Trại Davis nay còn đâu!

07:08 | 30/04/2013

3,496 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp Quân sự 4 bên Trung ương trong giai đoạn 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban Liên hợp Quân sự 2 bên Trung ương, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của hai phái đoàn quân sự ta từ ngày 28/1/1973 đến ngày 30/4/1975. Cái tên Trại Davis gắn liền với Hiệp định Paris, với ngày toàn thắng 30/4.

Ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán trên bàn hội nghị, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, đánh dấu một thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút”.

Theo khoản d, Điều 16, Chương VI của Hiệp định Paris, 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp Quân sự 4 bên. Theo Điều 17, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp Quân sự 2 bên. Ban Liên hợp Quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự mà hiệp định đã quy định (về ngừng bắn, rút quân Mỹ và chư hầu, hủy bỏ căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu, về trao trả nhân viên quân sự, nhân viên dân sự và tìm kiếm người mất tích...).

Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp Quân sự 4 bên Trung ương trong giai đoạn 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban Liên hợp Quân sự 2 bên Trung ương, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của hai phái đoàn quân sự ta từ ngày 28/1/1973 đến ngày 30/4/1975. Cái tên Trại Davis gắn liền với Hiệp định Paris, với ngày toàn thắng 30/4.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhân chứng lịch sử Trại Davis

Trại Davis nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, đây là nơi đóng quân của Tổ Viễn thám số 3 (3rd Radio Research-RR) Lục quân Mỹ. 3rd RR có nhiệm vụ giúp Nha An ninh Quân đội Sài Gòn dò tìm, xác định chính xác vị trí các đài phát sóng truyền tin của Quân Giải phóng, từ đó lần tìm vị trí đóng quân của ta, chỉ điểm cho máy bay, pháo binh địch bắn phá, hoặc đưa quân đến càn quét tiêu diệt. Ngày 22/12/1961, thành viên của Tổ Viễn thám số 3 là Hạ sĩ quân báo James Thomas Davis, người gốc Caucase, sinh năm 1936 tại Livingston, tiểu bang Tennessee, cùng quân ngụy đi càn, bị phục kích chết tại Đức Hòa, Hậu Nghĩa (nay là Long An).

Ngày 10/1/1962, đồng đội của J.T. Davis lấy tên anh ta đặt cho doanh trại nơi họ đóng quân, gọi là Trạm Davis (Davis Station), đồng thời lập cho Davis một cái nhà tưởng niệm (miếu thờ) nhỏ kiểu Công giáo trong doanh trại. Nhà tưởng niệm Davis có nóc vòm hình mui rùa, cao khoảng 1,2m, bên trong có ảnh Davis, cây thánh giá và chân nến. Đây là trại lính Mỹ đầu tiên ở miền Nam  Việt Nam được đặt theo tên người lính của đơn vị chết trận. Năm 1966, Nhóm Viễn thám 509 (509th Radio Research Group-RRG) đến thay Tổ Viễn thám 3, Trạm Davis được “nâng cấp”, gọi là Trại Davis (Davis Camp). Cuối năm 1972, Nhóm Viễn thám 509 rút về Mỹ, Trại Davis bị bỏ hoang cho đến ngày 28/1/1973, khi trở thành trụ sở của Ban Liên hợp Quân sự và là nơi hai đoàn đại biểu quân sự ta đóng quân.

Đây là lần đâu tiên trong lịch sử, một lực lượng cách mạng tồn tại công khai, hợp pháp ngay giữa trung tâm đầu não của kẻ thù. Suốt 823 ngày đêm, từ ngày 28/3/1973 đến 30/4/1975, cán bộ, chiến sĩ hai đoàn ta đã mưu trí, dũng cảm đấu tranh trên mặt trận ngoại giao quân sự, buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước, tạo điều kiện cho quân và dân ta tiến tới thắng lợi hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lịch sử, lá cờ giải phóng đã được cán bộ, chiến sĩ Trại Davis kéo lên trên đỉnh cao trong sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần khích lệ bộ đội ta chiến đấu, làm kẻ thù thêm hoảng sợ, tan rã.

Do những thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 11-2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho hai đoàn đại biểu quân sự của ta trong Ban Liên hợp Quân sự 4 bên và 2 bên. Ngày 20/4/2012, lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng.

Sau ngày Sài Gòn giải phóng, Trại Davis được giao cho Ủy ban Quân quản thành phố quản lý, sau đó thuộc quyền quản lý của Quân chủng Phòng không - Không quân. Bây giờ Trại Davis ra sao?

Năm 1994, nhà báo Trần Duy Hinh, phóng viên Trại Davis năm xưa đi làm phim “Mùa Xuân toàn thắng” nhân kỷ niệm 20 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Anh mang giấy giới thiệu của Tổng cục Chính trị đến gặp lãnh đạo đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có Trại Davis. Chỉ huy sở đơn vị chỉ cách Trại Davis vài trăm mét, người chỉ huy đơn vị ngơ ngác: “Trại Davis là cái gì, tôi không biết gì cả, nó ở chỗ nào?”. Nhà báo Trần Duy Hinh chua xót thốt lên: Trại Davis lừng danh một thời, làm cho Mỹ - ngụy điên đầu, 77 hãng thông tấn trên thế giới ngày nào cũng đưa tin… giờ đây đã bị lãng quên.

Tháng 4/2005, kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng, Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên sĩ quan liên lạc Đoàn B và nhiều đồng đội, cùng đi với những người bạn đương chức đầy quyền lực, nhờ thế mới vào được Trại Davis. Kể lại câu chuyện hôm ấy, Đại tá buồn rầu, phẫn nộ: Họ phá hết rồi, bán hết rồi. Cũng trong dịp này, Đại tá Kỳ gặp lại cái bàn gỗ lát mỗi cạnh dài gần 4m, hình vuông, là vật chứng của 125 cuộc họp cấp Trưởng đoàn 4 bên, rồi 2 bên năm nào. Cái bàn ấy hiện ở Văn phòng đơn vị C59B, Cục Hậu cần Cơ quan Bộ Quốc phòng phía nam.

Đại tá Kỳ ngậm ngùi: Gắn liền với cuộc đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam có 2 chiếc bàn. Chiếc bàn tròn ở Hội nghị Paris đường kính 8m và chiếc bàn vuông diện tích hơn 10m2 tại Trại Davis. Chúng đều là những di tích quý báu. Liệu có ai có ý thức giữ gìn, bảo quản cái bàn vuông không, hay một lúc nào đó nó lại thất lạc?

Ngày 31/3/2010, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Duy Hinh cùng đồng đội Trại Davis năm xưa, nhờ các đồng chí thủ trưởng Cơ quan Hình sự quân đội phía nam đưa vào thăm trận địa cũ. Anh kể lại: Vượt qua vọng gác khá nghiêm ngặt của đơn vị quản lý sân bay, chúng tôi vào tận nơi, phải vất vả lắm mới nhận ra giao thông hào bảo vệ, còn tất cả đã thành bình địa, chia lô. Hỏi mấy người đang cắt cỏ gần đấy xem đây có phải đất của Trại Davis không, họ ngơ ngác, cuối cùng có người reo lên: “Còn cái miếu Davis kia kìa, nghe nói thiêng lắm, không ai dám phá đi mà được tôn tạo lại, các chú đến mà xem”.

Cuối cùng, nhờ cái miếu thờ viên hạ sĩ tình báo Mỹ năm xưa, cái miếu còn nguyên mái hình mui rùa, thì anh em mình mới tin rằng đây là Trại Davis. Họ đứng lặng dưới cái nắng xiên khoai để tưởng tượng đâu là dãy nhà A, nhà B, đâu là nhà chỉ huy, phòng họp, sân chơi bóng rổ, sân đỗ ôtô…

Điều day dứt nhất của các cựu chiến binh là tại sao người ta phá tất cả, chỉ giữ lại cái miếu thờ, lại còn tôn tạo nó lên. Cây thánh giá không còn, chân nến không còn, thay vào đó là một cái lư đầy chân hương, mâm bồng hoa quả và rất nhiều bao hương còn nguyên vẹn trên bàn thờ để dùng dần, có cả những nhánh hoa đã héo… Cái tín ngưỡng Davis đã biến tướng từ một nơi tưởng niệm cá nhân theo kiểu phương Tây, vốn không nặng về dị đoan, thành nơi thờ phụng một cô hồn kiểu phương Đông đầy ma mị. Rõ ràng đây là một sự bội bạc của hiện tại với quá khứ hào hùng. Những người đã làm cho Trại Davis trở thành một cứ điểm quân sự huyền thoại độc nhất vô nhị trên thế giới còn đây, nhưng Trại Davis đâu rồi?

Trại Davis vào năm 1973, phía trước là nhà tưởng niệm Hạ sĩ J.T. Davis

Từ sau ngày giải phóng, nhất là từ đầu những năm 2000 đến nay, các cựu chiến binh Trại Davis cùng nhiều cơ quan chức năng đã bắt đầu hành trình đề nghị công nhận địa điểm Trại Davis là Di tích lịch sử - cách mạng. Năm 2003, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp Quân sự 2 bên Trung ương đã gửi thư cho Bộ Quốc phòng, đề nghị công nhận Trại Davis là di tích lịch sử cách mạng.

Ngày 5/3/2003, Bộ Quốc phòng có Công văn số 685/BQP gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nói rõ: “Liên Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Quốc phòng tại Thông tư liên bộ số 1083/TTVH-BQP ngày 16/12/1986 đã xác định: “Trại Davis, trụ sở của hai đoàn đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp Quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương, là một trong 4 di tích lịch sử quân sự đặc biệt quan trọng, là một trong những điểm tiêu biểu của Khu Di tích Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Trại Davis là chứng cứ lịch sử, ở đó đã chứng kiến quá trình đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sĩ ta, thể hiện ý chí Việt Nam, tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong quá trình đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris”. Công văn cũng nói rõ: Năm 1990, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Quân khu 7) cùng với Bảo tàng Lịch sử quân sự đã biên tập nội dung hồ sơ di tích Trại Davis và bàn giao cho Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hồ Chí Minh.

Có 5 yếu tố cơ bản để Trại Davis xứng đáng là di tích lịch sử cách mạng:

- Đây là vùng đất giải phóng đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của cách mạng, là vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm của cách mạng giữa trung tâm đầu não của đối phương cho đến ngày toàn thắng

- Đây là trung tâm đấu tranh chính trị - ngoại giao - quân sự - dư luận, là tổng hành dinh của hai đoàn đại biểu quân sự ta, nơi trực tiếp chỉ đạo và điều hành các hoạt động liên hợp quân sự trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, buộc địch thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris.

- Đây là nơi hai đoàn đại biểu quân sự ta giương cao ngọn cờ chiến thắng của cách mạng, ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc, đề cao thiện chí hòa bình thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris của ta, trở thành trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và thế giới về tình hình miền Nam Việt Nam từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

- Đây là nơi diễn ra cuộc đấu tranh thật sự căng thẳng và quyết liệt trên bàn hội nghị liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên cùng những hoạt động liên hợp quân sự, gắn kết rất chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để thực hiện Hiệp định Paris, phối hợp và hỗ trợ có hiệu quả cuộc chiến đấu của quân ta trên chiến trường.

- Đây là nơi hai đoàn đại biểu quân sự ta đã đứng vững trên vị trí chiến đấu, thể hiện bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam; nắm vững tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao quân sự.

Với những giá trị đặc biệt không thể phủ nhận của căn cứ Trại Davis, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và của nghệ thuật đấu tranh quân sự ngoại giao độc đáo của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn với Hiệp định Paris, cũng như địa danh Trung Giã gắn với Hiệp định Gèneve trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã đến lúc cần hiện thực hóa Thông tư liên bộ số 1083/TTVH-BQP và Công văn số 685/BQP. Hy vọng các cơ quan có trách nhiệm sớm tiến hành các thủ tục công nhận Trại Davis - Tân Sơn Nhất là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia trong khi chưa quá muộn.

Việt Dương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc