ và họ coi chuyện nhậu nhẹt say sưa là xấu. Philippines là nước ảnh hưởng văn hóa phương Tây rất lớn thì cũng tuyên chiến thẳng tay với tệ nạn say. Còn như Myanmar, kẻ nào uống rượu say đi “chân nam đá chân chiêu” ở ngoài đường thì tự rước họa vào thân. Cảnh sát mà tóm được thì không những phải ăn một trận đòn chí tử, mà còn phải đi lao động, dọn dẹp vệ sinh, cống rãnh, đường phố 7 ngày. Ở Việt Nam, xem ra muốn áp dụng những chế tài này chắc chắn là không được. Mới cách đây mấy ngày, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước dám đề ra quy chế bắt buộc cán bộ, đảng viên phải gương mẫu ấy là tổ chức đám cưới không được làm quá 50 mâm, không được tổ chức ở khách sạn 5 sao. Đây là một đề xuất dũng cảm của Hà Nội trong việc “bắt cán bộ phải gương mẫu”.

Lâu nay chúng ta cứ nói sa sả về chuyện tổ chức việc hiếu, việc hỉ phải tiết kiệm và cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện những quy định về tiết kiệm, chống lãng phí, xa hoa. Nhưng càng nói, càng vận động thì xem ra chính cán bộ, đảng viên lại tổ chức đám cưới, đám ma to hơn người thường. Cho nên quy định mới của Thành ủy Hà Nội (và đã được dư luận đồng tình) có thể coi là một chế tài “bắt buộc” cán bộ, đảng viên giữ những vị trí nhất định trong bộ máy công quyền phải “gương mẫu” thực hiện. Đúng thôi. Đề ra biện pháp, chủ trương mà không có chế tài xử lý kèm theo một cách nghiêm khắc thì có nói cũng chỉ là mỏi miệng và giáo dục cũng chỉ là giáo dục suông.

Chúng ta đang thực hiện việc kiểm điểm cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Chắc chắn trong các buổi kiểm điểm đảng viên từ cấp cơ sở trở lên sẽ chẳng có mấy người đứng ra tự nhận rằng, tôi là kẻ ham nhậu và tự hứa trước chi bộ từ nay tôi sẽ bớt bia, cai rượu. Nhưng quả thật trong con số 2,6 tỉ lít bia mà người Việt ta đổ vào dạ dày một năm kia thì không biết trong số đó có sự “đóng góp” của bao nhiêu cán bộ, đảng viên. Thực ra việc vận động cán bộ, đảng viên sống gương mẫu, có tác phong sinh hoạt đúng đắn là điều đã nói đến từ rất lâu rồi, nhưng xem ra cũng chẳng có tích sự gì. Có lẽ đã đến lúc cần phải coi sự “tăng trưởng” ăn nhậu là một con số đáng xấu hổ và phải có những biện pháp cực mạnh để kiềm chế sự “tăng trưởng” này. Chúng ta đã cấm quảng cáo rượu nhưng có lẽ đã đến lúc cũng phải cấm nốt cả quảng cáo bia và không thể coi bia là một thứ nước giải khát “bổ dưỡng” được.

Như Thổ

(Năng lượng Mới số 161, ra thứ Sáu ngày 5/10/2012)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc