Ánh sáng của đạo lý

08:48 | 29/07/2012

897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người Việt Nam ta luôn coi trọng một đạo lý đã trở nên truyền thống là uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trông cây. Mỗi thành quả, từ lớn đến nhỏ đạt được, chúng ta đều nhớ để biết ơn những người đã mất công sức, xương máu mang đến cho ta.

Nhớ lại lịch sử, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được phát động, ở giai đoạn đầu (phòng ngự), thế địch đang rất mạnh, chúng ta gặp nhiều khó khăn, bộ đội thương vong nhiều. Để toàn dân thể hiện lòng yêu quý, trân trọng, biết ơn những thương, bệnh binh đã góp xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, tháng 6/1947, Hồ Chủ Tịch đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh. Đến tháng 7 năm ấy, Ban vận động tổ chức ngày Thương binh được thành lập, xác định mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung hoạt động và đã lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ (TBLS).

65 năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa các đối tượng chính sách, gia đình có công với đất nước. Thương binh và người thân của các liệt sĩ luôn được đặc biệt quan tâm bằng những chính sách cụ thể, những chế độ thiết thực và cũng luôn tiếp tục phát huy phẩm chất, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp cách mạng, luôn là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo.

Năm nay, trong khuôn khổ kỷ niệm ngày TBLS, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 12/CT - TTg ngày 28/4/2012 về việc chăm sóc người có công (NCC) với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, các ngành, các giới, đoàn thể, địa phương đã nghiêm túc thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Tính đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu NCC, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có 4,1 triệu đối tượng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Vừa qua, UBTVQH khóa XIII đã thông qua nghị quyết về việc thực hành chính sách, pháp luật đối với NCC. Tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng khóa XI cũng thảo luận và thông qua nghị quyết về “Một số chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020”, trong đó xác định mục tiêu: tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm cho gia đình NCC có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Hàng năm, Nhà nước đã giành 21.000 tỉ đồng cho việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được nhân rộng khắp cả nước, đã có 1.263 tỷ đồng trong 5 năm qua. Rất nhiều phong trào có ý nghĩa được phát triển ở các thôn, bản, xã, phường như tặng sổ tiết kiệm, áo quần, phụng dưỡng bà mẹ VN anh hùng. Khi nói đến việc đóng góp để giúp đỡ NCC, gia đình TBLS, dân ta luôn sẵn lòng, hào hứng.

Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những biểu hiện hình thức, chiếu lệ trong việc quan tâm, chăm sóc đối với các TB, NCC, gia đình liệt sĩ, vẫn còn những hoạt động mang tính phô trương, chỉ cốt chạy theo thành tích để “báo cáo”. Có nơi tổ chức hội nghị  kỷ niệm ngày 27/7, làm lễ tặng quà nhưng “phong bì” cho các đại biểu, lãnh đạo quá nhiều trong khi giành cho đối tượng chính là TB, NCC thì không là bao. Người dân chứng kiến không khỏi bất bình bởi tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn của họ đã bị xúc phạm.

Dưới ánh sáng của đạo lý dân tộc, toàn dân ta hôm nay mong muốn mọi chủ trương, chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước phải được mọi cấp chính quyền, đoàn thể triển khai thực thi nghiêm túc, có hiệu quả. Công sức và hy sinh của NCC, TBLS là vô cùng to lớn, không có bất cứ thứ gì có thể đền đáp xứng đáng. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, các đối tượng được đền ơn đáp nghĩa luôn cảm thông, chia sẻ cùng Nhà nước và toàn dân mà không đòi hỏi quyền lợi. Điều đó càng nhân thêm lòng biết ơn của mỗi chúng ta.

Ninh Bình

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc