Ai giảm - giảm ai?

07:00 | 22/04/2015

1,941 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu thay thế ngay những công chức, viên chức không làm được việc. Nếu “áp” theo nhận xét của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì số cán bộ, công chức không làm được việc này nằm trong số 30% cán bộ cắp ô hoàn toàn có thể thay thế ngay.

Năng lượng Mới số 413

Thế nhưng, Bộ Nội vụ - nơi quản lý cán bộ, công chức lại cho rằng, chỉ có khoảng 5 phần ngàn cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Vấn đề tinh giản biên chế và cải cách tiền lương vẫn dậm chân tại chỗ, không đúng lộ trình. Ngân sách Nhà nước chưa có nguồn 40.000 tỉ đồng để cân đối.

Ai giảm - giảm ai?

Câu chuyện “ai giảm, giảm ai” thực ra đã có câu trả lời: Người có quyền giảm biên chế là Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Một khi định biên cơ quan nào bao nhiêu người sẽ ứng với việc “khoán” quỹ lương cùng các khoản chi quản lý phí, chi thường xuyên, chi khác. Giàu như nước Mỹ mà chính phủ của ông Obama cũng bị khoán kinh phí và từng phải đóng cửa vì chưa được phê duyệt kinh phí hoạt động. Ở ta cũng có “khoán” nhưng vẫn “du di” nên biên chế vẫn tăng, số quan chức cấp phó hiện đang cao quá mức. Một cựu quan chức tổ chức cho biết, ta có khoảng 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Nếu mỗi đầu mối này giảm đi 1 cấp phó, mỗi năm sẽ giảm chi ngân sách 4.000 tỉ đồng. Các chuyên gia tính toán, nếu giảm biên chế 10% ở các cơ quan này chắc chắn sẽ giảm chi chục ngàn tỉ.

Chẳng thế mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải bàn việc “định biên” vụ phó, cục phó, thứ trưởng ở các cơ quan Trung ương. Thật vậy, nếu cơ quan nào cũng có ông sếp trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm tới 69 ông “trưởng”, ông “phó” và ông “hàm” như  cơ quan T thì rách việc.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn có nguồn tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức cần phải làm 2 việc: Tinh giản biên chế và tiết kiệm chi tiêu.

Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh cân đối ngân sách cho năm 2015 là cực kỳ khó khăn. Năm nay và năm tới không cân đối được nguồn để cải cách tiền lương theo lộ trình. Việc tăng lương bị trì hoãn là vấn đề lặp lại nhiều, cần xem xét kỹ, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức. Muốn làm được như vậy, phải tiết kiệm chi tiêu: Nhiều công trình mất hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng nhưng xây xong lại không sử dụng hoặc công trình không cần thiết, rất lãng phí.

Tiết kiệm chi tiêu phải đi kèm với tinh giản biên chế. Hiện nay đội ngũ hưởng lương rất lớn nhưng người làm việc chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh. Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ, công chức nhưng làm xong thì không có đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều xin tăng! Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả phòng, ban như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này, không thể nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân. Có đại biểu nhấn mạnh con số 1/3 cán bộ, công chức cắp ô đã được chỉ ra nhưng có giảm được ai đâu? Theo ông, cần giảm hẳn biên chế và phải quy về từng cơ quan.

Vị đại biểu này cho rằng, cơ quan hành chính thừa sức giảm 1/3 số này, số chỉ “ăn theo nói leo” không giải quyết được gì, lãnh đạo cũng chỉ tay 5 ngón, không làm được việc gì, tuyển nhiều nguy hiểm quá.

Theo một số đại biểu, nếu chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng thì không cải thiện đời sống, không chống được tham nhũng, không tuyển được người giỏi và thu hút được đội ngũ tinh hoa vào bộ máy Nhà nước. Vì vậy, cần nâng mức lương cơ bản. Lương tối thiểu công chức mới ra trường phải là 10 triệu đồng thì mới có thể lập gia đình, mua nhà cửa... Muốn làm được việc này cần tính toán lại bộ máy chính quyền, phân cấp chức năng, nhiệm vụ mỗi cấp.

Quan tâm đến việc “chạy” biên chế hiện nay, thậm chí tốn cả trăm triệu một xuất nhân viên lương ba cọc ba đồng, có đại biểu nhận xét do môi trường làm việc hiện nay thả nổi, người chăm cũng như người lười, dễ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Vì thế, việc tăng lương phải gắn liền với giám sát chặt chẽ, một khi cán bộ sợ mất việc sẽ không có tiêu cực. Công chức không tích cực làm việc dẫn đến xoay xở, kiếm chác khiến người dân mất niềm tin.

Vậy là lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức vẫn ách tắc từ nhiều phía! Vậy là vẫn có “trống đánh xuôi - kèn thổi ngược” trong đánh giá cán bộ, công chức vì chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể và chưa kiên quyết định biên, chưa khoán kinh phí thì chưa ai dám giảm và chưa giảm được ai.

Thọ Vinh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc