Cảm ơn facebook!

07:01 | 20/03/2015

2,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai đó lên án facebook này nọ, xin gắng dành chút thời gian nghe câu chuyện facebook sau đây để suy ngẫm về mặt phải của phát minh sáng chế kỳ diệu này.

Năng lượng Mới số 406

Hơn nửa tháng nay, sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai tài khoản của mình với mọi người đã  thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng và trở thành sự kiện truyền thông đặc biệt. Ngày 14/3, trang facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng tải bức thư rất xúc động của con gái một liệt sĩ từng chiến đấu tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa.

Lá thư gửi Bộ trưởng của Phan Thị Trang, con gái liệt sĩ tại đảo Gạc Ma năm 1988 Phan Huy Sơn, quê tại Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An viết:

“Cháu sinh ra thì bố đã không còn, bố cháu mất ngày 14/3/1988 cháu sinh 27/10/1988. Mẹ cháu mất chồng khi mới bước sang tuổi 25. Anh trai cháu là Phan Huy Hà sinh năm 1984 bị tật bẩm sinh, không biết nói, không biết tự xúc cơm ăn, không biết vệ sinh cá nhân… Bố cháu mất, để lại cho mẹ cháu hai đứa con thơ, một tàn tật, một đang mang bầu… Nhờ bên ngoại và làng xóm giúp đỡ mẹ con cháu mới sống được đến ngày hôm nay. Trước đây bố cháu là cán bộ y tế của Binh chủng Hải quân, bố mất sớm, anh tàn tật, mẹ thường xuyên đau ốm nên cháu theo học ngành y nhằm giúp đỡ và tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ và anh…

Bà Trần Thị Ninh và con gái Phạm Thị Trang

Giờ cháu đã tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng mà chưa xin được việc làm, khó khăn lại càng đè nặng lên đôi vai mẹ cháu. Cháu có nộp hồ sơ vào các nơi nhưng không được vì họ đưa con em họ vào hết rồi, cháu buồn lắm, mẹ cháu cố gắng vay mượn tiền để chạy việc cho cháu nhưng không được…

Qua trang facebook của Bộ trưởng, cháu xin bác giúp đỡ cháu và gia đình cháu. Cháu cảm ơn bác”.

Cô gái gửi thư và thật tình không mảy may hy vọng sẽ được hồi âm. Nào ngờ Bộ trưởng không chỉ có thư trả lời Trang và còn có văn bản đề nghị ngành y tế Nghệ An giải quyết việc làm cho con gái liệt sĩ Gạc Ma - Trường Sa đúng vào dịp cả nước tưởng niệm và tôn vinh liệt sĩ Gạc Ma.

Trong ngôi nhà mới được sửa chữa từ nguồn hỗ trợ của Cục Hải quan và tiền tích cóp ở xã Diễn Nguyên (Diễn Châu, Nghệ An), bà Trần Thị Ninh (52 tuổi) kể, bà và ông Phan Huy Sơn kết hôn tháng 10/1981. Bốn tháng sau ông Sơn được cử đi học y tá tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) rồi ra Hải Phòng học lên y sĩ. Đầu năm 1985, ông ra làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây. Ông hy sinh ngày 14/3/1988.

Cha mất khi chưa chào đời, cô bé Phan Thị Trang lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Lớn lên cô thi đỗ vào Đại học Vinh, theo học được 2 năm, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ bị suy thận đau ốm triền miên, anh trai không ai chăm sóc, Trang một lần nữa bỏ dở đại học về nhà phụ giúp gia đình.

Niềm vui đến khi cô thi đậu vào Khoa Điều dưỡng, Cao đẳng Y khoa Vinh năm 2011.

Hơn một năm qua, Phan Thị Trang cầm hồ sơ xin việc chạy khắp nơi, nhưng chẳng nơi nào nhận, đành ở nhà phụ giúp mẹ việc đồng áng. Niềm vui được nhen nhóm khi Trang biết đến facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cô đã gửi một bức tâm thư bày tỏ nguyện vọng của mình và được Bộ trưởng phản hồi, hứa giúp đỡ. Bộ trưởng viết:

“Đọc về hoàn cảnh của cháu, bác rất xúc động. Bác xin được chia sẻ với hoàn cảnh mà mẹ con cháu đang phải gánh chịu. Bác biểu dương tinh thần học tập, vươn lên của cháu và sự cố gắng của mẹ cháu trong thời gian qua.

Cháu vui lòng chụp lại các giấy tờ, văn bản liên quan gửi cho bác xem xét và trả lời cháu cụ thể nhé” .

Khỏi nói Trang xúc động như thế nào khi nhận được tin Bộ trưởng thông báo giúp đỡ mà cô cứ ngỡ đang nằm mơ. Đọc những dòng Bộ trưởng viết cho mình khiến Trang òa khóc, rồi ôm chầm lấy mẹ để kể lại sự việc. Điều ước bấy lâu của cô giờ sắp có cơ hội thực hiện rồi. Cảm ơn Bộ trưởng Y tế đã quan tâm và giúp đỡ gia đình Trang.

Nhận được công văn của Văn phòng Bộ Y tế, ông Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, đã xin ý kiến của Sở Nội vụ và có tờ trình lên UBND tỉnh đề nghị tiếp nhận Phan Thị Trang vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, cơ sở y tế gần nhà cô nhất.

Còn có thể nói gì hơn về tính nhân văn của facebook khi được sử dụng như người đứng đầu ngành y tế và cô nhân viên điều dưỡng đang kiếm việc làm. Cảm ơn facebook!

Thọ Vinh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc