Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập đảng (3/2/1930 - 3/2/2015)

Bác Hồ và thực hành tiết kiệm

22:24 | 25/01/2015

3,167 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bác Hồ cũng có sổ tiết kiệm và người được vinh dự giữ sổ cho Bác là ông Lê Hữu Lập, thân phụ nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Theo ông Lập kể lại thì tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hằng tháng còn lại sau khi trừ tiền Đảng phí và các món chi tiêu sinh hoạt và tiền nhuận bút mà Bác viết bài cho các báo, chủ yếu là Báo Nhân dân.

Năng lượng Mới số 392

Dịp Bác đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền. Khi về nước, nghe ông Vũ Kỳ báo cáo về số tiền này, Bác dặn nhập số tiền vào quỹ Đảng, bởi Bác coi số tiền đó là tiền tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ không tặng cá nhân nên Bác dặn không gộp vào sổ tiết kiệm của mình.

Một lần trên đường đi công tác về, Bác thấy bộ đội phòng không Hà Nội trực chiến trên nóc tòa nhà Ngân hàng Nhà nước dưới nắng hè gay gắt, Bác nhắc ông Vũ Kỳ bảo ông Lộc rút số tiền tiết kiệm trong sổ, trao cho Bộ Quốc phòng, làm quà tặng bộ đội phòng không có thêm nước uống.

Một số đơn vị phòng không bảo vệ vùng trời Hà Nội đã có thêm nước uống mùa hè từ tiền tiết kiệm của Bác Hồ

Những món quà của Bác đã động viên tinh thần của các cán bộ và chiến sĩ. Đáp lại tình cảm và tấm lòng yêu thương của Bác, cán bộ và chiến sĩ phòng không Hà Nội đã lập công bắn hạ máy bay Mỹ, dâng lên Bác Hồ muôn vàn kính yêu món quà chiến thắng.

Những cán bộ, nhân viên có dịp phục vụ Bác trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên Chiến khu Việt Bắc và sau này ở Phủ Chủ tịch đều biết Người luôn luôn giữ một nếp sống giản dị, thanh bạch và cần kiệm.

Tại Phủ Chủ tịch, từ nhà sàn ra chỗ họp Chính phủ, Bác vẫn đi bách bộ cách ba, bốn trăm mét. Trời quá nóng bức, bác sĩ Lê Văn Mẫn mang theo quạt lông chim, quạt cho Bác, Bác không bằng lòng và bảo: “Chú làm như ở trong triều ấy”. Khi đi qua cây cọ, ông nghĩ ra cách cắt mảnh lá cọ làm quạt cho Bác. Về sau ở trong cơ quan xuất hiện rất nhiều quạt lá cọ.

Bác dùng bữa rất thanh đạm và chỉ thích khẩu vị dưa, cà, cá kho khô của quê nhà xứ Nghệ. Bữa sáng Bác ăn cháo hoặc phở. Buổi trưa Bác ăn hai lưng bát cơm với dưa và vài quả cà để cùng vào một chiếc đĩa con và đĩa thịt nhỏ xào, một bát canh chua. Khi dọn mâm mời Bác thường phải để thêm một bát con thừa. Vào ăn, Bác dự liệu nếu ăn không hết thì Bác san canh sang bát con ấy để về sau người khác còn dùng được. Ăn xong tự Bác xếp lại đĩa to, đĩa con, bát to, bát con, để gọn trong mâm, đậy lồng bàn lại. Đồng chí phục vụ chỉ còn việc bê cả mâm đi. Bữa cơm chiều cũng tương tự như bữa cơm trưa. Mỗi tuần Bác nhịn ăn vào chiều thứ Năm. Không ai hỏi Bác tại sao, nhưng anh em đoán Bác muốn đồng cam cộng khổ với nhân dân lao động đang sống khó khăn.

Những câu chuyện trên đây là bài học quý về tiết kiệm, về sự tôn trọng con người và đồng cảm với nhân dân lao động của Bác Hồ kính yêu.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc là di sản tinh thần vô giá cho muôn đời con cháu. Bên cạnh đó, Di chúc của Người còn gây xúc động mạnh mẽ cho hàng triệu trái tim người dân Việt Nam khi nói đến việc riêng. Người chỉ dành vài dòng nói về việc riêng của mình: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có điện thì điện táng càng tốt hơn”.

Những lời dặn rất riêng tư nhưng vẫn là những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bác khẳng định, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của đạo đức cách mạng, của người cán bộ cách mạng. Người đã chỉ ra một cách cụ thể tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Và ai cần tiết kiệm? Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần; là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Bác dạy “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to; Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm”. Người luôn dạy rằng: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”.

Đi đôi với việc thực hành tiết kiệm phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu, vì theo Bác, ruộng đất, máy móc không tự nó làm ra của cải mà phải do sức lao động của con người sáng tạo nên. Do đó, nếu làm ra được bao nhiêu lại tiêu xài hết bấy nhiêu thì không lại hoàn không; “Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”. “Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”.

Bác nghiêm khắc phê phán những việc làm gây ra sự lãng phí, tổn thất về thời gian, sức lao động, vật tư, tiền bạc của nhân dân và Nhà nước. Bác chỉ rõ, nguồn gốc của việc gây ra bệnh lãng phí, đó là bệnh quan liêu và “hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, hoặc tính toán không cẩn thận”, “hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ phô trương”, “hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công”. Vì thế phải kiên quyết chống bệnh lãng phí, chống thói họp lu bù, chống việc làm ẩu để sản phẩm làm ra không sử dụng được, chống việc liên hoan ăn uống bừa bãi. Hoang phí cũng là một tội ác bởi chính nó đã góp phần không nhỏ trong việc gây nên những tiêu cực của xã hội.

Trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ lần thứ 6 của Đảng, ngày 18/1/1949, Bác nhấn mạnh “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước”.

Cùng với những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, cuộc đời của Người chính là tấm gương mẫu mực, minh chứng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm chính để toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo.

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, với những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra từ những hạn chế, yếu kém, Đảng ta quyết tâm “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí”; coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Đây cũng là một nội dung quan trọng của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thọ Vinh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc