Tháng 5 nhớ Bác

07:30 | 19/05/2015

1,200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi được may mắn gặp Bác khi 16 tuổi sau 2 tháng hành quân từ miền Nam vượt Trường Sơn ra An toàn khu Việt Bắc. Đoàn chúng tôi gồm những chiến sĩ thi đua của Nam Bộ, Liên khu 5, Campuchia, Hạ Lào, trong đó có những người nổi tiếng như anh hùng Núp, tướng Đồng Văn Cống, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, chị Lê Thị Dung, Đinh Thị Kit (dân tộc Hre)… Nhiều người trong số đó nay cũng đã mất.

Năng lượng Mới số 423

Trong một ngày cuối tháng 4-1953, tại một lán trại trong rừng Thái Nguyên, chúng tôi được thông báo chuẩn bị đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Hôm sau, sáng tinh mơ anh chị em đã dậy mặc quần áo chỉnh tề chờ đợi. Thỉnh thoảng có vài người đi qua gần lán lại làm cả đoàn xôn xao. Nhưng đến 10 giờ vẫn chẳng thấy Đại tướng đâu cả. Chắc là Đại tướng bận, anh em bảo nhau như vậy. Trời nóng, một số bắt đầu cởi quân phục, đi tắm hoặc nằm hát nghêu ngao. Khoảng 11 giờ trưa có tiếng vó ngựa lịch kịch. Ở đây bộ đội, cán bộ đi lấy gạo, nhân dân đi chợ bằng ngựa cũng nhiều nên chẳng mấy ai để ý.

Tháng 5 nhớ Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc

Người cưỡi ngựa đi đầu đến trước lán dừng lại và hỏi vọng vào: “Các đồng chí có phải là đoàn chiến sĩ thi đua miền Nam mới ra không?”. “Dạ phải”, anh em đáp lại và đổ dồn ra xem ai đến.

Người đó bước xuống, buộc ngựa vào gốc cây. Tiếp sau là hai người nữa cũng cưỡi ngựa, người đi cuối đội mũ nan, mặc quân phục, còn người đi giữa đội nón lá, mặc bộ bà ba nâu như những nông dân bình thường miền Bắc. Họ cũng xuống ngựa, buộc vào gốc cây rồi bước vào lán. Người đi đầu lấy mũ ra, chào chúng tôi và chỉ vào người thứ hai, hỏi: “Các đồng chí có biết ai đến thăm không?”. Cả đoàn dồn mắt vào người này rồi bỗng sửng sốt, bất ngờ cùng reo lên: “Trời ơi, Bác Hồ!”. Chiếc quai nón rộng che kín bộ râu bạc dưới cằm Bác nên chúng tôi khó nhận ra. Duy có đôi mắt sáng ngời mà anh em miền Nam đã biết qua tranh ảnh đã giúp chúng tôi biết chính xác Bác Hồ đến thăm. Anh em mừng quá chạy xô cả lại, mãi tới khi anh Nguyễn Kim Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, trưởng đoàn, ra lệnh trở lại trật tự nhiều người mới nhận ra mình mặc toàn quần áo lót, vội chạy đi mặc quân phục trở lại. Mọi người ngồi vào hàng xong xuôi, Bác đi bắt tay từng người một và giới thiệu người đi đầu là Cục trưởng Cục Quân lực.

Bác ưu tiên cho thiếu nhi và phụ nữ được ngồi cạnh nên tôi được ngồi bên Bác. Bác hỏi các anh Toàn, anh Giải (sau này là tỉnh đội trưởng một tỉnh ở Nam Bộ, liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ), anh Trí (sau này là Tư lệnh Biên phòng Đà Nẵng) về tình hình đi đường, sức khỏe, ăn ở của đoàn, sau đó ân cần thăm hỏi từng người. Bác chăm chú lắng nghe chi tiết về đời sống cũng như cách thức đối phó với giặc ở từng địa phương. Sự gần gũi, thân ái, ấm cúng, giản dị của Bác trong buổi tiếp xúc làm cho mọi người nghĩ rằng đang được trò chuyện với người bác, người ông vô cùng thân thương của mình. Khi nghe tôi thưa với Bác rằng, hơn một nửa số dân làng tôi bị giặc giết, cha mẹ tôi chết trong tù, chị tôi bị thiêu sống, tôi cũng đã sống hai năm trong trại giam của giặc trước khi tham gia du kích, Bác đã ôm chặt vai tôi. Dường như nỗi đau trong tim Bác truyền qua tim tôi đến nỗi sự xúc động đến bây giờ tôi vẫn nhớ.

Những lần gặp Bác sau này ở lễ đón Bác và Chính phủ về lại thủ đô ngày 1-1-1955, ở Đại hội Anh hùng quân đội lần II cuối tháng 8-1955… Bác đều để lại trong tôi những kỷ niệm sâu đậm như vậy.

Ngày Bác mất, tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Rumani. Trong sổ nhật ký tôi đã ghi những tình cảm quốc tế thật cảm động không những của những nhà lãnh đạo thời ấy cũng như của những nhà trí thức, giáo sư và nhân dân lao động nước bạn mà còn của hàng ngàn người thuộc các nước khác đang học tập, công tác, du lịch ở Bucharest từ khi báo chí đưa tin Bác rất yếu đến suốt cả tuần lễ tang của Bác. Rất nhiều sinh viên người Cuba, Nam Mỹ, châu Á, Đông Âu, châu Phi, Tây Âu đến chia buồn nhiều lần với du học sinh Việt Nam và mặc niệm trước bàn thờ Bác do anh chị em tự lập trong các ký túc xá và cả trong phòng ngủ của mình. Họ đến do sự thôi thúc của tình cảm, của ý thức, của trách nhiệm của họ đối với tương lai của đất nước họ cũng như đối với Việt Nam, một dân tộc bé nhỏ, nghèo nàn đang đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới.

Nhiều năm tôi tự hỏi: Tại sao Bác Hồ được đồng bào trong nước và nhân dân thế giới yêu mến, không những bạn bè mà cả những đối thủ cũng đều kính phục Bác đến thế? Phải chăng đó là lòng yêu nước, yêu con người nồng nhiệt không phân biệt màu da, sắc tộc, kết hợp với biết tiếp nhận cái tinh túy, cái mới, cái tiến bộ trong kho tàng văn minh nhân loại và ý chí kiên cường, bất khuất trước mọi hiểm nguy, cám dỗ, dám hy sinh mình để giành hạnh phúc cho đồng loại, giữ trọn đời trong sạch trước danh vọng, tiền tài. Trong nội bộ dân tộc cũng như trong quan hệ quốc tế, Bác luôn nhắc nhở phương châm giành thắng lợi qua câu nói ngắn gọn, súc tích: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Đương nhiên không ai ngây ngô thực hiện lời dạy trên một cách máy móc với những kẻ nói một nơi làm một ngả. Trong giai đoạn hiện nay Đảng kêu gọi tiếp tục thực hiện chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc để cùng nhau “xây dựng Tổ quốc giàu đẹp hơn 10 năm xưa” thì lời dạy của Bác càng có nhiều ý nghĩa.

Trên mạng gần đây cũng có một số người phê phán Bác đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Điều đó theo tôi là không biện chứng, khách quan. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một khoa học, đã là khoa học thì nó vẫn chứa những thiếu sót, sai lầm thể hiện qua việc thực tiễn không công nhận một số luận điểm nào đó do không phù hợp với quy luật tiến hóa theo thời gian. Qua quá trình kiểm nghiệm, khoa học sẽ loại bỏ các sai lầm, phát triển những luận điểm đúng đắn và quá trình đó tiếp nối mãi mãi để tiệm cận dần đến chân lý một cách tốt hơn. Nếu đối chiếu với lời nói và việc làm của Bác trong suốt quá trình cách mạng dân tộc - dân chủ ta thấy Bác đã thực hiện việc kiểm nghiệm ấy và đã đổi mới một số luận điểm không tương thích với xã hội Việt Nam, với thực tiễn nhân loại nói chung, nên đã đưa lại những thắng lợi hết sức quan trọng cho đất nước, cho dân tộc. Nhưng trong những điều kiện lịch sử nhất định không phải cái gì thiếu sót cũng nhận ra ngay và tất cả cái gì nhận ra đều có thể sửa đổi được. Do đó, có thể kết luận dứt khoát rằng, dù trong cuộc đời của Bác có những khiếm khuyết nào đó thì Bác vẫn là nhà yêu nước vĩ đại, nhà cách mạng và văn hóa kiệt xuất, nhà lãnh đạo đầy tài năng, người anh hùng của dân tộc.

Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh nhật Bác, nếu chúng ta quyết tâm học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác một cách thực chất, áp dụng vào cuộc sống một cách nghiêm minh, có kiểm tra đánh giá nghiêm túc thì chắc chắn những thắng lợi càng lớn hơn, không một ai dám bắt nạt, dám đe dọa sự toàn vẹn đất đai, biển đảo của ta và nước ta sẽ nhanh chóng “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước mong của Bác.

PGS.TS Trần Ngọc Toản