Báo chí nơi pháp đình…!

06:45 | 19/04/2014

1,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một phiên tòa phải thể hiện được sự uy nghiêm của chốn pháp đình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Tòa lại phạm Luật Báo chí khi ban hành những quy định hạn chế phóng viên tác nghiệp. Tòa án và Báo chí phải có tiếng nói chung tạo điều kiện cho nhau hoàn thành công việc của mình…

Tòa án Nhân dân Tối cao vừa công bố Dự thảo Thông tư ban hành nội quy phiên tòa. Tại khoản 5 điều 2 quy định: “Nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh khi được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”.

Phóng viên báo chí chen nhau chụp ảnh bị cáo Nguyễn Đức Kiên qua màn hình tivi - Ảnh: Nguyễn Thiêm.

Quy định này đã khiến dư luận lo ngại, nếu tòa không thích thì báo chí miễn tác nghiệp mà chẳng cần biết lí do. Điều này hoàn toàn trái ngược với Luật Báo chí. Tại điều 7 Luật Báo chí quy định: “Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Vụ án khi đã được đưa ra xét xử (trừ những vụ án có nội dung cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật của đương sự…) không nằm trong quy định này. Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định nào ngăn cản báo chí tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai nên quy định trong dự thảo của Tòa án Nhân dân Tối cao là rất khó chấp nhận. 

Quy định là vậy, còn thực tế thì hoàn toàn khác. Là phóng viên có thâm niên dự tòa, tôi cho rằng việc cấm không cho báo chí vào phiên tòa khi đang xét xử là cần thiết. Bởi vì, một phiên tòa phải thể hiện được sự uy nghiêm. Không hay gì cái cảnh phóng viên chen chúc, xô đẩy nhau để chụp ảnh, ghi hình và lăm lăm cái máy ảnh dí sát vào mặt người khác. Đã có trường hợp, việc xét xử bị ngắt quãng khi chủ tọa đang thẩm vấn bị cáo phải nhắm nghiền mắt vì ánh đèn flash sáng chói.

Việc cấm báo chí vào phòng xét xử khi họ đang làm việc cũng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ rất lâu. Được biết, bên Mỹ người ta ban hành quy định, báo chí không được phép tác nghiệp khi tòa đang làm việc.  Việc cấm báo chí tác nghiệp khi tòa đang xét xử là hoàn toàn đúng đắn, bảo đảm an ninh trật tự, tạo không khí trang nghiêm của chốn pháp đình.

Hàng trăm phóng viên dự tòa đưa tin xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên được sắp xếp ngồi theo dõi phiên xét xử qua màn hình tivi - Ảnh T.Minh

Cấm thì cứ cấm, nhưng cơ quan chức năng cũng phải có những giải pháp để báo chí hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với vụ án đang được xét xử. Để báo chí được tiếp cập thông tin chính xác, kịp thời, Đảng, Nhà nước đều tạo điều kiện cho báo chí được tác nghiệp tại phiên họp kể cả Đại hội Đảng, khai mạc Quốc hội, họp Chính phủ thường kỳ và chuyên đề. Theo đó, phóng viên được phép quay phim, chụp ảnh khoảng 5 đến 10 phút trước khi chương trình làm việc bắt đầu.

Với các phiên tòa xét xử công khai thì Tòa phải cho báo chí tác nghiệp. Chẳng có lý do gì mà một phiên xét xử công khai phải giấu diếm. Còn việc định hướng tuyên truyền là trách nhiệm của cơ quan chức năng và Tổng Biên tập một tờ báo là người phải chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên. Còn nếu vụ án mang sắc tố chính trị, thuần phong mĩ tục… thì nên xét xử kín.

Phải chăng, Tòa cần có giải pháp hợp tình, hợp lý đối với báo chí. Thứ nhất, một phiên tòa diễn ra, thư ký phiên tòa phải có trách nhiệm kiểm tra và sắp xếp chỗ ngồi cho những người liên quan. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Tòa nên dành cho báo chí khoảng 5 phút để họ chụp ảnh, ghi hình những người tham gia tố tụng. Khi phiên tòa chính thức làm việc, báo chí phải ngồi phòng riêng và theo dõi qua màn hình tivi. Nếu làm được như vậy, phiên tòa vẫn giữ được sự uy nghiêm của pháp luật, còn báo chí vẫn hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền của mình.

Không chỉ chen nhau chụp ảnh bị cáo, phóng viên chụp ảnh “tự sướng” cho nhau - ảnh Nguyễn Thiêm.

Một việc nữa cùng cần phải nói, hiện một số cơ quan chức năng đang có khuynh hướng “Báo lớn” và “Báo nhỏ”. Đã có rất nhiều cơ quan báo chí bị bỏ rơi  trong các sự kiện. Khi phóng viên của họ xuất hiện xin tác nghiệp thì bị ngăn cản với lý do “báo nhỏ nên không được mời".

Đừng quên là, báo chí đã góp phần phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội... Ấy vậy mà Tòa lại chơi bài “xử công khai” nhưng cấm cản, hạn chế và làm khó báo chí. Kính đề nghị quý Tòa xem xét nguyện vọng chính đáng của báo chí…!

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc