Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia:

2014 - một năm chuyển mình của ngành giao thông

07:00 | 07/01/2015

1,218 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2014 được đánh giá là bước đột phá của ngành giao thông vận tải (GTVT), khi tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác, nhiều doanh nghiệp quốc doanh của Bộ GTVT được tái cơ cấu… Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia.

Năng lượng Mới số 388

PV: Thưa ông, năm 2014 TNGT tiếp tục giảm sâu cả ba tiêu chí, vậy ông có thể đánh giá về công tác đảm bảo an toàn giao thông trong năm vừa qua?

Ông Khuất Việt Hùng: Được sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong năm 2014 có nhiều bước tiến triển đáng khích lệ.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội vừa đánh giá, Chính phủ, các bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia đã hoàn thành mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT theo Nghị quyết số 53 của Quốc hội đề ra. Tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/12/2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ, giảm 373 người chết, giảm 5.083 người bị thương. Kết quả này đã một lần nữa khẳng định lời biểu dương của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành GTVT 2013 và giao nhiệm vụ 2014. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch UBATGT Quốc gia

Có được kết quả này là do ngành GTVT đã sáng suốt lựa chọn hệ thống những giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả trọng tâm là siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện và chấn chỉnh tác phong người thực thi công vụ.

Kết quả này được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả năm nay chính là kế thừa và phát huy thành tựu của năm 2013, đồng thời tạo cơ sở vững chắc để Quốc hội giao nhiệm vụ làm công tác đảm bảo trật tự ATGT 2015 là giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí. Đặc biệt là trên tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

PV: Vì sao có được kết quả khả quan như vậy, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Năm qua, bên cạnh việc tập trung khẩu hiệu của năm là “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện”, Bộ GTVT thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp với công tác chỉ đạo điều hành, giám sát chặt chẽ.

Có thể nói, 3 năm liền hoạt động giám sát công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đều được các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đưa vào chương trình hành động. Năm nào Ủy ban ATGT Quốc gia cũng phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an có giải trình những nội dung giám sát, chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, hầu hết các nghị quyết của Chính phủ đều có nội dung về an toàn giao thông. Những năm qua, Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, điều hành với mật độc dày đặc và cụ thể. Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp để các địa phương có thể triển khai, khắc phục các điểm mất trật tự ATGT. Trên cơ sở những chỉ đạo này, những văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến pháp luật với khối lượng “khổng lồ” được xây dựng, sửa đổi, ban hành và triển khai.

Từ cơ sở này, Bộ GTVT và Bộ Công an cũng như các ban, ngành đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đưa ra là lấy an toàn của người tham gia giao thông, lấy cái thuận lợi an toàn của đơn vị kinh doanh vận tải trong hoạt động kinh doanh của mình làm tôn chỉ mục đích để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

PV: Năm 2014, TNGT ở đô thị, thành phố lớn giảm, nhưng ở nông thôn lại gia tăng. Vậy nguyên nhân và giải pháp nào để kiềm chế TNGT nông thôn trong năm tới?

Ông Khuất Việt Hùng: TNGT giảm ở đô thị luôn giảm nhanh hơn. Đây cũng là lý do tại sao năm 2015 chúng ta tập trung về cơ sở, nông thôn từ kiện toàn bộ máy đến truyền thông. Ngoài đẩy mạnh quá trình cứng hóa kết cấu hạ tầng thì ta phải nâng cao ý thức của người dân ở tất cả các vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Đấy là lý do tại sao công tác truyền thông luôn nói cuối cùng nhưng luôn luôn là biện pháp để đưa tất cả những giải pháp trên vào cuộc. Vì có con đường, có biển báo, có vạch sơn nhưng người dân không biết biển báo kia là gì, không biết con đường kết nối đến đâu, không biết xe nào đi trên đường này thì sẽ xảy ra tai nạn.

Vì vậy, tuyên truyền giáo dục là giải pháp cơ bản nhất trong các giải pháp đảm bảo ATGT, không có giải pháp kia ta vẫn phải làm giải pháp này, có thể không có tiền để làm đường, có thể lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng, không tăng cường kiểm tra kiểm soát được, nhưng nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, vận động luôn phải làm, không bao giờ ngừng nghỉ như các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, nhiều địa phương vấn “ém” số liệu TNGT để “lấy thành tích” đã dẫn đến con số “vênh”. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay số liệu kênh đầu tiên là của lực lượng cảnh sát giao thông, kênh thứ hai là kênh từ các ban ATGT gửi lên, đồng thời tính minh bạch càng ngày càng cao, nhất là sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông. Với độ “mở” như thế này thông tin về TNGT sẽ khác, năm nay sẽ thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin sẽ kết nối dữ liệu của Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bảo hiểm để chia sẻ thông tin với nhau.

Năm 2015 sẽ có sự kiểm tra chéo lẫn nhau để khắc phục được các vấn đề về thông tin. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ thống kê TNGT theo tiêu chuẩn quốc tế, dần dần sẽ khớp vào hệ thống chung. Vì vậy vấn đề về số liệu, tôi khẳng định sẽ ngày càng tốt hơn.

Cầu Nhật Tân

PV: Năm 2014, ngành GTVT đã siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Kết quả về công tác này như thế nào, thưa ông…?

Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2014, ngành GTVT đã thực hiện việc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Việc này thể hiện rõ ở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Một là, chúng ta thấy rõ trong quy định của những luật mới ban hành năm 2014, như luật sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa và luật bổ sung Hàng không dân dụng.

Hai là, các nghị định có liên quan như Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Mặt khác, rất nhiều nội dung đã được quy định, ban hành hàng loạt những thông tư hướng dẫn như Nghị định 171 tập trung sửa đổi những quy định liên quan đến siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện.

Như vậy có thể thấy, một mặt là siết chặt, nhưng mặt khác là rất nhiều quy định được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải, tạo ra một môi trường kinh doanh vận tải công bằng, minh bạch. Trước đây ta thấy vai trò, vị thế của người lái xe vận tải trong xã hội không được tốt, nhưng bây giờ họ có vị thế, có thể nói họ có thể thanh thản hơn để thực hiện công việc kinh doanh của mình. Có thể nói đây là bước đột phá rất quan trọng.

PV: Năm 2014, đề án tái cơ cấu đã được triển khai trong ngành GTVT. Ông có thể nói rõ hơn về kết quả mà ngành GTVT đạt được trong quá trình tái cơ cấu ngành?

Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2014 cũng là năm quan trọng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành GTVT. Trong đó thực hiện chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020. Chúng ta giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào vận tải đường bộ.

Năm 2013, vận tải hàng hóa đường bộ chiếm hơn 70%, còn lại đường thủy nội địa chỉ khoảng 17%, hàng hải 8%, đường sắt 1%. Việc thực hiện tái cơ cấu là nâng cao năng lực của đường thủy nội địa, đường sắt, công bố các tuyến vận tải qua sông qua biển và đặc biệt là các tuyến vận tải ven biển vào hoạt động.

Hiện nay, ta siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện thì tần suất và sản lượng của vận tải đường bộ giảm nhưng vận tải hàng hải, đường thủy nội địa, ven biển đều tăng. Về hành khách, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thì vận tải hành khách đường sắt đã tăng, đặc biệt là sự bùng nổ của hàng không giá rẻ. Việc này đã định hình lại và đưa cơ cấu của thị trường vận tải hành khách trở về đúng vị trí vốn có. Vận tải đường bộ là chủ đạo nhưng chỉ chủ đạo ở cự ly ngắn (nội tỉnh, nội thị), đường sắt là cự ly trung bình còn hàng không là cự ly dài. Ở những tuyến cự ly trên 700km nội địa thì hàng không ngày càng phát triển, ngày càng xác định vị trí của mình và hàng không giá rẻ đã đưa hàng không trở nên đại chúng, không còn là vận tải dành cho người giàu như trước nữa.

Như vậy ta thấy rằng, bước đầu những việc này đã tạo ra cục diện mới góp phần quan trọng trong việc kéo giảm tần suất tham gia giao thông của những phương tiện tham gia vận tải đường bộ, góp phần giúp cho các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ thực hiện những quy định, điều kiện mới trong kinh doanh vận tải, góp phần kéo giảm TNGT. Số vụ TNGT trên đường bộ vẫn cao, nhưng so với năm ngoái đã giảm nhiều, nhất là những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, năm 2014 có rất nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông mới được đưa vào khai thác. Điển hình như cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Khi cao tốc này được đưa vào khai thác thì nó đã tạo ra cục diện mới trong ngành GTVT. Tạo ra cơ hội để dịch chuyển cơ cấu vận chuyển của đường sắt trước đây vốn chỉ có hành khách là chính, nhưng bây giờ có thể vận tải hàng hóa và có thể thực hiện được kết nối đa phương thức từ Hải Phòng lên Lào Cai, từ đường biển qua đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ thật sự hiệu quả.

Rất nhiều đoạn tuyến trên quốc lộ, nhiều công trình trọng điểm đã đưa vào khai thác tạo ra cục diện mới về năng lực kết cấu hạ tầng. Nếu muốn giao thông an toàn, thuận tiện thì ta phải có kết cấu hạ tầng chuẩn, nhiều công trình hạ tầng đưa vào khai thác tạo cơ hội cho các dịch vụ vận tải công cộng nâng cao năng suất và hiệu quả. Vì nếu đường bé quá thì người dân sẽ thích đi xe máy vì đi nhanh hơn bây giờ khi các trục giao thông huyết mạch được nâng cấp thì các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, xe khách liên tỉnh đi vào hoạt động với những điều kiện kinh doanh vận tải mới siết chặt hơn, an toàn hơn sẽ hấp dẫn người tham gia giao thông giảm những chuyến đi bằng xe máy nguy hiểm thì TNGT sẽ giảm.

Năm 2014 cũng là năm đầu tiên cả nước thực hiện phương thức mới về tuần tra kiểm soát giao thông. Mô hình kết hợp nhiều lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm và kết hợp nhiều chuyên đề bảo đảm trật tự an toàn xã hội vào lực lượng tuần tra lưu động như mô hình Kế hoạch 141 của Công an Hà Nội.

Kế hoạch 141 không đơn thuần chỉ là cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự mà còn cả những vấn đề trật tự an toàn khác. Mô hình này không chỉ áp dụng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà bây giờ các địa phương cũng phải thực thiện. Mô hình Kế hoạch 141 này rất phù hợp với mô hình của quốc tế kết hợp kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Năm nay, nhiều địa phương đã đưa vào hệ thống giám sát và xử lý vi phạm bằng camera, ứng dụng công nghệ. Tạo ra sự minh bạch, chính xác và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Người dân ở khu vực có hệ thống camera giám sát dần ý thức được mọi hoạt động, hành vi tham gia giao thông của mình đang bị giám sát và việc những vi phạm và khả năng bị phát hiện, bị phạt rất cao. Việc này đã thay đổi nhận thức của họ.

PV: Ông có thể cho biết về nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT năm 2015 và những năm tiếp theo?

Ông Khuất Việt Hùng: Đầu tiên là đề nghị các địa phương kiểm điểm, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư và Nghị quyết 30 của Chính phủ trong 2 năm vừa qua. Đây là việc rất quan trọng để chúng ta thực hiện các việc khác.

Năm 2015, ngành GTVT tiếp tục hoàn thiện xây dựng bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các địa phương, đánh giá về kết quả bảo đảm ATGT. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về kết quả bảo đảm trật tự ATGT cho từng địa phương.

Khẩu hiệu năm 2015 sẽ tiếp tục là siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu tính mạng con người là trên hết. Kế hoạch triển khai hành động cụ thể thì Ban ATGT các địa phương sẽ triển khai. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch cụ thể thực hiện năm ATGT.

Năm tới sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành GTVT để định hình thị trường vận tải gắn với tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện để đưa thị trường vận tải trở về đúng cơ cấu của nó. Các phương thức vận tải trở về đúng vị trí trong hệ thống vận tải 5 phương thức Đường sắt - Đường sông - Đường thủy - Đường bộ - Hàng không - Hàng hải.

Chúng ta phải xác định rõ đường bộ là gom hàng, cự ly ngắn, gom khách cự ly ngắn, trừ những tuyến độc đạo có thể chạy đến 500km. Đường sắt là cự ly trung bình và dài. Đường thủy nội địa là lấy vận tải hàng hóa làm trọng tâm và đưa vận tải biển lấy vận tải xuất nhập khẩu làm trọng tâm. Vận tải hàng không là phục vụ hành khách cự ly dài.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu thực hiện mục tiêu 2020 vận tải hàng hóa đường bộ chỉ chiếm 54%, đường thủy nội địa phải 32% bao gồm cả vận tải ven biển, đường sắt phải tăng lên 4,5% về hàng hóa, hàng không cũng phải tăng lên gấp 3 lần hiện nay. Khi tái cơ cấu như thế ta phải xác định rằng, nguy cơ TNGT trong hoạt động kinh doanh vận tải sẽ giảm vì người lái xe sẽ không phải chạy quãng đường quá dài, không phải chở quá tải, áp lực kinh doanh vận tải không đè lên người lái xe mà họ trở về đúng vị trí của người kinh doanh.

Những hàng siêu trường, siêu trọng khối lượng lớn chuyển sang phương thức vận tải khối lượng lớn, đường bộ chỉ dịch chuyển cự ly ngắn để gom hàng. Đây chính là giải pháp trọng tâm. Lấy tái cơ cấu làm trọng tâm để đưa vận tải về lành mạnh thì mới an toàn còn nếu thị trường vận tải không lành mạnh thì không bao giờ có vận tải an toàn. An toàn về GTVT sẽ trở thành tiêu chí về mặt chất lượng mà còn trở thành thương hiệu. Phải làm sao để nhận thức về hệ thống vận tải an toàn trở thành nhận thức chung của toàn xã hội và của cả những chủ hàng thì ta mới thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Năm 2015 sẽ hoàn thành 2 công trình lớn là Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên). Với Quốc lộ 1 chạy Bắc - Nam thì nguy cơ TNGT trên 2 tuyến này sẽ giảm. Tai nạn đấu đầu, tai nạn sai làn sẽ giảm. Cùng với đó là hệ thống bảo đảm ATGT trên các tuyến đường, như: Hệ thống giám sát, trạm cân tự động sẽ được đưa vào hoạt động.

Như vậy, bên cạnh việc có hạ tầng thì phải có biện pháp để quản lý, khai thác, bảo vệ và tổ chức giao thông an toàn. Đầu năm nay chúng ta đưa hàng loạt công trình giao thông trọng điểm vào khai thác như Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, vận hành tuyến BOT đầu tiên, phấn đấu cuối 2015 đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vào hoạt động các công trình sẽ làm thay đổi diện mạo.

Đồng thời, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành có đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm ATGT trọng tâm là đưa công nghệ thông tin vào quản lý, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành với nhau để phục vụ cho việc giám sát các hoạt động giao thông, xử lý vi phạm cũng như những hoạt động trong việc tổ chức, điều khiển, phân luồng giao thông. Việc này sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác tổ chức giao thông, công tác giám sát xử lý vi phạm và giảm được áp lực về nhân sự trong tuần tra kiểm soát. Từ camera giám sát giao thông đến trạm cân tự động sẽ hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thiên Minh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc