“Nâng cao sức đề kháng trước thông tin sai trái”

09:51 | 24/09/2012

1,028 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước những thông tin độc hại, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trên một số trang mạng, trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời tối 23/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, cần nâng cao sức đề kháng cho mọi người khi gặp phải những thông tin sai trái trong xã hội thực cũng như trên xã hội ảo và mạng…

- Trong thời gian vừa qua, có nhiều bậc phụ huynh đã bày tỏ sự lo ngại, bức xúc của họ về tình trạng lối sống lệch lạc của một bộ phận lớp trẻ hiện nay, trong đó có liên hệ đến những thông tin độc hại trên mạng Internet. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý nội dung trên mạng Internet, bảo vệ lớp trẻ.

Bản chất môi trường Internet là môi trường mở, cho phép mọi người có thể cung cấp và truy cập, khai thác, sử dụng tất cả các thông tin có trên Internet.

Thứ 2, các thông tin đưa lên Internet có rất nhiều nguồn. Có nguồn từ các cơ quan báo chí, từ các trang thông tin điện tử của các cá nhân cũng như các tổ chức trong nước; nguồn từ các trang thông tin điện tử, các website, blog của các cá nhân và các tổ chức ở nước ngoài mà các server máy chủ của họ đều để ở ngoài biên giới của Việt Nam.

Để đảm bảo môi trường lành mạnh và đảm bảo lợi ích của nhân dân nói chung và đảm bảo sự giáo dục thế hệ trẻ, vừa qua, được sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo về sửa đổi bổ sung quản lý và sử dụng thông tin trên Internet.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 23/9

Bộ TT&TT trong thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý và chấn chỉnh những sai phạm về việc đưa những thông tin trên mạng Internet nói chung, trong đó có những thông tin ảnh hưởng đến việc giáo dục thế hệ trẻ theo hướng nhẹ thì nhắc nhở phê bình, cao hơn là phạt hành chính và cao hơn nữa, nếu vi phạm nặng thì thu hồi tên miền, giấy phép; vi phạm pháp luật nhà nước thì có thể chuyển các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT thường xuyên khuyến cáo các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền theo đúng tôn chỉ mục đích, tuyên truyền những nội dung để phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân và đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền những thông tin gương người tốt việc tốt, theo hướng “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” trên mạng Internet hiện nay.

- Cũng liên quan đến nội dung thông tin trên mạng Internet, gần đây xuất hiện một số trang mạng như quan làm báo, dân làm báo… với những thông tin giật gân về một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vậy quan điểm của Bộ TT&TT về hiện tượng này như thế nào?

Vì bản chất mở của Internet nên mọi người có thể đưa lên bất kỳ thông tin nào, ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới lên mạng. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước cũng muốn ngăn chặn những thông tin sai trái với thuần phong mỹ tục, với pháp luật của mình. Hiện nay, đây cũng là thách thức đối với tất cả các nước. Cần phải có sự phối hợp của các cộng đồng, của các nước trên thế giới mới có thể ngăn chặn được, song, nhiều lúc điều này là không thể, bởi môi trường pháp lý của các nước khác nhau.

Trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch cùng các phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất trong nước đang tìm mọi thủ đoạn để ngăn cản, chống phá việc xây dựng và phát triển của đất nước ta. Chúng cũng triệt để lợi dụng môi trường mở của Internet để thông tin, tuyên truyền chống phá chúng ta trên nhiều mặt trận, nhiều lĩnh vực, trong đó có cả chính trị, kinh tế và tư tưởng. Chúng cũng không từ một thủ đoạn nào, kể cả thủ đoạn trộn lẫn trắng - đen, phải - trái với mục đích bôi đen, suy diễn, có ý đồ bịa đặt thông tin, gây chia rẽ nội bộ, kích động, đả phá vai trò lãnh đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử văn hóa của dân tộc, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trong thời gian gần đây, những thông tin vừa nêu có tần xuất xuất hiện nhiều hơn, thâm độc hơn, nguy hiểm hơn. Đây là một mưu đồ hòng lợi dụng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng của chúng ta hiện nay để gây mâu thuẫn trong nội bộ Đảng. Chúng tuyên truyền, kích động để làm phương hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm ảnh hưởng, ngăn cản mục đích tốt đẹp của chúng ta trong việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, với những thông tin sai trái, trắng đen đang lẫn lộn trên Internet mà các thế lực thù địch gây nên, chúng ta hơn lúc nào hết, trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là với vai trò gương mẫu của mỗi đảng viên, phải luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, xây dựng lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, để chúng ta thể hiện bản lĩnh của Việt Nam đã tỏa sáng trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, bây giờ tiếp tục tỏa sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

- Thưa Bộ trưởng, những trang thông tin độc hại và phản động trên mạng Internet trong những ngày qua phần nào đã thực sự ảnh hưởng xấu đến tâm lý của một số người dân. Vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải có hành động cụ thể như thế nào trước hiện tượng này?

Chúng ta phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, một giải pháp hữu hiệu và có tính chất cơ bản, lâu dài, đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao dân trí cho toàn dân. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức đúng sai trước những thông tin trong xã hội cũng như trên mạng, trên cơ sở lợi ích của đất nước, của nhân dân và xã hội. Qua đó, là thời cơ và điều kiện để nâng cao sức đề kháng cho mọi người khi gặp phải những thông tin sai trái trong xã hội thực cũng như trên xã hội ảo và mạng.

Thứ hai, cần phải nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước các cấp, kịp thời xử lý những sai phạm của các thông tin, đẩy mạnh việc cung cấp trang thiết bị cho những cơ quan, tổ chức để có điều kiện sớm phát hiện và xử lý hiệu quả những thông tin sai trái trên mạng.

Thứ ba, chúng ta phải động viên và để mọi phương tiện thông tin đại chúng phát huy vai trò trách nhiệm của mình, thực hiện tốt thông tin tuyên truyền, với nội dung thông tin truyền thông đa dạng, phong phú và hiệu quả để tuyên truyền một cách nhanh nhất, chính xác nhất mọi mặt của đời sống xã hội, mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, cần cung cấp thông tin mà nhân dân đang cần thiết hiện nay, qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân, nâng cao yêu cầu của nhân dân đối với việc cung cấp thông tin trong nước và quốc tế, tạo nên sự đồng thuận của nhân dân đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; đấu tranh kịp thời với những tư tưởng, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Một giải pháp nữa là phải khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân góp phần đưa những thông tin tích cực, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phù hợp với đạo lý, pháp lý của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về văn hóa, về đời sống xã hội, tinh thần của nhân dân trong xã hội ngày càng cao hiện nay.

Bằng những giải pháp như vậy, chúng ta mới có thể huy động được toàn thể các lực lượng, mọi ngành, mọi cấp trong xã hội, đấu tranh chống lại những thông tin xấu, độc, phát huy tất cả những tính ưu việt, tiện ích của Internet, để xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là để giáo dục và bảo vệ thế hệ trẻ.

- Xin được cảm ơn Bộ trưởng.

VnMedia