Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Nhật ký trên đường tiến vào Sài Gòn

07:06 | 15/04/2015

2,204 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tôi là Trợ lý Tuyên huấn của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Sau khi cùng các đơn vị bạn tiến đánh giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phan Rang… chúng tôi lại hành quân trong đội hình của quân đoàn tiến về phía nam, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Năng lượng Mới số 413

Ngày 25-4-1975

Cấp trên lại thay đổi nhiệm vụ cho đơn vị chúng tôi: Cả đơn vị không đánh vào Vũng Tàu nữa mà được lệnh tiến đánh giải phóng thành phố Sài Gòn theo hướng Đông. Thế là cả đêm hôm qua, đơn vị cơ động bằng cơ giới quay trở lại quốc lộ rồi về Biên Hòa, đến tập kết ở một cánh rừng cao su cách địch ở quận lỵ Long Thành khoảng 10km. Cả ngày hôm nay, địch cho máy bay đến ném bom liên tục vào khu rừng đơn vị trú quân, cây cao su đổ ngổn ngang, khói bụi bay mù mịt nhưng chẳng người nào bị thương, ai cũng lộ vẻ căm tức, uất hận, muốn xông lên tiêu diệt hết kẻ thù.

Trận quyết chiến cuối cùng với kẻ thù sắp bắt đầu. Tin chắc rằng trận đánh này sẽ ác liệt hơn, gian khổ hơn nhưng ai cũng vui mừng và vinh dự vì sắp được tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Nhật ký trên đường tiến đánh Sài Gòn

Người dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng ngày 30-4-1975

Ngày 26-4-1975

Cả đơn vị chuẩn bị bước vào một trận đánh mới, tiến đánh và giải phóng quận lỵ Long Thành - cánh cửa thép phía đông của địch. Đang chuẩn bị xuất kích thì máy bay địch đến ném bom tọa độ trúng vào đội hình của Tiểu đoàn 1 do Nguyễn Ánh Dương làm Tiểu đoàn trưởng. Tôi và các đồng chí lãnh đạo trung đoàn, tiểu đoàn đến kiểm tra, chỉ đạo giải quyết thương vong và động viên bộ đội chuẩn bị tốt mọi mặt cho trận đánh mới. Nhiệm vụ của đơn vị là tiêu diệt địch ở quận lỵ Long Thành nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch giữa Biên Hòa và Vũng Tàu.

17 giờ, quân ta được lệnh tổng công kích, 5 cánh quân ở 5 hướng đồng loạt nổ súng, tiến quân về Sài Gòn. 17 giờ 15 phút (giờ G), sau khi pháo binh ta bắn hàng trăm quả đạn vào quận lỵ Long Thành, các đơn vị trong trung đoàn cùng với xe tăng tiến thẳng vào chi khu quận lỵ. Trước sức áp đảo của bộ binh, xe tăng và pháo binh ta, quân địch ở quận lỵ Long Thành bị động chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy tán loạn, một số co cụm lại hai bên đường chống đỡ yếu ớt.

Một tiếng đồng hồ sau, trận chiến trở nên gay go, ác liệt hơn, pháo binh địch bắn tới tấp vào hướng tiến của quân ta… Máy bay trực thăng, máy bay phản lực F5 thay nhau bắn phá, ném bom vào đội hình của đơn vị. Trời tối dần, lợi dụng lúc màn đêm buông xuống, tàn binh địch ở các ngõ hẻm, các thôn xóm hai bên đường bắt đầu chống cự quyết liệt. Suốt đêm, cả trung đoàn không ai chợp mắt được. Phía trước, tiếng súng diệt địch của các chiến sĩ ta vẫn nổ giòn giã. Bọn địch cố thủ trong hầm ngầm, ụ súng bắn ra như mưa, đạn bay vèo vèo, tiếng nổ của pháo tầm xa, của bom đạn thêm đinh tai nhức óc, có những lúc tưởng chừng như không thể nào sống được, cái sống - cái chết kề nhau tấc gang.

23 giờ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nguyễn Ánh Dương hy sinh trong khi đang truy kích địch. Vĩnh biệt Nguyễn Ánh Dương - người đồng đội, người chỉ huy táo bạo, dũng cảm - cả đơn vị hứa sẽ trả thù cho anh.

Ngày 27-4-1975

17 giờ, đơn vị đã tiêu diệt hết bọn tàn quân ngụy ở chi khu quận lỵ Long Thành. Tôi được đồng chí Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ đi theo một tổ trinh sát dùng máy ảnh ghi lại hình ảnh các chiến sĩ ta cắm cờ trên tháp nước quận lỵ. Lúc này, tôi mới có dịp ngắm toàn bộ khu vực quận lỵ: Nhà cửa ở đây gần như bị phá hỏng hết do bom đạn của địch, không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Một số nhà hàng, cửa hiệu đang bốc cháy ngùn ngụt… Tiếng máy bay và pháo kích địch im hẳn, nhưng nơi này, nơi khác vẫn còn tiếng súng nổ. Những người dân đi sơ tán nay đã gồng gánh trở lại.

Đêm nay, đơn vị lại chuẩn bị hành quân tiến đánh địch ở phía trước theo Quốc lộ 25 đi Sài Gòn.

Ngày 28-4-1975

6 giờ sáng, các mũi, các hướng làm nhiệm vụ tiến công giải phóng Sài Gòn lại tiếp tục nổ súng đồng loạt. Địch đối phó không kịp… Một số vị trí chốt chặn trên các ngả đường về Sài Gòn của địch bị ta pháo kích đã vội vàng tháo chạy về Sài Gòn cố thủ. Ở phía trước, tiếng súng diệt thù nổ giòn giã.

9 giờ sáng, phía trước Trung đoàn 46 đã đánh chiếm hoàn toàn quận lỵ Nhơn Trạch. Từ đây đi Sài Gòn chỉ còn khoảng 15km nhưng lại phải vượt qua sông Đồng Nai rộng gần 1km. Toàn bộ lực lượng địch đã rút về bên kia sông cố thủ. Đơn vị được lệnh dừng chân ở phía bắc quận lỵ Nhơn Trạch làm công tác củng cố lực lượng, chuẩn bị để ngày mai tổ chức vượt sông, đánh mở đường cho xe tăng - thiết giáp thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn. Càng gần Sài Gòn bao nhiêu, cuộc chiến đấu càng trở nên quyết liệt bấy nhiêu. Địch hốt hoảng co cụm chống đỡ, ta thừa thắng ào ạt xông lên thực hiện khẩu hiệu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” xông tới giải phóng Sài Gòn.

Ngày 29-4-1975

Tối nay, đồng chí Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn giao cho tôi nhiệm vụ mới: Ngày mai, sau khi vượt sông Đồng Nai, tôi sẽ đi với một mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 1, cùng xe tăng - thiết giáp hỗ trợ đánh thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn để thực hiện việc cắm cờ giải phóng trên Dinh Độc Lập. Tôi cùng các đồng chí Tiểu đoàn 1 xem lại bản đồ Sài Gòn, tìm đường đi nhanh nhất vào Dinh Độc Lập. Theo hướng tiến công này, ta phải vượt qua hai con sông (sông Đồng Nai và sông Sài Gòn) thì mới đánh thọc sâu vào Sài Gòn được. Khó khăn là vậy, nhưng tất cả cùng hạ quyết tâm tìm mọi cách để thọc sâu nhanh nhất.

 20 giờ, sau khi kiểm tra lại máy ảnh, tôi chuẩn bị balô lên đường với một niềm tin chiến thắng, vì dẫu sao cả đơn vị rất vinh dự là một trong những mũi thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn. Cái đích cuối cùng của trận đánh sắp đến rồi.

Ngày 30-4-1975

7 giờ sáng, đoàn xe vận tải chở cả đơn vị đến tập kết cách bờ bắc sông Đồng Nai 1km. Phía trước, địch đang chống trả quyết liệt. Đơn vị làm nhiệm vụ đánh chiếm đầu cầu bên kia sông vẫn chưa sang được sông nên cả đoàn quân đang hành quân bằng cơ giới phải dừng lại. Xe chở đạn, chở gạo, xe chở bộ đội, xe kéo pháo, xe tăng, xe thiết giáp, xe zin 3 cầu, xe GMC, xe nhỏ, xe to, đủ các loại xe, đủ các loại pháo đang dàn ra đầy mặt đường. Lúc này, địch bị ta khống chế ở sân bay Tân Sơn Nhất nên các loại máy bay không cất cánh được. Phía trước, tiếng súng nổ giòn giã nhưng phía sau, xe pháo cứ ùn lên, bám lấy nhau chờ cơ hội xốc tới.

Hơn 11 giờ, đơn vị mới hoàn thành việc vượt sông Đồng Nai, tiến về đánh chiếm tòa hành chính quận 9. 11 giờ 30 phút, trên đường tiến về Sài Gòn thì được tin địch đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 50 phút, đơn vị mới đặt chân đến Dinh Độc Lập. Đến đây mới biết một cánh quân khác do xe tăng Lữ đoàn 203 dẫn đầu đã đột kích thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập, buộc Tổng thống ngụy quyền và toàn bộ nội các của địch đầu hàng. Cờ giải phóng tung bay trước tòa nhà Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thắng lợi hoàn toàn.

Buổi chiều, cả đơn vị được lệnh hành quân về quận 9, nhân dân đứng hai bên đường nồng nhiệt đón tiếp. Sống giữa Sài Gòn rồi mà cứ ngỡ như mình đang mơ. Đi đến đâu cũng thấy cờ và hoa rợp trời, gặp lại bạn bè chiến đấu ôm nhau vui mừng mà nước mắt chảy giàn giụa nước mắt của ngày chiến thắng.

Hồ Duy Thiện

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc