Quy hoạch báo chí như thế nào?

07:00 | 23/01/2015

1,686 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI vừa qua, có một vấn đề được báo giới đặc biệt quan tâm, ấy là việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành thời gian thỏa luận về Đề án Quy hoạch báo chí. Báo Năng lượng Mới xin trích đăng lại bài kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phần nói về quy hoạch báo chí.

Năng lượng Mới số 392

Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, Hội nghị khẳng định: Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng còn những khuyết điểm, hạn chế, bất cập cả trong hoạt động của báo chí và công tác quản lý báo chí.

Phóng viên tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa (5/2014)

Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc thực trạng phát triển và quản lý báo chí với những kết quả, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân cụ thể; thấy rõ xu hướng phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới, Trung ương khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, cần quán triệt quan điểm phát triển đi đôi với quản lý tốt. Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đoàn kết, tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ trên mạng Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Mục tiêu của quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn liền với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo chí theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên Internet. Khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí phải xác định rõ ràng, cụ thể định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển và quản lý đối với từng loại hình báo chí, bao gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình theo lộ trình, bước đi phù hợp”.

Thực trạng phát triển của các cơ quan báo chí

Về báo in: Hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo Trung ương, 113 báo địa phương), 646 tạp chí (513 tạp chí Trung ương, 133 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc gia. Trong năm qua, số lượng các cơ quan báo chí in tăng 7 cơ quan (là các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành của các trường đại học); giảm 5 ấn phẩm (Gia đình và Cuộc sống của Báo Gia đình Việt Nam; Viet Week của Báo Thanh niên; Pháp luật TP Hồ Chí Minh cuối tháng; Muaban.net của Báo Đời sống & Pháp luật; Dòng đời của Báo Nông thôn Ngày nay).

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong thời gian xây dựng quy hoạch báo chí toàn quốc đến 2025, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tạm dừng cấp phép thành lập mới cơ quan báo chí, do đó số lượng cơ quan báo chí không thay đổi nhiều so với năm 2013 (một số tạp chí chuyên ngành được cấp phép do yêu cầu cấp thiết và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ).

Về báo điện tử: Hiện cả nước có 98 báo, tạp chí điện tử (tăng 3 báo, 3 tạp chí so với năm 2013). Trong đó có 76 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 20 báo, tạp chí điện tử của các cơ quan, tổ chức khác.

Về phát thanh, truyền hình: Hiện cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình (2 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; 1 đài thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; 64 đài địa phương). Số kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá là 180 kênh, với 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá (năm 2014 cấp mới kênh Truyền hình Quốc hội; cấp thay đổi tôn chỉ mục đích kênh HTV3 - kênh thanh thiếu niên và nhi đồng của Đài Truyền hình TP HCM); 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá (năm 2014 không tăng kênh); 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền.

Có 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng, gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh Truyền hình VOV TV, kênh Truyền hình Quốc hội); Trung tâm Phát thanh truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân của Bộ Công an (kênh Truyền hình Công an Nhân dân ANTV); Trung tâm Truyền hình Thông tấn - TTXVN (Kênh VNews); Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội (kênh Truyền hình Quốc phòng); Báo Nhân dân (kênh Truyền hình Nhân dân).

Có 3 đơn vị có chương trình truyền hình phát sóng trên Đài Truyền hình Quốc gia VTV, gồm: Trung tâm Truyền hình nhân đạo (chương trình Truyền hình Nhân đạo); Ban Biên tập Truyền hình Công thương (chương trình Truyền hình Công thương); Trung tâm Vận động truyền thông xã hội, Cục Bảo trợ chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (chương trình Truyền hình Vì trẻ em).

Về tình hình tài chính cơ quan báo chí: Do khó khăn về kinh tế, ấn phẩm báo chí in có chiều hướng giảm đáng kể lượng phát hành. Hệ thống báo Đảng, về cơ bản được hỗ trợ từ ngân sách, được bù giá bán dưới giá thành. Báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán nhưng gặp nhiều khó khăn. Khối tạp chí của các viện nghiên cứu cơ bản được bù lỗ. Một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây (Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, Thanh niên, các báo ngành công an…) năm qua sụt giảm doanh thu đáng kể. Số lượng phát hành và quảng cáo báo chí giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhiều cơ quan báo chí, cả về kinh tế báo chí và công tác tuyên truyền, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải điều chỉnh định hướng phát triển.

Trước xu hướng tăng nhanh số người sử dụng Internet và truyền thông xã hội, việc các cơ quan báo chí in ra báo điện tử và thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp là nhu cầu cấp thiết và hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh thu quảng cáo trên báo điện tử vẫn còn hạn chế.

Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, nhờ có sự đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết, nguồn thu của nhiều đài phát thanh, truyền hình dự kiến vẫn đạt kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu năm 2014 của một số đài như sau: Đài Truyền hình Việt Nam: 4.600 tỉ đồng (tăng 3% so với năm 2013); Đài Tiếng nói Việt Nam ước đạt 130 tỉ đồng (tương đương doanh thu năm 2013); Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC: 414 tỉ đồng, trong đó bao gồm kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ công (năm 2013, lỗ 53 tỉ đồng); Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội: 168 tỉ đồng (năm 2013: 239 tỉ đồng); Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng khoảng 19 tỉ đồng (tương đương năm 2013, giảm so với năm 2012); Đài Phát thanh truyền hình Vĩnh Long: 1.300 tỉ đồng (tăng hơn 1% so với năm 2013).

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc