Nội dung họp báo thường kỳ Văn phòng Chính phủ tháng 7/2014

20:06 | 31/07/2014

557 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 31/7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành để cùng giải đáp những câu hỏi mà báo giới và dư luận quan tâm.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, từ ngày 30/7 tới trưa 31/7, Chính phủ đã họp thường kỳ, tập trung bàn về tình hình KHXH tháng 7 và 7 tháng đầu năm, cho ý kiến về nhiều dự án Luật và có Nghị quyết chuyên đề phục vụ chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Nội dung họp báo thường kỳ Văn phòng Chính phủ tháng 7/2014

Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hướng tích cực, lạm phát trong tầm kiểm soát. Công nghiệp trong tháng 7 phát triển khá; xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giữ được xuất siêu 1,26 tỷ USD, thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng về xuất khẩu. Thu ngân sách đạt kết quả tốt, vượt xa so với cùng kỳ. Văn hóa xã hội được giữ vững, trong tháng 7 có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày 27/7 để đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công, các ngành đoàn thể tập trung vận động nhân dân thể hiện được tinh thần uống nước nhớ nguồn. An ninh quốc phòng, ngoại giao được giữ vững. Tai nạn giao thông kéo giảm cả 3 chỉ số, tuy số người chết giảm chưa nhiều nhưng cũng nói lên nỗ lực rất lớn. Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo, xử lý những vướng mắc khó khăn, tiếp tục tinh thần như Quý II chúng ta đã làm, ra được những nghị quyết, chủ chương, chỉ thị tháo gỡ vướng mắc cụ thể về thuế, hải quan và một số việc khác. Lần này Chính phủ họp cũng có một Nghị quyết để tăng cường tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá nếu chúng ta cứ duy trì tăng trưởng, phát triển với đà này thì vẫn chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế. Nếu không có đột phá nào mới trong chỉ đạo điều hành thì để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% sẽ rất vất vả. Biểu hiện là tổng cầu yếu, chưa có chuyển biến gì, CPI tăng thấp. Hiện nay có một tình trạng là một số lĩnh vực rất cạn vốn, nhất vốn đối ứng ODA, một số dự án đang chờ vốn đối ứng, trong khi có một nguồn tiền đang đọng lại trong kho bạc chưa giải ngân. Chuyện này không chỉ thấy trong tháng 7 mà thấy từ những tháng trước nhưng chưa có động thái quyết liệt, nên lần này Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.

Về phương hướng sắp tới, Chính phủ quyết định không điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt bằng giải pháp cụ thể, đem lại hiệu quả cụ thể. Các chuyên gia nói là nếu giữ đà như thế này thì tăng trưởng đạt 5,25%, tăng cao hơn là 5,55%, nếu nỗ lực cao độ thì đạt 5,8%. Nhưng với các cơ sở đã có, Thủ tướng kết luận, bắt đầu từ tháng 8 phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giải ngân các dự án đầu từ công, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Và cũng phải quan tâm tới tăng trưởng tín dụng, gắn liền với kiểm soát. Hiện nay, trong lĩnh vực ngân hàng, nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ thì cũng có thể xảy ra vấn đề. Vừa rồi đã khởi tố mấy đối tượng trong khu vực này.

Và chúng ta cần quan tâm tới cải cách hành chính. Muốn làm các việc trên có hiệu quả thì các thành viên Chính phủ, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường, nâng cao trách nhiệm, theo hướng công khai minh bạch, có sự giám sát của quần chúng nhân dân. Chính phủ đã ban hành quy định siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đây không phải vấn đề mới nhưng phải tăng cường, hơn, buộc các thành viên Chính phủ phải nâng cao trách nhiệm giải trình, thực hiện các hoạt động có giám sát. Và trong tháng 8 này, sẽ công bố chỉ số cải cách hành chính, tiến tới công bố chỉ số hài lòng trên một số lĩnh vực phục vụ nhân dân. Trên tinh thần đó, chúng ta tiếp tục theo dõi, giám sát để mỗi người có trách nhiệm đều phải làm tròn nhiệm vụ, nếu không làm tròn thì có quy định nhận xét, đánh giá và có chế tài, mà trước mắt tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan, để tạo chuyển biến mới. Trong các lĩnh vực này, chúng ta đã làm nhưng so với các nước trong khu vực thì còn thấp, mà như Thủ tướng nói, thấp là không thể chấp nhận được. Với tinh thần đó, từng ngành từng cấp phải nỗ lực cao nhất, hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.

Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của các bạn.

PV Chính Trung (Báo An ninh Thủ đô): Thời gian qua, thế giới đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Rất đáng tiếc, tại Việt Nam cũng đã xảy ra một vụ tai nạn máy bay quân sự khiến 19 chiến sĩ hy sinh, 2 đồng chí vẫn đang điều trị trong Viện Bỏng Quốc gia. Bên cạnh đó, thời gian qua cũng đã ghi nhận nhiều vụ việc nghiêm trọng vi phạm an toàn bay theo đánh giá của Bộ GTVT như vụ máy bay hạ cánh nhầm sân bay hay vụ máy bay phải bay lòng vòng trên trời vì nhân viên kiểm soát không lưu có lỗi. Tôi xin hỏi phiên họp Chính phủ vừa rồi có đề cập đến nội dung này không? Chính phủ đã và sẽ có những biện pháp thế nào để chỉ đạo giải quyết ngay những tình trạng này để các chuyến bay của chúng ta an toàn tuyệt đối 100%?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Vừa rồi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp chỉ đạo về an ninh an toàn hàng không. Những vụ việc này được Chính phủ đặc biệt coi trọng. Đã có những tín hiệu chỉ đạo rất quyết liệt từ Bộ Giao thông vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã phân công 1 Thứ trưởng của Bộ trực tiếp kiểm tra tình hình cụ thể, có những giải pháp chấn chỉnh ngay, không để xảy ra những điều đáng tiếc như thời gian qua. Tinh thần chung là Chính phủ rất quan tâm và có chỉ đạo ngay từ những vụ việc đầu tiên xảy ra.

PV Vũ Hạnh (Báo điện tử VOV): Liên quan đến việc triển khai giai đoạn hai của Dự án đường ống nước sạch Sông Đà, hôm nay (31/7) Thành phố Hà Nội đã có văn bản xin cơ chế đặc thù cho Dự án này. Quan điểm của Chính phủ về văn bản của thành phố Hà Nội là như thế nào? Dư luận cũng đã đặt câu hỏi vì sao Dự án đã có quá nhiều lỗi như thế mà Vinaconex vẫn được chỉ định thực hiện giai đoạn hai của Dự án? Nếu như không có chuyện khởi tố thì liệu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp và Chính phủ sẽ xử lí việc lựa chọn đơn vị thi công như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đường ống nước Sông Đà bị vỡ thời gian qua ở Hà Nội là điều rất đáng tiếc, làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng vạn người. Chính phủ rất quan tâm và đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành xem xét những công việc theo chức năng được giao. Hiện nay thẩm quyền xử lý vấn đề này là của Bộ Xây dựng, phối hợp với thành phố Hà Nội. Có những dấu hiệu gọi là vi phạm nên Cơ quan điều tra đã tiến hành vào cuộc. Đề nghị chúng ta tiếp tục theo dõi, khi có những thông tin cần thiết chúng tôi sẽ thông báo với các bạn. Xin cảm ơn!

Cổng TTĐT Chính phủ